Translate

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2025

VinSpeed và “giấc mơ” đường sắt cao tốc Bắc – Nam

 Nguyễn Quốc Chính


Vài ngày qua, việc ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – cùng hai con trai và nhóm cổ đông thành lập Công ty VinSpeed, rồi nhanh chóng có mặt trong cuộc họp cấp Chính phủ để trình bày đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đã làm dậy sóng dư luận.
Không phải vì ai ghét hạ tầng. Mà vì mùi vị của một cuộc chơi được định hướng từ trên xuống, dắt tay từ trong ra, khiến thể chế bị bẻ cong, còn thị trường bị thao túng dưới danh nghĩa đổi mới.

✍️ …. thể chế mất nguyên tắc, thì quyền lực sẽ bị lạm dụng
Pháp luật Việt Nam – từ Luật Đầu tư công, Luật Đường sắt, Luật PPP đến Luật Ngân sách nhà nước – đều đặt ra quy trình chặt chẽ cho mọi dự án hạ tầng quốc gia.
Vậy thì VinSpeed – một công ty vừa thành lập, chưa từng có kinh nghiệm trong đường sắt, chưa có kiểm toán, chưa có đối tác quốc tế, cũng chưa qua bất kỳ vòng sơ tuyển công khai nào – vì lý do gì được bật đèn xanh để tổ chức họp cấp Chính phủ? Các Bộ ngành có vai trò gì trong một “ý tưởng” chưa kiểm chứng?
Đây không phải là “cải cách thể chế”.
Đây là sự mềm hóa quyền lực công, là đặc quyền được thể chế bao bọc.
Gã khờ không phản đối kinh tế tư nhân, nhưng phải là tư nhân thực lực, cạnh tranh minh bạch, và chịu rủi ro thị trường, chứ không phải tư nhân đứng ngoài gió – đẩy rủi ro cho ngân sách, đất công và lòng tin của người dân.

✍️ …. thị trường bị chia tầng, thì cạnh tranh chỉ còn là vỏ bọc
Cùng một đề xuất về đường sắt tốc độ cao, nếu gửi từ một doanh nghiệp tư nhân khác, không có logo “Vin”, liệu có được tiếp kiến Phó Thủ tướng?
Gã khờ nghĩ là không.
Vì trong thực tế, không phải năng lực kỹ thuật hay giá trị kinh tế quyết định, mà là “số má” và quan hệ.
Vấn đề không nằm ở cái tên “VinSpeed”, mà ở hệ sinh thái “Vin” – một hệ thống được đánh bóng bằng truyền thông, nâng đỡ bằng vốn hóa ảo, và giờ đây được dẫn lối vào chính sách quốc gia bằng những cuộc họp riêng với những người nắm quyền lực cao nhất.
Thị trường không công bằng thì không còn là thị trường.
Đầu tư không cạnh tranh thì không còn là tư nhân.

✍️ ….. doanh nghiệp “xin” nhiều hơn làm, thì ngân sách sẽ trở thành con tin
Dự án VinSpeed được đề xuất với mô hình “xã hội hóa” – tư nhân góp 20%, còn lại là vốn nhà nước.
Thêm vào đó là hàng loạt ưu đãi xin có:
• Miễn thuế nhập khẩu thiết bị
• Độc quyền khai thác 99 năm
• Tự quyết giá vé
• Phát triển bất động sản dọc tuyến
• Không tính chi phí giải phóng mặt bằng
Nói cách khác:
Doanh nghiệp giữ quyền, nhà nước gánh rủi ro, nhân dân trả nợ.
Đây không phải là đầu tư, đây là “bóc tách ngân sách bằng miệng”.
Và nếu một ngày tuyến đường sắt ấy vỡ tiến độ, đội vốn, hoặc thậm chí… vỡ nợ – thì ai sẽ cứu?
Lại là Chính phủ. Lại là thuế dân.

✍️ … Nếu thể chế bị thao túng, thì “đối tác chiến lược” có thể không mang màu cờ Việt
Gã khờ không võ đoán. Nhưng cũng không ngây thơ.
Mô hình mà VinSpeed đang đề xuất – với nguồn vốn phụ thuộc ngân sách, với kỹ thuật chưa có, với “đối tác quốc tế” không rõ ràng – đang rất giống các dự án bẫy nợ mà Trung Quốc từng dùng tại Lào, Sri Lanka, Kenya…
Họ không cần đứng tên. Họ chỉ cần quân cờ bản địa đứng ra. Còn tín hiệu, công nghệ, thiết bị, kỹ sư… đều sẽ từ Quảng Châu, Thâm Dương, Trịnh Châu tràn sang. Và đến khi tàu chạy, người Việt không đi trên đường sắt cao tốc – mà đi trên một cỗ máy định vị chiến lược của kẻ khác.

✍️. … Gã khờ xin được hỏi:
• VinFast thất bại, đã có người gánh. Nếu VinSpeed cũng vậy, ai sẽ là người cuối cùng móc túi?
• Nếu cứ tiếp tục mở cửa chính sách cho những “group” đứng tên, liệu pháp quyền còn đứng vững?
• Và nếu mai này chúng ta phát hiện ra người gõ cửa Chính phủ lại là người mở cửa cho ảnh hưởng bên ngoài, thì có quá muộn?

Gã khờ không nghi ngờ lòng yêu nước của ai. Gã chỉ tin một điều:
Quốc gia nào không biết giới hạn của thể chế, sẽ sớm mất chủ quyền trong chính sách.
Thị trường phải có luật chơi.
Thể chế phải có nguyên tắc.
Và doanh nhân – nếu thực sự muốn trở thành biểu tượng dân tộc – hãy khởi nghiệp lại bằng giá trị thực, chứ không phải bằng “cuộc họp đặc cách” và “dự án quốc gia xin bằng powerpoint”. Gã khờ

Không có nhận xét nào: