Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Một Thế Giới về quyết định ấn
nút “không biểu quyết” thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 28.11, ĐB
Dương Trung Quốc cho biết: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán
thành" và “không tán thành”.
ĐB Dương Trung Quốc: “Tôi là một trong 2 người không bấm nút"
ĐB Dương Trung Quốc: “Tôi là một trong 2 người không bấm nút"
Được
biết, ông là một trong hai đại biểu không biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi
Hiến pháp 1992 sáng 28.11 tại Quốc hội, ông có thể chia sẻ thêm lý do ông lại
không biểu quyết ?
Bỏ
phiếu “không biểu quyết”
tôi muốn thể hiện quan điểm của “một bộ phận nhân dân vẫn còn một số ý kiến
khác với một số nội dung của Hiến pháp” mà Chủ tịch Quốc hội đã nêu trong lời
mở đầu phiên họp. Tôi đánh giá cao thái độ tôn trọng đối với những người có ý
kiến khác biệt mà ông Chủ tịch Quốc hội đã thể hiện trong phát biểu của
mình.
Nếu
chưa thực sự hài lòng về Hiến pháp, tại sao nút bấm không phải là "Không
tán thành" mà lại là "Không biểu quyết" ? Có phải điều mà ĐB Bùi
Thị An phát biểu trước đó: "Không bấm nút thì không được mà bấm nút thì áy
náy” là có thật nên ông đã chọn không bấm nút ?
“Áy
náy” chỉ là một cách nói. “Không
biểu quyết” là cách ứng xử khi không có sự lựa chọn nào khác giữa “tán thành” và “không tán thành”, nói cách khác là chưa thoả mãn cho
một sự tán thành, nhất là với một vấn đề hệ trọng như Hiến pháp.
Điều
gì mà ông vẫn còn đang "lăn tăn" về bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
1992 lần này?
Hiến pháp là một văn kiện được coi là
Bộ luật Mẹ, luật gốc định hướng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của một
quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia, Hiến pháp có sức sống tồn tại hàng trăm năm
nhờ những định hướng có mục tiêu lâu dài .
Ở nước ta, trừ Hiến pháp 1946 mang giá
trị “lập quốc” với sự lựa chọn thể chế “Dân chủ - Cộng hoà” đã đặt nền tảng cho
một tiến trình phát triển lâu dài. Nhưng dường như do những biến động quá khắc
nghiệt của chiến tranh, lại chịu tác động chính trị quốc tế khiến Hiến pháp của
chúng ta luôn phải thay đổi “ứng biến theo thời cuộc” để rồi đến nay chỉ còn là
ý chí của Đảng cầm quyền (ý Đảng lòng dân), trở thành văn bản nhằm “thể chế hóa
cương lĩnh chính trị” của Đảng trong một thời kỳ lịch sử. Với bản Hiến pháp sửa
đổi lần này là “cương lĩnh thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Cái khiến tôi băn khoăn là
trong lịch sử lập hiến của nước ta, đây là lần đầu tiên trong lời nói đầu của
Hiến pháp viết thẳng quan niệm Hiến pháp chỉ là “thể chế hoá cương lĩnh” của Đảng
và kế thừa những Hiến pháp có trước. Và cũng vì thế, nhiều vấn đề mà quá trình
thảo luận trong quá trình sửa đổi Hiến pháp còn chưa ngã ngũ thì cái nguyên tắc
“thể chế hóa" khiến mọi sửa đổi không thể vượt qua những quy định của
Cương lĩnh tựa như “kỵ húy”, ví như các vấn đề sở hữu, vị thế của kinh tế nhà
nước...
Đó là chưa kể tới những vấn
đề liên quan đến hệ thống chính quyền địa phương, chính quyền đô thị, hội đồng
nhân dân các cấp quá trình thảo luận còn chưa rõ ràng thì thời hạn phải thông
qua khiến cho có nhiều nội dung chưa thật rõ ràng trong một văn kiện quan trọng
như Hiến pháp... thì làm sao không “áy náy".
Trong
quá trình thảo luận tại Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa đã phát biểu: "Hậu
thế sẽ đánh giá Quốc hội khóa XIII khi thúc đẩy hay cản trở sự phát triển của
lịch sử dân tộc". Bản Dự thảo Hiến pháp chưa khiến ông hài lòng, vậy theo
ý kiến của ông, bản Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này có làm chậm lại sự phát triển
của dân tộc như ĐB Nghĩa đã lo lắng trước đó không ?
Ý kiến của luật sư Trương Trọng
Nghĩa là nói thay cho tôi và chắc cũng của nhiều người khác.
Trước
đó, ông có kiến nghị gì với Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này
không? Ví dụ như nếu chưa thảo luận thấu đáo thì nên dành thêm cho nó một thời
gian nữa để biểu quyết vẫn chưa muộn chẳng hạn ?
Tôi là người được Ủy ban Sửa đổi Hiến
pháp 1992 mời tham gia một số công việc cụ thể và tham gia các hoạt động của Ủy
ban. Vì thế, với công việc của một đại biểu QH, tham gia các hoạt động của cơ
quan biên soạn và biên tập tôi có thể nói rằng lần Sửa đổi này không chỉ
diễn ra trong một thời gian dài (hơn 2 năm), huy động đông đảo những nguồn lực
trí tuệ xã hội, đương nhiên cũng tốn kém tài lực... tạo ra mối quan tâm xã hội
như một cuộc vận động nhận thức chính trị rộng lớn chưa từng có.
Trong bối cảnh ấy, tôi cũng có
rất nhiều cơ hội để thể hiện quan điểm, đưa ra những kiến nghị cụ thể trong
những phiên thảo luận ở Quốc hội, các cuộc hội thảo, các cuộc họp của Ủy ban
sửa đổi và các văn bản kiến nghị cá nhân hay chuyển các ý kiến đóng góp của cử
tri v.v...
Tôi ghi nhận là những ý kiến của mình
luôn được xử lý nghiêm túc, có cái được ghi nhận, có cái không được chấp nhận
và đều được trả lời rõ ràng. Tôi cũng nhận thấy tính nghiêm túc trong quá trình
thảo luận, xử lý các ý kiến khác nhau, nỗ lực tiếp cận những ý kiến khác biệt
v.v... của những người có trách nhiệm trong quá trình sửa đổi, không khí trong
thảo luận là dân chủ, không giới hạn...
Đã có lúc Ủy ban đã đưa ra một Dự thảo
mà theo đánh giá của riêng tôi là rất “cấp tiến” hiểu theo nghĩa là rút ngắn
nhất những khoảng cách khác biệt, kể cả những vấn đề mà mọi người đều quan tâm
như sự lựa chọn liên quan đến “quốc hiệu” (Dân chủ Cộng hòa hay Cộng hòa Xã hội
chủ nghĩa). Nhưng rất tiếc là những thay đổi cuối cùng để trình ra bản dự thảo
để Quốc hội thông qua thì đã có nhiều “điều chỉnh” lại để tránh những gì bị coi
là không phù hợp với Cương lĩnh.
Cũng có ý kiến cho rằng cần có thêm
thời gian làm rõ và hoàn thiện dự thảo. Nhưng mọi người đều biết rằng công việc
sửa đổi Hiến pháp đã khởi động từ tháng 8.2011 đến nay cũng là một thời gian
không ngắn, với cơ chế này thì có kéo dài thảo luận nữa cũng chẳng làm thay đổi
được.
...Có
thể trong một bộ phận nhân dân (trong đó có tôi) cho rằng sau 20 năm phát huy
của Hiến pháp 1992 (đã có một lần sửa) những trải nghiệm của công cuộc Đổi mới,
nhất là Hội nhập đã bộc lộ những bất cập... Một kiến nghị cuối cùng được viết thành
văn bản sau lần thảo luận cuối cùng ở Quốc hội trước ngày “bấm nút” tôi đã nêu
rõ quan điểm của mình về việc lời nói đầu Hiến pháp viết thẳng ra rằng “Thể chế
hóa Cương lĩnh” là nguyên lý đầu tiên (tiếp theo mới là kế thừa các Hiến pháp
trước đó) liệu có phải là một bước tiến trong nhận thức về lập hiến hay không ?
Tôi cũng đề nghị phải đặt việc “ứng phó với biến đổi khí hậu” ở vị thế hệ trọng
hơn tương xứng với tầm quan trọng như một nhân tố tác động lâu dài và khắc
nghiệt đối với tương lai của dân tộc ta. Những đề nghị ấy đều có hồi âm nhưng
vẫn đề nghị “giữ nguyên như dự thảo”.
Tại
sao ông lại vẫn biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện HP ngay sau đó chỉ
vài chục phút ?
Khi thông qua tôi đã “không biểu quyết”
nhưng với nghị quyết của Quốc hội sau khi đã được tuyệt đại đa số đại biểu Quốc
hội thông qua thì việc tán thành của tôi là lẽ đương nhiên. Không chỉ là “thiểu
số phục tùng đa số” mà là trách nhiệm đối với cử tri. Vả lại cũng cần đánh giá
rằng, tuy có thể “một bộ phận” chưa thoả mãn nhưng Hiến pháp sửa đổi lần này
cũng chứa đựng rất nhiều những sửa đổi rất tích cực trên nhiều lĩnh vực liên
quan đến quyền của dân và sự phát triển của đất nước.
Sau cuộc biểu quyết, đại biểu
Trương Trọng Nghĩa khi trao đổi với tôi rằng chỉ cần thực hiện nghiêm túc những
gì đã viết trong Hiến pháp sửa đổi này thì cũng đã tạo ra rất nhiều thay đổi
tích cực cho dân, cho nước rồi. Bây giờ là lúc Quốc hội phải thực hiện quyền
giám sát hành pháp và nâng cao năng lực lập pháp để bản Hiến pháp sửa đổi này
“đi vào cuộc sống”.
Dẫu sao đây mới là Sửa đổi
Hiến pháp 1992, cũng có nghĩa là Hiến pháp 1992 đã vượt kỷ lục “tuổi thọ”
so với các Hiến pháp 1946, 1959, và 1980 nhờ đó luôn được “sửa đổi” và ai cũng
biết rằng thời kỳ quá độ sẽ rất dài lâu như dự báo của các nhà lãnh đạo, cho
nên có lẽ sẽ có nhiều lần sửa đổi tiếp theo khi thực tiễn đòi hỏi. Phải chăng
đó cũng là một nét riêng trong việc Lập Hiến ở nước ta ?!
Tuấn
Ngọc (thực
hiện)
10 ĐBQH vắng mặt trong “thời khắc lịch sử”
Ngoài 2 đại biểu không bấm nút, hôm qua có 10 đại biểu vắng mặt
trong khi Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi.
Việc thông
qua Hiến pháp, được đánh giá là sự kiện quan trọng nhất của kỳ họp thứ 6 –
Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh, đó là
“thời khắc lịch sử”.
Quốc hội
khóa XIII có 498 đại biểu trong danh sách. Tuy nhiên vào “thời khắc lịch sử”
biểu quyết thông qua Hiến pháp sửa đổi ngày hôm qua 28.11, có 10 đại biểu đã
vắng mặt, chỉ còn 488 đại biểu tham gia bấm nút biểu quyết. 486 đại biểu đồng
ý, chiếm 97,59%.
Ngay sau
đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp, có
491 đại biểu tham gia biểu quyết, vẫn thiếu 7 đại biểu so với danh sách thực
tế.
Trong suốt
kỳ họp thứ 6, người dân vẫn nhìn thấy những ghế trống trong lúc Quốc hội bàn
các vấn đề, các dự luật quan trọng.
Ngày 4.11,
khi bàn về chống lãng phí tại Quốc hội, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng
nên tiết kiệm thời gian họp Quốc hội vì “mỗi phút ngồi hội trường, Nhà nước
phải bỏ ra 2 triệu đồng, như vậy mỗi ngày họp mất khoảng 1 tỷ đồng.
Kỳ họp thứ
6 - Quốc hội khoá 13 được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng. Theo ĐB Bùi
Thị An, trên bàn họp có 5 nút bấm để các ĐB biểu quyết các vấn đề quan trọng
trong chương trình làm việc của Quốc hội.
Các nút bấm
này bao gồm: Điểm danh, Không biểu quyết, Không tán thành, Tán thành và Quay
lại.
ĐB Dương
Trung Quốc cùng một ĐB khác đã bấm vào nút "Không biểu quyết".
Tuấn Ngọc
Lá phiếu trắng của nhà sử học Dương Trung Quốc VỀ ÔNG DƯƠNG TRUNG QUỐC CHÁN CHẲNG MUỐN XEM - Bình luận |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét