Translate

Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Rừng chưa hóa vàng, biển chưa thành bạc


Nhìn vào thực tế 80% địa phương chưa thể tự nuôi mình 
Nguyễn Văn Hùng
.

>>  Sửng sốt chi tiêu của gia đình có thu nhập 8 triệu/tháng

(TBKTSG) - Dự toán thu, chi ngân sách là một trong những chỉ tiêu kế hoạch trọng yếu mà Chính phủ giao cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hàng năm. Năm 2015, dù tổng thu ngân sách của các địa phương tăng khá so với năm ngoái nhưng bảng tổng hợp dự toán vẫn cho thấy nhiều điều rất đáng quan tâm

Phi công bất phú, phi thương bất hoạt 

Từ thời xưa dân gian đã tổng kết: “Phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Thật vậy, gần như tất cả các tỉnh, thành phố mà dự toán thu, chi ngân sách năm 2015 có điều tiết về trung ương đều có cơ cấu kinh tế nghiêng hẳn về công nghiệp, dịch vụ. Điều đó càng được chứng minh khi nhìn vào danh sách 10 địa phương dẫn đầu về dự toán tổng thu ngân sách: TPHCM (266.776 tỉ đồng), Hà Nội (141.690 tỉ đồng), Bà Rịa - Vùng Tàu (118.650 tỉ), Hải Phòng (48.275 tỉ), Đồng Nai (37.215 tỉ), Quảng Ninh (35.815 tỉ), Quảng Ngãi (33.190 tỉ), Bình Dương (32.624 tỉ), Vĩnh Phúc (21.990 tỉ), Khánh Hòa (14.850 tỉ). Một số địa phương chưa hẳn được coi là tỉnh công nghiệp, dịch vụ nhưng đã lọt vào danh sách có điều tiết về trung ương, đó là do có nhà máy công nghiệp lớn đóng trên địa bàn, như Quảng Ngãi (có Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn và khu công nghiệp Dung Quất), Bắc Ninh (tổng thu 13.306 tỉ đồng, có khu công nghiệp Samsung), Hà Tĩnh (9.760 tỉ đồng, có khu kinh tế Vũng Áng)... 

Ngược lại, các tỉnh, thành, tuy không thuộc vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhưng công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển, nông nghiệp còn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế thì đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương. Điển hình như Thanh Hóa (phải trợ cấp bổ sung 6.503 tỉ đồng, bằng 40% tổng cân đối chi trong năm), Nghệ An (trợ cấp 5.138 tỉ đồng, bằng 37,5% tổng chi). Một tỉnh từng là trung tâm công nghiệp miền Bắc những năm 1960-1980 là Nam Định thì năm nay dự toán thu ngân sách thấp nhất vùng đồng bằng sông Hồng (còn thấp hơn bình quân một huyện - thị của Bình Dương), chỉ 2.443 tỉ đồng, phải nhận trợ cấp 3.249, 5 tỉ đồng, xấp xỉ 50% tổng chi. 



Rõ ràng thực tế thu nhập thấp và bấp bênh trong lĩnh vực nông nghiệp đã dẫn đến những chênh lệch rất lớn về thu ngân sách. Dù là những địa phương dẫn đầu về sản lượng lúa hàng năm với từ 3-4 triệu tấn mỗi tỉnh và đương nhiên là đóng góp chủ yếu vào lượng gạo xuất khẩu cả nước nhưng An Giang vẫn phải nhận trợ cấp 2.019 tỉ đồng (32,5% tổng chi), Kiên Giang (trợ cấp 1.992 tỉ, bằng 33% tổng chi), Đồng Tháp (trợ cấp 1.174 tỉ, bằng 21,7% tổng chi) và Hậu Giang (trợ cấp 1.254 tỉ, bằng 47% tổng chi)... 



Dù có đủ cả “rừng vàng” lẫn “biển bạc” nhưng nếu chưa có các giải pháp thúc đẩy được công nghiệp, dịch vụ thì rừng cũng không thể hóa vàng mà biển cũng chưa biết khi nào mới thành bạc.


Thái Bình vốn là một “vựa” lúa ở đồng bằng sông Hồng, dù dân số ngang bằng với tỉnh Bình Dương ở Đông Nam bộ (cùng hơn 1,7 triệu người), nhưng dự toán thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 của tỉnh Bình Dương gấp tới 9,8 lần tỉnh Thái Bình (chỉ 3.319 tỉ đồng). Lý do đương nhiên là đã rõ: Bình Dương là tỉnh công nghiệp với hàng chục khu công nghiệp, hàng ngàn nhà máy còn Thái Bình gần như vẫn thuần nông. Một thực tế khác, nếu so sánh theo khu vực, thì dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn của 13 tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ 40.680 tỉ đồng, trong khi của sáu tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ tới 460.816 tỉ đồng, gấp 11,3 lần. Thế nên mới có người nói vui: “Vựa lúa ở miền Tây, kho bạc ở miền Đông”! 


Rừng chưa hóa vàng, biển chưa thành bạc 



Hẳn nhiều người sẽ bất ngờ khi biết rằng thành phố Đà Nẵng, vốn được coi là đô thị lớn thứ ba trong nước, nhưng dự toán tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 xếp tới thứ 12 (11.661 tỉ đồng, chưa bằng nộp ngân sách trong một năm của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với khoảng 13.000 tỉ đồng). Dự toán thu trên của Đà Nẵng còn kém xa so với các địa phương trong tốp 10 đã đành, lại còn thấp hơn cả “tỉnh lẻ” Bắc Ninh (13.306 tỉ đồng). Đà Nẵng có bãi biển thuộc hàng đẹp nhất hành tinh, có cả rừng, sân bay quốc tế và cảng biển quốc tế nhưng ngay trong khu vực duyên hải miền Trung vẫn đứng sau Quảng Ngãi và Khánh Hòa về dự toán thu ngân sách. Tương tự, thành phố thủ phủ miền Tây Nam bộ là Cần Thơ, số thu cũng khá nhỏ, chỉ 8.327 tỉ đồng, xếp sau cả tỉnh Hà Tĩnh (9.760 tỉ đồng). 



Vì sao lại như vậy? Có một lý giải duy nhất: quy mô cả hai ngành công nghiệp và dịch vụ ở hai đô thị lớn này còn khiêm tốn. Điều đã rõ là hai thành phố này chưa có những khu công nghiệp, kinh tế trọng điểm, những dự án đầu tư FDI lớn trong khi lĩnh vực dịch vụ, dù có tiềm năng nổi trội vẫn chưa vươn khỏi tầm vùng miền, càng không thể cạnh tranh được với TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Lại có người sẽ hỏi: thế thì Đà Nẵng lấy đâu ra tiền để đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng, đặc biệt là những cây cầu nổi tiếng nối hai bờ sông Hàn? Xin thưa, vốn đầu tư chủ yếu từ bán đất, nói theo cách dễ nghe là “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng”. Tuy nhiên, đất sẽ không còn để mà bán mãi, phải tìm cách thúc đẩy mạnh công nghiệp, dịch vụ mới có thể phát triển bền vững được. 



Nhìn rộng ra, cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn có tới 16/19 tỉnh, thành phố cần ngân sách trung ương trợ cấp. Như vậy, dù có đủ cả “rừng vàng” lẫn “biển bạc” nhưng nếu chưa có các giải pháp thúc đẩy được công nghiệp, dịch vụ thì rừng cũng không thể hóa vàng mà biển cũng chưa biết khi nào mới thành bạc. 



Tại một vùng “rừng vàng” khác là các tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình còn khó khăn hơn với mức thu ngân sách thấp nhất nước: tỉnh Bắc Kạn tổng dự toán thu chỉ 440 tỉ đồng, Điện Biên chỉ 727 tỉ đồng, Lai Châu 788 tỉ đồng và Cao Bằng 973 tỉ đồng. Vì thế không chỉ cả 14 tỉnh miền núi phía Bắc đều phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương mà tổng thu cả vùng cũng chưa bằng một tỉnh Bình Dương. 



Tất nhiên, tư duy kinh tế mới không chấp nhận phát triển đồng đều theo kiểu cào bằng như nhau mà phải có những địa phương đi trước, đi nhanh để hỗ trợ, kéo những vùng, địa phương khó khăn bứt lên. Thế nhưng, cũng không thể nào chấp nhận thực tế chỉ có 20% số tỉnh, thành phố tự cân đối được nhu cầu chi tối thiểu và có điều tiết về ngân sách trung ương, 80% chưa tự cân đối được, phải nhận trợ cấp từ trung ương. 



Tuy tái cơ cấu kinh tế được xem là giải pháp bắt buộc nhưng điều đó sẽ chỉ có hiệu quả nếu được cụ thể hóa bằng hệ thống cơ chế, chính sách và giải pháp thực thi phù hợp từng ngành, địa phương, doanh nghiệp chứ không chung chung “trên nói sao, dưới nói y vậy” theo kiểu hô khẩu hiệu như vừa qua. 

Nguồn: Thesaigontimes

Không có nhận xét nào: