Translate

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2024

CANH BẠC TẤT TAY CỦA TRUNG CỘNG.

 Dương Quốc Chính



...
Trận ĐBP chấn động địa cầu lâu nay người Việt, thậm chí cả Tây, vẫn nghĩ là sự thần thánh của đạo quân chân đất VM. Nhưng thực ra đó là 1 canh bạc lớn của Trung cộng, họ phải dồn nguồn lực vào đó, hỗ trợ bằng được ông em (về tuổi tác còn là ông anh) VNDCCH để đánh thắng Pháp.

Trận ĐBP chấn động địa cầu lâu nay người Việt, thậm chí cả Tây, vẫn nghĩ là sự thần thánh của đạo quân chân đất VM. Nhưng thực ra đó là 1 canh bạc lớn của Trung cộng, họ phải dồn nguồn lực vào đó, hỗ trợ bằng được ông em (về tuổi tác còn là ông anh) VNDCCH để đánh thắng Pháp.
Bởi vì, Trung cộng từ khi hình thành 4 năm trước vẫn mang tiếng là thổ phỉ đi lên, dạng khởi nghĩa nông dân cướp chính quyền của giới tinh hoa Quốc dân đảng. Chính danh chả có, không phải đánh đổ thực dân, phong kiến gì cả. Nên chẳng có vai trò trong mắt quốc tế.
Để khuếch trương thanh thế, tỏ ra 1 nước lớn, sau cả trăm năm bị coi là Đông Á bệnh phu, bị Tây, Nhật ức hiếp, Trung cộng bắt buộc phải "xuất khẩu cách mạng" sang Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam. Đem làn sóng đỏ lan ra các nước lân bang, cũng chính là vùng đệm (thuộc quốc) cũ của TQ. Bề ngoài thì coi là tình hữu nghị vô sản cùng xây dựng thế giới đại đồng, nhưng bản chất là Trung cộng muốn vợt lại thuộc địa cũ.
Lưu ý là nước Triều Tiên trước khi bị Nhật chiếm, thì là thuộc quốc của Thanh triều. Còn nước Đại Nam, thì cũng tương tự, nhà Thanh còn đánh trận tưng bừng với quân Pháp ở Bắc Kỳ, theo lời cầu viện bí mật của Tự Đức. Kết cục là thua trận, nên bị mất thuộc quốc. Chiếc ấn Việt Nam quốc vương do Thanh triều ban cho vua Nguyễn đã bị nung chảy dưới triều Đồng Khánh, để chứng tỏ sự thoát Hán bởi người Pháp.
Như vậy, việc xuất khẩu CM, hỗ trợ chế độ CS ở Triều Tiên và Việt Nam cũng chính là việc đi tìm lại quá khứ hào hùng của đế chế Đại Thanh với cái danh xây dựng thế giới đại đồng mà thôi. Nếu liên hệ với hiện tại, thì cũng giống như việc nước Nga của Putin tấn công Ukraine để đòi thuộc quốc phải quay lại vòng tay của Sa hoàng Putin đại đế.
Hay việc Việt Nam đánh đuổi Khmer đỏ rồi đóng quân lại Campuchia cũng chính là lặp lại quá khứ huy hoàng thời chúa Nguyễn và đỉnh cao là thời Minh Mạng, bảo kê Chân Lạp, tranh giành ảnh hưởng với Xiêm. Tất cả đều nằm trong tham vọng VÙNG ĐỆM ĐỊA CHÍNH TRỊ chứ chả ai cho không ai cái gì cả, không có tình hữu nghị vô sản gì đâu.
Việc đánh thắng canh bạc ĐBP và thắng lợi ở Bắc TT sẽ tạo cho Trung cộng 1 chỗ đứng ở bàn đàm phán. Hội nghị Geneva đã đưa các đồng chí thổ phỉ, nông dân vào ngồi chung bàn đàm phán với các cường quốc từng họp hội nghị Yalta và Potsdam phân chia lại thế giới sau thế chiến như Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô (tứ cường). Với vị thế của "nhà đầu tư" cho đạo quân chiến thắng là VM, tự nhiên Trung cộng có 1 vị thế của kẻ đánh cờ phân chia vùng ảnh hưởng trong khu vực. Việc họp bàn về Triều Tiên bị đi vào ngõ cụt nên hội nghị Geneva chỉ còn bàn tới việc phân chia Đông Dương.
Chính Chu Ân Lai mới là kẻ đánh cờ trong hội nghị đầu tiên khiến Trung cộng rũ bùn đứng dậy sáng lòa 1 góc trời. Trước đây Trung Hoa Dân quốc không thể có cái vị thế đàm phán ngang cơ thế được với các cường quốc. Trung cộng lúc đó chỉ là đàn em của LX mà thôi.
Kể từ món nợ ĐBP, rồi sau đó là việc hỗ trợ đánh Mỹ, VNDCCH càng lún sâu vào vòng xoáy nợ nần với Trung cộng không thể thoát ra. Lối thoát duy nhất chỉ là dựa vào LX được hơn 10 năm nhưng tạo nên 1 hệ lụy đau thương khi LX sụp đổ.
Như vậy, trận ĐBP chấn động địa cầu cũng chính là thời điểm mấu chốt mà VM ký vào giấy vay nợ Trung cộng. Người ta đầu tư tiền bạc, trí lực, xương máu nhiều như vậy thì đâu dễ mà để mình tuột khỏi tay.
SGK lịch sử không bao giờ dạy bạn về bối cảnh địa chính trị như vậy đâu, chỉ dạy các bạn về lòng tự hào khi đánh thắng đế quốc to thôi. Nhưng làm thế nào để biến đạo quân chân đất chỉ biết bắn súng kíp thành 1 đạo quân biết bắn pháo, biết phối hợp binh chủng với chiến tranh hiện đại thì họ không dạy.
Trung cộng đầu tư cho thuộc quốc không khác gì đại ca giang hồ cho đàn em vay tiền, sao mà dễ bùng nợ, dù không hề có giấy vay nợ. Đại ca không bao giờ muốn đệ tử trở nên mạnh mẽ, để nó tranh ngôi đầu đàn sao?
FB Dương Quốc Chính.
..................
ĐIỆN BIÊN PHỦ CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU
Bối cảnh
Cuộc chiến Pháp - Việt nổ ra vào ngày 19/12/1946, chính quyền VNDCCH bỏ HN và các đô thị rút lên chiến khu Việt Bắc. Trước đó, ở miền Nam, chính quyền VM cũng đã rút bỏ vào bưng, quân Pháp cơ bản đã lập lại trật tự như trước 45. Một chính quyền thân Pháp là CH Nam Kỳ được lập ra để quản lý miền Nam.
VM rút lên chiến khu phát động chiến tranh du kích. Cuối năm 1949, Mao thắng Tưởng lập nên chính quyền CHND Trung Hoa (Trung cộng). TQ nhanh chóng công nhận VNDCCH và VM có ngay 1 đồng minh ở mặt Bắc. Mao cử đoàn cố vấn sang giúp VNDCCH đánh Pháp. Thắng lợi đầu tiên là chiến dịch Biên giới, giúp khai thông tuyến đường tiếp tế từ TQ về Việt Bắc. Quân Pháp phải rút khỏi Cao Bằng.
Ngay sau khi được TQ công nhận, CT HCM sang LX để cầu viện Stalin. Được Mao bảo lãnh, Stalin chấp nhận thiết lập quan hệ với VNDCCH và đồng ý viện trợ cho VNDCCH thông qua TQ (lấy hàng của LX viện trợ TQ để chuyển sang VN, LX bù lại sau). Lúc đó LX chưa cử cố vấn sang VN.
Kể từ khi được TQ hỗ trợ hết mình, VM bắt đầu đánh lớn, thành lập các đại đoàn được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ, đặc biệt là 1 số trung đoàn pháo binh, vân tải, không như giai đoạn trước và giành được 1 số thắng lợi trước quân đội Liên hiệp Pháp.
Năm 49, Quốc gia VN được thành lập, sau khi Pháp nhận thấy là không còn cách gì để đàm phán với VM. Vài năm sau, quân đội QGVN cũng được thành lập, nằm trong quân đội LH Pháp.
Từ năm 51-53, quân đội VM lớn mạnh rất nhiều. Người Pháp đã không dám coi VM là 1 đội quân du kích thuần túy nữa. Quân VM đã tiến đánh cả vùng đồng bằng và trung du khiến Pháp phải rút khỏi Hòa Bình. Tuy nhiên VM đã gặp thất bại nặng nề trong trận Mạo Khê và Vĩnh Yên khi tướng De Lattre de Tassigny cho ném bom napalm vào trận địa, chấp nhận chết cả lính Pháp. Điều đó thể hiện điểm yếu của VM khi tấn công đồng bằng và cho thấy lợi thế về vũ khí của Pháp ở vùng đồng bằng.
Con trai tướng de Lattre cũng đã tử trận tại VN, rồi sau đó chính ông ta cũng bị bệnh mà chết. May mắn cho VM. Trung tướng Salan lên thay de Lattre nhưng cũng nhanh chóng quay về Pháp. Đại tướng Navarre đang từ Đức được cử sang làm Cao ủy kiêm Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương.
Kế hoạch Navarre
Navarre cho rằng cần ngăn chặn VM đánh chiếm Thượng Lào. Ông ta cho thiết lập 1 "tập đoàn cứ điểm" (các cứ điểm đóng liên hoàn) ở Điện Biên Phủ để ngăn chặn VM, đồng thời muốn thu hút VM vào đó để sống mái trong 1 trận đánh lớn, làm sức hút để VM không thể đánh về đồng bằng.
Điện Biên Phủ và vùng lòng chảo với núi bao bọc xung quanh 1 vùng bằng phẳng có các quả đồi nhỏ, Pháp dùng làm các cứ điểm liên hoàn, được đặt bằng những cái tên phụ nữ! Pháp cho khai quang toàn bộ xung quanh vùng lòng chảo, để VM có tấn công bằng bộ binh thì không có chỗ ẩn nấp.
Pháp phải chuyển quân cũng như vũ khí, khí tài bằng máy bay. VM có khoảng 600 xe vận tải hàng viện trợ từ TQ sang qua và vận chuyển vào trận địa bằng sức người khi không còn đường ô tô chạy được. Lương thực và 1 số nhu yếu phẩm khác VM chuyển bằng đường dân công (xe đạp thồ) từ đồng bằng lên. Xin lưu ý là trước đó TQ đã trang bị cho VM trung đoàn pháo binh và đoàn xe vận tải, chứ không phải VM hoàn toàn vận chuyển bằng xe đạp và pháo có được do tự chế. Bộ đội VM còn sang TQ để huấn luyện pháo binh.
Tham gia trận ĐBP, VM có khoảng 5 đại đoàn, với khoảng 50 ngàn lính. Tư lệnh mặt trận là Võ Nguyên Giáp. Tổng cố vấn là Vi Quốc Thanh.
LH Pháp có khoảng 15 ngàn quân đồn trú, trong đó có khoảng hơn 1000 lính dân tộc Thái (QGVN). Chỉ huy là tướng De Castries. Ông này được phong tướng ngay tại trận địa, trước khi trận chiến nổ ra, có lẽ là bắt chước phát xít Đức đã từng phong thống chế cho 1 viên tướng Đức đang bị quân LX bao vây, với lý do là thống chế thì sẽ không bao giờ đầu hàng! Thực tế thì cả 2 đều phải đầu hàng!
VM đã từng kéo pháo vào trận địa, xong lại kéo ra với lý do (của phía VN) là thay đổi chiến thuật "đánh nhanh, thắng nhanh" theo chiến thuật biển người của cố vấn TQ thành "đánh chắc, tiến chắc" của Võ Nguyên Giáp. Phía TQ lại cho ý đó là của cố vấn TQ đề ra! Cho dù đó là ý kiến bên nào, thì nó cũng thể hiện sẽ thiếu thống nhất và không chuyên nghiệp của phía VM, do việc kéo pháo vào và kéo pháo ra là rất tốn kém do địa hình hiểm trở. Hơn nữa, VM có 1 thuận lợi là Vi Quốc Thanh đã chuyển cho họ bản kế hoạch Navarre do tình báo TQ có được.
Cuộc tấn công bắt đầu vào ngày 13/3/1954 và VM chiếm được 2 tiền đồn xa nhất ngay trong ngày đầu tiên. Cách đánh của VM là đưa pháo lên các quả núi bao quanh lòng chảo cho vào các hầm pháo, chỉ thò nòng pháo ra, ngụy trang kín, nên khó bị phát hiện. Với lợi thế pháo ở trên cao, trong hầm ở các sườn núi nên VM khống chế được bầu trời khiến Pháp không thể tiếp vận được cho trận địa, buộc phả thả dù tầm cao, thiếu chính xác.
Đồng thời, VM cho đào giao thông hào vây quanh các cứ điểm, thắt chặt dần vòng vây. Khi có thể áp sát thì họ dùng bộc phá đánh tan lớp rào thép gai rồi tấn công bằng bộ binh.
Không quân Pháp lúc đó khá yếu, chỉ có khoảng hơn 100 máy bay ở VN có thể huy động cho chiến dịch. Đó là lượng máy bay rất ít nên dễ dàng bị pháo của VM khống chế. Trong khi đó, vào những ngày cuối chiến dịch, VM còn được tranh bị cả H6, là dạng hỏa tiễn nhiều nòng (kiểu Cachiusa) của LX, nên pháo binh rất mạnh để chi phối toàn bộ chiến trường.
Có thể so sánh, những năm 1971, 1972 nếu kể cả Không quân Mỹ thì tổng cộng số máy bay tại miền nam VN có thể gấp vài chục lần số máy bay Pháp tại Đông dương năm 1954.
Quân Pháp không có đủ tiếp vận, cộng với vòng vây giao thông hào của VM ngày càng siết chặt, nên đã phải đầu hàng vào ngày 7/5. 11 ngàn quân Pháp được cho là đã đầu hàng, trước đó, hơn ngàn lính Thái đã ra hàng, trên 2,000 bị giết chưa kể trên 2,000 mất tích, VM thiệt hại khoảng 10,000 người.
Nguyên nhân thất bại của Pháp
Có khá nhiều nguyên nhân, vì bài viết đã dài nên mình chỉ nêu ý chính. Đó là do Navarre đã chủ quan, không ngờ VM có thể đem quá nhiều pháo vào trận địa, trong khi không quân của ông ta lại quá yếu.
Tuy có biết là TQ viện trợ rất nhiều cho VM, nhưng Navarre lại không ngờ viện trợ lại nhiều thế và VM có thể vận chuyển được với địa hình hiểm trở. Ngoài ra ông ta cũng không ngờ VM có thể vận chuyển bằng sức người 1 lượng hàng hóa lớn như vậy (phục vụ 50ng lính) trong khi phía Pháp chỉ có thể dùng máy bay để vận tải.
Phía Mỹ đã không hỗ trợ không quân bằng cách ném bom B29 như thỉnh cầu của Pháp. Thậm chí Mỹ cũng đã từng có kế hoạch ném bom nguyên tử xuống ĐBP. Nếu có bom nguyên tử, lịch sử đã rẽ theo hướng khác.
VM có lợi thế là Mao có thể hỗ trợ mọi thứ mà không cần thông qua quốc hội, trong khi Pháp và Mỹ thì lại không thể thế. Thời điểm đó, quốc hội Pháp có luật hạn chế quân dịch, gây khó khăn cho việc tăng quân và không quân Mỹ tham chiến thì phải thông qua QH.
Ngoài ra thì yếu tố thời tiết nóng ẩm cũng là nguyên nhân khiến quân Pháp không chịu đựng nổi khi bị vây hãm dài ngày mà thiếu thốn tiếp vận.
Về mặt chính trị, HĐ Geneva bắt đầu diễn ra trước khi trận đánh kết thúc, điều đó khiến cho VM càng quyết tâm đánh mạnh để giành lợi thế đàm phán.
Về tình báo, VM có lợi thế là nắm được kế hoạch Navarre trong khi Navarre và De Castries lại không có đủ thông tin về VM vì thế mà coi thường họ.
Hệ quả
Trận ĐBP thắng lợi khiến VM đang từ đạo quân chân đất được thế giới biết đến và có được lợi thế vượt trội trên bàn đàm phán HĐ Geneva. Tuy nhiên, sự vượt trội đó lại dành cho phía TQ nhiều hơn. Về HĐ Geneva, mình sẽ viết cụ thể trong stt khác vào dịp kỷ niệm ngày ký HĐ trong tháng 7 tới.

Không có nhận xét nào: