Dường như cục diện thế giới hiện nay đang ngả về phía ông Tập Cận Bình cùng 'Trung Quốc mộng' của ông?
Tập duyệt quân trên tàu sân bay Liêu Ninh |
Tân Hoa xã (THX) ngày 12-4 trịnh trọng đưa tin: “Chủ tịch Tập duyệt hải quân ở Nam Hải (tức Biển Đông của Việt Nam) vào sáng thứ năm (ngày 12-4), phát biểu rằng nhu cầu xây dựng một lực lượng hải quân hùng mạnh là khẩn thiết hơn bao giờ hết”. Hơn 10.000 quân nhân trên 48 tàu chiến, trong đó có cả tàu sân bay Liêu Ninh, cùng 76 máy bay các loại đã diễu qua trước ông Tập, ngự trên khu trục hạm Changsha, trong bộ quân phục dã chiến.
Khát khao hải quân hùng mạnh
Ông Tập huấn thị tướng sĩ tham gia cuộc diễu hành hải quân, mà theo THX là lớn nhất từ khi Trung Quốc ra đời vào năm 1949 tới giờ, rằng “Trung Quốc luôn khát vọng có một hải quân mạnh, chìa khóa đảm bảo cho sự “hồi xuân” (rejuvenation) của Trung Quốc”, và rằng cần “đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa hải quân”. Ông yêu cầu tướng sĩ “luôn duy trì cảnh giác cao, đáp lời kêu gọi của Đảng và nhân dân mọi lúc, dứt khoát bảo vệ các lợi ích quốc gia...”.
Quả thật, ông Tập đã rất thành thật khi nói rằng “Trung Quốc luôn khát vọng có một hải quân mạnh”.
Hầu như trong suốt chiều dài lịch sử, Trung Quốc chưa hề được biết tới là một cường quốc hải quân, chưa từng ghi điểm trong một trận hải chiến nào trước các đối thủ xứng tầm, bởi thế mới thất thủ trước các pháo hạm của phương Tây vào cuối thế kỷ 19, chịu thua trước hải quân Nhật Bản trong cuộc chiến năm Giáp Ngọ (1894), lại tiếp tục chịu trận trước ba tàu sân bay Nhật vây hãm Thượng Hải suốt thập niên 1930, bó tay trước các tàu sân bay Mỹ giải nguy Nam Hàn trong cuộc chiến Triều Tiên, rồi đến cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ ba năm 1995-1996, đang hùng hổ phóng rào rào tên lửa qua eo biển để trừng phạt việc nhà lãnh đạo Đài Loan Lý Đăng Huy về thăm “trường mẹ” là Đại học Cornell (Mỹ) và đọc bài diễn văn “Kinh nghiệm dân chủ hóa của Đài Loan”, bỗng ngưng bặt sau khi hai nhóm tàu sân bay Mỹ từ hai hướng đổ về đây.
Từ đó, Trung Quốc thực sự khát khao hiện đại hóa hải quân. Thủ tướng Lý Bằng bay sang Nga đặt mua ngay khu trục hạm lớp Sovremenny, tàu ngầm lớp Kilo cùng 76 chiến đấu cơ Su-30MKK và 24 Su-30MK2, khởi đầu sự “thức dậy” của Trung Quốc, mà Napoléon từng cảnh báo từ năm... 1816 trên đảo Sainte-Hélène sau khi đọc xong nhật ký du hành sang Trung Quốc của sứ thần Anh George Macartney, rằng “khi Trung Quốc thức giấc, cả thế giới sẽ rung chuyển”.
Nay ông Tập chụp hình chung với binh sĩ hải quân của ông, dưới nòng khẩu pháo 130 li của khu trục hạm Changsha mới vào biên chế hạm đội Nam Hải từ tháng 8-2015, với chức năng làm “khiên trời” nhờ hệ thống radar và tên lửa phòng không tầm xa được cho là có thể “trị” được máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.
Từ boong tàu, ông Tập khích lệ tướng sĩ rằng: “Đảng và nhân dân tự hào vì hải quân nhân dân Trung Quốc”, trước khi lực lượng này bắt đầu tập trận bắn đạn thật từ 8h sáng đến nửa đêm thứ tư 18-4, cách đảo Kim Môn do Đài Loan kiểm soát 40km.
Còn nhớ Kim Môn và Mã Tổ từng là mục tiêu của các cuộc đấu pháo ngày đêm cuối thập niên 1950, đầu 1960. Một cuộc “đốt pháo bông” giờ diễn ra giữa ban ngày để mừng thành tích làm chủ lực lượng hải quân “đẳng cấp thế giới”!
THX còn nhấn mạnh: “Cuộc diễu hành hải quân hôm thứ năm tuần rồi huy động cả tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh...”. Coi như khát khao tàu sân bay của bao thế hệ ở Trung Quốc sau bao tủi hờn nay đã thành hiện thực.
Có một điều lạ lùng trong thái độ của giới quân sự Trung Quốc. Trong khi luôn miệng chê bai vai trò của tàu sân bay và đe rằng sẽ đánh chìm mọi tàu sân bay của Mỹ bằng “sát thủ diệt tàu sân bay”, tên lửa Đông Phong 21D, thì họ lại hãnh diện vô cùng với chiếc Liêu Ninh và hào hứng đóng thêm các tàu sân bay nội địa. Cứ thế, Trung Quốc từ đầu năm nay cứ lôi chiếc Liêu Ninh diễn tập ngang dọc Biển Đông, như một bảo bối vô song!
Thôi thúc thỏa mãn tự ái dân tộc này được tờ Bưu Điện Hoa Nam ngày 14-4 thừa nhận trong bài báo với tựa đề: “Cuộc diễn tập hải quân khổng lồ của Trung Quốc có làm dịu đi một thế kỷ thương tổn của niềm tự hào dân tộc?”.
Bài báo đăng tải một số chi tiết ghi nhận từ các mạng xã hội Trung Quốc: Việc đưa tin sự kiện (duyệt hải quân) hôm thứ năm đã làm dấy lên những nhận xét trên mạng so sánh sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay với sức mạnh ở thời điểm thất trận năm 1894.
“Tôi không thể không nghĩ về lãnh hải và lực lượng hải quân Trung Quốc cách đây hơn 100 năm - Baban Caiye của Weibo viết - Chúng ta đã thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật đầu tiên vào năm 1894 và phải tự đánh chìm tàu chiến của chúng ta trên sông Dương Tử vào năm 1937 trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật thứ hai… Nhưng bây giờ chúng ta đã thực sự mạnh mẽ rồi”.
Một người khác, dưới tên Xiaoan Leo, nói rằng kể từ chiến tranh Giáp Ngọ, hải quân Trung Quốc chỉ có tên mà thôi, và tình hình nay đã khác. “Nếu xảy ra một cuộc chiến nữa, làm ơn đừng làm con tim chúng tôi tan nát!” - Leo viết.
Bố cục Nam Hải TQ cuối cùng đã được công bố, |
Hùng mạnh để làm gì?
Bưu Điện Hoa Nam 12-4 trích phát biểu của Song Zhongping (Tống Trung Bình), một cựu chuyên gia của lực lượng tên lửa Trung Quốc: “Cuộc tập trận gần vùng biển Tam Á thể hiện quyết tâm của quân đội Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền trong khu vực tranh chấp, và khả năng hải quân bảo vệ lợi ích của Trung Quốc dọc theo vành đai và con đường”.
Những bài báo như trên càng cho thấy hải quân không chỉ là công cụ thỏa mãn tự ái dân tộc, mà còn là để “bảo vệ chủ quyền” và áp đặt ý chí dưới chiêu bài “bảo vệ lợi ích quốc gia”. Sự răn đe không còn là gián tiếp nữa, mà là trực tiếp khi mà ba tàu chiến Úc HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success, trong khi trên đường tới cảng Sài Gòn thăm hữu nghị, đã bị tàu chiến Trung Quốc “làm luật” trên Biển Đông (ABC News 20-4).
Tàu khu trục HMAS Toowoomba khởi hành từ cảng Kota Kinabalu (Malaysia), còn hai tàu khu trục HMAS Anzac và tàu hậu cần HMAS Success từ cảng Subic (Philippines), trực chỉ cảng Sài Gòn, đều đã bị “cảnh báo” bởi tàu chiến Trung Quốc hôm 15-4.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói: “Hôm 15-4, các tàu hải quân Trung Quốc đã gặp các tàu hải quân Úc trên Biển Đông. Tàu của Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp để giao tiếp với phía Úc. Hoạt động của Trung Quốc là hợp pháp và phù hợp với các công ước, rất chuyên nghiệp và an toàn”.
ABC News thì dẫn lời Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố trong một cuộc họp báo ở London: “Chúng tôi duy trì và thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không trên khắp thế giới, và trong bối cảnh này, trên tất cả các đại dương kể cả trên Biển Đông, do đây tuyệt đối là quyền hợp pháp của chúng tôi, tham chiếu luật pháp quốc tế”.
“Nội dung” cuộc “chạm mặt” này không được công bố chi tiết, song theo Neil James - giám đốc điều hành ADA (Hiệp hội Quốc phòng Úc), một tổ chức nghiên cứu an ninh quốc phòng ở Úc, thì một vụ “thách thức” như vậy thường là cảnh báo bằng điện đài rằng tàu Úc đang ở trong “lãnh hải Trung Quốc” và yêu cầu khai báo nhận dạng, sau đó phía Úc đã trả lời rằng họ đang ở trong vùng biển quốc tế”, theo Japan Times 20-4.
Câu hỏi đặt ra là việc các tàu Úc bị làm khó dễ và việc đích đến của họ là cảng Sài Gòn phải chăng chỉ là trùng hợp? Vụ đụng độ phát đi tín hiệu gì, nhằm cảnh cáo những ai? Còn nhớ, ngày 10-4, The Diplomat cho biết Trung Quốc đã lắp đặt xong trên hai đảo Chữ Thập và Vành Khăn, vốn của Việt Nam, các hệ thống thiết bị áp chế điện tử có thể “gây nhiễu cho radar, định vị vệ tinh GPS, và các hệ điều khiển từ máy bay tới tàu chiến, tên lửa của đối phương”.
Với hệ thống này, coi như Bắc Kinh đang khống chế Biển Đông. Từ những động thái quân sự như vậy, Trung Quốc đã và đang lần hồi bành trướng mà không cần động thủ.
Hạ tuần tháng 5-2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng tiết lộ Trung Quốc đã dọa chiến tranh nếu Philippines khoan thăm dò dầu khí. Gần một năm sau, RFI 14-4 đưa tin: “Trở về nước hôm qua, 13-4, sau chuyến công du Trung Quốc bốn ngày, Tổng thống Philippines Duterte thông báo đã đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh về việc tiến hành khai thác chung tại một số khu vực ở Biển Đông. Viễn cảnh chính quyền Manila thỏa thuận với Bắc Kinh khai thác chung ở Biển Đông bị nhiều người Philippines phản đối dữ dội, vì lo ngại chủ quyền quốc gia bị xâm phạm”.
Từ việc Philippines “khai thác chung” với Trung Quốc, không thể không đặt câu hỏi “khai thác chung” cái gì, ở đâu, và nhất là tại sao phải khai thác chung, chớ không chỉ đơn giản là “ăn chia” theo tỉ lệ?
Có thể thấy Biển Đông đang rơi vào tay Trung Quốc như thế nào, bất chấp những hứa hẹn!
Hậu thuẫn đồng minh
Trên một bình diện khác, tờ Bưu Điện Hoa Nam 12-4 chạy thêm dòng tít đáng lưu ý: “Trung Quốc khởi động hải quân diễn tập bắn đạn thật nhằm cảnh cáo Đài Loan và bày tỏ hậu thuẫn cho Nga”.
Bài báo trích dẫn chuyên gia quân sự Macao, Antony Wong Dong: “Cuộc xung đột quân sự giữa Mỹ và Nga ở Syria có thể bùng phát bất cứ lúc nào và cuộc tập trận ở eo biển Đài Loan có ý nghĩa như sự ủng hộ cho đối tác chiến lược Nga trong cuộc khủng hoảng Syria sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe dọa tấn công Syria. Rất có thể, do là đối tác chiến lược của Nga, Trung Quốc đang sử dụng hải quân để thể hiện sự hỗ trợ chính trị cho Nga trong một thời điểm nhạy cảm như vậy”.
Suy nghĩ này cùng chiều với tuyên bố của tân Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa tại Matxcơva vào đầu tháng 4: “Phía Trung Quốc tới đây để cho người Mỹ thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa quân lực Trung Quốc và Nga...
Bắc Kinh sẵn sàng bày tỏ cùng Matxcơva những quan ngại chung, lập trường chung của chúng ta về những vấn đề quốc tế quan trọng ở các diễn đàn quốc tế”. Từ lâu Trung Quốc luôn cùng chung tiếng nói với Nga ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong các vấn đề như Triều Tiên, Syria...
-----------------
nguon:http://tinmoi24.vn/bien-dong-va-canh-mot-minh-mot-cho/news-5-2-8d492af4b777479b0e9efbf6f7c1b996
-----------------
nguon:http://tinmoi24.vn/bien-dong-va-canh-mot-minh-mot-cho/news-5-2-8d492af4b777479b0e9efbf6f7c1b996
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét