Translate

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

VĂN HOÁ..." quan "

Thinh Nguyen

Làng Lộc An của tôi nằm sát sông Kiến Giang của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Ngày xưa có 6 ông 6 họ vào đây khai khẩn. Họ “quy hoạch” làng, làm con
 đường chính chạy ven sông gọi là đường Bến, từ đường Bến có những con đường vuông góc, gọi là trôổng (kiểu kiệt ngày nay), chạy ra cánh đồng thẳng cánh cò bay. Nhà nằm hai bên trôổng đều quay về hướng Nam- Tây Nam.
(Gọi là đường Bến vì mỗi trôổng có một cái bến nước)


Hình ảnh có thể có: cây, bầu trời, thực vật, ngoài trời, nước và thiên nhiên

Thời phong kiến, có thêm con đường sát cánh đồng chạy song song với đường Bến, gọi là đường Quan. Đường này do những người làm quan, kể cả những người mua được chức quan (từ hương lý trở lên) đóng góp để làm, thuận tiện cho việc đồng áng.
*
Ngày nay, những người làm quan không bao giờ bỏ tiền túi ra như quan thời phong kiến nhưng làng ai có người làm quan đều có đường sá và các công trình phúc lợi hơn làng khác, là vì họ ưu tiên dự án cho làng họ.

Trong huyện, chỉ có làng Đại tướng Võ Nguyễn Giáp là vẫn “chậm phát triển”. Dù ngoài Bác, em ruột bác là Võ Thuần Nho, hồi đó là Thứ trưởng Bộ GD. Trong làng, nhiều đời có Chủ tịch tỉnh (như ông Trần Sự) và nhiều Phó chủ tịch.

Sinh thời, các cụ già cũng có phàn nàn vì mỗi lần Đại tướng về đều đi con đường ven sông lầy lội, đầy ổ trâu. Chuyện đến tai Bác, Bác nói: “Tôi làm tướng nhưng không phải là người làm quan để cả họ nhờ”.

Về già, Đại tướng nói, “Khi tôi mất mà làm gì giúp được cho quê hương cũng vẫn giúp”. Bác về yên nghỉ ở Vũng Chùa- Đảo Yến, ngôi nhà lưu niệm của Bác ở An Xá... hàng năm biết bao nhiêu triệu người về thăm viếng, nghĩ mới thấy Bác sâu sắc đến nhường nào. (Còn việc giữ chân khách hành hương thì người đương thời phải lo chứ?).

Ngày nay, hiếm thấy một người làm quan nào bỏ tiền túi ra làm từ thiện khi dân tình gặp thiên tai, dịch bệnh... Chắc họ giữ sự “liêm khiết”.

*
Không phải giờ mới nói, chuyện này tôi từng nói với nhiều người cùng trang lứa làm quan lớn. Rằng tụi bây lên được chức đó là đã trải qua nhiều chức rồi, tiền bạc không phải là thứ quá cấp thiết nữa, giờ bỏ ra một nhiệm kỳ làm cho tử tế, giúp dân cái coi sao? Đứa nào cũng cười cười và... không thấy làm gì ra hồn. Thậm chí vẫn tai tiếng như thường.

Gần đây có mấy anh “Thái tử Đảng” lên làm quan to. Tôi cũng bạo mồm, nhà mày còn thiếu gì tiền, vậy thì làm cho ngon đi!
Ma. Nó còn tham hơn nữa. Tham đến mức bất chấp cả sinh mạng chính trị của mình.

Giờ mấy người làm quan lớn về hưu, đi bộ thể dục, ai thấy đều quẹo qua đường khác tránh mặt. Bạn bè không ai đến nhà (vì xưa đang quan họ đến đâu tiếp, họp lớp đâu đi), lính lác thì đương nhiên là không đến vì đã hết giá trị lợi dụng.

Tôi thì bình thường. Vì khi họ làm quan mình cũng không cần, họ về cũng vậy, chả liên quan nên có dịp đi nhậu vẫn đi.

Có lần bọn nó nói với tôi: Mày sướng nhất, ưa viết báo thì viết, thích đi dạy thì đi, thích đi chơi đâu cũng có bạn. Mày không biết đâu, về hưu không bạn buồn lắm.

Tôi thì không nói nhiều, cụ thể lắm: Mày đưa ta ít tiền ùng hộ người dân nghèo vì Covid đi.

Tụi nó im lặng. Dù tụi nó có nghĩ cách tiêu kiểu gì đến cuối đời cũng không làm sao hết được.
Văn hóa được người khác cung phụng đã in vào tiềm thức. Văn hóa quan.

Quan giờ vẫn thế.

(Ảnh: Cây bún bến sông làng Đai tướng Võ Nguyên Giáp - Entri này Nhân ngày sinh của ông 25/8/1911 ) 

Không có nhận xét nào: