Translate

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Bài học nào cho Việt Nam từ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979?

Hà Hiển
Trên Vnexpress vừa có bài viết “Bốn bài học từ cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược năm 1979” trong đó dẫn phát biểu của một số người là tướng lĩnh và học giả phân tích về những sai lầm của Việt Nam trong thời kỳ đó.

Lần đầu tiên báo chí chính thống có một bài viết như vậy về những sai lầm trong chính sách của Việt Nam thời kỳ 1979, thế là đáng khen. Mặc dù ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao đã viết về những điều này từ lâu rồi trong hồi ký của Ông.
Theo tôi sai lầm lớn nhất – đúng như phân tích trong bài viết – là đã để mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ do đòi hỏi không đúng lúc về bồi thường chiến tranh.
Sai lầm thứ hai như các học giả phân tích trong bài viết là ngả hẳn vào Liên Xô và trông đợi quá nhiều vào khả năng của Liên Xô trong việc bảo vệ Việt Nam.
Riêng về việc VN đánh Khmer Đỏ và chiếm đóng Campuchia thì tôi cho rằng có sai lầm nhưng không đồng ý với phân tích nêu trong bài viết rằng đó là sai lầm “không làm cho thế giới biết nên bị vu là xâm lược”.
Đúng là có thể một bộ phận thế giới “không biết” thật nhưng không nhiều và không đóng vai trò quan trọng, còn đa số các nước có tầm ảnh hưởng lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật và các nước Phương Tây khác họ biết thừa là Pol Pot đã gây ra những tội ác khủng khiếp như thế nào ở biên giới Việt Nam – Campuchia và Việt Nam ở cái thế buộc phải tiến công để tự vệ, và thừa cơ thì “giải phóng” luôn Phnom Penh.
Như vậy là các nước này cố tình không biết chứ không phải không biết thật. Họ cố tình không biết vì thời kỳ ấy vẫn còn chiến tranh lạnh, Liên Xô là đối trọng đấu tranh của họ, VN bị họ coi là con bài của Liên Xô nên họ coi mọi ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực cũng là ảnh hưởng của Liên Xô và họ chống lại các hành động đó.
Vậy Việt Nam có sai lầm trong cuộc chiến tranh ở Campuchia không? Câu trả lời là có nhưng không phải sai lầm làm cho thế giới “không biết” mà là sai lầm làm cho một bộ phận quan trọng của thế giới biết mà cố tình không biết và quay lưng lại với Việt Nam. Suy cho cùng thì đó chính là sai lầm thứ nhất và thứ hai – để tuột mất cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ngả về Liên Xô quá nên bị Nhật và các cường quốc Phương Tây xa lánh.
Nhưng ngay cả trong tình thế đó, nếu Việt Nam sau khi “giải phóng” Phnom Penh thì giao cho Liên hợp quốc quản trị, lập vùng đệm an toàn ở biên giới Việt Nam – Campuchia và tổ chức Tổng tuyển cử với vai trò chủ đạo của Sihanouk và rút quân Việt Nam về nước thì cái bọn “cố tình không biết” kia sẽ không còn cớ gì để phản đối Việt Nam và chúng ta vừa giữ được an ninh biên giới, có được lợi thế về ngoại giao vừa không tốn biết bao xương máu trong 10 năm tiếp theo ở Campuchia.
Thực tế, sau hơn 10 năm ấy thì Việt Nam cũng đã phải rút về nước vào năm 1989 và buộc phải để Liên hợp quốc quản lý để Campuchia tổ chức tổng tuyển cử để có một chính phủ cho đến nay luôn ủng hộ các yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông.
Nếu chỉ cần đến một kết quả rất khiêm tốn như vậy thì ngay trong những năm đầu thập kỷ 1980, Việt Nam đã có thể đạt được bằng cách trên mà không cần phải hy sinh xương máu hàng chục vạn thanh niên ở Campuchia trong thời kỳ 1979 – 1989.
Như vậy, sai lầm có tính bao quát nhất là đánh giá không đúng thời thế, không biết nhìn xa trông rộng, không biết mình, biết người.
Nhưng đấy cũng là sai lầm thường thấy của các nhà chính trị. Kể cả các nhà chính trị lỗi lạc cũng mắc bệnh này. Không nên trách họ vì nếu tui và các bạn ở vào vị trí đó, vào cái lúc thế “thắng trên đầu thù” như thế thì bị “lóa mắt” là điều có thể hiểu được.
Nhưng rất cần phải có những phân tích thấu đáo về lịch sử, không phải để trách mắng các tiền nhân, mà để rút ra bài học cho con cháu.
Mặt khác, cũng cần phải làm cho rõ rằng không có bất cứ lý do gì, kể cả những sai lầm trên của Việt Nam có thể bao biện cho những tội ác của quân xâm lược Trung Quốc đã gây ra cho đồng bào ta ở các tỉnh biên giới phía bắc. Các cuộc tàn sát bằng dao, lưỡi lê và búa bổ củi mà quân giặc thực hiện đối với người già, phụ nữ và trẻ em cần phải được gọi đúng tên là những hành động dã man, tàn bạo, khát máu của loại cầm thú. Bất cứ sự lảng tránh không đề cập đến những sự việc trên hoặc gọi nó với một cái tên khác không đúng với bản chất của nó – như ông “giáo sư sử học” Phạm Hồng Tung nào đó đang gợi ý – mới là xuyên tạc và bóp méo lịch sử, làm tổn thương đến vong linh của đồng bào và chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến.
> 
https://hahien.wordpress.com/2019/02/18/bai-hoc-nao-cho-viet-nam-tu-cuoc-chien-chong-trung-quoc-xam-luoc-nam-1979/

Không có nhận xét nào: