Translate

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Soi sáng chiến tranh thương mại do Mỹ phát động bằng chủ nghĩa Marx-Lenin


Chu Mộng Long: Tiêu đề bài viết này sẽ làm cho nhiều người bật cười. Soi ánh sáng chủ nghĩa Marx-Lenin vào cuộc chiến tranh do ông trùm chủ nghĩa tư bản phát động khác nào lấy hồn Trương Ba soi vào da anh Hàng thịt?

Nhưng sự đời chẳng biết ai hồn Trương Ba, ai da Hàng thịt. Bài bình luận này hoàn toàn khách quan, không định kiến ý thức hệ và chính trị.
Marx và sau đó là Lenin đặc biệt quan tâm đến chủ nghĩa đế quốc, một hình thái chủ nghĩa tư bản độc quyền, độc quyền kinh tế kéo theo độc tài chính trị, và tất yếu sinh ra chủ nghĩa quân phiệt đe dọa loài người.
Các nhà tuyên giáo Việt Nam gần đây hay nói đến “chủ nghĩa tư bản thân hữu” hay “lợi ích nhóm” mà quên rằng, lợi ích nhóm là tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Có điều ở chủ nghĩa tư bản hiện đại, các nhóm lợi ích bị tách ra khỏi nhà nước, nhà nước chỉ đóng vai trò trọng tài để các nhóm lợi ích cạnh tranh tự do trong thị trường tự do. Trong khi chủ nghĩa tư bản ở các nước độc tài, các nhóm lợi ích gian lận được nhà nước bảo kê và trở thành tư bản độc quyền. Tất nhiên, ở những nhà nước độc tài nhỏ, các nhóm lợi ích của nó không chỉ dựa vào nhà nước nhỏ trực tiếp bảo kê cho nó mà còn phụ thuộc vào nhà nước độc tài lớn hơn bảo kê. Nhà nước độc tài lớn đó mới là hiện thân của chủ nghĩa đế quốc.
Không thể nghi ngờ Trung Quốc đang là một đế quốc mà sức bành trướng của nó đang phủ khắp thế giới gây mối nguy toàn cầu. Sức mạnh bành trướng ấy nhờ các thủ đoạn:
1) Vơ vét tài nguyên trong nước lẫn tài nguyên các nước phụ thuộc bất chấp vấn đề môi trường để làm giàu.
2) Bảo kê, thực chất là thôn tính các tập đoàn tư bản thân hữu ở các nước phụ thuộc, trong đó có những trò lập đặc khu kinh tế, mua bán người, cờ bạc, đĩ điếm, và sản xuất hàng hóa độc hại. Kể cả thôn tính luôn các tập đoàn ở các nước tư bản hiện đại như Mỹ và châu Âu bằng các trò hợp tác và buôn bán gian lận.
3) Thuê nhân công với giá rẻ mạt để bóc lột. Vơ vét thuế của dân để nuôi dưỡng bộ máy khổng lồ của nhà nước, nuôi dưỡng lực lượng chuyên chính để đàn áp dân.
Marx-Lenin không thể hình dung đầy đủ có cái ngày chủ nghĩa xã hội do các ông sáng tạo ra đã lột xác bằng một chủ nghĩa đế quốc mới mang danh “chủ nghĩa xã hội đặc sắc”. Thứ “chủ nghĩa xã hội đặc sắc” ấy đến lúc đủ mạnh sẽ dẫn đến nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh vũ trang để phân chia lại thế giới, không khác chiến tranh thế giới lần hai. Các hành động gia tăng thế lực và lực lượng vũ trang trên Biển Đông và châu Phi của Trung Quốc thực chất là chuẩn bị tiền đề cho chủ nghĩa đế quốc và quân phiệt mới đã và đang hình thành.
Việc Trump phát động chiến tranh thương mại là để chặn đứng kịp thời nguy cơ ấy. Là nhà tư bản kỳ cựu, Trump hiểu phải làm gì để cứu vãn cho nền thương mại của Mỹ, và cho nền thị trường tự do của toàn cầu mà nhân loại tiến bộ đã đấu tranh suốt mấy trăm năm qua.
Người ta sẽ đặt câu hỏi: Tại sao Mỹ không chỉ nhằm vào Trung Quốc mà còn nhằm vào cả châu Âu?
Sự khôn ngoan của Trump nằm ở chiến lược giương Tây kích Đông ấy. Ít ra Trump cũng tỏ ra công bằng, cho Trung Quốc thấy rằng, để thực hiện một nền kinh tế thị trường tự do, ông không chỉ đấu tranh cho nước Mỹ mà cho cả châu Âu và cho chính Trung Quốc. Nơi nào có bóng dáng chủ nghĩa tư bản độc quyền, nơi đó đang bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc. Trump muốn đánh tiệt nọc mọi mầm mống chủ nghĩa tư bản độc quyền đang trỗi dậy sau mấy thế kỷ tưởng chừng đã chết bởi những cuộc nổi dậy long trời lở đất của cách mạng vô sản.
Hiển nhiên điều Trump muốn không chỉ dẹp bỏ chủ nghĩa đế quốc đội lốt “chủ nghĩa xã hội đặc sắc”. Sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc mà Lê Duẩn từng gọi là “cái quái thai chủ nghĩa xã hội” ấy sẽ kéo theo sự sụp đổ của các nhà nước độc tài để nhường sân cho nền tự do dân chủ toàn cầu tương ứng với một nền kinh tế thị trường tự do lành mạnh.
Đây là cuộc đấu tranh ai thắng ai giữa hai nền thị trường: thị trường cạnh tranh tự do và thị trường có định hướng bảo kê của nhà nước. Chiến tranh thương mại sẽ làm cho tập đoàn kinh tế Trung Quốc sụp đổ, ngân khố cạn kiệt, và để bù đắp vào sự trống rỗng của ngân khố, người lao động càng bị bóc lột nặng nề, và ắt nội loạn từ bên trong diễn ra.
Chủ nghĩa đế quốc không là sáng tạo mới mà là truyền thống của nhà cầm quyền Trung Quốc qua nhiều thời đại với những thành công và thất bại nặng nề, đến mức có lúc bị trả giá đắt bởi sự nồi da xáo thịt và bởi sự tấn công và thống trị của dân tộc khác như Mông Cổ, Mãn Thanh. Sáng tạo chăng là lúc này nó đã thành chủ nghĩa đế quốc hiện đại được ngụy trang và bịp bợm bằng “chủ nghĩa xã hội đặc sắc”. Dù thành công hay thất bại thì trong suốt mấy ngàn năm lịch sử người dân Trung Quốc đều phải gánh chịu những hậu quả nặng nề bởi chiến tranh giết chóc mông muội, quen lối sống hoang dã và không biết tự do dân chủ là gì.
Marx và sau đó là Lenin khẳng định, chủ nghĩa đế quốc phải sụp đổ, bởi không có một thể chế nào xây dựng trên sự vơ vét tài nguyên, tàn phá môi trường, thôn tính nhau theo cách “cá lớn nuốt cá bé”, và “người bóc lột người như lang sói” có thể tồn tại lâu dài. Tôi tin, trong thời đại nhân loại đã thức tỉnh, chủ nghĩa đế quốc kiểu Trung Quốc sẽ sụp đổ nhanh chóng, cái nhãn “chủ nghĩa xã hội đặc sắc” tự lột trần để phơi nguyên hình cái thân thể trần truồng hoang dã của nó. Marx và Lenin nói đúng, nhưng rất tiếc là các ông đã không hình dung được tương lai mở ra cho nhân loại là nền kinh tế thị trường tự do, nhà nước chân chính phải là nhà nước bảo hộ cho quyền tư hữu công bằng chứ không phải nền kinh tế tập trung phi cá thể hay sở hữu toàn dân mơ hồ, mà sự thực là cái nền kinh tế tưởng ưu việt ấy hoặc mất động lực phát triển hoặc buộc phải tự diễn biến, tự chuyển hóa thành chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa độc tài quân phiệt.

Không có nhận xét nào: