Translate

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

VỊ XUYÊN - KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ (12/7/1984)

MỘT SƯ ĐOÀN HOÁ ĐÁ...VỊ XUYÊN !
.
Chỉ trong mấy tiếng đồng hồ của ngày 12.7.1984, trên cả 3 hướng tiến công, quân ta có khoảng 600 - 700 cán bộ chiến sĩ hy sinh (nhiều cán bộ trung/ tiểu đoàn), 820 bị thương (phía TQ nói đã bắt 5 người làm tù binh), mất hàng trăm vũ khí các loại. Quân TQ tổn thất 62 chết và 320 bị thương.
Có thể nói rằng đây là 1 trong những trận đánh tổn thất lớn nhất trong lịch sử QĐNDVN, thậm chí vượt xa nhiều trận đánh lớn trong kháng chiến chống Mỹ. Tuy rằng ở thời điểm đó, QĐNDVN đã trải qua 4 cuộc chiến tranh với 40 năm kinh nghiệm chiến đấu liên tục.
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, ngoài trời và thiên nhiên

MỘT SƯ ĐOÀN HÓA ĐÁ VỊ XUYÊN

... Xin đừng quên tên một sư đoàn
Dù nay đã chỉ còn là kỉ niệm
Nơi Tổ quốc ghi tên mình trong đó
Máu sư đoàn tôi hóa hồn đá Vị Xuyên
Gọi tên sư đoàn gọi tên núi Hà Giang
Gọi nhau bằng tên bình độ
Ba mấy năm tìm về nhau hát những bài rất trẻ
Nhớ mùa này biên giới vẫn mù sương...
(Trích thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng)
Thất bại của MB-84 được đánh giá là tổng hợp của nhiều yếu tố như: Chỉ huy nóng vội, chủ quan và đánh giá sai địch, chiến thuật không phù hợp, chuẩn bị thiếu chu đáo, hiệp đồng không tốt...
Sau chiến dịch MB-84, QĐNDVN không tổ chức thêm trận tiến công quy mô lớn nào ở mặt trận Vị Xuyên, mà chỉ sử dụng chiến thuật lấn dũi, vây ép để tạo thế ngăn chặn đối phương và từng bước giành lại một ́vài điểm chốt nhỏ. Đến năm 1989, cùng với xu hướng giảm căng thẳng biên giới và bình thường hóa quan hệ 2 nước, quân TQ lần lượt rút khỏi các điểm chiếm đóng trái phép còn lại ở Vị Xuyên và Yên Minh.
https://www.facebook.com/100013941887190/videos/923893268085394/

.............
VỊ XUYÊN - KHÚC TRÁNG CA BẤT TỬ (12/7/1984)
41 năm đã trôi qua kể từ ngày Việt Nam chiến đấu chống quân Trung Quốc để bảo vệ biên giới nhưng nỗi đau Vị Xuyên vẫn còn đó. Nhiều người vẫn tự hỏi tại sao từ chỗ chỉ được xác định là hướng phụ, hướng thứ yếu trong kế hoạch của quân Trung Quốc khi phát động cuộc chiến tranh, Vị Xuyên lại trở thành một mặt trận nóng bỏng và ác liệt kéo dài dai dẳng nhiều năm sau khi cuộc chiến tranh đã kết thúc trên danh nghĩa?
Gần chục năm không ngớt tiếng pháo
Trong ký ức của người Việt Nam, có lẽ không một ai có thể quên được vào ngày 17-2-1979, ngày mà quân Trung Quốc đã huy động 60 vạn quân cùng với 2.558 khẩu pháo mặt đất, 550 xe tăng, 676 máy bay các loại, 2 sư đoàn pháo phòng không... chia làm 2 cánh bất ngờ mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến đó, mảnh đất Vị Xuyên đã nóng lên bởi các trận pháo kích và các cuộc tiến công của quân Trung Quốc.
Sau hơn 10 ngày thực hiện ý đồ “đánh nhanh, chiếm nhanh các mục tiêu” theo kế hoạch ban đầu, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế quân đông, vũ khí trang bị nhiều và hiện đại đã tiến sâu vào nội địa Việt Nam trên một số hướng, có chỗ vào sâu hàng chục ki-lô-mét. Tuy nhiên, trên hướng Vị Xuyên, đối phương đã thất bại trong việc thu hút lực lượng của ta và tiến sâu vào trong. Tại đây, chiến sự vẫn diễn ra trong thế giằng co, dai dẳng và quyết liệt.
Trước sức ép phản đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế, lực lượng bị tổn thất nặng nề và để khỏi bị sa lầy trong cuộc chiến, ngày 5-3-1979, quân Trung Quốc buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đến ngày 18-3-1979, về cơ bản quân Trung Quốc đã rút về nước theo kế hoạch. Mặc dù vậy, hòa bình vẫn chưa được vãn hồi trên tuyến biên giới phía Bắc, đặc biệt là ở mặt trận Vị Xuyên.
Có thể nói, kể từ sau ngày 18-3-1979, gần chục năm ròng chưa khi nào Vị Xuyên ngớt tiếng pháo, đạn cối từ bên kia biên giới rót sang. Từ một địa bàn được xác định là hướng thứ yếu, Vị Xuyên nhanh chóng trở thành điểm nóng, một mặt trận trọng điểm trong chính sách gặm nhấm, gây xung đột biên giới của quân Trung Quốc thời điểm đó.
Khúc tráng ca vẫn luôn vang vọng
Mặt trận Vị Xuyên thực sự nóng bỏng và ác liệt từ giữa năm 1984. Nhiều đơn vị dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã được đưa lên mặt trận Vị Xuyên thay nhau chốt giữ các điểm tựa quan trọng và giành lại các vị trí đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm, lúc cao điểm có tới 9 sư đoàn chủ lực tham gia tác chiến ở Vị Xuyên.
Ngày 12-7-1984, quân và dân Vị Xuyên mở cuộc tiến công lớn để giành lại các điểm cao 1030, 233, 685... và bình độ 300, 400 ở phía Tây sông Lô. Mặc dù không thu hồi được hết các vị trí chiến lược nêu trên, song cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 (Sư doàn 316), Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356) và các đơn vị phối hợp trong trận đánh này đã chiến đấu rất quả cảm.
Trong trận đánh vào ngày 12-7, chỉ riêng Sư đoàn 356 đã có gần 600 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đây là một trong những trận đánh ác liệt nhất, thương vong lớn nhất và đáng nhớ nhất đối với các lực lượng tham gia chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm đầu thập niên 80.
Từ trung tuần tháng 11-1984 đến những tháng đầu năm 1985, cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng quyết liệt, hai bên giành giật nhau từng mét đất, từng bụi cây, hốc đá.
Quân Trung Quốc thường lợi dụng địa thế triển khai trên núi cao, dựa vào lực lượng đông, hỏa lực của pháo binh cực mạnh đã liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công vào Điểm cao 1509 và các vị trí quan trọng khác như đồi Đài, đồi Cô Ích. Tuy nhiên, các cuộc tiến công đó đều bị quân và dân Vị Xuyên bẻ gãy, không đạt được mục tiêu đề ra.
Mặc dù thương vong nhiều song các chiến sĩ vẫn không chùn bước, không rút lui mà chuyển sang triển khai thế trận phòng ngự trực tiếp tiếp xúc với quân Trung Quốc, có nơi hai bên chỉ cách nhau vài chục mét. Khó có thể nói hết tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hiểm nguy và hy sinh mà quân và dân Vị Xuyên gặp phải trong khoảng thời gian này. Bộ đội phải chịu đựng khổ cực, thiếu thốn; mỗi ngày, một chiến sĩ được phát 3 nắm cơm với cá khô và muối rang; 3 người được cấp một can nước 5 lít dùng cho mọi sinh hoạt. Đời sống thiếu thốn cực khổ như vậy nhưng lực lượng giữ chốt vẫn vượt lên tất cả, kiên cường bám trụ đánh địch, giữ vững trận địa.
Liên tục từ ngày 31-5 đến 16-6-1985, quân Trung Quốc sử dụng pháo binh bắn phá bất kể ngày đêm và tổ chức 21 cuộc phản kích nhằm giành lại quyền kiểm soát Điểm cao A6b, một vị trí lợi hại mà quân và dân Vị Xuyên vừa giành lại được trước đó không lâu. Tuy vậy, tất cả các cuộc phản kích đó đều bị quân và dân Vị Xuyên chặn đứng.
Từ ngày 23 đến 25-9-1985, Quân đoàn Tế Xương của Trung Quốc lại tiếp tục mở đợt tiến công mới trên một chính diện kéo dài từ Đông sang Tây sông Lô, trong đó tập trung vào đồi Cô Ích, bình độ 1.100 ở Vị Xuyên. Tuy nhiên, đợt tiến công này cũng bị quân và dân Vị Xuyên đánh bại.
Trong năm 1986, chiến sự tại mặt trận Vị Xuyên vẫn không hề thuyên giảm, có ngày mảnh đất Vị Xuyên phải hứng chịu 50.000 quả đạn pháo từ bên kia biên giới dội sang; địch mở tới 7 đợt tiến công vào đồi Đài và đồi Cô Ích.
Bất chấp sự tàn phá hủy diệt của bom đạn, các lực lượng của ta bám trụ tại đây vẫn bình tĩnh chống trả, bẻ gãy hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác, giữ vững trận địa. Bước sang năm 1987, quân Trung Quốc ngừng các cuộc tiến công lấn chiếm Vị Xuyên.
Tuy nhiên, mảnh đất này vẫn tiếp tục hứng chịu các cuộc pháo kích dai dẳng cho đến cuối năm 1988 mới dừng hẳn tiếng pháo. Đầu năm 1989, quân Trung Quốc mới chịu rút khỏi 20 điểm lấn chiếm lãnh thổ của Việt Nam tại Bắc Vị Xuyên.
Mặc dù 41 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau Vị Xuyên vẫn còn đó. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc có gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, trong đó mới chỉ có hơn 1.700 hài cốt được tìm thấy, còn lại hơn 3.000 hài cốt vẫn nằm rải rác đâu đó trong các hốc đá, vùi dưới gốc cây, bên các sườn núi cheo leo cho đến nay vẫn chưa thể nào tìm và lấy ra được. Dẫu vậy, người dân Vị Xuyên và cả những người lính đã từng chiến đấu tại đây, kể cả những người may mắn sống sót trở về, cũng như vong hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất Vị Xuyên có quyền tự hào bởi họ là những người “đi trước, về sau” để viết lên khúc tráng ca Vị Xuyên bất tử trong cuộc chiến bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc./.

Không có nhận xét nào: