Mấy tuần trước gặp anh Vươn (Đoàn Văn Vươn) ở Hà Nội, được thưởng thức món vịt biển và tôm sú rất ngon, rồi hẹn nhau xuống Tiên Lãng thăm đầm Vươn nổi tiếng. Hôm thứ 6, em Hồng alo bảo, công ty Hellomam (Hello, chén thôi) chuyên cung cấp thực phẩm sạch xuống chỗ anh Vươn để kiểm tra đầu vào. Thế là được đi ké về Tiên Lãng nơi có cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm và mảnh đất vươn ra biển.
Gặp anh Vươn ở đầm Vươn
Đi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với giá toll 150k kể ra cũng nhanh, tới đường 10, rẽ sang ngả Thái Bình, rồi thẳng Tiên Lãng, sau 2 tiếng, mấy anh em đã ở đầm Vươn đi vào lịch sử tranh chấp đất đai của thế giới. Anh Vươn nổi tiếng tới mức mà cách 10km, hỏi đường vài người “đường đến nhà anh Vươn”, thì ai cũng biết là Vươn nào.
Lúc đến xã Vinh Quang trời đã tối mịt nhưng xe cứ thế lao thẳng ra đầm Vươn. Từ trên đê công vụ (đê chính ngăn biển), thêm một đoạn nữa đi bộ khoảng gần km. Hai bên cỏ mọc um tùm, con đường độc đạo lát chút xi măng chắc từ lâu lắm rồi để đi xe máy, có chỗ khấp khểnh. Đây là kỳ công của anh Vươn đắp đê lấn biển và xây hạ tầng “đường thấp tốc”.
Đi bộ một đoạn thì anh Vươn mang xe máy ra đón, anh em gặp nhau rất vui. Ngồi trong cái nhà xinh xinh trên cái phản gỗ, có tivi, điện sáng lờ mờ, ngoài đầm đủ loại vịt kêu, cạc cạc rất to của vịt trưởng thành vài kg sắp ra lò mổ, chưa vỡ giọng của vịt teenagers và ngay cạnh nhà là lũ 5 ngày tuổi kêu lí nhí như khóc đi nhà trẻ.
Gặp một người từng lên cả truyền thông quốc tế ngay tại nơi xảy ra cuộc đụng độ mà tướng Ca gọi là “trận đánh viết thành sách”, tôi không khỏi khâm phục người đàn ông ngồi trước mặt.
Tiên Lãng nằm giữa hai con sông Thái Bình và Văn Úc. Nước Văn Úc đổ ra cửa sông và ngược trở lại phía Tiên Lãng, gây ra xâm thực. Ngoài con đê công vụ là biển, trong là xã Vinh Quang, mấy chục năm trước mỗi lần bão to, gió lớn mấy ngàn dân sơ tán vì sợ vỡ đê.
Đi bộ đội rồi giải ngũ, học tại chức nông nghiệp, chuyển về vùng này, nghiên cứu vùng biển, anh muốn chế ngự thiên nhiên. Theo anh Vươn kể, từ khi anh và một số bà con trong vùng đắp đê ngoài bãi biển, dường như đã nắn được dòng xoáy của sông Văn Úc, bãi bồi đã hình thành và chính anh đã trồng đước tạo nên vùng đất như ngày nay. Câu chuyện lấn biển như huyền thoại.
Đầm Vươn được huyện giao đất làm hai lần, một lần 21 hecta, lần sau gần 20 hecta từ những năm 1990. Hiện nay cái đầm rộng 41 hecta này được chia làm 3, một phần anh chăn nuôi vịt, nuôi tôm, hai phần kia cho bà con thuê.
Hàn huyên chuyện xưa, chuyện nay, tôi cũng không hỏi anh nhiều về quá khứ, chỉ quan tâm đến tương lai anh sẽ làm gì, mãi 8 giờ tối mới về nhà ở xóm Chùa Trên cách đó vài km
.
.
Những người đàn bà xây nhà và…tổ ấm
Về xóm gặp cả chị Thương, vợ anh Vươn và chị Báu, vợ anh Quí, em trai anh Vươn. Hai chị hiền dịu và niềm nở, dường như đã quen với chuyện nhà hay có khách lạ. Được hai chị đãi bữa tiết canh vịt đầm Vươn, thịt vịt luộc rất ngon, món nộm sứa với hoa chuối ngon, mình hiểu hai anh Vươn và Quí có một đại gia đình tuyệt vời.
Thấy ba cháu trai, một đứa con anh Vươn, cháu lớn đi học xa, hai cháu kia con anh Quý. Chị Báu bụng đang lùm lùm sắp tới ngày sinh nở. Các cháu rất ngoan, ra vào giúp cha mẹ làm cơm, bưng ghế cho khách. Nghe nói học cũng tạm ổn, đặc biệt các cháu có vẻ cao và đẹp trai, giống hai ông bố Tiên Lãng.
Nhà một tầng nhưng có tới 6 phòng được đánh số như nhà nghỉ, phòng nào cũng có điều hòa, vệ sinh riêng, dù không có cửa sổ. Hỏi ra mới biết khi hai anh Vươn và Quí vướng tù lao, hai chị ở nhà tự xoay sở, cho thuê đầm tôm, bạn bè gần xa giúp, rồi tiền đền bù chút ít sau vụ án phá “chòi canh cá”, hai bà vợ quyết định đầu tư xây nhà nghỉ.
Hai anh được đặc xá, trở về nhà thấy ngôi nhà rất đàng hoàng, sàn bóng loáng, có đủ tiện nghi nên bị choáng hoàn toàn về khả năng của các bà vợ. Không thể tưởng tượng hai người đàn bà tưởng chừng trời sụp dưới chân, không có chồng, mà tự xây nhà.
Không những thế, các chị tần tảo, nương tựa vào nhau trong những ngày sóng gió. Họ còn bị buộc đủ tội và bị án treo. Thời gian chồng đi vắng, mình chị Báu lo ngoài đầm, chị Thương lo trong nhà, thế mà đâu vào đấy. Chỉ có sóng gió mới hiểu đâu là vàng, đâu là thau.
Người ta bảo, đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, nhưng hai chị làm cả hai vai trò. Chị em dâu ở với nhau hòa thuận và chung một mái nhà đã bao năm nay, chuyện hiếm ở trái đất này.Sáng sớm xem đổ đó tôm và thăm trại vịt
Anh Quí hẹn đi xem đổ đó tôm từ 4 giờ sáng. Xuống thuyền chèo quanh hồ, thấy chỗ nào đèn sáng dừng lại và đổ đó. Tôm tự nhiên, và tôm rảo từ biển đi vào qua cái cống có lưới mắt nhỏ tý gần chòi canh. Tôm vào đó rồi, kiếm ăn rồi lớn, không thể chui ngược trở lại biển. Tôm sú do gia đình thả giống.
Mỗi lần nhấc đó được khoảng vài kg tôm đủ loại nhảy lách tách. Anh Quí sướng tóm hai chú tôm sú kha khá đưa lên chụp ảnh. Giá mỗi kg là 330 ngàn tại đó, như vậy mỗi sáng gia đình kiếm vài triệu là thường.
Vịt biển chóng lớn, 3 tháng có thể thu hoạch, thức ăn dùng cá biển xay nghiền, trộn với lúa và có những hợp chất vi sinh giúp cho phân vịt không bị ô nhiễm. Khi đọng dưới đáy đầm phân hủy làm thức ăn cho thủy sinh và đó chính là thức ăn cho tôm, cá, cua.
Nhìn đàn vịt 5 ngày tuổi mầu vàng xinh xắn tới hàng ngàn con mà không thấy con nào ốm yếu, chứng tỏ được nuôi đúng kỹ thuật. Loại 1 tháng tuổi đã gần 1kg, bơi riêng một chỗ. Và xa hơn ở giữa đầm là nơi nuôi vịt thịt và vịt đẻ. Sáng sáng gia đình xách làn đi nhặt trứng.
Trang trại của anh đã lên tới 5 ngàn con vịt, lấy giống từ viện kỹ thuật Nông nghiệp nào đó trên Hà Nội. Nhờ có em Hồng môi giới mà đàn vịt Vươn có như ngày nay.
Ngồi nói chuyện với anh Vươn, điện thoại liên tục, toàn hỏi về vịt, tôm, mua mua bán bán. Nhìn khu đầm rộng mênh mông và xa hơn là những đầm khác của bà con trong vùng, có lẽ sức mạnh của Tiên Lãng chính là đây. Vịt Vươn chưa xuất chuồng đã đặt hàng hết. Ngoài phố có cửa hàng bán bún vịt mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm con, trên Hà Nội gọi ời ời. Vịt Vươn, tôm Vươn định bay sang Nhật. TPP đấy chứ còn đâu.
Mảnh đất hiền hòa của những người chân chất
Găp anh Vươn, anh Quí, chị Thương, chị Báu (Vươn, Thương, Quí, Báu – sao mà vần và thương thế), chẳng ai nghĩ rằng họ từng bị kết đủ các loại tội danh. Không thể tin người nông dân chất phác lại vác súng hoa cải bắn vào công an. Câu chuyện phía sau có thể được thế hệ sau dựng thành phim và bán ở Hollywood.
Sau khi chán chê chụp ảnh, tôi tự chèo thuyền ra đảo vịt, ngắm trời xanh trong, xa xa là rừng đước xanh mởn, những con đê chắn sóng, đàn vịt bơi thanh bình. Thấy vui vì cuộc đời nhiều cái ngợi ca, miền đất đẹp vô cùng với biển, với sóng và đất trời.
Năm 1960, cha mẹ tôi từng bỏ hàng tấn thóc để mua con nghé từ Hòa Bình, nhưng rồi hợp tác xã đã hóa giá luôn con nghé ấy với giá như cho. Nhớ lúc dân quân đến dắt con nghé ra chuồng của hợp tác, mẹ tôi lăn lộn đòi lại, khóc hết nước mắt. Cha tôi im lặng không nói gì. Một người nông dân bị đẩy đến đường cùng của sự ngang trái thì chưa biết câu chuyện kết thúc ra sao.
Anh Quí đèo tôi về xóm để chuẩn bị về Hà Nội ngay trong buổi sáng. Anh dừng xe tại cái nền nhà nơi có ngôi nhà hai tầng mà chính quyền gọi là cái chòi cá. Anh nhớ như in sáng đó xảy ra như thế nào, cách những người lính bị xua lên hàng đầu mấy chục mét. Với hai khẩu súng và đạn hoa cải đã lên nòng, không ra tay rồi cũng chết.
Dường như hai phát súng hoa cải đã thay đổi nhiều định mệnh của cả hai phía. Một trận đánh mà đại tá Ca gọi là viết thành sách nhưng thực ra chỉ có một người nấp, bắn hai phát súng, hoa cải vãi ra, làm bị thương nhẹ một số người. Đạn hoa cải là mảnh nhỏ như hạt cải chỉ để bắn chim sẻ, không phải để bắn người.
Sau hai phát anh Quí trốn dọc theo hàng chuối và vào rừng đước. Phía chính quyền thấy nguy hiểm đã dùng AK, B40 bắn từ xa, suốt mấy tiếng liền. Cuối cùng khi chiếm được nhà, chẳng có ai. Hàng trăm người súng ống chiến đấu với súng bắn chim. Ngôi nhà hai tầng bị san bằng và hiện chỉ còn vài viên gạch chôn bên dưới. Người đi làm, người đến thăm, không thể nghĩ rằng có một trận đánh đi vào lịch sử.
Chợt nghĩ về số phận những người nông dân cần cù chịu khó. Cải cách ruộng đất đã làm bao người ly tán, bị xử tử oan sai, bị tù đầy, biết bao người có trình độ, chịu khó làm ăn, bị ghép là địa chủ.
Một thế hệ nông dân bị đày ải và cuối cùng thì cả nước đói, phải ra nước ngoài mua bo bo cho bò, ngựa ăn về cứu đói cho dân. Từ khi cởi trói, với mảnh đất ấy, với người nông dân ấy, dân số tăng gấp đôi, gấp ba, mà gạo thừa để xuất khẩu. Một đất nước có tới 70% dân sống bằng nông nghiệp nhưng chưa bao giờ lớp người này được đặt đúng chỗ.
Thăm đầm Vươn thấy may mắn cho anh Vươn, anh Quí, và chính quyền. Hy vọng, đầm này không chỉ là đầm Vươn mà sẽ đi xa hơn những gì quá khứ đã làm cho tên tuổi lại được biết ngoài ý muốn. Đầm Vươn sẽ vươn xa mãi như đất Tiên Lãng luôn hướng ra biển lớn.
HM. 16-7-2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét