Translate

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Hãy cảnh giác với chiêu trò của Bắc Kinh !

                                               Khi đại diện Trung Quốc trúng cử thẩm phán Tòa luật Biển !

TRUNG QUỐC ĐANG TÌM MỌI CÁCH ĐỂ KIỂM SOÁT BIỂN ĐÔNG: Tỏ ra thiện chí khi thảo luận với các nước ASEAN để cùng đóng góp cho hòa bình ở Biển Đông, nhưng thực chất Trung Quốc đang sử dụng nhiều chiêu trò để đe dọa, tìm cách kiểm soát vùng biển này.

Hôm qua 24.8, tờ South China Morning Post có bài viết về việc sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức đưa ra quan điểm về Biển Đông, Trung Quốc tìm cách đối thoại trở lại với các nước ASEAN để cùng thảo luận các vấn đề liên quan vùng biển này. Trong đó, có cả việc thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)

...........................................................

🛑Nói một đằng, làm một nẻo

Theo bài báo trên, quan chức Trung Quốc kêu gọi các thành viên ASEAN làm việc với Bắc Kinh, cần nối lại các cuộc đàm phán COC càng sớm càng tốt để “cho thấy một số tiến bộ”. Cũng theo quan chức này, Trung Quốc không muốn quá trình hợp tác vừa nêu bị “xâm hại” bởi quốc gia không tham gia thương lượng. Dù đại diện Trung Quốc không đề cập “quốc gia không tham gia thương lượng” là nước nào, nhưng giới quan sát không khó để nhận ra sự ám chỉ nhằm vào Mỹ.

Tuy nhiên, khác với những thông điệp được bài báo dẫn chứng ở trên, Bắc Kinh gần đây vẫn liên tục có nhiều động thái gây quan ngại. Cụ thể, quân đội nước này đang tổ chức cuộc tập trận ở phía bắc Biển Đông từ ngày 24 - 29.8, và những ngày tới còn có một cuộc tập trận khác ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Mới đây, hồi đầu tháng 8, Bắc Kinh đã điều động oanh tạc cơ H-6J đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trước đó, vào tháng 7, Trung Quốc cũng điều động các oanh tạc cơ H-6J và H-6G cùng một số loại máy bay khác tiến hành tập trận ở khu vực Biển Đông. Các động thái điều động oanh tạc cơ H-6G và H-6J được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là gây ra nhiều quan ngại và đe dọa an ninh khu vực.

Ngày 24.8, trả lời về việc Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận ở Biển Đông, PGS-TS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: “Trung Quốc tiếp tục tiến hành nhiều cuộc tập trận với mức độ ngày càng tăng ở Biển Đông nhằm gửi thông điệp đến Mỹ và các bên liên quan trong khu vực rằng Trung Quốc sẽ không từ bỏ theo đuổi những gì mà Bắc Kinh xem là lợi ích cốt lõi”.

TS Nagy cho rằng Trung Quốc sẽ còn tiến hành nhiều cuộc tập trận khi càng đến gần ngày bầu cử Tổng thống Mỹ nhằm khẳng định “ý chí” của Bắc Kinh trong bối cảnh bị Washington gia tăng áp lực. Không chỉ nhằm vào Mỹ, ông Nagy còn nhận xét: “Động thái này của Trung Quốc đồng thời để tăng cường vị thế trong quá trình đàm phán COC với các nước ASEAN”.

🛑Lắm chiêu nhiều trò

Liên quan COC, Bắc Kinh cũng đang có những chiêu trò hòng “đắc lợi”. Cụ thể, ngày 1.8, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc đã thay đổi thuật ngữ trong một quy định hàng hải của nước này. Qua đó, Bắc Kinh định nghĩa lại vùng biển nằm giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa là khu vực hàng hải “gần bờ” thay vì “xa bờ”.

Phân tích động thái này, TS Nagy nhận định đây là cách Trung Quốc củng cố cho các yêu sách chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra ở Biển Đông bằng cách tự đặt ra quyền kiểm soát hành chính cho vùng biển. Bắc Kinh có lẽ đang hướng đến mục tiêu là tự thiết lập một hồ sơ pháp lý để hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

“Bằng cách thay đổi thuật ngữ như trên, Trung Quốc muốn “vẽ lại” tính pháp lý của vùng biển nhằm có khả năng tiếp cận tối đa, đồng thời hạ thấp bất cứ điều nào trong COC có thể gây bất lợi cho Bắc Kinh. Cho nên, các nước ASEAN cần nhận thức rõ chiêu trò “tằm ăn dâu” của Trung Quốc, để từ đó cùng phối hợp ứng phó nhằm không để COC bị suy yếu sau này”, TS Nagy phân tích.

Bên cạnh đó, Bắc Kinh gần đây cũng đã công bố thành lập 2 cơ quan hành chính cấp quận - huyện để kiểm soát các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

🛑Trung Quốc “tưởng tượng” ra quyền lịch sử ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm qua 24.8 khẳng định yêu sách chủ quyền "đường lưỡi bò" của Trung Quốc nuốt trọn gần hết Biển Đông là “bịa đặt”, theo AFP. “Cái gọi là quyền lịch sử đối với những khu vực nằm trong yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc không hề tồn tại, ngoại trừ trong trí tưởng tượng của họ”, AFP dẫn lời ông Lorenzana phát biểu.

Trước đó, ngày 21.8, Philippines gửi công hàm ngoại giao, phản đối lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc “tịch thu bất hợp pháp” các thiết bị đánh bắt cá thả nổi trên biển gần Scarborough hồi tháng 5.
-------------------------

🛑Điều mà nhiều chuyên gia, giới quan sát quốc tế lo ngại đã xảy ra khi ông Đoàn Khiết Long, Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, trúng cử thẩm phán của Tòa quốc tế về luật Biển.

Ngày 25.8, Tân Hoa Xã đưa tin ông Đoàn Khiết Long vừa trúng cử trở thành thẩm phán của Tòa quốc tế về Luật Biển (ITLOS).

Trước đó, trong email trả lời, đại diện ITLOS cho biết tòa này có gồm 21 thẩm phán, được bầu chọn từ những ứng viên do các nước tham gia Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đề cử. Mỗi quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đề cử không quá 2 ứng viên. Theo điều lệ của tòa thì không có 2 thẩm phán trở lên mang cùng quốc tịch của một quốc gia. Cuộc bầu chọn lần này, có 10 ứng viên tham gia, được tiến hành để bổ sung 7 thẩm phán sắp hết nhiệm kỳ vào cuối tháng 9 tới đây.

Đến nay, theo Tân Hoa xã, ông Đoàn là 1 trong số 6 người đã trúng cử, và 5 người còn lại là David J. Attard (Cộng hòa Malta), Ida Caracciolo (Ý), Maria Teresa Infante Caffi (Chile), Maurice Kengne Kamga (Cameroon) và Markiyan Kulyk (Ukraine). Một ghế còn khuyết dự kiến được bầu chọn trong hôm nay (25.8).

Như vậy, liên tục từ năm 1996 đến nay, Trung Quốc luôn có đại diện trong số thẩm phán của ITLOS gồm Triệu Liên Hải (1996 - 2000), Từ Quang Kiếm (2001 - 2007) và Cao Chi Quốc (2008 - 2020).

Trước khi cuộc bầu chọn diễn ra, một số chuyên gia từng cho rằng cần xem xét việc Bắc Kinh không tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016 về việc bác bỏ tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Bởi thật đáng thất vọng khi một quốc gia không tuân thủ phán quyết dựa trên UNCLOS 1982 lại có đại diện.

Trả lời, GS Andrew Serdy (chuyên ngành công pháp quốc tế, Đại học Southampton, Anh) chỉ ra: “Rõ ràng Trung Quốc không có ý định tuân thủ phán quyết do Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (PCA) đưa ra vào năm 2016. Tuy nhiên, dù không có cách nào để ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ, nhưng cách hành xử của nước này có thể khiến Bắc Kinh chịu tổn thất về mặt chính trị. Một tổn thất chính trị có thể được thể hiện nếu số phiếu dành cho ứng viên Trung Quốc sẽ thấp đi”. Nhưng đáng tiếc là những người tham gia bầu chọn đã không thể hiện điều đó.

Liên quan cuộc bầu chọn này, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David R. Stilwell hồi tháng 7 đã thúc giục các nước không bỏ phiếu cho ứng viên họ Đoàn.

Ngoài ra, trước cuộc bầu chọn, GS Alexander Proelss, Chủ tịch về luật Biển quốc tế và luật Môi trường quốc tế thuộc Trường Luật của Đại học Hamburg (Đức), cho rằng: “ITLOS phải và sẽ thực thi quyền lực của mình một cách vô tư.

Đây là điều kiện mà mỗi thẩm phán phải tuân thủ. Để đảm bảo tính chí công vô tư, luật của ITLOS quy định những hoạt động mà thẩm phán không được phép làm (điều 7) và lập ra những điều kiện liên quan đến sự tham gia của mỗi thành viên vào một vụ cụ thể (điều 8). Trong khi mỗi thẩm phán dĩ nhiên sẽ tìm cách thuyết phục các thành viên khác trong hội đồng về lập trường luật pháp của mình, không thể có chuyện một vị thẩm phán lại có thể, trong một hội đồng hòa giải tranh chấp gồm 21 thành viên, áp đặt quan điểm của riêng mình lên các thành viên khác”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm: “Mỗi thẩm phán được tự do đưa vào ý kiến riêng hoặc bất đồng với các thẩm phán và quyết định, và qua đó có thể cố gắng gây ảnh hưởng lên việc phát triển luật quốc tế trong trường hợp có liên quan”. Đây chính là một thực tế đáng ngại khi đại diện Trung Quốc trở thành thẩm phán của ITLOS
.

nhà báo Hoàng Nguyên Vũ. 
> https://thanhnien.vn/the-gioi/khi-dai-dien-trung-quoc-trung-cu-tham-phan-toa-luat-bien-quoc-te-1270330.htm

Không có nhận xét nào: