FB Huu Nguyen
Chính sách đất đai không coi trọng quyền sở hữu của dân đang ngày càng gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Dự báo nhiều nguy cơ bất ổn nếu không sớm có sự thay đổi kịp thời hợp tình hợp lý.
Không chỉ bó tay, làm cho người dân không an tâm đầu tư, công nghiệp hóa, mở rộng quy mô, tăng năng suất trong sản xuất nông nghiệp, chính sách bất cập còn gây ra nhiều vụ tranh chấp dẫn tới bạo lực, chết người, phạm pháp và bi kịch.
Chủ trương không coi trọng quyền sở hữu đất đai của dân đã tạo ra nhiều kẻ hở giúp cho nhóm lợi ích và quan chức tham ô lợi dụng lạm quyền cướp đoạt đất đai của dân trắng trợn.
Chính quyền luôn muốn nắm đàng chuôi trong việc pháp lý hóa quyền sử dụng đất của dân. Nhiều nơi thích thì cấp, không thích thì khong cấp sổ đỏ, dân chẳng thể biết kêu ca ai. Khi cần thì chính quyền dễ dàng thu hồi đất vì người dân luôn trong thế yếu, luôn bị quy cho là lấn chiếm đất đai, do không có giấy tờ. Trong thực tế, dân không có giấy tờ đất đai phần lớn chỉ vì chính quyền không muốn cấp giấy tờ hợp pháp cho họ.
Canh tác ổn định hàng chục năm thế nhưng nhiều hộ gia đình nông dân vẫn luôn trong trình trạng bị cho là lấn chiếm đất đai. Trong khi, nhóm lợi ích, sân sau của không ít quan chức thu tóm đất đai hàng trăm, hàng ngàn héc ta một cách dễ dàng, qua những dự án bánh vẽ. Trong số đất bị nhóm lợi ích thu tóm đó, đương nhiên là có đất đai của nhiều gia đình nông dân nhọc nhằm làm lụng hàng chục năm mới tạo dựng nên được.
Chính quyền do bọn quan chức tham ô lại tiếp tay cho nhóm lợi ích thu hồi cưỡng chế đất đai của nông dân một cách thô bạo, bất chấp pháp luật và đạo lý. Bất công và bạo lực từ phía những kẻ lắm tiền thao túng chính quyền đã nhẫn tâm tước đọat đi hầu như tất cả công sức và hy vọng của nhiều gia đình nông dân bằng cách cướp mất đất đai, nguồn sống của gia đình họ.
Con giun xéo lắm cũng quằn. Người nông dân khi bị dồn vào bước đường cùng thì họ sẽ phải chống trả. Bạo lực sẽ được đáp trả bằng bạo lực. Lịch sử về tranh chấp đất đai qua các thời đại đã chứng minh điều đó. Vụ án đồng Nọc Nạn nổi tiếng năm 1928 ở Bạc Liêu là một ví dụ, luật pháp và lương tri đứng về phía những ngừoi nông dân phản kháng.
Luật pháp rồi đây sẽ phải xem xét các hành vi phản kháng manh động của những người nông dân khi lâm vào thế cùng quẩn.
Song các nhà lập pháp Việt Nam cũng không thể không xem xét lại chính sách luật pháp về đất đai hiện đang quá coi thường quyền sở hữu, quyền làm ăn, sinh sống của nông dân. Thực tế, chính sách đó đang tiếp tay cho nhóm lợi ích và những tên tham quan cướp đoạt quyền sống và quyền sở hữu tư liệu sản xuất vốn là nguồn sống của nhiều con người trước đó chỉ biết:
"Côi cút làm ăn,
Riêng lo nghèo khổ,
Chưa quen cung ngựa đưa tới trường nhung
Chỉ biết ruộng trâu ở theo làng hộ;
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn làm quen;
Tập khiên, tập mác, tập giáo, tập cờ, mắt chưa từng ngó"
Đừng biến họ thành những chiến binh bất đắc dĩ!
-----------------------
nguon: http://www.phuocbeo.info/2016/10/ung-bien-ho-thanh-nhung-chien-binh-bat.html
-----------------------
nguon: http://www.phuocbeo.info/2016/10/ung-bien-ho-thanh-nhung-chien-binh-bat.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét