Bóng tối sau dấu “Mật”
Có những văn bản không cần đến hàng trăm trang vẫn đủ sức che khuất cả một mảnh trời công lý.
Có những dòng chữ được đóng dấu “MẬT”, không phải để bảo vệ an ninh quốc gia, mà để ngăn ánh sáng soi vào sự thật.
Nó không chỉ là một bản báo cáo. Nó là một tuyên ngôn quy kết, được thảo ra để dựng nên một thực tại khác – một thực tại trong đó Đan viện Thiên An trở thành kẻ “chiếm dụng”, còn những xí nghiệp, trường quân sự, trại cá, và cả những hồ nước vô danh, lại là đại diện chính đáng của quyền quản lý Nhà nước sau 1975.
“Nguồn gốc lô đất do các linh mục nước ngoài chiếm dụng từ năm 1940” – dòng mở đầu của báo cáo không giấu giếm mục đích quy chụp. Từ sở hữu biến thành chiếm dụng, từ được cấp quyền sử dụng biến thành tàn tích của chế độ cũ.
Báo cáo ấy đã dựng nên một lịch sử mới – một “lịch sử hành chính”, trong đó mọi dấu vết tôn giáo, sở hữu tư nhân, và quyền pháp lý trước 1975 đều bị phủ định. Nó phủ nhận cả những đập nước nhỏ mà các đan sĩ từng đắp bằng tay; nó hạ thấp công sức người trồng rừng thông như “tự phát tán tái sinh”. Và rồi, chỉ bằng vài dòng mơ hồ về đăng ký đất sau 1975, nó biến hơn 100 ha rừng thành “đất do Nhà nước quản lý”.
Không ai nhắc đến bản đồ Ty Điền địa lập năm 1969 – tấm bản đồ vẫn còn đó, với đường ranh giới rõ ràng giữa đất Đan viện và đất xung quanh. Không ai nói về quyền sử dụng vĩnh viễn đã được cấp dưới thời Việt Nam Cộng hòa – thứ mà Luật Đất đai sau 1993 hoàn toàn có thể tiếp nhận nếu được đối thoại công bằng.
Và như một lát cắt buốt lạnh, người ta nhấn mạnh:
“Đan viện chỉ đăng ký 5,42 ha… Bây giờ đòi quản lý 102 ha… là vô lý.”
Nhưng ai cho họ quyền cắt đất như cắt một mảnh khăn cũ? Ai định giá niềm tin và công sức của cả một cộng đồng đan sĩ bằng những con số hành chính phiến diện ấy?
Hơn hai thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày văn bản ấy ra đời. Được đóng dấu “MẬT”, nhưng hệ quả của nó thì lại công khai hiện diện:
– Những khu du lịch mọc lên trên đất rừng từng được bảo vệ bởi lời nguyện.
– Những tấm bia đá tưởng niệm bị đập vỡ, trong khi di tích tôn giáo thì bị đồng hóa thành “điểm tham quan”.
– Những phiên tòa hành chính kéo dài không có hồi kết, vì cơ sở của mọi tranh chấp – chính là báo cáo đầy thiên kiến ấy – vẫn chưa bao giờ bị lật lại.
Nếu công lý cần ánh sáng để sống, thì sự thật của Thiên An đã và đang bị trói buộc trong bóng tối – bóng tối khởi phát từ một báo cáo được đóng dấu MẬT.
*****
Báo cáo số 24/BC-UB ngày 20/2/2001 – văn bản “mật” đã trở thành nền tảng cho những sai lệch pháp lý nghiêm trọng trong Quyết định 577/QĐ-XKT ( gã tiếp tục với những dấu mờ trong vụ việc tại Đan Viện Thiên An)
Ảnh - Đan Viện Thiên An.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét