KHÔNG ĐƯỢC NỔ SÚNG TRƯỚC?
.
Ai là kẻ đáng kết án? Kẻ đã ra lệnh “Không được nổ súng TRƯỚC”, hay là nhóm tác giả cuốn sách đã in thiếu mất chữ TRƯỚC?
Tôi có cha và em ruột từng ở Hải quân nên được nghe những chuyện đau lòng khác đằng sau Vòng Tròn Bất Tử. Khi đó (1988) tàu mạnh nhất của Hải quân China thuộc lớp Kronstad là tàu do LX viện trợ từ ngày xưa rồi. Tháp pháo của loại tàu này cố định trên mặt boong, khi bắn phải chỉnh theo độ dềnh của sóng nên tốc độ bắn chậm. Hải quân Việt Nam thì đã có tàu thế hệ mới, pháo được nằm trong ổ con quay nên không bị ảnh hưởng bởi sóng, hỏa lực vượt trội. Nhưng tất cả các tàu chiến đấu đều ở lại trong cảng, chỉ có tàu vận tải được phép ra đảo để chở các chiến sỹ công binh. Sự hy sinh của 64 người anh hùng và mất Gạc Ma có thể nói là do lệnh từ cấp cao không cho phép tàu chiến xuất kích. Những khẩu súng bộ binh bắn trước hay bắn sau trong trường hợp này thì đều không thể đối đầu được với kẻ thù vừa tàn bạo, vừa có hỏa lực áp đảo.
.
Tôi rất buồn vì một số bạn cũ của mình là CCB lại cũng hùa theo lực lượng tuyên truyền nào đó mà kết án cuốn sách “Gạc Ma vòng tròn bất tử” mà rất có thể họ chưa đọc. Tôi muốn viết một bài từ mấy hôm nay rồi, nhưng lại chưa được đọc sách này nên e không khách quan. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của bạn tôi, Phạm Hữu Nghị, một cựu chiến binh, luật gia và giảng viên đại đọc còn đương chức, về cuốn sách này. Chân thành cảm ơn bạn.
Sau đây là bài viết của anh Phạm Hữu Nghị
.
CẢM NGHĨ SAU KHI ĐỌC “GẠC MA – VÒNG TRÒN BẤT TỬ”
(FB Nghị Phạm Hữu, tiêu đề do TBH đặt).
.
Dù đang rất bận, tôi vẫn dành 6 giờ đồng hồ đọc liền một mạch cuốn "Gạc Ma- Vòng tròn bất tử" (mời anh chị em xem ảnh).
Cuốn sách có 4 chương: Chương 1 Tháng ba bi tráng; Chương 2 Nén lặng những nỗi đau, Chương 3 Ký ức lính Gạc Ma và cuộc đời hậu chiến, Chương 4 Sự thật lịch sử không thể lãng quên.
Tôi đã đọc một số tài liệu về cuộc thảm sát các chiến sĩ ta ở Gạc Ma do quân lính Trung Quốc gây ra nhưng khi đọc cuốn sách này tôi vỡ ra nhiều điều.
1. Các sĩ quan và chiến sĩ ta đã biết rằng, việc đóng giữ trên thực tế bằng việc xây nhà lô cốt, cắm cờ Tổ quốc trên các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam là vô cùng khó khăn, gian khổ; quân Trung Quốc sẽ ngăn cản, bao vây, uy hiếp. Thế nhưng quân ta không thể lường quân Trung Quốc vô cùng dã man xả súng giết các chiến sĩ ta khi đang vận chuyển nguyên vật liệu lên bãi san hô Gạc Ma. Sáng sớm ngày 14.3.1988 lính Trung Quốc vẫn còn mời chiến sĩ ta ăn mì khô, lương khô. Chỉ một lúc sau, chúng nó đã dùng dao găm đâm vào quân ta, dùng súng nhỏ, súng to bắn thẳng vào quân ta.
2. Tham gia bảo vệ Gạc Ma vào ngày hôm đó có: Các chiến sĩ hải quân và các chiến sĩ công binh. Các chiến sĩ công binh không dạn dày sóng gió, không thành thạo súng ống vì nghề chính là xây dựng các công trình.
3. Ngày hôm đó có 3 tầu của ta ra khu vực đảo Sinh Tồn. Đó là các tầu mang số hiệu HQ 604, HQ 505 và HQ 605. Đây đều là tàu vận tải, chở hàng, chứ không phải là tầu chiến. Các tầu này đều đã cũ. Còn các tàu phía Trung Quốc đều là các tầu chiến, không chỉ mang pháo mà cả tên lửa.
4. Trong hoàn cảnh bị o ép, khiêu khích, cản trở quân ta vẫn kiên trì thực hiện việc xây nhà lô cốt trên các đảo chìm Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, trước hết là Gạc Ma.
5. Ngày 14.3.1988 quân ta với 3 tầu chở nguyên vật liệu có nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ không chỉ đảo chìm Gạc Ma mà còn phải bảo vệ 2 đảo Cô Lin và Len Đao. Tàu HQ 604 áp sát đảo Gạc Ma, tàu HQ 505 áp sát đảo Cô Lin, tàu HQ 605 áp sát đảo Len Đao. Quân Trung Quốc đã bắn vào các chiến sĩ kết thành vòng tròn bảo vệ lá cờ của Tổ quốc, bắn chìm tàu HQ 604. Các tàu chiến của Trung Quốc đã nã đạn tấn công hai tầu HQ 505, HQ 605. Thuyền trường tàu HQ 505 đã ra lệnh lao tầu lên bãi cạn Cô Lin tạo thành một lô cốt, một pháo đài không thể đánh chìm. Nhờ thế mà quân Trung Quốc không thể chiếm được Cô Lin, dù đảo này rất gần Gạc Ma. Thuyền trưởng tàu HQ 605 cũng ra lệnh lao tàu lên đảo Len Đao. Cả hai tàu HQ 505 và HQ 605 đều đã bị thương rất nặng trước khi lao lên đảo.
6. Chúng ta biết nhiều về các chiến sĩ kết thành vòng tròn bất tử trên đảo Gạc Ma đã hy sinh anh dũng vì chủ quyền biển đảo. Nhưng chúng ta còn biết ít về sĩ quan và chiến sĩ vào ngày 14.3.1988 đang ở trên 3 con tàu 604, 505 và 605. Các sĩ quan, chiến sĩ trên tầu 604 người hy sinh, người bị thương đã chìm xuống đại dương cùng với con tầu. Các sĩ quan tàu HQ 505 đã giữ được Cô Lin, đã tìm kiếm và đưa các đồng hy sinh, bị thương về tàu HQ 505.
7. Có 9 chiến sĩ ta bị quân Trung Quốc bắt khi đang bám vào mảnh vỡ của tàu trôi nổi trên biển. Ba năm sau chính quyền Trung Quốc mới trao trả cho ta.
8. Một năm sau sự kiện Gạc Ma, Nhà nước ta đã tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang cho 5 sĩ quan, chiến sĩ và 1 tập thể là Tập thể tàu HQ 505.
9. Một số hài cốt của các sĩ quan, chiến sĩ trong con tàu HQ 604 đã được các ngư dân Lý Sơn đưa lên, qua kiểm chứng ADN đã chuyển giao cho các gia đình. Trong quá trình lặn vào trong lòng tàu HQ 604 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, một ngư dân đã chết.
Cho đến nay chính quyền Trung Quốc vẫn kiên quyết không cho Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đang ở trong lòng tầu HQ 604 bị chìm rất gần đảo Gạc Ma do họ chiếm đóng trái phép.
10. Tôi rưng rưng nước mắt khi đọc những ký ức của các chiến sĩ, thân nhân của các chiến sĩ về sự kiện bi tráng ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma. Cựu binh Nguyễn Văn Lanh nói: Điều tôi day dứt nhất là không giữ được Gạc Ma! Trước khi hy sinh, Trần Văn Phương nói: Thà hy sinh chứ nhất định không chịu mất đảo!
Trong cuốn sách có đăng những tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây là một cuốn sách rất quý!
Tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước các chiến sĩ đã hy sinh!
Cảm ơn những cựu binh đã kể cho tôi nghe về sự kiện bi tráng Gạc Ma, cảm ơn các tác giả và những người làm sách.
Cuối cùng, tôi phản đối những người có thể chưa đọc cuốn sách mà mới chỉ nghe ai đó nói lung tung, vô căn cứ đã la lối lên rằng phải thu hồi cuốn sách quý này và thóa mạ anh hùng Lê Mã Lương.
Các vị hãy đọc và thấm đi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét