Thấy các bác thích chuyện ngày xưa và nhân thể bàn về nông nghiệp, Tổng Cua hầu một entry về thưở chăn trâu. Chả là làng này có ông Đinh Bộ Lĩnh, từng làm trẻ trâu, sau thành vua.
Nghe bố Cua kể, cụ họ Đinh cũng nghịch lắm. Thời trẻ thường bắt bọn cùng chăn trâu ngoài đồng chéo tay làm kiệu khiêng cụ như vua và cầm bông lau đi hai bên. Sau này, cụ trẻ trâu diệt 12 sứ quân, dựng nên nước Đại Cồ Việt và được gọi là Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau dẹp loạn.
Ông già nhà này nhớ vanh vách giai thoại sau. Một lần cụ Đinh mổ con trâu của người chú để “khao quân” vì đã khiêng kiệu cho “vua”. Thịt thì chén hết, còn đuôi trâu cắm vào kẽ nẻ của ruộng gặt đã khô.
Chiều tối về, không thấy trâu như mọi khi, ông chú hỏi, cụ Đinh trả lời như đinh đóng cột rằng, trâu chui xuống đất rồi (có version nói là vào hang và cửa hang đã bị lấp lại). Người chú tới nơi, tưởng trâu chui xuống đất thật, vội vàng rút cái đuôi và ngã chổng vó. Ông liền vác gươm đuổi đánh đứa cháu hỗn láo
.
.
Cụ họ Đinh chạy đến bến đò từ Gia Phương sang Trường Yên. Người lái đò tên là Rồng, hàng ngày vẫn đưa khách qua sông, lúc ấy không biết ngủ ở bụi tre nào. Cụ trẻ trâu gọi thảm thiết “Rồng, Rồng, cho ta qua đò”, nhưng chẳng thấy đò đâu.
Bỗng nhiên một con rồng nổi lên dù là giữa trưa. Cụ trẻ trâu cứ thế bước lên lưng, đi tới đâu, khúc rồng chìm tới đó, cho tới khi du khách sang bên bờ phía Trường Yên. Ông chú nhìn rồng cứu, biết cháu mình có trời giúp, sẽ làm nên bậc đế vương. Ông cắm gươm xuống, vái mấy vái.
Sau này chỗ đó thành một trái núi gọi là núi Cắm Gươm. Sông mà vua Đinh từng qua gọi là sông Hoàng Long. Trường Yên trở thành thủ đô của nước Đại Cồ Việt sau khi Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.
Nghe nói sau gần 1000 năm, vùng đất ấy sinh ra một trẻ trâu khác, húy là Hiệu Minh, hiệu Tổng Cua. Y sinh ra trong hang núi Nhội vào một đêm đông giá lạnh. Nghe bà mẹ kể, hắn sinh vào giờ trâu ỉa lúc 3 giờ sáng, nên sau này thành kẻ cưỡi Ngưu Ma Vương chuyên nghiệp.
Lúc 5 tuổi đã biết trèo lên lưng bằng cách bắt con trâu cúi xuống, trèo lên đầu và hai sừng, rồi bắt ngẩng đầu lên, hắn ung dung lên cật (lưng) trâu, nhẹ nhàng hơn cả lên khoang thương gia của VN Airlines.
Mùa hè cũng như mùa đông, nhiệm vụ của y là phải cho trâu ăn thật no. Nếu tối về mà hông vẫn hóp (bụng đói) thì bị bà mẹ cho ăn đòn.
Lão thường chăn trâu tại các bờ ruộng lúa vào mùa xuân khi cỏ mọc xanh ngát, thơm lừng. Trâu đã được dạy dỗ đến nơi đến chốn, chỉ được ăn cỏ ở lề giữa, không được tham nhũng hay xà xẻo lúa non của nhân dân.
Gặm cỏ vài bờ ruộng là trâu no nê. Cu cậu rửng mỡ đi tìm chân dài trẻ trong làng, gặp em nào cũng nhe răng cười, rồi ngửi cả chỗ nhậy cảm, nước rớt dãi chảy đầy mồm. Hóa ra hắn học được kiểu french love từ thời thực dân mũi lõ đóng ở bốt Hoàng Đan, quê ông Văn Cao. Nghe các cụ trong làng nói là Tây lê dương nếm cả ”hũ mắm tôm”.
Trâu chả thèm thông báo cho ông chủ tý hon biết sẽ hành sự mà không cần các màn dạo đầu. Nó nhảy phắt lên lưng cô nàng trẻ đẹp, tai lá mít, đít lồng bàn, mông tròn hơn cả hoa hậu hoàn vũ. Cô bé kia kêu è è “hiếp dâm, hiếp dâm” nhưng nàng lại cứ đứng im xem “cái mả cha nó thế nào”, lại còn tạo thế cho cu cậu trèo hai chân lên từ phía sau, dễ bề làm ăn.
Thằng bé ngồi trên lưng trâu ngã lộn cổ xuống bãi cỏ. Có lần bị đau, cổ vẹo đi mấy tháng. Sau này đi khám thấy bác sỹ phán là do ngày xưa xem quá nhiều phim live sex của trâu nên bị bệnh thoái hóa xương cổ.
Cả làng ấy nhờ vào con trâu của nhà Cua, lấy giống mà không mất tiền. Giá mà hồi đó kinh doanh giống trâu thì có lẽ nhà Cua giầu to. Con trâu này như chàng lái xe liên tỉnh, vợ bé, vợ lớn, người tình khắp nơi, tiện chỗ nào là hành sự.
Khổ trần đời cho thằng cu trên lưng trâu, ngày nào cũng phải chịu đựng cảnh làm tình giữa thanh thiên bạch nhật của bọn trâu bò. Có lẽ vì thế mà bây giờ, ai rủ Cua xem phim nóng thì hắn cười, đây xem live từ lúc lên 5, hay hơn DVD trên HD tivi bây giờ.
Chủ trâu đôi khi rỗi việc cũng bắt chước Đinh Bộ Lĩnh, rủ cánh cùng tuổi bên làng Trung Chữ đánh nhau. Dân làng sống bên sông Chanh nổi tiếng gấu bể, cướp của giết người, trộm cắp đủ cả. Trẻ con làng Tụ An đánh nhau với Trung Chữ là thua toàn tập. Có lần một cậu bị đối phương bắt sống, lột hết quần áo, phải trần truồng cưỡi trâu về làng, vừa đi vừa khóc, cả làng cười rũ rượi.
Thua nhiều quá nên Cua quay ra đọc sách để tìm mẹo. Thôi thì từ Tam Quốc, Tây Du đến Thủy Hử. Thích nhất là mẹo của Khổng Minh lừa Chu Du, nhưng mang ra áp dụng toàn sai. Lẽ ra phóng hỏa đốt ruộng nhà bên cạnh thì lại đốt nhà mình.
Được cái may, Cua đọc sách nhiều nên bớt đánh nhau. Cứ thấy giao tranh là hắn chuồn vì Tôn Tử bảo, 36 chước thì chước chuồn là nhất. Có lẽ vì thế mà hắn ra được khỏi lũy tre làng, may mắn hơn so với bạn cùng lứa chỉ thích đánh nhau hơn là đến trường.
Cả làng mỗi lão đi học xa. Sáu tuổi đã đi bộ 3-4km tới trường, thời cấp III cuốc bộ 8km mới tới lớp. Dân trong xóm gọi đó là turning point trong đời của kẻ chăn trâu.
Đi học về phải lên lưng trâu, học trên lưng trâu, ca hát, hò vè, thổi sáo và ngủ cũng trên lưng trâu. Mùa đông khá ấm, nhưng mùa hè, lưng trâu nóng, thỉnh thoảng trâu lội ùm xuống sông, quần áo ưới hết. Thời đó chỉ có quần áo thửa của các anh lớn. Đến lượt mình thì đã rách bươm, hở hết cả những chỗ cần kín đáo.
Về mùa mưa lũ, nước ngập trắng đồng, cỏ không còn nữa. Chăn trâu mùa này rất nguy hiểm, dễ bị chết đuối hay nước lũ cuốn trôi. Lại phải biết dạy trâu ăn mò. Đầu tiên cho trâu ra ruộng bị ngập, làm một nắm cỏ nhử vào miệng, trâu thò lưỡi ra liếm thì cho nắm cỏ chìm dần trong nước. Trâu chúi mũi theo và phát hiện dưới mặt nước cũng là kho báu vô tận.
Thường phải mất cả tuần mới dạy được các chú trâu kiểu ăn dưới nước này. Nhưng biết ăn mò thì trâu khá béo và đỡ vất vả. Chủ ngồi trên lưng giữa đồng nước lụt trắng trong, thổi sáo cho cả làng nghe. Nếu không, phải lặn xuống, cắt cỏ rồi rửa sạch cho trâu. Đó là cực hình của đám trẻ trâu về mùa lụt.
Mùa đông ông già đi mua cỏ tận đẩu tận đâu trên miền ngược, mang một bè cỏ mang về cho trâu ăn suốt mùa Đông. Mỗi lần đi lấy cỏ trong ao là vô cùng gian nan, trời rét mướt, quần áo bẩn hết, đỉa trâu to như ngón chân cái, cắn một phát, hút máu bằng mấy bát cơm.
Sau này làng ấy có quyết định quốc hữu hóa trâu bò. Người ta bỏ 100 đồng ra mua, hợp tác xã hóa giá 50 đồng. Thế rồi cho vào chuồng ngoài sân kho, cha chung không ai khóc, trâu bị bỏ đói, ốm yếu. Một hôm người ta tuyên bố, trâu nhà Cua cần được hóa kiếp.
Trong đời mình đã từng yêu, bị người yêu bỏ, nhưng chưa bao giờ rơi nước mắt. Nhưng thấy con trâu của mình bị một búa tạ phang vào đầu, nó ngã gục xuống, kêu thảm thiết, thì Cua đã khóc.
Nỗi xót xa đau đớn của người nông dân mất ruộng, mất trâu không có gì sánh bằng. Có ở trong cảnh ấy mới thấu hiểu tại sao người nhà quê thấy đất trồng trọt bị biến làm sân golf hay khu công nghiệp lại có thể khóc chảy máu mắt.
Dù lang bạt nơi góc biển chân trời, nhìn trâu ăn cỏ ở đâu đó, dù ở Indonesia, Campuchia hay bên Timor Leste, lão như thấy quê nhà thanh bình và yêu dấu. Tuổi thơ hiện lên hồn nhiên và trong trắng với những cánh cò chiều. Bỗng Cua muốn quay về thời ngồi trên lưng trâu thổi sáo giữa đồng lúa hơn là bươn chải bon chen giữa dòng đời.
Có lần Tổng Cua tới bến đò Trường Yên nhìn sang phía Gia Phương, nơi cụ trẻ trâu Đinh Bộ Lĩnh được rồng đưa qua sông. Ngồi thừ, nhìn dòng sông trôi lững lờ, nghĩ về cổ nhân cách đó một nghìn năm. Núi Cắm Gươm vẫn còn đó, nhớ ông chú biết vái kẻ chăn trâu, tuy ngỗ nghịch nhưng thông minh, đã giúp đứa cháu làm nên tới bậc đế vương.
Mới hay, người xưa có tầm nhìn xa trông rộng và biết trân trọng thế hệ trẻ đã giúp hưng thịnh một miền đất hay cao hơn là khai sinh một quốc gia.
HM. 5-5-2011.
.
.
Bài liên quan
*
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét