Translate

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

"Lực lượng 47", họ là ai?

Hơn 10.000 người trong 'Lực lượng 47' đấu tranh trên mạng
 Doanh nghiệp “hỗn” hay tại quan chức tham?
Bài học nhìn từ Đà Nẵng
 "Út Trọc", "Vũ Nhôm", "Hot Girl xứ Thanh" và bài học nước mắt
Vũ “nhôm” – phải chăng là hồi chuông báo động về “tư bản thân hữu”?



FB Manh Kim

Làm công việc truyền thông nên tôi không thể không quan sát truyền thông mạng và yếu tố “tâm lý truyền thông” của nó. Nếu chịu khó quan sát và đọc ý kiến (comment) trên các trang của một số người có sức ảnh hưởng, sẽ thấy không khó để phân loại các nhóm mạng xã hội và cũng không quá khó để “định vị” được các nhóm tác chiến của “lực lượng 47”.

Cái gọi là “10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng” hẳn nhiên không chỉ là một nhóm “lưu manh” có mỗi nhiệm vụ văng tục bừa bãi. Như được thừa nhận công khai là một tổ chức chuyên nghiệp thì, tương tự “cơ cấu tổ chức” của một bộ máy truyền thống, họ hẳn được chia thành từng nhóm hoặc từng tổ, với mỗi đơn vị được phân công theo dõi một người hoặc một nhóm, nhận nhiệm vụ “tác chiến” trên một hay vài “mặt trận”, hoặc “đồng loạt ra quân” “tổng công kích” vào một thời điểm cụ thể, chẳng hạn sự kiện Biểu tình Cá chết năm 2016.


“Lực lượng 47” không chỉ gồm những kẻ lưu manh vô học. Tôi không nghĩ việc “giữ gìn an ninh nội chính” trên không gian mạng có thể hiệu quả, nếu người ta chỉ tung ra một đám được huấn luyện đánh võ mồm chuyên nghiệp đứng ở bờ đê này chửi với sang bờ bên kia. Đó chỉ là một đám, dù đông nhất nhưng thấp kém nhất, được sử dụng như một lực lượng phản ứng nhanh nhằm chữa cháy cấp thời. Chiến lược của bộ phận an ninh mạng không chỉ là dập đám cháy. Mà là ngăn chặn đám cháy. Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao một chế độ thối nát đang làm tan hoang đất nước mà không thể sụp đổ? Vì họ vẫn còn kiểm soát tốt vấn đề an ninh trong đó an ninh mạng.

Tôi đã đọc các báo cáo về an ninh mạng trên trang web Bộ công an. Tôi đã đọc những bài báo về “công tác an ninh mạng trong đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của thế lực phản động” trên tờ Nhân Dân, Công An Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân. Những cụm từ như “tác động gây phân hóa” đã gợi lên nhiều điều. Làm thế nào để “tác động gây phân hóa”? “Nằm vùng” và “cài cắm” là “nghề” của cộng sản. Những bài học và kinh nghiệm trong lịch sử giành chính quyền của cộng sản cho thấy “nằm vùng”, “địch vận”, “đánh từ trong lòng địch” luôn là những kỹ thuật hữu hiệu để tàn phá và bào mòn sức mạnh đối phương. Bằng “nằm vùng”, người ta có thể gây chia rẽ, gây hiềm khích và gây hoang mang.

Lịch sử giành chính quyền của cộng sản cũng cho thấy yếu tố tâm lý và các thủ thuật sử dụng “tâm lý chiến” là rất quan trọng trong “công tác đấu tranh nhân dân”. Quan sát không gian mạng, sẽ thấy rằng chưa bao giờ cảm xúc được thay bằng lý trí bằng lúc này. Bằng việc kiểm soát và thậm chí “thao túng” cảm xúc, người ta sẽ làm cho nhận thức bị lệch lạc. Khi một vấn đề được suy nghĩ hoặc suy diễn lệch lạc, sẽ có một điểm cộng và một bàn thắng nữa được ghi cho những kẻ không đứng về phe nhân dân nhưng nhân danh “đấu tranh nhân dân”. “Định hướng dư luận” không chỉ là “tuyên truyền đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước”. “Định hướng dư luận” còn là lái dư luận sang những vấn đề vô bổ và tầm phào. Trong một thế giới mạng được khống chế tràn lan bằng cảm xúc, công việc này ngày càng trở nên đơn giản. Xã hội chỉ có thể thay đổi bằng lý trí và nhận thức chứ không thể bằng cảm xúc. Một xã hội cảm xúc là một xã hội bế tắc. Một xã hội bế tắc là một xã hội bất lực, trong khi, nhiệm vụ của “lực lượng an ninh mạng” là triệt tiêu mọi nguồn lực dẫn đến thay đổi.

Tôi tin những kẻ chóp bu chỉ huy “lực lượng 47” là những người được đào tạo bài bản về tâm lý truyền thông và các kỹ thuật sử dụng truyền thông để tác động tâm lý con người. Họ biết đánh vào tính đố kỵ, tính ích kỷ và cái tôi của con người. Họ biết chọn ai để đánh. Chúng ta đang thấy có một sự bơm phồng cá nhân và vuốt ve cá nhân một cách không bình thường. Khi mỗi cá nhân đều được “cộng đồng” nhìn nhận như một “vì sao sáng nhất” thì sẽ chẳng có “tập thể vì sao” nào đủ mạnh để đối phó với chế độ cả. Có bao giờ chúng ta tự hỏi vì sao một số cá nhân lại được xưng tụng như vậy và những người chen lẫn trong đám khán giả phấn khích vỗ tay cuồng nhiệt này thật sự là ai? Sự xưng tụng cá nhân một cách vô tội vạ, bên cạnh sự bát nháo của cộng đồng được dẫn dắt theo hướng được định sẵn, cuối cùng, mang lại một hậu quả: sự chán nản của thành phần trí thức (tôi muốn nói đến những vị “trí thức tích cực” chứ không phải “trí thức trùm chăn”). Khi trí thức chán nản không lên tiếng, lại một điểm cộng nữa được ghi cho chính quyền.

Tôi không nghĩ sự lộn xộn và hỗn tạp của không gian mạng chỉ xuất phát từ lỗi dân trí thấp mà không hề có tác động của những kẻ giấu mặt đang kéo dân trí đi xuống bờ vực của suy đồi, hoài nghi và nghi kỵ. Càng nghi kỵ càng mất đoàn kết. Càng manh mún càng dễ bị kiểm soát. Một phút giây mất kiểm soát là một tiềm ẩn mất chế độ - chính những người trong hệ thống cầm quyền đã nói đi nói lại điều này.

Tuy nhiên, chẳng có gì là không có mặt trái. Với cách họ làm, những đốm lửa nhỏ vẫn hình thành mỗi ngày. Nó tạo ra sự rạn nứt hơn là xoa dịu xã hội. Nó tạo ra sự chia rẽ cộng đồng hơn là cùng cộng đồng tìm tiếng nói chung cho những thực trạng hiển hiện đến mức gần như không cần phải chứng minh đúng-sai. Nó tạo ra sự bất ổn và hỗn loạn hơn là cùng nhau tìm kiếm giải pháp ôn hòa. Nó tạo ra một xã hội hung hăng và thù địch. Chẳng phải tự nhiên mà xã hội ngày càng bạo lực. Những oán giận của ngày hôm nay sẽ được trả bằng nắm đấm hoặc thậm chí bằng máu của ngày hôm sau. Lịch sử hình thành việc “cướp chính quyền bằng tay nhân dân” của chính cộng sản đã minh chứng điều đó.

Với những người thuộc “lực lượng 47”, không người dân nào biết họ là ai. Nhưng có điều chắc chắn rằng họ là người mang cùng dòng máu dân tộc với tôi. Họ cùng thở bầu không khí như những người Việt khác. Họ ăn hạt cơm và con cá như những người Việt khác trên quê hương này. Họ cùng chịu những ảnh hưởng khủng khiếp của vô số thực trạng mà đất nước đang đương đầu với sự kiệt quệ tột cùng: tham nhũng, ô nhiễm nguồn sống, bất công, bạo quyền…

Họ nghĩ gì cho tương lai con em của họ? Họ vẫn sẽ an tâm khi nhìn con của họ bước vào sân trường mà không biết bữa ăn hôm nay có an toàn hay không? Họ có thể, bằng cách nào đó, thoát khỏi mọi bất an đời sống đang bủa vây họ được không? Tôi không thể biết họ là ai nhưng chắc chắn họ không phải là những người đủ giàu để mua thực phẩm ngoại và đủ tiền để định cư nước ngoài trong một cuộc tháo chạy công khai đang diễn ra. Không biết họ là ai nhưng tôi tin rằng họ là những người ở tầng lớp rất gần với tầng lớp người dân đang cùng chịu ảnh hưởng của một trong những thời khắc bi thảm nhất lịch sử đất nước này. Như những người dân khác, họ cũng đang cùng ngồi trên một con tàu đang chìm.

-------------------
nguon
http://www.phuocbeo.info/2017/12/luc-luong-47-ho-la-ai.html

Không có nhận xét nào: