(Dân trí)- Đó là lời nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự chiều 26-5 được báo Tuổi trẻ bài “Bỏ tử hình tội tham nhũng, dân không chịu đâu” dẫn lời.
>> Không để "hy sinh đời bố, củng cố đời con"
Bác Tỷ nói nguyên văn như sau: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”
.
.
Có lẽ đây là lời nhận xét thẳng thắn nhất, quyết liệt nhất của một chính khách về việc giàu lên nhanh chóng của “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.
Chỉ có mấy chữ biểu đạt về con số, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ đã nói ra một điều tưởng như vô lý, đó là có hẳn một “đội ngũ” làm cán bộ có “mấy năm” mà trong nhà có “vài ba trăm tỉ” đồng, thậm chí cả “ngàn tỉ đồng” thì quả là khủng khiếp
.
.
Họ, những “cán bộ tiền tỉ” đó làm giàu bằng cách nào vậy? Xin thưa, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ đã chỉ rất rõ: “lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng”. Và cay đắng hơn, vị Thiếu tướng, Đại biểu Quốc hội này còn thẳng thắn bày tỏ, rằng những “công bộc” này “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.
Có lẽ do bức xúc với tệ nạn tham nhũng nên tại phiên thảo luận này, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự không đồng tình với việc bỏ tử hình đối với tội tham nhũng.
Trên báo Tiền phong, bài “Không để “hi sinh đời bố, củng cố đời con”, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Chung bày tỏ: “Người nghèo đi buôn ma túy bị lĩnh án tử hình, không cớ gì người có chức vụ, kiến thức mà tham ô, tham nhũng lại không bị tử hình”.
“Tội tham ô, nhận hối lộ chúng ta quy định hình phạt tử hình nhưng thực tế không xử lý được bao nhiêu cả. Dân bảo các ông hô hào thôi chứ có làm được đâu? Nghiêm minh tức là tham ô 4-5 tỷ đồng trở lên phải tử hình, nhưng chúng ta có làm được đâu. Thậm chí có những người tham ô nhưng về mặt Đảng chỉ cảnh cáo thôi. Tức là có độ chênh giữa quy định và thực thi trên thực tiễn …
Chúng ta chỉ xử lý những vụ tham nhũng vặt, dăm ba chục triệu, vài ba trăm triệu. Quy định thật nặng, thật to nhưng không thực hiện được thì càng làm mất lòng tin của người dân”. Ông Độ nói.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng cho rằng “Tội tham nhũng nếu bảo bỏ (tử hình - NV) người ta lại bảo không đấu tranh chống tham nhũng nữa. Điều này chưa thuyết phục”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền còn bày tỏ không đồng tình với việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên. Theo ông Quyền hiện nay tuổi thọ đã được nâng cao, trong khi đó nhiều đối tượng ở độ tuổi này lại “phạm tội kinh khủng”, với tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Trở lại với những phát biểu của Thiếu tướng, ĐB Nguyễn Xuân Tỷ, chỉ có 51 chữ, bác Tỷ đã chỉ ra một thực trạng tham nhũng “khủng khiếp” lên tới “vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng” nhưng lại bằng cái cách còn… “khủng khiếp” hơn, đó là “cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.
Và có lẽ vì vậy bác Tỷ bày tỏ: “Tôi đề nghị giữ nguyên mức tử hình, nếu bỏ mức án này thì về không biết trả lời với cử tri thế nào”.
Bùi Hoàng Tám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét