Trung Quốc có thể sẽ hung hăng hơn ở biển Đông cho đến khi gặp phải sự phản ứng quyết liệt thì mới thôi.
>> Trung Quốc bị thúc cần hành xử như "nước lớn" ở Biển Đông
>> Thượng đỉnh Mỹ-Trung không giải quyết được gì về vấn đề Biển Đông
Tháng 9-2015 đánh dấu sự đăng đàn phát ngôn chính thức của Mỹ, Trung Quốc (TQ) và Việt Nam (VN) về vấn đề biển Đông, thu hút sự theo dõi của đông đảo dư luận quốc tế lẫn giới chuyên gia.
Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ và phát ngôn của Mỹ, VN tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc cho thấy quan điểm rõ ràng của các bên trong giải quyết tranh chấp biển Đông. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương tại Honolulu (Mỹ), cho rằng “có dấu hiệu cho thấy giới quân sự TQ “nắn gân” Mỹ trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình”.
TQ “nắn gân” Mỹ?
. Phóng viên: Cuối tháng 9-2015, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s tiết lộ hình ảnh cho thấy TQ đã hoàn thành đường băng hơn 3.000 m, xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của VN ở biển Đông. Thông tin này được truyền thông quốc tế đưa ra đúng vào ngày Tổng thống Barack Obama đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo Bắc Kinh đến Washington. Trước chuyến thăm, các hoạt động cải tạo đảo, bồi đắp, xây dựng cơ sở hạ tầng, nông nghiệp,… cũng được TQ thúc đẩy quyết liệt và gấp gáp. Phải chăng đây là một “phép thử” đối với thái độ của chính quyền Obama tại biển Đông?
GS Alexander L. Vuving, Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á -Thái Bình Dương, Mỹ). (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
+ GS Alexander L. Vuving: TQ quyết liệt và gấp gáp xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa vì họ muốn tạo ra sự đã rồi trong khi các nước khác chưa kịp tìm cách phản ứng hữu hiệu. Do đó cá nhân tôi nghĩ việc này không liên quan gì đến chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Dù ông Tập Cận Bình không đi Mỹ thì TQ vẫn quyết liệt xây đảo nhân tạo, bao gồm cả xây đường băng cho máy bay, cảng biển và các công trình khác.
Tuy nhiên, đúng là có dấu hiệu cho thấy giới quân sự TQ đã “nắn gân” Mỹ trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình. Đó là vào thời điểm trước chuyến đi Mỹ của ông Tập khoảng một tháng, tàu hải quân TQ lần đầu tiên đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý bờ biển Mỹ ở Alaska.
Cũng trong vài tuần trước chuyến đi của ông Tập Cận Bình, máy bay chiến đấu TQ bay chặn đầu khiến suýt gây ra đụng độ với một máy bay do thám của Mỹ ở khu vực gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát.
Sẽ hung hăng hơn?
. Trong buổi nói chuyện với Tổng thống Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định “các đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền của TQ từ thời cổ đại”. Như vậy cả về thực địa lẫn trên bàn đàm phán, TQ đã có những bước đi quyết liệt. Cùng với những gì TQ đã tạo ra trên các đảo nhân tạo, liệu sau chuyến thăm Mỹ lần này, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh hành động của mình tại biển Đông?
+ Thật ra ông Tập Cận Bình khẳng định lại những điều TQ vẫn khẳng định từ lâu nay chứ không có gì mới. Ngay cả việc khẳng định các đảo ở biển Đông thuộc về TQ vẫn không đồng nghĩa với việc TQ khẳng định ý muốn độc chiếm biển Đông. Tuy nhiên, chọn bối cảnh cuộc họp báo chung với tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng để khẳng định điều này là một bước đi mạnh bạo của TQ.
Tôi nghĩ rằng chủ tịch TQ muốn gửi một thông điệp tới cả chính quyền và công chúng Mỹ, cả công chúng TQ và các nước khác rằng TQ sẽ không nhân nhượng ở biển Đông. TQ chưa phải trả giá gì ghê gớm cho những hành động ở biển Đông nên không có lý do gì để họ điều chỉnh cho nhẹ nhàng hơn. Họ có thể sẽ hung hăng hơn cho đến khi gặp phải sự phản ứng quyết liệt thì mới thôi.
Không có dấu hiệu TQ nhượng bộ
. Dù khẳng định chủ quyền trái phép nhưng ông Tập Cận Bình cũng nói với Obama rằng Bắc Kinh “không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trên biển Đông”. Đây có phải là một “phép nhượng bộ” trước nhu cầu tự do hàng hải của Mỹ? Hay TQ có một tính toán khác nhằm đảm bảo hiện diện, cát cứ trái phép biển Đông?
+ Tuy có đề cập đến quân sự hóa các đảo nhân tạo nhưng ông Tập Cận Bình không hề cam kết với Mỹ bất kỳ điều gì. Ông Tập chỉ nói rằng “TQ không có ý đồ quân sự hóa” các đảo ở biển Đông. Chiến lược của TQ là xây dựng các cơ sở lưỡng dụng trên đảo, phục vụ các hoạt động cả quân sự và dân sự, kinh tế và quốc phòng.
Vì thế, nếu có cuộc tranh cãi với TQ về chuyện họ có quân sự hóa các đảo ở biển Đông hay không thì cuộc tranh cãi đó sẽ không có hồi kết thúc. Thêm nữa, TQ nói không có ý đồ quân sự hóa nhưng họ vẫn có thể “đổ lỗi” cho nước khác đe dọa TQ nên họ phải phòng thủ để tự vệ.
. Còn về việc ông Tập Cận Bình cam kết tự do hàng hải tại khu vực biển Đông, ông nhận định ra sao?
+ Trong chuyến thăm Mỹ, ông Tập Cận Bình khẳng định TQ cam kết tôn trọng tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế. Tôi không nghĩ đây là sự nhượng bộ của Bắc Kinh. Bởi khái niệm thế nào là tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế thì TQ có cách hiểu riêng.
Tôi nghĩ rằng chừng nào TQ còn đề cao những cái mà họ gọi là “quyền của TQ” ở biển Đông thì vấn đề tự do hàng hải ở đây sẽ là một thứ tự do hàng hải “theo màu sắc TQ”.
Tiếp cận biển Đông bằng cách cổ điển
. Tân Hoa xã bình luận và ca ngợi việc Mỹ chấp nhận khái niệm “quan hệ cường quốc kiểu mới” mà TQ đưa ra. Trong khi đó, trong thông báo của Nhà Trắng, việc này không hề được nhắc đến. Dường như có sự khác biệt trong nhận thức về "cường quốc" giữa Bắc Kinh và Washington?
+ Cả Mỹ và TQ đều chung ý tưởng xây dựng quan hệ cường quốc kiểu mới nên khi TQ đưa ra ý tưởng này thì Mỹ cũng đồng ý. Nhưng TQ và Mỹ có cách hiểu khác nhau về khái niệm này. Có lẽ vì thế và vì TQ chiếm thế thượng phong trong việc định nghĩa khái niệm nên gần đây Mỹ không sử dụng khái niệm này nữa.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép trên biển Đông. (Ảnh: EPA)
Ý đồ của TQ khi đưa ra khái niệm “quan hệ cường quốc kiểu mới” là buộc Mỹ cam kết không xung đột, không đối đầu với TQ và chấp nhận lợi ích cốt lõi của TQ. Bản thân Mỹ thì chưa có khái niệm rõ ràng về quan hệ cường quốc kiểu mới.
. Nếu xét khái niệm “quan hệ cường quốc kiểu mới” trong giải quyết tranh chấp biển Đông, sự khác biệt trong cách tiếp cận vai trò, trách nhiệm của một cường quốc giữa TQ và Mỹ ra sao?
+ Cách tiếp cận của hai nước Mỹ, TQ ở biển Đông đều khá cổ điển, không thấy có gì là quan hệ cường quốc kiểu mới. TQ muốn thay đổi trật tự hiện hành thì liều lĩnh hơn, còn Mỹ muốn giữ trật tự hiện hành thì thận trọng hơn.
. Xin cảm ơn ông.
Mỹ không chấp nhận mọi lợi ích TQ tuyên bố
Trả lời phỏng vấn hai cây bút Patrick Renz và Frauke Heidemann thuộc chuyên trang IR.asia tại Honolulu vào 27-3-2015, GS Alexander L. Vuving cho rằng “quan hệ cường quốc kiểu mới” là một phương sách của TQ để đánh lừa Mỹ.
Ban đầu, khái niệm này được đề xuất bởi TQ để tái định nghĩa mối quan hệ với Mỹ nhằm xây dựng một mối quan hệ chưa từng có giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Mối quan hệ này khác so với mối quan hệ điển hình giữa các cường quốc trong quá khứ.
Mỹ bị cuốn hút vào phương sách này trong thời gian đầu. Tuy nhiên, sau đó Mỹ nhận ra rằng đây chỉ là một cái bẫy. Những gì TQ muốn không phải là một loại quan hệ kiểu mới mà là sự thừa nhận của Mỹ đối với các lợi ích cốt lõi của TQ. Đây là ý tưởng đằng sau lời đề nghị của TQ.
Rõ ràng lợi ích cốt lõi của TQ, khi chỉ được định nghĩa bởi TQ, là điều mà Mỹ không thể chấp nhận hoàn toàn. Hiện nay Mỹ không còn nhắc đến chuyện này. Có thể nghe nói từ các lãnh đạo TQ nhưng không phải từ một nhà lãnh đạo Mỹ nào đó.
(* Quan điểm trong bài là quan điểm của cá nhân GS Alexander L. Vuving, không phản ánh quan điểm của nơi giáo sư đang làm việc).
Theo Đỗ Thiện thực hiện
Pháp luật TPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét