Translate

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2025

Chiếc ghế cao và bài học đừng để bắp chân to hơn đùi

 Tú Xoay




Ngày xưa, ở đồng bằng Bắc Bộ có câu đồng giao về người cày “bắp chân mà to hơn đùi/ đi lại cũng khó đứng ngồi chẳng yên/ ra đồng chẳng giống tá điền…”.
Nghe qua thật buồn cười, nhưng nghĩ kỹ thì đó là cách dân gian nói về sự bất cân xứng, về một hình thể không hài hòa – mà sâu xa, là một phép ẩn dụ cho quyền lực: Khi cái nhỏ vượt cái lớn, khi phần thi hành vượt phần định hướng, hệ thống không thể vận hành trơn tru.
Câu chuyện quyền lực, từ ngàn xưa đã không mới. Hàn Phi Tử – người tưởng như đã bị chôn vùi cùng nhà Tần – kỳ thực vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay, thậm chí với chính trị Việt Nam lúc này. Ông không để lại những ngôi đền, không dựng tượng đồng hay lăng tẩm, chỉ để lại các bộ sách về nguyên lý trị quốc – sâu cay đến tận gốc rễ.
Giữa rất nhiều nguyên lý ấy, hãy chọn lấy ba điều, bất kỳ ai muốn ngồi vào chiếc ghế cao nên nhớ:
1. “Bắp chân đừng hơn đùi. Để chạy thì đã khó, nhưng nếu nó điều khiển cả thân thể thì nguy”.
2. “Trừng phạt ít thôi, thưởng đúng người còn hơn vạn chiếc roi”.
3. “Người có quyền lực không cần trưng bày quyền trượng. Ai ra oai nhiều là người đang run”.
Ba câu, chỉ vài dòng, nhưng đủ để soi sáng cả hành trình của một đời người làm chính trị – nhất là người đang ở nơi cao nhất.
***
Thật ra, đỉnh cao không phải là cái ghế trong đại hội, cũng chẳng phải là chức trưởng ban này ban nọ. Ghế cao nhất – là chiếc ghế quyết được đường lối, nhân sự, định hình lối chơi, và quan trọng nhất: Đặt được câu hỏi “Sẽ vận hành hệ thống lớn như thế nào?”
Ông Tô Lâm hiện đang đứng trước câu hỏi đó.
Ông có thể thay đổi cách vận hành cả hệ thống, định hình lại quan hệ với bên trong và bên ngoài. Nói giản dị, muốn cho ai nhân danh điều gì, ngồi ở đâu, đều có thể.
Nhưng chiếc ghế càng cao, càng dễ ngã.
Lịch sử Trung Hoa và Việt Nam từng đầy những ông vua tưởng ngồi chắc hai ba chục năm, vậy mà khi tiếng hô “đổi chủ” nổi lên, cả hệ thống sụp đổ như nhà lá gặp bão. Vì sao? Vì họ quên mất một điều rất giản dị:
Muốn trị nước bền lâu, phải để dân được tham gia vào việc nước. Nguyễn Trãi cũng từng dạy: Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân!
Không phải chia quyền, mà là thiết kế một cơ chế mà trong đó, dân được nghe, được nói, được phản biện, được chỉ trích – mà không sợ. Một hệ thống mà quyền lực không được xây bằng sự im lặng, mà bằng sự lắng nghe.
Và để hệ thống đó tồn tại, người đứng đầu phải chịu được sự trái ý.
Tổng bí thư Tô Lâm là người đi từ sân lên “khán đài” – từ những vụ án, những lệnh truy tìm, đến những nghi lễ quyền uy. Nhưng điều hành một xã hội không thể giống như điều hành một cuộc truy nã. Đất nước không phải là mạng lưới camera, hay hệ thống đèn giao thông. Điều làm nên một nhà nước hiện đại không phải ở khả năng giám sát, mà ở năng lực học hỏi và thích nghi.
Quyền lực bền vững không nằm ở số lệnh truy nã đã ký, mà ở một điều quan trọng hơn nhiều: Ai dám nói sự thật bên cạnh ông?
Người nói thật, thường làm mất lòng, gây khó xử, thậm chí làm tổn thương hình ảnh. Nhưng không có họ, người lãnh đạo chỉ là một vị vua cô độc trong một vương triều đang mục ruỗng mà không hay biết.
Giờ là lúc ông Tô Lâm phải lựa chọn:
• Củng cố quyền lực theo cách cũ: Xiết chặt mọi thứ, tạo nên một bộ máy đồng phục, im lặng, phục tùng.
• Hay là chọn con đường mềm hóa hệ thống: Để nó biết tự đổi mới, tự sửa sai, tự thanh lọc những rễ rã rời.
• Cái sau khó hơn – vì không có tiếng tung hô. Nhưng nó sẽ sống lâu hơn.
Vì sao?
Vì một hệ thống biết tự sửa sai không cần dựa vào một cá nhân nào duy nhất.
Một chiếc ghế dù cao tới đâu, nếu gắn chặt vào một người, một nhóm người, sẽ luôn mong manh.
***
Hàn Phi từng viết: “Trừng phạt nhiều không phải là thắng lợi. Thưởng đúng chỗ mới là trị quốc”.
Lãnh đạo quốc gia cũng như điều hành một quán nhỏ: Số ghế là có hạn. Và chiếc ghế không được chia cho người trung thành, mà phải dành cho người làm được việc.
Chính trị Việt Nam đã đến lúc cần người giỏi, chứ không cần người ngu trung. Trung mà bất tài – là phá hoại. Trung mà không làm được – là kéo lùi cả guồng máy.
Người đáng nể nhất, không phải là người ngồi trên ghế cao, mà là người đủ can đảm nhắc người ngồi trên đó rằng:
“Ghế đừng cao quá, kẻ ngồi sẽ mỏi.
Hãy hạ nó xuống vừa tầm, để người sau còn dám bước tới”. (Tản văn chính trị – Gửi một người đang đứng ở đỉnh cao nhất)
***
(Tản văn này viết không để chống lại ai, mà để giúp người đang ngồi ở đỉnh cao nhất không phải đi xuống trong cô đơn và tiếc nuối. Hãy nhìn lên phương Bắc!)


Không có nhận xét nào: