Nguyễn Tiến Tường
.Một bài viết đúng và hay, mà mình rất đồng cảm. Việc sáp nhập các tỉnh, thành phố là một sự kiện lớn nhưng có lẽ nếu gọi thẳng tên- Cải cách hành chính- thì nó "tầm thường" quá chăng? Ko biết vị nào nghĩ ra cụm từ "sắp xếp lại giang sơn" vừa ko chuẩn vừa táo tơn. Vì Giang sơn đâu chỉ có chuyện núi sông, mà nó gồm các chủng tộc, là vị trí địa lý liên quan các láng giềng, là các tầng nền văn hóa từ hàng nghìn năm nay.
Vị nào đó thật đúng là bậc thầy về nịnh.
VN ta có quá nhiều việc phải làm, trong một thời đại cả quốc tế lẫn phát triển kinh tế đất nước quá phức tạp, khó khăn. Đòi hỏi chiến lược phát triển trúng, đúng, hiệu quả, ko cần văn vẻ, màu mè, mà hiệu quả chỉ là phép cộng thô thiển như mọi lần thì dân thêm thất vọng. Vậy thôi!
Nên rất thích đoạn này: "Không có cuộc sắp xếp giang sơn nào cả. Sông vẫn đó, núi vẫn kia. Mỗi hòn đá viên sỏi mang một câu chuyện riêng, mỗi địa danh mang một nỗi bùi ngùi. Tất cả đều gạt lòng riêng mà thay tên đổi họ vì đại cục.
... Xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là một cuộc cải cách hành chính và kết quả vẫn nằm ở thì tương lai. Mỗi con người chỉ là hạt bụi trong điệp trùng lịch sử, không một ai được quyền vỗ ngực sắp xếp giang sơn, kể cả vua. "
--------------
"Sắp xếp lại giang sơn" là câu cửa miệng trong những ngày gần đây, xuất phát từ tựa đề một bài báo. Báo chí một lần nữa xuất sắc trong vai trò ton hót, và tự chứng minh rằng nó là địa hạt đầu tiên cần được cắt gọt.
Cá nhân tôi không hâm mộ nhưng đánh giá cao TBT Tô Lâm, người khởi xướng cuộc cải cách hành chính. Lâu, rất lâu mới có một lãnh đạo chóp bu không mắc bệnh "kiêu ngạo cộng sản". Ông Tô không hỏi "đất nước đã bao giờ được thế này chưa" mà dám nhìn trực diện vào bộ máy luộm thuộm kém hiệu quả trầm kha nhiều thập kỷ.
Đây đơn thuần chỉ là một cuộc sắp xếp lại bộ máy hành chính. Và từ phía nhân dân, tôi cảm thấy vui mừng. Bởi vì bớt đi một ông bí thư, chủ tịch xã huyện tỉnh là bớt đi một kênh lương lậu xe pháo; bớt đi một vài cấp phó và cả một hệ sinh thái quan hệ tiêu tốn tiền bạc, cảm xúc của nhân dân.
Cải cách hành chính đồng nghĩa với việc xây dựng một chính quyền điện tử bớt hành dân hơn. Địa giới hành chính rộng lớn, tỉnh lỵ ở xa nên hành chính phải ở trong tâm thế phục vụ, giấy tờ hiếu hỉ sinh tử nhà đất phải phục vụ đến tận nhà dân.
Không có cuộc sắp xếp giang sơn nào cả. Sông vẫn đó, núi vẫn kia. Mỗi hòn đá viên sỏi mang một câu chuyện riêng, mỗi địa danh mang một nỗi bùi ngùi. Tất cả đều gạt lòng riêng mà thay tên đổi họ vì đại cục.
Để xứng đáng với sự hy sinh lớn lao đó, chính thể phải tạo ra sự đổi thay thể chế lớn lao tương xứng. Mỗi tên gọi mới phải mang một sứ mệnh mới, xác định lại tiềm lực tài nguyên kinh tế, phân bổ dân số và lao động, phúc lợi xã hội... sao cho xứng đáng với từng đồng thuế mà nhân dân phải đóng.
Xin nhấn mạnh rằng đây chỉ là một cuộc cải cách hành chính và kết quả vẫn nằm ở thì tương lai. Mỗi con người chỉ là hạt bụi trong điệp trùng lịch sử, không một ai được quyền vỗ ngực sắp xếp giang sơn, kể cả vua.
"Sắp xếp giang sơn" là một thuật ngữ sáo rỗng và đại ngôn. Vốn dĩ xưa nay, vua ưa nghe siểm nịnh là một tín hiệu của sự sụp đổ vương triều. Nếu tin rằng ông Tô Lâm là một nhà kỹ trị tài ba, thì hãy để yên cho ông ấy làm!
1 nhận xét:
“Sắp xếp lại giang sơn” – một cụm từ đang được nhắc nhiều gần đây, xuất phát từ tiêu đề một bài báo. Nó phản ánh phần nào tâm thế của truyền thông trong việc thổi phồng vấn đề hành chính — một cách tiếp cận dễ tạo ấn tượng, nhưng không khỏi gây cảm giác sáo rỗng. Trên thực tế, sự kiện lần này chỉ đơn thuần là một cuộc tinh gọn bộ máy — cần thiết và hợp lý, nhưng không nên bị thần thánh hóa.
Tôi không cổ vũ cá nhân, nhưng có cái nhìn tích cực đối với Tổng Bí thư Tô Lâm – người đang khởi xướng tiến trình cải cách hành chính. Ông là một trong số hiếm các nhà lãnh đạo cấp cao gần đây thể hiện tinh thần thực tế, không né tránh tồn tại kéo dài trong bộ máy quản lý. Ông không viện dẫn những câu hỏi mỹ miều như “Đất nước đã bao giờ được thế này chưa?”, mà đi thẳng vào những bất cập dai dẳng, lâu năm.
Từ góc độ người dân, tôi ủng hộ bước đi này. Bởi việc sắp xếp lại bộ máy, nếu thực chất, sẽ đồng nghĩa với việc cắt giảm nhiều tầng nấc trung gian vốn tốn kém cả ngân sách lẫn lòng tin của xã hội. Mỗi vị trí tinh gọn là một mắt xích quan hệ - lợi ích được tháo bỏ, giảm thiểu gánh nặng vô hình mà người dân từ lâu phải gánh chịu.
Vì thế, thay vì dùng những mỹ từ lớn như “sắp xếp giang sơn” – vốn dễ gợi liên tưởng đến thời kỳ phong kiến và thói quen tâng bốc – chúng ta nên nhìn nhận công cuộc cải cách lần này như một bước dọn dẹp hệ thống, làm mới tổ chức để phù hợp với đòi hỏi thực tiễn. Và nếu thực sự tin rằng ông Tô Lâm là một nhà kỹ trị có năng lực, thì điều cần thiết nhất là: trao cho ông không gian hành động, đồng thời duy trì sự giám sát đúng mực từ xã hội.
Đăng nhận xét