Translate

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

95% tác động phá hủy môi trường Biển Đông là từ Trung Quốc

Ba tàu TQ thăm Cam Ranh: Chiến lược hòa bình của Việt Nam.

TNO - Đó là khẳng định của nhiều nhà khoa học tại hội thảo khoa học quốc tế 'An ninh Môi trường và Hàng hải vì một Biển Đông xanh', khai mạc sáng nay 11.10 , tại TP.Hải Phòng.

Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu trong và ngoài nước với mục đích tạo diễn đàn trao đổi và đối thoại giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý và chuyên gia quốc tế về các vấn đề an ninh môi trường biển, an toàn và an ninh hàng hải, hàng không ở Biển Đông; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xây dựng một Biển Đông xanh, đề xuất các ý kiến về an ninh môi trường, an ninh hàng hải, hàng không trong bối cảnh hậu phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
Đánh giá môi trường ở Biển Đông, GS.TS John W.MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami (Mỹ) cho rằng nơi đây đang bị tàn phá nặng nề. “Mọi thứ đều bị hủy hoại. Đặc biệt là các hoạt động của Trung Quốc. Những tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ. Trung Quốc nói dối về việc họ không xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô. Thực tế họ đã phá hủy rất nhiều. Tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động của họ”, vị giáo sư này nói.

Cụ thể, đã có 160 km2 rạn san hô bị hủy hoại, gồm 17 km2 do hoạt động bồi đắp, xây dựng kênh cảng và 143 km2 do các hoạt động hút vật liệu xây dựng và khai thác trai khổng lồ. Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các quy định về đánh bắt thủy sản ở Biển Đông, bao gồm đóng cửa theo mùa và yêu cầu ngư dân không phải người Trung Quốc phải xin phép họ để đánh bắt. Họ đã trang bị cho 50.000 đội tàu các thiết bị đánh bắt, liên lạc vô cùng hiện đại.

GS.TS John W.MacManus đánh giá: "Trung Quốc đã hủy hoại biển rất kinh khủng".

Để ngăn chặn điều này, GS.TS John W.MacManus đề xuất sớm thiết lập công viên biển hòa bình trên Biển Đông và phải dừng tuyên bố chủ quyền. “Cần một hiệp định hòa bình, có thể kéo dài 30 năm rồi gia hạn và tiến tới thỏa thuận quản lý Biển Đông về nguồn lợi thủy sản”.

Cũng bày tỏ sự nuối tiếc về môi trường của Biển Đông đang bị hủy hoại, TS Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường.

"Về khía cạnh kinh tế, mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ đô la vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc. “Điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa”, TS Annette Junio Menne nói.

Nội bộ Trung Quốc cũng đang có mâu thuẫn về Biển Đông

Theo các học giả, mỗi quốc gia đều phải có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên biển, tuân thủ các quy định và phán quyết quốc tế. Trong đó phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc là rất đúng đắn và cần thiết.

“Phán quyết là một tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng vấn đề trên biển rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện. Nhưng hãy bắt đầu từ 1 phương diện cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ”, TS Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết.

“Trung Quốc nói rằng họ bị loại ra ngoài một cách không công bằng và không thừa nhận phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Họ vẫn đang đẩy mạnh xây dựng trái phép trên Biển Đông và không ngăn chặn ngư dân của họ tận diệt tài nguyên biển. Liệu chúng ta có thể dừng hành động của họ được không. Rất khó! Trừ phi Trung Quốc thấy được lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Rồi họ sẽ thấy thôi.

Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, điều đó sẽ gây bất lợi cho họ sau này. Kinh tế vận tải biển của Trung Quốc cũng đang suy giảm, nhiều tàu đã không còn cập cảng của họ nữa. Nội bộ Trung Quốc cũng đang có mâu thuẫn về Biển Đông, người dân Trung Quốc biết quá ít thông tin về việc này. Họ sẽ thắc mắc tại sao đất nước họ lại đối đầu với tất cả ở Biển Đông”, TS Michael Parsons, cố vấn của Bộ TN-MT Việt Nam lên tiếng.

Tại hội thảo, PGS.TS Chu Hồi, Chủ tịch Hội thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam nói: “Mấu chốt quan trọng cho vấn đề Biển Đông là thái độ ứng xử giữa các bên. Trong đó việc các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chia sẻ thông tin, đưa ra giải pháp là rất quan trọng. Ngay trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc thì tài liệu về Biển Đông của các học giả cũng được coi là một chứng cứ quan trọng để ra được phán quyết”.
-------------------------
nguon: http://mphuoc.blogspot.com/2016/10/95-tac-ong-pha-huy-moi-truong-bien-ong.html

Không có nhận xét nào: