Translate

Thứ Sáu, 4 tháng 7, 2025

TIỀN & GÁI !

Tran NamAnh




Trong bóng đêm của tầng 1 khách sạn Pullman, nơi lẽ ra phải là không gian giải trí phục vụ du khách nước ngoài, lại là nơi chứng kiến những cuộc “sát phạt” bạo liệt nhất trong lịch sử đen tối của giới quan trường Việt Nam. Một câu lạc bộ đánh bạc núp bóng “trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài” đã trở thành sòng bạc ngàn tỷ, nơi quan chức, doanh nhân và cả người nước ngoài cùng nhau nhảy múa trên đồng tiền thuế của dân đen.
Vụ án King Club – Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt kiều, không chỉ là một cuộc đánh bạc quy mô 2.600 tỷ đồng, mà là một lời tố cáo đanh thép nhất về sự thối nát đến tận tủy của một bộ phận cán bộ cao cấp, được che chắn bởi quyền lực, tham lam vô độ, và một bộ máy kiểm soát bị mua chuộc hoặc bất lực.
*Quan chức mà cũng là con bạc khát nước.
Đứng đầu danh sách đen là ông Hồ Đại Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, một cán bộ cấp tỉnh, có lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, nhưng lại có thể ung dung đặt cược hơn 7 triệu USD – tương đương hơn 170 tỉ đồng tại sòng bài King Club chỉ trong hơn 5 tháng (tháng 4 đến tháng 6-2024). Có lần ông Dũng “nướng” một lèo 331.000 USD, tức hơn 8 tỉ đồng, vào các trò chơi đỏ đen như Baccarat, Slot, Roulette. Tổng cộng ông đã thua hơn 759.000 USD, tức 18 tỉ đồng, nhưng vẫn say sưa sát phạt như kẻ khát nước tìm rượu.
Không chịu kém cạnh, ông Ngô Ngọc Đức, cựu Bí thư Thành ủy TP Hòa Bình, với biệt danh “Mr Lucky One”, cũng bị cáo buộc đánh bạc 74 lần, tổng tiền giao dịch hơn 4,2 triệu USD. Lương tháng của ông có thể còn thấp hơn cả ông Dũng, nhưng vẫn nhẹ nhàng “chơi” những ván bạc hơn 200.000 USD như người dân nghèo mua gói mì gói. Ông thua hơn 284.000 USD (tương đương 7 tỉ đồng), số tiền đủ xây hàng chục căn nhà cho hộ nghèo vùng cao.
Họ là ai? Họ là những người từng đứng trên bục phát biểu về đạo đức, về chống tham nhũng, từng ký các văn bản quản lý ngân sách, từng “học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Và rồi chính họ, lại là những con nghiện đỏ đen, rút ruột quốc gia, coi pháp luật là trò đùa, coi đồng tiền là ván bài.
* King Club, một hợp đỏ đen liên quốc gia.
Vụ án cho thấy sự tiếp tay trắng trợn của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài. Chủ mưu là Kim In Sung , giám đốc người Hàn Quốc của Công ty HS Development Việt Nam, được cấp phép trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, nhưng lại cố tình “phá rào” cho người Việt vào đánh bạc trái phép để tăng lợi nhuận.
Ba người Hàn Quốc khác : Cho Choon Keun, Choi Jin Bok và Shim Hawn Hee đóng vai trò quản lý, trực tiếp điều hành hoạt động đánh bạc. Họ không chỉ thu tiền mà còn trực tiếp giúp tổ chức, điều hành và “phục vụ” hơn 145 con bạc người Việt. Tổng số tiền đánh bạc: hơn 106 triệu USD, tức 2.600 tỉ đồng.
Chúng ta đang nói tới một sòng bạc trá hình, nó hoạt động công khai tại tầng 1 của khách sạn Pullman giữa lòng thủ đô, dưới ánh đèn sang trọng và sự “vô tình” của các cơ quan quản lý. Vậy ai cấp phép? Ai giám sát? Ai làm ngơ? Và quan trọng nhất: ai được chia phần?
* Tiền ở đâu ra? Một vết nhơ của toàn hệ thống
Với lương vài chục triệu mỗi tháng, làm sao ông Hồ Đại Dũng và ông Ngô Ngọc Đức có thể có hàng triệu đô để chơi bạc? Đây không còn là câu hỏi, mà là bằng chứng sống động nhất về tham nhũng có hệ thống.
Số tiền hàng chục, hàng trăm tỉ ấy đến từ đâu? Từ ngân sách? Từ các dự án đầu tư công? Từ “lại quả” các gói thầu? Từ việc ăn chia đất đai, tài nguyên, hoặc bòn rút tiền xây trường, làm đường cho dân? Người dân vùng sâu vùng xa còn thiếu lớp học, thiếu điện, thiếu trạm y tế, trong khi quan chức tỉnh lẻ sát phạt bạc triệu USD trên đất thủ đô. Chưa từng có sự đối lập nào sâu sắc hơn thế giữa nhân dân và “công bộc”.
Công an mới đây khám xét khách sạn 5 sao Quinter ở Nha Trang liên quan đến hoạt động mại dâm
* Sự suy đồi được bọc trong danh nghĩa “cán bộ”
Sự suy đồi ở đây không đơn thuần là hành vi cá nhân. Đây là hậu quả tất yếu của một hệ thống chính trị khép kín, thiếu minh bạch, không có kiểm soát quyền lực độc lập, và lạm phát khẩu hiệu đạo đức giả. Những Hồ Đại Dũng, Ngô Ngọc Đức không phải là cá biệt. Họ là biểu tượng của một lớp “quan đỏ” được sinh ra từ sự thỏa hiệp giữa quyền lực và lợi ích, giữa tham vọng và vô trách nhiệm.
Trong một xã hội pháp trị thực sự, những kẻ như vậy không chỉ bị truy tố hình sự, mà còn phải đối mặt với sự tẩy chay chính trị, phải bị lột sạch mọi vỏ bọc danh dự, bị truy thu tài sản, bị trừng trị như kẻ phản quốc
* Sự đổ nát cần bị bóc trần:
Câu chuyện King Club không đơn thuần là một vụ án đánh bạc mà là một vết rạn nứt sâu hoắm trong lòng hệ thống chính trị. Nó cho thấy rằng tham nhũng, suy đồi đạo đức và trốn tránh trách nhiệm đã và đang ngự trị trong một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp cao, bất kể ở đâu, tỉnh lẻ hay trung ương.
Nếu những kẻ như Hồ Đại Dũng hay Ngô Ngọc Đức không bị xét xử công khai, không bị kê biên tài sản, không bị tuyên án thích đáng, thì thông điệp duy nhất gửi đến dân chúng sẽ là: luật pháp chỉ dành cho kẻ thấp cổ bé họng, còn quyền lực thì được quyền sát phạt dưới ánh đèn khách sạn năm sao.
Và như thế, ván bài của chế độ vẫn tiếp tục, nhưng lần này, con bạc thua cuộc cuối cùng là chính nhân dân.
Sát phạt dưới ánh đèn Pullman: Những bàn tay nhuốm máu dân đen.

Không có nhận xét nào: