Translate

Thứ Năm, 23 tháng 5, 2013

Điều kỳ diệu Nick

Điều kỳ diệu Nick và những lời hứa bỏ quên bên bậu cửa

nick-vujicicNgày mai, sau khi nghe Nick nói có bao nhiêu người sẽ lại quên ngay sau khi quay lưng, như bao người đã bỏ quên lời hứa bên bậu cửa nhà Lê Thị Huệ?!

12 giờ sau khi Nick Vujicic đến Việt Nam, con số 31,7 tỷ đồng chi phí cho 4 ngày anh mang “điều kỳ diệu” đến Việt Nam đã được công bố. Dẫu đây là số tiền không từ tiền thuế của dân, nhưng mặc nhiên nó vẫn là con số quá lớn trong tương quan với sự khốn khó của khoảng 6,7 triệu người khuyết tật trên toàn quốc. Để tiện so sánh, 19,6 tỷ đồng là kinh phí trợ giúp 250.000 người khuyết tật ở Kiên Giang trong suốt 10 năm 2010-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Còn kinh phí để giúp đỡ 6,7 triệu người khuyết tật cả nước trong 10 năm là 2.025 tỷ đồng.
Thưa các bạn, nói đến “điều kỳ diệu Nick” của ngày hôm nay, không hiểu sao tôi lại nhớ đến “ngày hôm nay” của Lê Thị Huệ.
Ngày 14.5 của 10 năm trước, với chỉ một cú ngã tưởng chừng bình thường, cô gái vàng của thể thao Việt Nam, đô vật Lê Thị Huệ, năm đó vừa tròn 18 tuổi, đã gãy tới 3 đốt sống cổ, giập tủy sống, liệt tức thời tứ chi.
10 năm sau, khi PV Lao động đến gặp cô trong một ngôi nhà nhỏ, ở một làng quê nghèo nào đó của huyện Quảng Xương và viết về nghị lực xen lẫn nỗi tuyệt vọng trong một cuộc sống ngập tràn khốn khó và sự lãng quên, dư luận đã sững sờ trước những sự thật cay đắng.
Sự cay đắng không phải là việc hàng ngày tất tật mọi sinh hoạt cá nhân từ chuyện tối thiểu nhất như đi vệ sinh, nữ đô vật khỏe mạnh và xinh đẹp ngày nào giờ phải trông cả vào người mẹ già đã ngoại 70. Sự cay đắng không phải ở việc dù ngã lên ngã xuống hàng vạn lần trong suốt 10 năm với một nghị lực phi thường nhưng cô vẫn không thể đứng dậy. Cũng không phải việc mất “Nửa tiếng để cài một chiếc cúc áo”. Sự cay đắng và nỗi xót xa đến từ chiếc xe lăn đã dùng suốt gần 10 năm giờ đã lên lão. Và nỗi tủi thân trước sự lãng quên, trước sự bạc bẽo, trước những lời hứa của quan chức ngành thể thao 10 năm trước, bị bỏ rơi ngay sau khi quay lưng, quên ngay bên bậu cửa.
Chẳng nghị lực nào có thể chiến thắng sự bạc bẽo của con người với con người.
Kể lại câu chuyện Lê Thị Huệ, không phải để nói số tiền 31,7 tỷ đồng là đắt, hay rẻ. 31,7 tỷ để dù chỉ vài người khuyết tật như Huệ có thêm niềm tin và nghị lực để sống thì chẳng có gì là đắt đỏ cả. Có nhiều thứ khác người ta còn ném cả ra sông ra biển đó thôi. Bởi giá như Lê Thị Huệ được đến Mỹ Đình, biết đâu, cô sẽ xua tan được nỗi tuyệt vọng và mặc cảm sau khi đã bị lãng quên hoàn toàn. Biết đâu cô sẽ tìm thấy cho mình một lẽ sống sau khi đã mất hết niềm tin vào những lời hứa hẹn.
Niềm tin và nghị lực mà “điều kỳ diệu Nick” mang tới Việt Nam không thể đo bằng tiền bạc.
Có điều Huệ sẽ không thể đến Mỹ Đình, vì thiếu tiền chẳng hạn, hay vì hướng tới Nick, chẳng ai còn nhớ đến cô nữa.
Nick đáng được khâm phục. Nick đáng được coi là một bài học. Nhưng đó là bài học cho cả những người không khuyết tật.
Bao nhiêu người sẽ đến để “xem”, thay vì nghe Nick nói. Bao nhiêu người sau đó sẽ biến sự cảm thông với những người khuyết tật thành những hành động cụ thể.
Ngày mai, khi nghe Nick nói, khi chứng kiến sự tự tin và nghị lực phi thường của chàng trai kỳ diệu, bạn có bao giờ tự hỏi mình sẽ làm gì cho những đồng bào đang khốn khó và cần sự trợ giúp của mình. Hay sau khi xúc động rớt nước mắt trước nghị lực và sự can đảm của anh, bạn cũng sẽ lại quên ngay sau khi quay lưng, như bao người đã bỏ quên lời hứa bên bậu cửa nhà Lê Thị Huệ?!
Sự đắt hay rẻ của khoản tiền 31,7 tỷ để Nick đến Việt Nam không phải chỉ là bài học nghị lực mà những người khuyết tật có được sau khi chứng kiến điều kỳ diệu Nick, có lẽ, nó còn phụ thuộc vào những hành động cụ thể của những người không khuyết tật.
Một kiến trúc sư sau khi nghe Nick thì từ tự hứa với mình, trong mọi công trình của ông kể từ giờ đều dứt khoát phải có thiết kế lối đi xe lăn cho người khuyết tật chẳng hạn.

Không có nhận xét nào: