Malaysia đã bắt đầu lặng lẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng 2 trong số các căn cứ của mình ở ven Biển Đông kể từ nửa cuối năm ngoái.
Tạp chí Nikkei Asian Review ngày 9/9 bình luận, sự vênh váo của Trung Quốc đã thúc đẩy Đông Nam Á gần gũi hơn với Hoa Kỳ. Sự hiếu chiến của Bắc Kinh ở Biển Đông nơi họ nhảy vào tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng Đông Nam Á đã khuấy lên sự bất bình trong khu vực, đẩy nhiều quốc gia về phía Mỹ, Malaysia là một ví dụ.
Kula Lumpur có truyền thống tránh mối liên hệ với Washington, nhưng trong những năm gần đây dư luận đã chứng kiến sự gia tăng đều đặn trong hoạt động hợp tác quân sự giữa 2 nước. Một trong những diễn biến mới đáng chú ý nhất là việc máy bay giám sát hàng hải P-8 của hải quân Hoa Kỳ đã hạ cánh và tiếp nhiên liệu tại các căn cứ quân sự của Malaysia dọc theo Biển Đông.
Malaysia đã bắt đầu lặng lẽ cho phép quân đội Mỹ sử dụng 2 trong số các căn cứ của mình ở ven Biển Đông kể từ nửa cuối năm ngoái, các quan chức ASEAN tiết lộ. Theo thỏa thuận này, máy bay P-8 của Mỹ được tiếp nhiên liệu từ căn cứ của Malaysia, đổi lại Hoa Kỳ phải chia sẻ các thông tin tình báo mà họ trinh sát, do thám được cho Kuala Lumpur.
"Hợp tác giữa Malaysia với quân đội Mỹ chưa được công bố, nhưng tất nhiên Trung Quốc phải nhận thấy điều này. Kuala Lumpur biết rõ rằng việc giúp Mỹ có thể gây ra một phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc", nguồn tin ngoại giao ASEAN nói với Nikkei Asian Review.
Trước đây Malaysia đã bỏ nhiều công sức theo đuổi "giai điệu hòa hoãn" với Trung Quốc, ngay cả khi tranh chấp lãnh thổ. Thái độ này trái ngược hẳn với Philippines và Việt Nam, hai thành viên ASEAN phản ứng mạnh mẽ trước hoạt động bành trướng của Trung Quốc.
Kuala Lumpur đã từng tin rằng vấn đề Biển Đông có thể được kiểm soát tốt hơn thông qua các hoạt động đàm phán âm thầm phía sau hậu trường. Nhưng khi Bắc Kinh tăng cường các hoạt động bành trướng trên Biển Đông, chuông báo động đã rung lên ở Kuala Lumpur.
Từ năm 2008 đến 2012, tàu Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa mà Malaysia yêu sách tổng cộng 35 lần. Trong năm 2013 hải quân Trung Quốc tập trận ngay ngoài khơi bờ biển Malaysia. Đầu 2014 Bắc Kinh tái diễn một hoạt động quân sự tương tự.
Tháng 6 năm nay căng thẳng đã leo thang khi một chiếc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc được nhìn thấy lượn lờ bên trong vùng nước ven biển gần bờ Malaysia dẫn đến một cuộc chạm trán trực tiếp với một tàu hải quân Malaysia được cử đến để theo dõi.
Để kiềm chế sự hung hãn ngày càng tăng này, chính phủ Malaysia đã bắt đầu cho phép hải quân Mỹ tiếp cận nhiều hơn các cảng của họ. Năm 2003 tàu hải quân Mỹ chỉ được phép cập cảng Malaysia 6 lần. Con số này tăng lên gấp 4 đến 5 lần kể từ năm 2012.
Ngoài ra để hỗ trợ các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, Malaysia cũng đã quyết định thành lập một căn cứ hải quân trên bờ Biển Đông và xây dựng một lực lượng thủy quân lục chiến.
"Bây giờ có rất nhiều người trong chính phủ Malaysia nghi ngờ về cách tiếp cận mềm hiện tại. Đồng thời rất ít người có thể đưa ra một lựa chọn tốt. Tôi mong rằng Malaysia sẽ làm nhiều hơn những điều thầm lặng với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ", Shahriman Lockman, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chiến lược và nghiên cứu quốc tế Malaysia cho biết.
Hồng Thủy
______________________________-
http://www.tintuchangngayonline.com/2015/09/malaysia-am-tham-cung-my-chong-trung.html
______________________________-
http://www.tintuchangngayonline.com/2015/09/malaysia-am-tham-cung-my-chong-trung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét