Translate

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2023

KÍNH VIẾNG HƯƠNG HỒN LIỆT SĨ SỐT RÉT.

 Hat Cát Diêu Sinh




Người chết thì không về nữa
Sao ngày nào anh cũng đây?
Mắt đờ người run ngộp thở
Quân trang rách túm khíu dây.?
Anh cười... răng vàng cáu xỉn
(Tiếng cười run lá khô cây)
Lưng khòm như con tôm luộc
Xương nhô nhọn bả vai gầy...
Anh lại cười... không ra tiếng
Sốt cơn rút kiệt sức trai
Tóc bết bụi lầm đóng mảng
Cáu đen mười móng tay dài.
Nhếch mép... nét cười như khóc
Chúi đầu vào gốc cây già
Lá rừng dâng ngang lút mặt
Đất mùn vương vãi thịt da.
Há miệng cố... không cố được...
Hạt khí cuối cùng hắt ra.
Cơn sốt bỗng dưng tắc nghẹt.
Hình... hình như... hình như là...?..!
Vẫn co như con tôm luộc
Anh lùi vào chốn bao la
Sốt rét dứt cơn đầy đoạ
Anh tan cùng với hương hoa...
Vút lên bầu trời xa thẳm
Về phía mênh mông chói loà.
Hồn mộng... anh về xưa cũ
Một thời thơ ngây.
Rất xa.
.
Thơ Hat Cat Diệu Sinh 2012-2017 PR. Đầu 70 hành quân vào chiến trường. Điểm đầu lên tàu xuất phát từ ga Hỗ - Haiphong. Hơn 4 tháng trời hành quân đằng đằng cứ 8 ngày đi, 1 ngày nghỉ nhận gạo...Tiểu đội mình vào đến điểm giao quân K.55 Ba tơ, Quãng ngãi còn đúng 4 đứa. Riêng chiến với muỗi Anophen thôi đã có 8 chiến sĩ phải " nằm " lại đường dây ( Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh/ Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi )
.....Sốt rét tái màu da
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng...

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

Thời gian trong thơ Hạt Cát Diệu Sinh/ Bùi Cửu Trường là thời gian của tâm trạng và cảm xúc, không chỉ diễn ra trong hiện tại, hướng về tương lai mà chị còn nghĩ suy nhiều về quá khứ. Quá khứ với bao buồn, vui, đau đáu những nỗi niềm trắc ẩn.
Tràn ngập trong thơ Hạt Cát đó là những nỗi nhớ: nhớ những người đồng chí, đồng đội của mình, nhớ bạn bè, người thân. Đặc biệt là viết về những người lính trong những năm tháng gian lao, vất vả ở chiến trường. Những đồng chí, đồng đội của chị nhiều người đã ra đi vĩnh viễn, để lại nỗi tiếc thương và nỗi đau khó lành đối với những người còn sống. Hạt Cát Diệu Sinh cảm nhận rất rõ những mất mát và tổn thương trong quá khứ.
Đọc bài thơ "Gửi đồng đội là tử sĩ", người đọc không khỏi nhói lòng và rưng rưng xúc động. Cuộc chiến đi qua đã cướp đi không biết bao nhiêu mạng người trên dải đất cong cong như hình chữ S này. Những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng, bao đợi chờ, tang thương cứ dày lên theo năm tháng. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Nhiều bà mẹ cạn khô nước mắt, nhiều người vợ ngơ dại chờ chồng, nhớ mong trong vô vọng. Cũng là cái chết ở chiến trường nhưng có người là tử sĩ, có người là liệt sĩ. Để rồi có lúc chị lại tự vấn bằng những lời nghe ai oán, não ruột làm sao. Đọc từng câu trong bài là từng ấy những ray rứt, cắn xé, cấu véo tâm can người đọc.
Tháng bảy
Tháng bảy nào cũng thế!
Nỗi tiếc thương sông bể trào dâng.
Khói nhang nát cõi hư không dâng Người.
Hồn tử sĩ không nơi nương tựa
Sốt rét run người tứa mồ hôi
Đói no rau suối, sắn đồi/
Mỗi cơn nóng – lạnh vài người ra đi.
Người ốm lả chôn người đã mất
Nước mắt khô, ai khóc được đây?
Hôm nay… ừ… có hôm nay
Mai này… Liệu có mai này… mà mong?
...
Đến khổ thơ thứ 5, đọc lên nghe nghẹn nơi cổ họng, khóe mắt cay cay, bởi: Cúi đầu trước ai không liệt sĩ/ Trước bao người không sổ “ghi công”/ Những người không phải anh hùng/ Chết nơi chiến trận hồn không nơi về!
Bài thơ "Gửi anh" cũng là bài thơ cảm động, chị viết về một người bạn cùng tuổi, anh đi bộ đội khi chưa đầy 18, rồi hy sinh ở tuổi 20 bên bờ sông Thạch Hãn.
Chiều định mệnh bên bờ Thạch Hãn/ Thư thì về, mà anh lại không!/ Kỷ niệm xưa như cát lắng đáy sông/ Trầm tích thương đau nghẹn lại.
Cứ mỗi năm lịch sang trang tháng bảy/ Là mỗi lần bỏng cháy bóng hình ai./ Vẫn tấm áo xưa xéo miếng vá vai/ Nguyên vẹn đường kim em vụng dại.
.