“Chúng tát tôi 2 cái đau điếng, sau đó khống chế tôi ngay tại bin, đồng thời áp sát đưa 4 người về phía mũi tàu. Trên tay, chúng cầm dùi cui điện, bắt thuyền viên úp xuống, tay bắt lên cổ, không được nhìn ngó. Đồng thời lục soát trên tàu đập phá đồ đạc. Chúng ra lệnh, tăng tốc đuổi theo tàu anh Khanh, chúng dí dùi cui, buộc tôi phải làm theo. Đi bên cạnh tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46102, phía sau ca nô áp sát. Chúng bắt tôi tăng tốc, trong quá trình di chuyển thì bị tàu Trung Quốc 46102 tông vào thủng mạn tàu. Nghe một cái rầm thì tức khắc nước chảy vào, thấy vậy, có một người nói được tiếng Việt ra lệnh dùng bơm, bơm nước ra. Nhưng nước chảy vào ngập máy, nên không hoạt động được. Sau đó, 6 người Trung Quốc xuống ca nô về lại tàu 46102. Sau chừng 30 phút, con tàu chìm phần đuôi, mũi tàu nổi lên, cả 5 người đứng trên mũi tàu”, ông Lựu kể.
Ô Võ Văn Lựu, chủ tàu Qna 90479 bị đâm chìm trên biển… |
Đề phòng tàu bị đâm, anh Khanh nói các thuyền viên ra đứng bên thành tàu, nếu bị tông thì nhảy xuống nước rồi tính sau, chứ ở trong cabin mà bị tông là chết cả.
“Ngay tức thì, tàu tôi chạy thoát, tôi điều khiển vào bãi cạn, sâu chừng 4m nước, lúc đó tàu của Trung Quốc không thể vào. Bọn chúng đứng áp sát tàu ông Lựu, chúng không cứu các thuyền viên, để mặc trên mũi tàu. Tôi muốn chạy đến cứu 5 ngư dân nhưng tàu Trung Quốc đứng cạnh bên, không cho tàu tôi tiến lại gần”, anh kể lại.
Đứng nhìn người sắp chết đuối không cứu và không cho ai cứu
Nhóm người Trung Quốc ném nhiều chai nước lên tàu anh, cầm một chiếc rìu đòi chặt, ép tàu mình về nhưng anh Khánh né được. Sau khi tông va và khiến tàu của ông Lựu bị tràn nước vào, tàu Trung Quốc không đuổi theo tàu anh Khanh nữa. Anh Khanh cũng không dám tiến lại gần, mà điều khiển tàu giữ một khoảng cách chừng 5 hải lý với tàu ông Lựu. “Tôi không dám vào vì sợ sẽ bị tông chìm hoặc bị khống chế. Nếu vậy, ai cứu 5 thuyền viên tàu Qng 90479. Đặc biệt trên tàu Trung Quốc có người nói được tiếng Việt, tôi thông báo cho tàu Trung Quốc rời đi để cứu người nhưng chúng không chịu đi”, anh kể.
“Khi tôi đến, các thuyền viên trên tàu gần như đã kiệt sức, mặt nhợt nhạt. Khi đưa mọi người lên tàu thay áo quần, ăn cơm nước, họ mới tỉnh táo dần và nói chuyện được. Hành động của phía các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc là ngang ngược, coi thường tính mạng ngư dân Việt Nam”, anh Khanh kể.
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46102 từng bị ghi lại trong đoạn clip do phóng viên Việt Nam thực hiện khi rượt đuổi tàu Việt Nam vào năm 2014. Đem những hình ảnh, clip này cho thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh và 5 thuyền viên xem, tất cả mọi người đều xác nhận, đúng là con tàu rượt đuổi, đâm va khiến tàu các Qng 90479 TS gặp nạn trên biển.
“Thấy tàu tôi bị chìm, 5 người đứng trên mũi tàu nhưng chúng chẳng đến cứu, chúng đứng cạnh tàu. Do đó, tàu anh Khanh không dám đến gần, sợ chúng đâm tiếp. Tôi nói với chúng, cho tàu đi đi để tàu Việt Nam đến cứu người, nhưng chúng chẳng đi, cứ đứng đó. Đến khoảng 18 giờ, cùng ngày thì chúng mới bỏ đi, lúc đó anh Khanh mới đến cứu chúng tôi ở tạo độ 16,22 vĩ độ Bắc – 111,49 độ kinh Đông”, ông Lựu kể.
Tai nạn liên tục, mất trắng 3 tỉ đồng vốn liếng vay mượn
Theo ông Lựu, tàu ông mới ra khơi được 1 tuần, trên tàu có khoảng 1 tấn hải sản. Con tàu chìm giữa biển khơi, ông thiệt hại 3 tỷ đồng. Tất cả em thuyền viên đều trong một gia đình, chủ tàu ông Lựu thì có đứa con trai Võ Văn Cầu (SN 2000) đang học lớp 11; con rể Nguyễn Trung Hậu (SN 1986); em trai Võ Thanh Hương (1966) và cha là ông Võ Băng (SN 1941). Đón người thân sau nhiều ngày trông ngóng, bà Nguyễn Thị Năng, ôm đứa con trai Võ Văn Cầu khóc nức nở. Bà Năng chia sẻ: Vợ chồng ông bà làm nghề biển hơn 30 năm nay. Đây là con tàu thứ 6 được ông bà sắm mới. Tuy nhiên đã không ít lần gặp nạn, vào năm 1994, ông Lựu và 11 thuyền viên đang đánh bắt trên biển Hoàng Sa gặp bão, chiếc tàu bị sóng giữ nhấn chìm giữa biển khơi, còn người được tàu bạn ứng cứu thành công….
Sau đó, vợ chồng ông bà vay mượn được 33 cây vàng đóng tàu mới vươn khơi, nhưng đến năm 2010 thì bị phía Malaysisia bắt giữ, ông Lựu bị giam giữ 9 tháng tù, đồng thời con tàu bị tịch thu. Nhưng cái nghiệp biển ăn vào người, khi chồng ra tù, vợ chồng ông bà đóng tàu mới hành nghề lặn.
Những năm gần đây đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc đuổi thường xuyên, đặc biệt trong chuyến biển tháng 3/2014 bị tàu Trung Quốc cướp sạch thủy hản đánh bắt. Chuyến biển 6/2014 thì bị đuổi, máy tăng tốc bị vỡ và nay bị tàu Trung Quốc đâm va chìm trên biển….
Tàu Trung Quốc thường xuyên hành xử hung bạo và ngang ngược với tàu cá Việt Nam khi ngư dân đánh bắt ở vùng biển chủ quyền nước mình. Đơn cử tàu Trung Quốc thậm chí còn tấn công cả tàu kiểm ngư của lực lượng tuần dương Việt hôm 23/6, làm bẹp dúm cả một bên mạn tàu khiến 2 nhân viên bị thương.
Theo báo Nông nghiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét