Translate

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Bí ẩn ngân sách ?!

Tư Giang (TBKTSG)
.
Mấy năm gần đây, NSNN đang phạm hai nguyên tắc vàng. Thứ nhất, chi nhiều hơn thu, làm bội chi ngày càng lớn. Thứ hai, tăng chi đầu tư công ngày càng chậm, tăng chi thường xuyên ngày càng vượt lên. Khi minh bạch không được đảm bảo, nghĩa vụ giải trình bị phớt lờ, và trách nhiệm vẫn là của tập thể, thì sẽ không thể dừng được xu hướng đáng báo động này của NSNN.
   Chỉ số công khai ngân sách mở của Việt Nam năm 2015 chỉ là 18 điểm trên thang điểm 100, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 45 điểm, theo khảo sát của tổ chức Đối tác Ngân sách quốc tế công bố ngày 9-9-2015. Chỉ số này thậm chí thấp hơn một điểm so với xếp hạng năm 2014.

Mức độ thiếu công khai, minh bạch về ngân sách, như xếp hạng trên, không gây ngạc nhiên với nhiều người, trong đó có Trưởng đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA), ông Mori Mutsuya. Trong nỗ lực tìm kiếm thông tin về ngân sách để phục vụ cho nghiên cứu gần đây về nợ công, nợ trong nước, nợ nước ngoài của Việt Nam mà JICA quan tâm, ông đã không khỏi thất vọng. Các số liệu ngân sách nhà nước mà Bộ Tài chính thường công khai trên cổng thông tin điện tử, ông nhận xét, không thể hiện được gì nhiều.

Ông nói: “Theo tư liệu của chúng tôi, vấn đề nợ công của Việt Nam là do thâm hụt ngân sách. Trong các bảng biểu của chúng tôi có các cột, ví dụ thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, kéo theo cột nợ công tăng theo. Vấn đề đáng quan tâm nhất, nguyên nhân nào làm thâm hụt ngân sách như vậy. Thâm hụt ngân sách không phải do đầu tư, mà là cho chi thường xuyên. JICA muốn đi sâu tìm hiểu, những hạng mục nào trong chi thường xuyên làm tăng nợ công, nhưng những số liệu của Bộ Tài chính không cho biết. Bộ có giải thích là do chi lương, chi an sinh xã hội nhưng không có số liệu thực tế để chứng minh điều đó”.
Khi minh bạch không được đảm bảo, nghĩa vụ giải trình bị phớt lờ, và trách nhiệm vẫn là của tập thể, thì sẽ không thể dừng được xu hướng đáng báo động hiện nay của NSNN.

Chi thường xuyên, theo tính toán của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đã lên tới 71% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Tuy nhiên, những người có trách nhiệm của Bộ Tài chính đã tỏ ra… ngạc nhiên khi được hỏi về con số này trong một cuộc họp báo thường kỳ của bộ này gần đây.

Với đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh, tỉnh Hải Dương, bí mật, bí ẩn ngân sách không phải là chuyện gì mới mẻ. Ông đã không thể công khai các bản báo cáo ngân sách cho cử tri, những người đã bầu ông làm đại diện khi tiếp xúc với họ. Ông kể tại phiên thảo luận ở hội trường trong kỳ họp Quốc hội tháng 6-2015: “Trước đây, cầm báo cáo ngân sách mà có chữ “mật” thì tôi rất ngại, đem về địa phương rất lo”. Ông đặt câu hỏi: “Như thế này thì Quốc hội công khai ở chỗ nào? Dân chủ ở chỗ nào? Mọi người có được biết cái này không?”.

Ở cấp địa phương, vấn đề công khai, minh bạch ngân sách còn kém hơn nhiều. Một khảo sát gần đây với hơn 1.100 người dân tại năm tỉnh là Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Quảng Trị và Bà Rịa - Vũng Tàu của năm tổ chức xã hội dưới sự bảo trợ của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho thấy điều đó.

Theo khảo sát này, các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động ngân sách không rõ trách nhiệm giải trình. Không tỉnh nào cung cấp cho người dân thông tin về địa chỉ để người dân nếu có thắc mắc có thể đặt câu hỏi, cũng như đưa ra các ý kiến đóng góp hoặc phản hồi liên quan đến dự toán, quyết toán ngân sách địa phương. Các tỉnh này chỉ “thông báo tổng thu, tổng chi ngân sách của xã qua hội đồng nhân dân chứ không thông báo chi tiết tới người dân”.

Kết quả tham vấn tại Bắc Giang cho thấy, hơn 43% người dân được hỏi không biết rằng ngân sách được chi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng và đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước; tới hơn 63% số người được hỏi không biết rằng ngân sách được chi trả nợ của nhà nước và chi viện trợ. Trong khi đó, có gần 43% người dân ở các tỉnh Hòa Bình, Quảng Trị, Vũng Tàu và Nam Định cho biết họ có nghe hoặc có nhìn thấy báo cáo thu - chi ngân sách của xã nhưng không nhớ hoặc không hiểu được những thông tin này.

Kết quả tham vấn cũng cho thấy người dân ở các địa phương trên hầu như chưa có tiếng nói trong phân bổ ngân sách. “Chúng tôi chỉ quan tâm mình phải nộp những khoản gì, nộp bao nhiêu, chứ còn nhà nước chi ngân sách thế nào thì chúng tôi chẳng quan tâm…”, một người dân nói.

Hệ lụy của sự thiếu công khai, minh bạch là rõ ràng, và đáng báo động. Một báo cáo về phân cấp tài khóa của Ngân hàng Thế giới phát hiện, các kế hoạch chi tiêu của địa phương thiếu độ tin cậy qua so sánh với số thực hiện. Đặc biệt, chi đầu tư xây dựng cơ bản - thường chênh lệch tới 50% so với dự toán, vượt xa so với hướng dẫn về thông lệ tốt là duy trì chênh lệch chi tiêu ở mức không quá 5% dự toán. Bình quân các tỉnh miền núi phía Bắc chi cao hơn dự toán đến 42%, các tỉnh ở Tây Nguyên chi cao hơn 35%. Còn tại khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, mức chi bình quân cao hơn lần lượt là 7% và 9%. Ngân hàng Thế giới lý giải tình trạng này là do cơ quan hành pháp được phép linh hoạt thay đổi dự toán, không cần cơ quan lập pháp phê duyệt.

Giải thích này phù hợp với thực tế gần đây nhất, khi bội chi ngân sách nhà nước năm 2013 vọt lên 6,6% GDP, từ mức 5,3% GDP được phê duyệt trước đó và điều đó đã được Quốc hội dễ dàng thông qua.

Bản dự thảo đầu tiên của Luật NSNN từng có điều khoản xử lý trách nhiệm cá nhân của những người chi tiêu sai NSNN. Tuy nhiên, nội dung này không còn xuất hiện trong luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp trước. Lý giải điều này, một quan chức Quốc hội giải thích: “Có nhiều ý kiến các cấp phản ứng quá, bảo thế này thì trói chúng tôi à. Vậy là nó được rút ra”.

Mấy năm gần đây, NSNN đang phạm hai nguyên tắc vàng. Thứ nhất, chi nhiều hơn thu, làm bội chi ngày càng lớn. Thứ hai, tăng chi đầu tư công ngày càng chậm, tăng chi thường xuyên ngày càng vượt lên. Khi minh bạch không được đảm bảo, nghĩa vụ giải trình bị phớt lờ, và trách nhiệm vẫn là của tập thể, thì sẽ không thể dừng được xu hướng đáng báo động này của NSNN.
http://www.thesaigontimes.vn/135770/Bi-a%CC%89n-ngan-sach.html

Không có nhận xét nào: