Translate

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

Một đoạn: ĐƯỜNG ĐẾN 30-4

Tôi không thích bài “đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật. Bác bảo: Nhà thơ có cách nhìn của họ, bác là người lính, những con đường ra trận của bác thấy toàn máu, kiệt lực, mồ hôi và nước mắt. Điều khác biệt là dù như thế, chúng ta vẫn cứ đi vì không có con đường nào khác.

Sau Hiệp định Pari năm 73. Chúng tôi căng ra cắm cờ giữ đất. Chống phản kích lấn chiếm ở Hoài Ân Bình Định. Thực sự. Chẳng biết ai lấn ai, chiếm ai nữa ? Trước đóng trên bình diện rộng, phi pháo tản mạn, ít thương vong. nay cắm cờ ranh giới, Trụi lủi trên chốt. Phi pháo tập trung...Chịu hông thấu.
Bên kia đổi quân là chuẩn bị đụng trận ( Vì đóng chung với nhau cả tháng, cùng múc chung giếng nước dưới đồi, chiều thậm chí chí còn giao hữu bóng chuyền với nhau, mời nhau điếu thuốc, quen quá mà nên đổi quân la ngầm hiểu) Phi pháo cả tuần, Sáng chiều đều hai cữ...Hầm hố đắp đào kiên cố mấy chịu chi thấu...Mình ngồi dưới địa đạo chần lưng chịu trận, Dưới chân chốt xe Honđa, mấy em quần cán gáo, áo rọ heo xanh đỏ ...vẫn lượn qua lại. Mỗi lần thằng A37 bổ nhào cắt 2 loạt 4 bom 250k. Hầm hào rung lắc, cột khói bụi đặc quánh bốc cao như cái miệng núi lửa phun trào. Thương vong cũng phải chờ tối mới đưa xuống được. Thịt da nát tan...Cả tuần chịu như vậy. 
Giá mà chạy được ?
Mà chạy đi đâu ?
 
Hồi ấy nhiều khi đau khớp nặng, Không tự chạy xuống địa đạo được. Mình bảo với aem, rút xuống địa đạo. tao ngồi đây chịu trận. Bom pháo chưa chắc đã trúng. Trúng chưa chắc đã chết. Chứ thực ra đau quá lết đâu được

Nhiều lúc thầm ước. Giá chi mình được như cánh chim.. Mỗi lần phi pháo thoát đi đâu đó. Hết phi pháo rồi lại:....Về đây. Chịu trậnj. Ước vậy.
Thật đấy.



ĐƯỜNG ĐẾN 30-4 (7)
(Thái Bảo Anh) - .
...Năm đó, bác tôi 35 tuổi. 35 tuổi nhưng những người lính 17-18 đã gọi bác tôi là “bố”. Khi vào đến sông Thạch Hãn, đơn vị bác tôi mất 20% quân số. Vượt sông vào Thành cổ, chỉ sau một tuần, quân số chỉ còn lại cũng chừng đó.

Theo số liệu chính thức của quân đội sau này, mỗi ngày đêm, quân ta mất một đại đội trong Thành cổ.
Bác tôi kể, cuộc chiến trong Thành cổ cũng có những quy luật của nó. Cuộc sống của Thành cổ phụ thuộc toàn bộ vào bến vượt bên bờ sông Thạch Hãn.
Cứ đêm đến là có một dòng chảy thương binh từ Thành cổ ra bờ phía Bắc và một dòng chảy tiếp viện và súng đạn ngược lại vào Nam. Công binh đã kéo những sợi cáp ngầm dưới mặt nước để bộ đội bám vào khi vượt sông.
Pháo toạ độ căn thường xuyên trên khu vực đó và có nhiều tân binh chưa từng bắn một phát súng đã hy sinh ngay khi chưa đặt chân được lên bờ.
Vào ban ngày lính thuỷ quân lục chiến đánh dọc hai bên bờ sông để cắt bến vượt khỏi thành cổ. Có ngày nguy cấp, bên ta chỉ còn giữ được 50 mét bờ sông.
Cứ đêm xuống là các đơn vị trong Thành cổ lại phản kích đánh bật thuỷ quân lục chiến ra để giành lại một đoạn bờ sông chừng 500 mét. Sáng ra, mọi việc lại lặp lại như cũ.
Bác tôi nói: Ở Thành cổ, đôi khi các bên chỉ cách nhau một tầm lựu đạn ném. Vì vị trí quá gần nên khi đêm xuống pháo binh của quân đội Sài Gòn không thể sử dụng. Nhưng cũng vì vị trí quá gần nên khả năng giữ bí mật trước khi phản kích là hầu như không thể. Đơn vị bác tôi thường xuyên được sử dụng để tham gia các trận phản kích về đêm đó.
Chỉ có trận đánh trong đêm đầu tiên là đẫm máu. Vì địa hình hẹp, bắn xong không kịp lắp băng đạn nên đơn vị bác tôi đã lắp lê trước khi xung phong. Ai đã từng ở trong quân đội sẽ biết sự khác nhau lưỡi lê của súng trường K-44 (Mosin Nagan) và AK. Lê của súng K-44 có bốn cạnh, khi đâm sẽ xuyên thấu người và chỉ để lại một vết máu nhỏ như đồng xu. Lê của AK khi đâm vào người và xoay như hướng dẫn sẽ để lại một vết phá rất lớn.
Ngày hôm sau, khi tái chiếm lại trận địa, binh lính bên kia nhìn thấy kết quả của trận xáp lá cà đêm trước – và đêm xuống, khi tiếng hô của đơn vị bác tôi truyền dọc chiến hào “Lắp lê!” họ bắn vài loạt đạn rồi rút. Và sự việc cứ diễn ra như vậy về đêm, như có một thoả thuận ngầm.
Đơn vị bác tôi hô vang “lắp lê” và đợi vài phút, sau đó bên kia sẽ bắn đổ đạn một hồi rồi rời khỏi trận địa. Sáng ra, pháo lại dội và họ lại tái chiếm chỗ cũ.
Bác tôi là một trong những người cuối cùng rút ra khỏi Thành cổ, bơi vượt sông Thạch Hãn về lại bờ Bắc. Đơn vị bác tôi còn lại 40 người khi vượt sông, trong số đó chỉ có 16 người là lành lặn. Trong danh sách quân lực của trung đoàn bác tôi, quân số gấp 7 lần khi mới vào trận.
Bác tôi kể, người chỉ huy già của bác tôi, sau này hoà bình, khi gặp đám tân binh còn lại của hồi đó lần nào cũng khóc: “Ngày ấy chúng mày chết nhiều quá, có oán bố không?”.
Khi tôi kể cho bác nghe về một câu chuyện trên báo Thanh Niên, trong đó người liệt sỹ đêm trước khi hy sinh đã viết cho vợ chưa cưới chỉ dẫn rõ nơi anh sẽ nằm xuống để sau này hoà bình lập lại mà tìm. Bài báo viết rằng đó là một dự cảm huyền bí, kỳ lạ của người nằm xuống.
Bác tôi cười mếu máo: “Con ơi, có gì lạ đâu, chỗ đó là bến đáp của Thành cổ, hết lớp này đến lớp khác hy sinh nơi đó, có gì là lạ đâu?".
Bác tôi không thích bài “đường ra trận mùa này đẹp lắm” của Phạm Tiến Duật. Bác bảo: Nhà thơ có cách nhìn của họ, bác là người lính, những con đường ra trận của bác thấy toàn máu, kiệt lực, mồ hôi và nước mắt. Điều khác biệt là dù như thế, chúng ta vẫn cứ đi vì không có con đường nào khác.
Bác cũng từ chối khi tôi muốn mua tặng bác một cuốn nhật ký nổi tiếng của một người lính trẻ tuổi hai mươi.
Bác tôi từ chối và nói với tôi rằng: “Con ạ, chính bác đã đi trên con đường của cuốn nhật ký đó. Đến giờ, bác chỉ tiếc rằng ngày đó bác không rèn được quân nghiêm hơn nữa. Nếu thế, chắc các bác không phải khóc “ngày ấy chúng mày chết nhiều quá, có oán bố không?”
Bác tôi thẫn thờ nhìn dãy núi Trường Sơn xa xa và nói: “Ông Phạm Tiến Duật là nhà thơ, viết là vũ khí của ông ấy. Tụi lính sinh viên của bác cũng thế, lãng mạn và nhiều hoài bão. Nhưng bác là một người lính, bác chỉ tiếc là ngày đó, giá như mình nghiêm hơn nữa, ‘ác’ hơn nữa. Nếu thế, chắc nhiều đứa giờ này còn sống"...

Không có nhận xét nào: