LĐO - Năm 2006, nhiều người bất ngờ, ngạc nhiên khi thấy Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - sau khi dự Hội nghị APEC ở Việt Nam - đã về nước bằng một chiếc vé của Hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways. Có mấy chi tiết cần phải nói thêm: Rằng chiếc vé đó có giá chỉ 1 triệu VND; rằng Chính phủ Singapore không dùng chuyên cơ Boeing 777, không phải chỉ để tiết kiệm vài triệu USD mỗi tháng, mà còn tiết kiệm cả vài chục ngàn USD tiền bến bãi khi công du nước ngoài.
Câu chuyện chiếc vé giá rẻ, nhân cảm hứng từ văn bản của Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tất cả nhân viên, lãnh đạo thuộc Bộ GTVT phải ưu tiên sử dụng máy bay giá rẻ khi đi công tác, cuối tuần qua đã trở thành đề tài bàn luận vui vẻ khi Quốc hội nói đến chuyện ngân sách.
Rất nhiều sự nhiệt liệt tán đồng. Nhưng cũng nhiều cái cau mày.
“Tôi mua vé hàng không giá rẻ, bay 15h, nhưng lùi đến 21h mới được lên máy bay” - một nữ ĐBQH kể. Bản thân câu chuyện của bà đã là một bài toán khó giải về tiết kiệm, giữa việc chiếc vé rẻ được tối thiểu một nửa tiền và một bên là thời gian vật chất cũng như nỗi ấm ức tâm lý khi mất đứt gần nửa ngày giời.
Đến một vị đức cao vọng trọng như hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cũng phàn nàn: “Nhiều khi tôi đi vé giá rẻ, loại không thay đổi được lịch. Đến phút chót tôi có việc, không đi được nữa, thế là mất tiền”.
Ừ thì đó đúng là thực tế, vì sự bất tiện của cái rẻ. Nhưng còn có một thực tế lớn hơn là hiện giờ tình trạng lạm dụng từ những người được quyền tiêu tiền ngân sách, không chỉ là chuyện cái vé máy bay, đã như một thứ bệnh sĩ mà từ mấy chục năm trước, Lưu Quang Vũ đã nói xung quanh những câu chuyện dở khóc dở cười của mấy ông tiên chỉ làng Cà Hạ, Toàn Nha. Một người nghèo mắc bệnh sĩ là thảm họa khi căn bệnh sĩ chính là chiếc barie cản đường thoát nghèo. Một quan chức sĩ diện trên sự nghèo khổ của dân chúng là một sự tàn nhẫn.
Đừng nói lít xăng xe công không đáng là bao. Đừng nghĩ một cái vé giá rẻ chẳng thấm vào đâu so với số tiền tham nhũng, chẳng hạn từ một bộ lặn giá 100 triệu đồng được “làm tròn” thành 130 tỉ đồng. Bởi suy cho cùng, một đồng cũng là tiền thuế của dân, nửa đồng cũng từ mồ hôi nước mắt của dân. Không có lý nào khi nhân dân đang “thắt lưng, buộc bụng” thì quan chức lại cứ phải hạng thương gia cho sang, cho hoành tráng.
24 giờ đồng hồ sau đó, trong phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói rằng, sau khi thực hiện chủ trương khoán xe công, “có những đồng chí lãnh đạo nhận tiền khoán để đi taxi, thậm chí xe ôm”.
Ồ, sẽ là hình ảnh tuyệt đẹp nếu một ngày nào đó, người dân chợt phát hiện ra một thứ trưởng đi xe ôm, một bộ trưởng đi xe buýt và một chuyến công du của các quan chức Chính phủ bằng vé máy bay giá rẻ. Điều đó sẽ thuyết phục dân chúng hơn mọi lời nói. Bởi xe biển xanh hay máy bay, suy cho cùng, không phải chạy bằng xăng, mà bằng mồ hôi, nước mắt của nhân dân.
nguon: http://phuocbeo.blogspot.com/2015/09/xe-cong-chay-bang-mo-hoi-nuoc-mat-cua.html#moreXem thêm:
>> Du lịch Đà Nẵng bất an>> Nếu tỉnh nào cũng ra “lệnh” uống bia…
>> Mất nhỏ được nhỏ, mất lớn được lớn?
>> Hoàng gia Nhật tiêu tiền ít hơn Ba Đình?
>> Nợ công dự kiến lên 62,3% GDP vào cuối năm 201
>> VND mất giá 5,1%, nợ công tăng thêm 3,3%
>> Nợ công có thể tăng thêm 20.000 tỷ đồng sau biến động tỷ giá
>> Chính phủ: Nợ công khoảng 110 tỷ USD - vẫn trong giới hạn an toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét