Translate

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

Làm sao để ngư dân Việt Nam không còn phải đổ máu?

(GDVN) - Không thể để tình trạng có nhiều lực lượng chức năng cùng bảo vệ ngư dân mà tàu cá vẫn bị bắt, ngư dân Việt Nam vẫn bị nước ngoài bắt bớ, đánh đập hay bắn giết


 >   Nên tiếp cận thận trọng với Con đường Tơ lụa trên biển

 >  Trung Quốc đã nhảy lên võ đài và ra chưởng ở Biển Đông

 >  Không ảo tưởng Tập Cận Bình xuống thang ở Biển Đông

Kết quả hình ảnh cho Băn vào tàu cá Viet nam

Ngày 11/9 vừa qua 6 tàu cá Việt Nam bị tấn công khi đang đánh bắt trên vịnh Thái Lan khiến một ngư dân thiệt mạng, một ngư dân khác trọng thương và 4 chiếc tàu bị hư hỏng nặng. Vụ việc đã khiến dư luận rất sốc và lo lắng cho an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Việt Nam khi đánh bắt xa bờ. Mãi đến ngày 16/9, Cảnh sát biển Thái Lan mới lên tiếng thừa nhận họ đã gây ra vụ xả súng đẫm máu này.

 Xả súng vào ngư dân tay không vũ khí là hành vi của kẻ cướp

Trước sự khan hiếm và cạn kiệt nguồn tài nguyên thủy hải sản đã buộc ngư dân các nước trong khu vực phải đánh bắt xa bờ và chuyện ngư dân nước này đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển nước kia không phải là hiếm.
Đã có những vụ ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt bớ, đánh đập, đòi tiền chuộc và cho nổ tung tàu cá như cách hành xử của Indonesia hay thậm chí là khi đánh bắt trong vùng biển chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa cũng bị lực lượng chức năng Trung Quốc hành hung, cướp phá.
Nhưng việc lực lượng chức năng Thái Lan xả súng vào ngư dân Việt Nam tay không vũ khí là hành vi phạm pháp luật quốc tế không thể chấp nhận, hiếm thấy và là dấu hiệu của xu hướng leo thang hành vi vũ lực, dùng luật rừng của một số nước với ngư dân láng giềng trong thời đại văn minh.
Cho dù những ngư dân Việt Nam bị bắn vừa qua có vô tình hay cố ý xâm phạm vào vùng biển Thái Lan đi nữa, lực lượng chức năng nước họ có thể thực hiện các biện pháp kiểm tra hành chính, cưỡng chế buộc rời khỏi vùng biển nước họ và cùng lắm là bắt giữ giao cho tòa án xử lý theo luật định nếu có hành vi chống trả như Cảnh sát biển Thái Lan nói với báo giới.
Suy cho cùng, những ngư dân này cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh, tay không tấc sắt, không phải đối tượng nguy hiểm, đe dọa gì đến an ninh quốc gia của Thái Lan mà phải nổ súng bắn giết họ.
Cảnh sát biển Thái Lan ngang nhiên xả súng bắn chết, bắn trọng thương ngư dân Việt Nam là hành vi phạm pháp, đi ngược lại các chuẩn mực quốc tế về đối xử nhân đạo với ngư dân, cổ súy cho thói quen tùy tiện dùng vũ lực, tùy tiện nổ súng và coi thường sinh mạng con người. Không có lý do nào có thể bao biện được cho những hành động hung hãn, mất hết nhân tính ấy.
Vụ việc cũng là hồi chuông báo động đối với ASEAN đang tiến đến mục tiêu hình thành Cộng đồng Kinh tế trong năm nay về cách hành xử bạo lực của nhà chức trách một số nước đối với ngư dân nước láng giềng khác, trong vụ này là Cảnh sát biển Thái Lan.
Nếu không có biện pháp ngăn chặn, không có gì đảm bảo những vụ việc đau lòng tương tự tái diễn. Người ta có thể nổ súng giết dân lành với cái cớ "chống người thi hành công vụ", trong khi ngư dân tay không vũ khí, đơn thương độc mã giữa biển khơi.
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của ngư dân?
Ngư dân không chỉ là người mưu sinh trên biển mà còn là lực lượng đi đầu trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển. Nhà nước lâu nay luôn quan tâm, trăn trở và đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân.
Nhiều nhà lãnh đạo cấp cao lên tiếng yêu cầu các lực lượng chức năng nhà nước có liên quan phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân, nhưng sao vẫn cứ xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy? Tàu cá Việt Nam bị đánh chìm, ngư dân bị bắt bớ đánh đập, đòi tiền chuộc, và bây giờ là bị bắn chết, trọng thương.
Đầu đạn thu được từ tàu cá Việt Nam bị Cảnh sát biển Thái Lan xả súng hôm 11/9, ảnh: Báo Thanh Niên.
Chúng ta không thiếu các cơ quan chức năng có nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ ngư dân hoạt động đánh bắt trong ngư trường nước mình và khu vực chồng lấn có thỏa thuận cùng đánh bắt cùng khai thác với nước khác, ngăn chặn ngư dân Việt Nam xâm nhập và đánh bắt bất hợp pháp trong các vùng biển nước khác. Đó là Kiểm ngư, Biên phòng, Cảnh sát biển, Dân quân tự vệ biển, Hội Nghề cá cho đến chính quyền địa phương nơi đăng ký, cấp phép cho hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Ngân sách hàng năm nhà nước rót cho các đơn vị thực thi nhiệm vụ bảo vệ ngư dân bám biển, đánh bắt và làm ăn hợp pháp trên biển không hề nhỏ. Ở các vùng biển chồng lấn, mà cụ thể trong trường hợp này là vịnh Thái Lan, chúng ta có hẳn cơ chế hợp tác khai thác chung ở khu vực chồng lấn, tuần tra chung với Thái Lan, Malaysia.
Nhưng tại sao vụ việc như vậy vẫn xảy ra, và chúng ta lấy gì để đảm bảo trong thời gian tới ngư dân Việt Nam không còn bị đổ máu trước thói hành xử hung bạo, dùng vũ lực của một số nước trong khu vực?
Trong vụ việc này, dư luận chỉ thấy có ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá tỉnh Kiên Giang nói trên BBC Tiếng Việt rằng, chưa có giải pháp gì giải quyết tình trạng ngư dân có nguy cơ bị bắn chết trên biển.
“Tôi rất trăn trở, nhưng Hội Nghề cá chỉ có thể nhắc nhở ngư dân chấp hành chính sách của nhà nước chứ không làm gì được hơn. Bản thân ngư dân cũng phải chấp nhận rủi ro có thể bị tấn công khi đánh bắt xa bờ trong lúc ngư trường Việt Nam đã cạn kiệt nguồn thủy hải sản”, ông Ngữ nói.
Đài BBC Tiếng Việt cũng tường thuật lời ông Ngữ cho rằng, để tiếp tục mưu sinh trên biển, ngư dân Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ‘ai mạnh thì thắng’ và ‘khi gặp nạn thì đành chấp nhận thôi’. Ông Ngữ đề cập một cái khó của ngư dân địa phương là ‘chủ trương không cho tàu đánh xa bờ được đánh trong bờ’.
Cứ theo lời ông thì Hội Nghề cá chỉ làm mỗi việc "nhắc nhở ngư dân chấp hành chính sách của nhà nước chứ không làm gì hơn". Vấn đề là cơ quan này nhắc nhở những gì, hay chỉ là một câu chung chung "chấp hành chính sách của nhà nước"? Ngoài ra, vai trò của các lực lượng chức năng khác ở đâu?
Trong vụ việc này, hậu quả là ngư dân Việt Nam bị Cảnh sát biển Thái Lan bắn chết, bắn trọng thương và họ khăng khăng nói rằng họ không sai, mà do ngư dân Việt Nam "gây hấn cố đâm vào tàu của họ".
Ngư dân ta và các cơ quan chức năng không đưa ra được bằng chứng nào để phản bác. Tệ hơn nữa, nếu Cảnh sát biển Thái Lan không "tự giác" thừa nhận với báo giới quốc tế hôm 16/9, chúng ta cũng chẳng có cách nào vạch mặt thủ phạm thực sự xả súng vào ngư dân Việt Nam hôm 11/9.
Trong khi đó những ngư dân này người thì mất mạng, người thì trọng thương mà không biết ai phải chịu trách nhiệm. Nói như ông Ngữ là "gặp nạn thì đành chấp nhận thôi". Điều đó cho thấy có nhiều lỗ hống trong quản lý nhà nước về nghề cá mà lực lượng thì có thừa.
Nhà nước vẫn quan tâm trăn trở, ngân sách từ tiền thuế của dân vẫn tiếp tục rót cho các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ ngư dân làm ăn hợp pháp trên biển, còn ngư dân sống chết thế nào thì còn phải chờ xem.
Anh Nguyễn Hùng Cường, một ngư dân bị Cảnh sát biển Thái Lan bắn gãy xương đùi hôm 11/9. Ảnh: Hải Lăng/Thanh Niên.
Giải pháp nào tránh cho ngư dân Việt Nam khỏi bị đổ máu?
Cá nhân tôi cho rằng, đầu tiên phải cung cấp thông tin, tuyên truyền phổ biến cho bà con ngư dân về các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam cũng như các khu vực chồng lấn đã có thỏa thuận cùng hợp tác, cùng khai thác với các nước khác.
Nhắc nhở và có biện pháp chủ động xử lý những ngư dân, tàu cá của ta xâm nhập và đánh bắt trái phép vùng biển nước khác. Chúng ta bảo vệ ngư dân phải bảo vệ từ nhận thức, ngăn chặn nguy cơ, 2 chiều, chứ không phải để xảy ra những vụ việc đau lòng này mới chạy theo điều tra. Vấn đề là cơ quan, tổ chức nào sẽ đứng ra làm việc này?
Thứ hai, tôi cho rằng các lực lượng chức năng nói trên ở mỗi địa phương cần nhóm họp liên ngành dưới sự chỉ đạo của chính quyền sở tại địa phương quản lý và cấp phép cho ngư dân nhanh chóng bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống khi đối mặt với tàu cá, tàu công vụ nước ngoài có ý đồ hung hăng dùng vũ lực với mình. Làm thế nào tránh để đối phương lợi dụng, khiêu khích và có cớ sử dụng vũ lực.
Đặc biệt cần lưu ý ngư dân chủ động tự bảo vệ mình bằng cách thu thập bằng chứng. Trong vụ này, nếu chúng ta có hình ảnh hay video ghi lại hành vi bắn giết ngư dân ta của Cảnh sát biển Thái Lan, chúng ta mới có thể đấu tranh với họ về ngoại giao cũng như pháp lý. Bây giờ họ chối bay chối biến mà ta không có bằng chứng thì không thể làm gì. Đồng thời cũng phải tính đến việc trang bị cho ngư dân công cụ phòng vệ, đề phòng các tình huống bất trắc.
Thứ ba, rà soát lại các hoạt động tuần tra kiểm soát của các lực lượng chức năng trên biển, đặc biệt là các khu vực giáp ranh, nhạy cảm hay xảy ra va chạm. Biển thì mênh mông, nhưng không phải khu vực nào cũng nhạy cảm và hay xả ra va chạm.
Tính toán phương án quản lý ngư dân thông qua hệ thống định vị vệ tinh, nhắc nhở và cảnh báo kịp thời nếu tàu cá Việt Nam di chuyển sang vùng biển nước khác, hoặc khi xảy ra sự cố như hôm 11/9 thì có thể xác định được ngay tọa độ, vị trí để có phản ứng, xử lý phù hợp.
Thứ tư, cần làm việc với các nước trong khu vực theo các khuôn khổ, cơ chế đã thỏa thuận bao gồm tuần tra chung, họp định kì về công tác quản lý các vùng biển tiếp giáp, vùng biển chồng lấn. Thông báo kịp thời với đối phương và yêu cầu họ không có hành vi đe dọa tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam, đối xử với ngư dân của nhau vi phạm vùng biển hay đánh bắt trái phép trên tinh thần nhân đạo, văn minh.
Thứ năm, xử lý khủng hoảng truyền thông nhanh chóng trong các vụ việc tương tự. Bất luận ngư dân Việt Nam có xâm phạm vùng biển Thái Lan hay không, việc Cảnh sát biển Thái Lan hoặc bất cứ lực lượng nào khác bắn chết ngư dân Việt Nam đều là hành vi sai trái, phạm pháp và không thể chấp nhận.
Các lực lượng chức năng Việt Nam như Bộ Ngoại giao, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Biên phòng, Hội Nghề cá và chính quyền địa phương sở tại cần lập tức lên tiếng lên án hành vi này trước rồi tiến hành điều tra sau, đồng thời thăm hỏi động viên giúp đỡ kịp thời ngư dân bị nạn để dư luận người dân yên tâm khi biết ngư dân được quan tâm, bảo vệ thực sự. Càng để lâu càng bất lợi, tạo điều kiện cho những tin đồn thất thiệt và gây mất lòng tin của người dân.
Thứ sáu, các cơ quan chức năng, địa phương nào quản lý ngư dân hoặc địa bàn xảy ra sự cố phải rà soát lại công tác hỗ trợ, bảo vệ ngư dân của mình đến đâu, ai và lực lượng nào không hoặc chưa làm tròn nhiệm vụ. Không thể để tình trạng có nhiều lực lượng chức năng cùng bảo vệ ngư dân mà tàu cá vẫn bị bắt, ngư dân Việt Nam vẫn bị nước ngoài bắt bớ, đánh đập hay bắn giết như trong vụ này.

Điều này càng trở nên quan trọng và cấp bách khi ngư trường hợp pháp của ngư dân Việt Nam đang có quá nhiều mối đe dọa nguy hiểm, điển hình là ngư trường ở Hoàng Sa.

Không có nhận xét nào: