Huy Đức
Dự thảo Luật Tố tụng Hình
sự đang được thảo luận tại Quốc hội (tháng 5-2015) đã "tiếp thu" được
vài nguyên tắc mà "loài người tiến bộ" đã từng áp dụng từ hàng trăm
năm qua. Các đại biểu Quốc hội cũng bắt đầu nhận ra, cho dù nhu cầu chống tội
phạm lớn tới đâu cũng không thể chấp nhận oan sai. Tuy nhiên, nếu không nhận
thấy nguyên nhân sâu xa của oan sai thì không những không thể thiết kế một nền
tư pháp có thể mang lại công lý mà trong vài trò chống tội phạm, nó còn có thể
trở thành công cụ của từng băng nhóm.
Dân Trí hay Quan Trí
Không ngạc nhiên khi các
tướng công an không ủng hộ quyền im lặng của bị can. Quyền ấy chắc chắn sẽ làm
khó hơn cho tiến trình điều tra. Chỉ ngạc nhiên, sao các tướng - những người
thực thi - lại được đặt ngồi trong cơ quan lập pháp.
Quyền không khai những điều
có thể trở thành bằng chứng chống lại mình khi chưa có luật sư được người Mỹ
đưa vào Hiến pháp năm 1789 (Tu chính án thứ Năm). Tướng Trịnh Xuyên cho rằng áp
dụng nguyên tắc này sẽ không phù hợp với dân trí nước ta. Nói như thế thật là
xúc phạm người dân Việt Nam, không lẽ sau 70 năm xây dựng CNXH, dân trí nước ta
lại thua dân trí Mỹ 226 năm về trước.
Nếu Quốc hội đã "học
Mỹ" khi đưa "quyền im lặng" vào luật Việt Nam chỉ xin quý vị
hiểu lại cho rõ nguyên lý "nhà nước của dân". Năm 2006, khi Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Văn An đến thăm nơi tưởng niệm Tổng thống Abraham Lincoln, tôi
thấy ông đứng rất lâu trước câu nói của Lincoln: "Nhà nước của dân, do dân
và vì dân". Những nhà cách mạng Mỹ không chỉ là tác giả của câu nói này mà
còn đã thể chế hóa thành công nguyên tắc này..
Khi giành được độc lập, khi
đã cầm quyền thay vì quay lưng với nhân dân như nhiều nhà cách mạng khác, vị
tổng thống thứ Nhất của họ, ngay trong năm đầu cầm quyền, đã đưa vào Hiến pháp
10 tu chính án ngăn chặn Quốc hội ra các đạo luật ngăn cản các quyền tự do quan
trọng nhất của người dân.
Các đại biểu đến từ phía
Nam - hai luật sư Trương Trọng Nghĩa và Trần Du Lịch - đã tranh luận khá thẳng
thắn với các tướng công an. Nhưng rất tiếc chưa thấy hai ông chỉ ra hai nguyên
tắc cơ bản để bảo vệ quyền im lặng: Nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc
một người không thể bị coi là có tội khi chưa có một bản án có hiệu lực của
tòa. Vì không coi trọng hai nguyên tắc này mà nhiều người dân chỉ cần bị dân
phòng bắt đã bị đối xử như tội phạm.
Camera & Nhục Hình
Nhiều đại biểu Quốc hội đưa
ra sáng kiến dùng camera đặt trong phòng hỏi cung để ngăn chặn điều tra viên sử
dụng nhục hình. Camera liệu có tác dụng không khi "phòng hỏi cung"
nằm trong tay cơ quan điều tra? Các vị nghĩ rằng các điều tra viên sẽ bật nó
lên cho quý vị xem cách họ làm cho những người vô tội ký vào đơn nhận tội?
Có những cuộc tra tấn được
điều tra viên trực tiếp tiến hành trong phòng hỏi cung như vụ 7 công dân vô tội
bị ép nhận tội giết người ở Sóc Trăng. Nhưng, không phải điều tra viên nào cũng
sử dụng nhục hình thô thiển vậy.
Theo tiến sĩ Dương Thanh
Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKS TC, ngay cả con người huyền thoại Tạ Đình Đề -
người bảo vệ Hồ Chí Minh thời đang còn là "Lý Thụy ở Vân Nam" - trong
hai lần bị "công an ta" bắt (1975-1976 và 1985-1988), nếu không nhận
tội, không khai đúng ý" của người thẩm vấn cũng bị "chuyển phòng giam
khác, bị giao cho đầu gấu". Tạ Đình Đề kể với ông Biểu: "Khi nghe
lệnh chuyển phòng, người tôi bủn rủn... Sang phòng giam mới, bị nhốt với bọn
đầu gấu mới (tôi sẽ phải chịu đủ trò) tinh quái và độc ác"(Tạ Đình Đề -
NXB Hội Nhà Văn 2014, trang 254).
Kinh nghiệm của ông Tạ Đình
Đề không chỉ là câu chuyện của thập niên 1970s, 1980s. Khi gặp Ủy ban Tư pháp
của Quốc hội, bị án Hồ Duy Hải vẫn không dám kêu oan mà chỉ xin giảm án vì Ủy
ban Tư pháp gặp xong rồi về còn Hải thì phải quay lại trại giam của công an
Long An. Một khi hệ thống trại giam, đặc biệt là các trại tạm giam đang nằm
trong tay các cơ quan điều tra thì chuyện ngăn chặn bức cung, nhục hình là vô
vọng cho dù có gắn bao nhiêu camera trong phòng hỏi cung.
Độc Lập giữa Các Cơ Quan Tố Tụng
Không có nhà nước nào cơ
quan lập pháp lại mang các vụ án ra đánh giá sai đúng trong các phiên toàn thể.
Không phải tự nhiên mà tố tụng phải bao gồm nhiều định chế độc lập: điều tra,
VKS, TA, luật sư. Quyền giám sát tố tụng nằm ở khả năng "độc lập, chỉ tuân
theo pháp luật" của các cơ quan thực thi chứ không phải là ở quyền giám
sát chính trị của cơ quan lập pháp.
Điều nguy hiểm nhất hiện
nay là các công tố viên và thẩm phán bị cơ quan điều tra viên "lôi vào
cuộc", bị "cộng đồng trách nhiệm" ngay trong những ngày đầu. Các
thủ tục tố tụng phải dựa trên chứng cứ chứ không phải là suy đoán của điều tra
viên. Nếu kiểm sát viên độc lập và không quá sợ cơ quan điều tra, anh ta sẽ
không phê chuẩn tạm giam một công dân nếu chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra
không thuyết phục.
Tòa án cũng có khuynh hướng
bị lũng đoạn bởi cơ quan điều tra nên cách an toàn nhất trong công tác xét xử
của họ là "án tại hồ sơ" và với những vụ phức tạp thì tòa dưới còn
tham vấn tòa trên nhằm tránh án bị "cải, sửa" khi phúc thẩm để không
"mất điểm thi đua".
Không phải tự nhiên mà
trong suốt nhiều năm ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang kêu oan, VKS lẫn TATC
đều im, dù họ không trực tiếp dùng nhục hình bức cung. Vì cả VKS và TA đã
"đồng lõa" với cơ quan điều tra ngay từ đầu, đứng chung xuồng ngay từ
đầu, nên minh oan cho ông Chấn thì họ sẽ trở thành tội phạm.
Cũng như ông Chấn, 7 bị cáo
ở Sóc Trăng được minh oan là vì kẻ thực sự gây án đã ra tự thú. Những người
thực sự oan khuất chưa chắc đã nằm trong số được tòa tuyên vô tội. Không ai có
thể biết chắc trong số hàng triệu "vụ án đẹp", trong số hàng triệu bộ
hồ sơ án hoàn hảo, hàng triệu bị can nhận tội kia có bao nhiêu thực sự oan sai.
Những kẻ gây án thực sự đang ở trong tù hay vẫn ở ngoài vòng pháp luật.
Quyền Lực Tuyệt Đối
Trong hệ thống chính trị
Việt Nam hiện nay, thật khó để nhận ra quyền lực cao nhất đang nằm ở đâu. Nhưng
rõ ràng không có cơ quan nào có những quyền đáng sợ như Bộ Công an đang nắm.
Trong vụ án Năm Cam và
những vụ án tướng Thành sử dụng tay chân ở Tiền Giang, người dân chỉ biết câu
chuyện một băng đảng xã hội đen bị đánh tan. Ít ai biết sự lộng quyền của tướng
Thành, biết cái cách thức ông ta khống chế TA và VKS không khác gì Năm Cam cả.
Vì tướng Thành đã trở thành
"anh hùng của nhân dân", trở thành "thần tượng của số
đông", nên người ta đã không tống giam ông cho dù những điều tra viên Tiền
Giang bắt bớ, chia chác theo lệnh ông đều đã phải vào tù hoặc vào nhà thương điên
để tránh vành móng ngựa.
Không tính thứ bậc trong
Đảng, TA, VKS không dễ dàng độc lập trước một Bộ có trong tay quá nhiều công
cụ. "Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa
tuyệt đối"(Lord Acton). Không chỉ trong hệ thống tư pháp, không có nhà
nước nào nuôi dưỡng nguy cơ chính trị bằng cách tạo ra một siêu bộ nếu không
muốn các chính trị gia trở thành con tin của bộ ấy
Chưa kể sự khuynh loát của
quyền lực, không ai có thể một lúc hoàn thành quá nhiều chức năng. Vậy nhưng,
Bộ Công an hiện nay đang nắm trong tay vai trò điều tra, cảnh sát và cả an
ninh, tình báo.
Tình báo phải là một cơ
quan độc lập và chỉ nhắm vào kẻ thù bên ngoài chứ không phải nhắm cả vào bên
trong (Có thể có an ninh nội địa nhưng đến khi có một nhà nước thực sự của dân
thì không cần cơ quan an ninh kiểu như hiện nay). Và, ngay trong vai trò cảnh
sát thì cũng nên tách ra: Cảnh sát quốc gia và cảnh sát địa phương.
Cảnh sát địa phương phải
thuộc thẩm quyền của các địa phương ; quy mô và phương thức hoạt động tùy từng
nơi mà tổ chức khác nhau. Không nhất thiết một huyện ngoại thành cũng có cảnh
sát như một huyện ở vùng nông thôn. Những thành phố quá an ninh chỉ cần có vài
ba trăm cảnh sát cho vui thay vì cũng nhiều tướng tá như nơi đầy trộm cướp.
Cảnh sát giao thông nên là
một lực lượng riêng. Nếu cơ quan điều tra không cùng một mẹ với cảnh sát giao
thông thì chắc sẽ mạnh tay hơn với nạn mãi lộ mà không sợ ngành tai tiếng.
Cảnh sát quốc gia thiết lập
trật tự và sự thống nhất trên toàn quốc ở những vấn đề cảnh sát địa phương
không với tới và nắm những lực lượng như cảnh sát cơ động, cảnh sát chống bạo
động. Cảnh sát địa phương đảm trách vai trò giữ gìn trật tự và điều tra những
án thuộc về trị an như cướp giật, trộm cắp, kể cả những vụ giết người thuần
hình sự xảy ra trên địa bàn.
Nên lập cơ quan điều tra
quốc gia để điều tra những vụ án có yếu tố băng đảng, những vụ tham nhũng và
những vụ liên quan đến trách nhiệm thi hành công vụ.
Tòa Ba Cấp
Nên thiết lập hệ thống tòa
án theo ba cấp xét xử: sơ thẩm, phúc thẩm và tòa phá án. Không tòa nào là cấp
trên của tòa nào; các cấp xét xử chỉ tuân theo pháp luật. Không thể để chính
quyền địa phương, đặc biệt là cấp ủy, "nằm trên tòa án". Các ứng cử
viên thẩm phán phải chủ yếu nằm trong số các luật sư giỏi và uy tín nhất.
Tòa nên xét xử bằng tranh
tụng: công tố buộc tội; luật sư bào chữa; hội thẩm nhân dân quyết định có tội
hay không; thẩm phán lượng hình nếu hội thẩm nhân dân tuyên có tội. Với thủ tục
này, mỗi phiên sơ thẩm chỉ cần một thẩm phán và 5-7 hội thẩm viên. Để đảm bảo
khách quan, thẩm phán có thể không cần đọc trước hồ sơ, riêng hội thẩm thì
không được đọc trước hồ sơ vụ án.
Vấn đề băn khoăn nhất là
luật sư. Tuy nhiên ngay cả với bị cáo không có tiền "chạy" và thuê
luật sư giỏi thì tình trạng pháp lý cũng không thể xấu hơn với cách tiến hành
tố tụng hiện nay. Chỉ cần yêu cầu mỗi luật sư hàng tháng phải tham gia bào chữa
miễn phí một số vụ theo chỉ định của tòa. Chỉ cần cho xã hội dân sự phát triển
sẽ có nhiều luật sư tình nguyện bào chữa cho người nghèo và sẽ có nhiều tổ chức
hỗ trợ pháp lý cho người nghèo.
Nhà nước cũng có thể dùng
một ngân khoản để trả cho luật sư trong trường hợp đặc biệt. Đây là khoản chi
cho công lý chứ không phải đơn giản cho bị cáo.
Đừng sợ mất vai trò
của Đảng. Một đảng tốt là một đảng đảm bảo có một hệ thống tư pháp có thể cung
cấp công lý chứ không phải là một đảng khi muốn thì thọc tay vào vụ án. Các
tướng lĩnh cũng không nên cố công bảo vệ đặc quyền cho công an. Quan nhất thời.
Hãy nhìn gương tướng Quắc, tướng Trần Văn Thanh. Rất có thể có ngày quý vị trở
thành nạn nhân của hệ thống tư pháp mà quý vị đang thiết kế.
Gay quá nhể. VN đang trên con đường hội nhập với văn minh, hiện
đại. Không chỉ kinh tế, mà nhiều lĩnh vực khác, trong đó có Tư pháp sẽ phải
tham gia cuộc chơi không dễ dàng gì này. Tuy nhiên, tư duy của những người đại
diện cho ý nguyện của dân cứ “một mình một chợ” kiểu này, xem ra, VN còn một
mình ngồi trên cỗ xe phong kiến và bao cấp lâu lắm
Quyền im lặng chỉ là một trong nhiều vấn đề của CC nền tư pháp VN thôi . Và việc đưa ra có chấp nhận có Quyền im lặng hay không cũng cần phải tương thích với một mô hình tòa án- từ thẩm vấn sang tranh tụng, ở đó, quyền tranh tụng của Luật sư cần được tôn trọng nữa. Tuy nhiên, đó là công việc lâu dài, từng bước hướng tới văn minh. Việc đưa ra Quyền im lặng, cũng đòi hỏi năng lực của các cơ quan chức năng nâng cao hơn nữa về nhận thưc, tư duy, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp.
Quyền im lặng chỉ là một trong nhiều vấn đề của CC nền tư pháp VN thôi . Và việc đưa ra có chấp nhận có Quyền im lặng hay không cũng cần phải tương thích với một mô hình tòa án- từ thẩm vấn sang tranh tụng, ở đó, quyền tranh tụng của Luật sư cần được tôn trọng nữa. Tuy nhiên, đó là công việc lâu dài, từng bước hướng tới văn minh. Việc đưa ra Quyền im lặng, cũng đòi hỏi năng lực của các cơ quan chức năng nâng cao hơn nữa về nhận thưc, tư duy, lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp.
Nhưng
cứ đưa ra một vấn đề gì mới, thì đã bị loại tư duy như của ông Nghị Đương này
“chụp” cho cái mũ “tự diễn biến”- thực chất là “chính trị hóa” vấn đề hình sự,
vấn đề của luật pháp thì Tư pháp VN sẽ còn mang biểu tượng diễn viên hài Công
Lý khá lâu đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét