Translate

Thứ Sáu, 13 tháng 11, 2015

Chẳng lẽ cam chịu Im lặng là...Việt nam ???


Chiếc thòng lọng pháp lý cuối cùng cũng đã xuất hiện đế siết tham vọng của Trung Quốc bành trướng lãnh thổ, hàng hải trên Biển Đông lại, ít nhất nó đã siết được một chút khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan ra phán quyết hôm 8/10.
PCA tuyên bố có đủ thẩm quyền xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông. Động thái này của PCA đang mang lại những hiệu ứng tích cực khi Indonesia tuyên bố sẽ xem xét khả năng kiện đường lưỡi bò Trung Quốc ra tòa.
Ngoại trưởng Indonesia hôm Thứ Năm cho biết, Jakarta đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò của họ ở Biển Đông, nhưng Indonesia đã không nhận được câu trả lời đúng trọng tâm câu hỏi.
Theo tường thuật của đài Phượng Hoàng, Hồng  Kông ngày 13/11, trong cuộc họp báo ngày hôm qua 12/11, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: Indonesia không có yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa. Chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia và Trung Quốc không có ý kiến gì về điều này?!
“Xung quanh tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông, Trung Quốc chủ trương nhất quán giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp với nước liên quan một cách hòa bình trên cơ sở “tôn trọng sự thật lịch sử”, căn cứ vào luật pháp quốc tế.
Điều này phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thực tiễn quốc tế, đồng thời cũng là cam kết giữa Trung Quốc với ASEAN trong Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông DOC.
Hiện nay quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Indonesia đang phát triển ổn định lành mạnh, chúng tôi hy vọng cùng với phía Indonesia nỗ lực thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới”, ông Lỗi nói.
Cứ theo những gì truyền thông Indonesia và Trung Quốc tường thuật thì Jakarta hỏi một đằng, Bắc Kinh lại trả lời một nẻo. Indonesia không hỏi Trung Quốc về chủ quyền quần đảo Natuna – vấn đề đương nhiên, mà yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách đường lưỡi bò bành trướng vô lý, phi pháp hòng chiếm 90% diện tích Biển Đông, trong đó “gặm” cả một phần vùng đặc quyền kinh tế Indonesia xung quanh quần đảo Natuna.
Hồng Lỗi cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc thừa biết điều này, nhưng lảng tránh. Tảng lờ, lập lờ đánh lận con đen không chỉ còn là thủ đoạn ngoại giao, mà đã trở thành chiến lược của ngoại giao Trung Quốc. Nói theo dân gian là Trung Quốc đang cố tình giả điếc trong vấn đề Biển Đông, đường lưỡi bò.
4 chiến lược ngoại giao tiếp tục giả điếc
Giả điếc trước dư luận không phải ai đó gán ghép cho Trung Quốc mà là một trong 4 thủ đoạn được Hiệp Khách Đảo, một tài khoản mạng xã hội weibo công khai của Nhân Dân nhật báo – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 13/11 đưa lên mạng internet.
Đây được cho là thủ đoạn hiệu quả mà Nhân Dân nhật báo nêu ra, công khai đối phó với áp lực dư luận quốc tế và Hoa Kỳ trước các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu cũng đưa lại bài bình luận này của Hiệp Khách Đảo, trong đó nhấn mạnh 4 thủ đoạn Bắc Kinh cần áp dụng triệt để để thực hiện cho được đường lưỡi bò bành trướng.
Thứ nhất, Trung Quốc chủ trương tiếp tục gây áp lực về mặt ngoại giao với Hoa Kỳ, tích cực tuyên truyền việc Mỹ tuần tra tự do hàng không hàng hải, bảo vệ luật pháp quốc tế ở Biển Đông là “hành vi phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực”?! Thứ hai, Bắc Kinh vẫn phải bảo đảm giữ liên lạc thông suốt với Washington đề phòng các sự cố chạm trán, đối đầu trên Biển Đông.
Đường lưỡi bò bành trướng vô lý của Trung Quốc tự vẽ ra ở Biển Đông sẽ tiếp tục mơ hồ bất chấp công luận.
Thủ đoạn thứ 3 được Nhân Dân nhật báo cho là phải áp dụng triệt để: Tiếp tục duy trì lập trường mơ hồ trong các phát biểu của Bộ Ngoại giao cũng như Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Phải tuyệt đối tránh việc tranh luận vấn đề hiệu lực pháp lý của đảo và các thực thể không phải đảo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) với Hoa Kỳ và các bên liên quan.
Nhân Dân nhật báo “dạy khôn” Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc rằng, chỉ được nói vấn đề Biển Đông chung chung. Với phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp (bất hợp pháp) ở Trường Sa, hai cơ quan này chỉ được gọi là vùng biển phụ cận, không được gọi là “lãnh hải”.
Tuy nhiên Nhân Dân nhật báo cho rằng, “một bộ phận học giả, truyền thông Trung Quốc đã mắc bẫy Hoa Kỳ khi công khai thảo luận thực thể nào ở Trường Sa có lãnh hải 12 hải lý, thực thể nào không có theo UNCLOS”. Tờ báo này viết:
“Lần này Mỹ đến là muốn ép Trung Quốc làm rõ các chủ trương liên quan đến Biển Đông. Vấn đề đã nói rồi, hiện tại điều kiện trong nước (Trung Quốc) và quốc tế đều chưa chín muồi, thế nhưng anh (một số học giả, báo chí Trung Quốc) lại cứ làm rõ cái đó là mắc bẫy Hoa Kỳ”.
Nhân Dân nhật báo cho rằng, tốt nhất là Trung Quốc cứ tiếp tục mơ hồ, nói cách khác là “giả điếc” trong vấn đề pháp lý ở Biển Đông.
Thủ đoạn thứ 4 được tờ báo này cổ súy, là hãy tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền (xuyên tạc) rằng Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bá quyền, lừa gạt?! Hành động của Mỹ ở Biển Đông theo Nhân Dân nhật báo phải được tuyên truyền là “chính trị hóa vấn đề” chứ không phải pháp lý.
Nhưng dư luận thế giới văn minh ngày nay đâu có dễ lừa như tờ báo này nghĩ. Cổ nhân thường nói, giấy không gói được lửa, đường lưỡi bò tham lam, vô lý cực kỳ của Trung Quốc có ngụy biện kiểu gì cũng không thể che dấu được thiên hạ vì “mùi bành trướng” của nó quá rõ. 
Tạp chí Forbes ngày 12/11 nhắc lại, tháng Tư năm 2012 trang WikiLeaks đã tiết lộ thông điệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh báo cáo về nước ngày 8/9/2008, trong đó cho biết các quan chức ngoại giao chính thức của Trung Quốc cũng như những học giả nước này không thể xác định được hồ sơ, bằng chứng “lịch sử” cụ thể để biện minh cho yêu sách đường lưỡi bò, cũng như chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (của Việt Nam).
3 thủ đoạn phóng lao theo lao của Bắc Kinh và ảo tưởng Việt Nam không dám kiện
Nhân Dân nhật báo gợi ý, muốn đạt được mục đích khống chế mâu thuẫn thâm căn cố đế giữa Trung Quốc với hoa Kỳ ở Biển Đông, Bắc Kinh nên thực hiện 3 thủ đoạn: Thứ nhất, với các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Trường Sa, Trung Quốc nên quan tâm đúng mức và điều chỉnh ứng xử phù hợp trước thái độ và mức độ quan tâm của dư luận, miễn là giữ được mục đích cuối cùng.
Không phải đợi Nhân Dân nhật báo “dạy khôn”, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã sớm đổi khái niệm “lãnh hải” mà cơ quan này vẫn gọi vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo trước đó thành “vùng biển phụ cận” khi tàu USS Lassen Hoa Kỳ tuần tra quanh đá Xu Bi tháng trước. Ảnh: Đa Chiều.
Thứ hai, dần dần minh bạch hóa chiến lược và chính sách của mình ở Biển Đông. “Văn hóa Trung Hoa khá “hàm xúc”, nên có một số thứ không thể nói thật với nước khác, Trung Quốc lớn như thế, nếu một lực lượng quân sự nhỏ ở Trường Sa cũng không có thì có nghe được không? Việt Nam nhỏ thế mà có cả ngàn người ở đảo Nam Yết, một hòn đảo nhỏ như bộ đồ chơi”, Nhân Dân nhật báo tuyên truyền xuyên tạc.
Thứ ba, Nhân Dân nhật báo cho rằng Trung Quốc cũng nên “chiếu cố” lợi ích của Hoa Kỳ ở Biển Đông, ví dụ như tự do hàng không hàng hải. Hiện dư luận Mỹ cũng có nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau về hoạt động bảo vệ tự do hàng không hàng hải ở Biển Đông, nên đừng để người Mỹ cảm thấy Trung Quốc không muốn đối thoại .Miễn là không liên quan đến chủ quyền, những cái khác có thể thương lượng với Hoa Kỳ.
Nguyễn Thứ Sơn, một nhà bình luận thời sự Trung Quốc thường được biết đến với tên gọi Anthony Yuen ngày 13/11 nói trên đài Phượng Hoàng, việc Tòa Trọng tài Thường trực ngày 8/10 ra phán quyết tòa này có thẩm quyền xét xử vụ kiện đường lưỡi bò khiến ông Sơn lo ngại nhiều nước khác trong khu vực sẽ học theo Philippines, khởi kiện Trung Quốc. Ngay cả Indonesia, một bên không có yêu sách ở Trường Sa cũng đã úp mở khả năng này.
Tuy nhiên về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa, Nguyễn Thế Sơn cho rằng: “Trên thực tế Việt Nam thừa hiểu chuyện này, họ chỉ dám khua chiêng gõ trống chứ không dám gia nhập lực lượng khởi kiện Trung Quốc ra tòa”?!
Có thể ông Sơn quá tự tin dẫn đến tự mãn rằng Trung Quốc nước lớn muốn làm gì thì làm, gây sức ép với Việt Nam không được kiện Trung Quốc. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng khẳng định rất rõ về giải pháp này.
Theo website Chính phủ (chinhphu.vn), ngày 21/5 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời phỏng vấn hãng thông tấn AP, Reuters khi đang ở thăm Philippines về khả năng kiện Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:
“Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Vì thế, chúng tôi luôn tha thiết và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị để xây dựng và phát triển đất nước.
Chúng tôi không bao giờ đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu quân sự, trừ khi chúng tôi bị bắt buộc phải tự vệ. 
Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay một cách hòa bình. Chúng tôi đã hết sức chân thành, thực tâm, thiện chí và kiềm chế, nhưng câu trả lời hiện nay là Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh, các hành động uy hiếp và xâm phạm, rồi liên tục vu khống và đổ lỗi cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói. Những hành động xâm phạm, sai trái của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong nhiều ngày qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình, bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng.
Việt Nam đã chịu quá nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng tôi luôn mong muốn và làm hết sức mình để có hòa bình, hữu nghị để xây dựng, phát triển đất nước và chăm lo cải thiện đời sống của người dân, nhưng hòa bình, hữu nghị phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.
Có lẽ cũng như tất cả các nước, Việt Nam chúng tôi đã chuẩn bị và đang cân nhắc các phương án để bảo vệ chủ quyền của mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế.”
Thiết nghĩ phát biểu của Thủ tướng là câu trả lời đầy đủ cho những ai quan tâm đến việc Việt Nam sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông như thế nào. Cái gọi là “không dám kiện” chỉ là những ảo tưởng hão huyền của một số học giả nhà nước Trung Quốc như ông Nguyễn Thế Sơn mà thôi.
Để bảo vệ Biển Đông thực sự hòa bình ổn định, giải quyết bất đồng bằng pháp lý đảm bảo công bằng, văn minh và khả thi hơn cả
Tình hình Biển Đông ngày càng nóng lên bởi các phát ngôn và hành động leo thang từ phía Trung Quốc, đặc biệt là việc nước này cố sống chết hiện thực hóa đường lưỡi bò mà chính họ cũng thấy nó vô căn cứ. Để Biển Đông thực sự được hòa bình, ổn định trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ có mấy khả năng.
Thứ nhất, Trung Quốc hiểu ra vấn đề, làm rõ yêu sách đường lưỡi bò, thiện chí hiệp thương đàm phán với tất cả các bên trên tinh thần cầu thị, khách quan, chỉ dựa theo luật pháp quốc tế, thậm chí đàm phán không giải quyết được thì cùng nhau ra cơ quan tài phán quốc tế thích hợp để phân xử. Tuy nhiên khả năng này khó có thể xảy ra, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Bởi lẽ gần nhất vào ngày 7/11 ông Tập Cận Bình vẫn nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các đảo ở Biển Đông thuộc “chủ quyền” của họ từ thời cổ đại. Máy bay, tàu chiến Trung Quốc vẫn hoạt động tấp nập ở Biển Đông, việc bồi lấp xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo vẫn tiếp tục.
Ngay khi rời khỏi Việt Nam, ông Tập Cận Bình đã nhắc lại tuyên bố vô lý “các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền Trung Quốc từ thời cổ đại” khi sang thăm Singapore, ảnh: Japan Times/AP.
Khả năng thứ hai để Biển Đông yên bình dưới quyền bá chủ của Trung Quốc theo kiểu “trời không chịu đất, đất phải chịu trời”. Các bên liên quan bao gồm cả Hoa Kỳ đành chấp nhận cho Bắc Kinh xưng hùng xưng bá, làm đại ca khu vực, ngăn sông cấm chợ thu tô ở Biển Đông thì Biển Đông sẽ hòa bình! Đặt vấn đề này ra cho hết nhẽ, chứ thực tế điều này chắc chắn không bao giờ xảy ra.
Khả năng thứ ba mà không người dân nước nào mong muốn, đó là Trung Quốc ngày càng leo thang quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa, đe dọa an ninh quốc gia, không gian sinh tồn của các dân tộc khác trong khu vực buộc các nước liên quan phải liên kết tự vệ.
Phản ứng như vậy có thể lôi khu vực vào vòng xoáy chiến tranh không lối thoát. Điều này cũng ít khả năng xảy ra, bởi ngay bản thân Trung Quốc cũng thừa biết hậu quả, hệ lụy với mình lớn thế nào, không chỉ về kinh tế thương mại mà còn nguy cơ bạo loạn, bất ổn từ trong nước, đe dọa sự tồn vong của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên khi các nước bị đẩy vào chỗ buộc phải tự vệ thì họ phải đứng lên tự vệ.
Thứ tư, các bên liên quan buộc Trung Quốc hoặc ngồi vào bàn đàm phán một cách thiện chí, giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế, hoặc đồng loạt khởi kiện các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa. Chưa luận kết quả ra sao, nhưng nếu làm được điều này có lẽ Bắc Kinh không thể không nhìn lại hành vi, cách ứng xử của mình để điều chỉnh.
Với phán quyết ban đầu của PCA trong vụ kiện của Philippines, các bên liên quan có đủ tự tin và căn cứ để nói chuyện phải quấy với Trung Quốc tại cơ quan tài phán quốc tế.
Trong một thế giới phẳng, các quốc gia, các nền kinh tế liên hệ, tác động tương hỗ với nhau ngày càng mật thiết, Trung Quốc không dễ, nếu không muốn nói là không thể một mình một chiếu, muốn làm gì thì làm nếu như khu vực, đặc biệt là các bên liên quan đoàn kết lại nói chuyện phải trái đúng sai với Bắc Kinh trên cơ sở công pháp quốc tế.
Điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của các bên liên quan ở Biển Đông, mặc dù Trung Quốc sẽ ra sức phản đối và tìm mọi cách cản trở, chia rẽ, gây sức ép ngăn chặn. Tuy nhiên khi bước chân leo thang bành trướng của Trung Quốc vẫn không dừng lại trên Biển Đông, việc tính đến giải pháp pháp lý và khởi động tiến trình tố tụng thiết nghĩ là việc nên làm.
Chí ít trong bối cảnh hiện nay khi Hoa Kỳ, Nhật Bản lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ tự do, an toàn hàng hải hàng không cũng như trật tự và luật pháp quốc tế ở Biển Đông, có lẽ các bên liên quan cần lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ lập trường này của hai nước trong tất cả các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong các hội nghị của ASEAN cũng như hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới.
————

Không có nhận xét nào: