Tác giả: Vũ Ngọc Hoàng
.Nhà nước của dân phải luôn biết lắng nghe ý kiến của dân, kể cả trước và sau khi thông qua quyết định. Phản biện khoa học và thảo luận bình đẳng là con đường tiếp cận chân lý mà không có gì có thể thay thế trong khoa học xã hội. Trường hợp vừa rồi là cách tốt cần được phát huy đối với nhiều việc khác. Từ xưa đến nay, kể cả lịch sử tất cả các triều đại, khi nào lãnh đạo đất nước thật sự cầu thị lắng nghe dân thì lòng dân tin tưởng và hướng về triều đình, lúc ấy dân tộc có sức mạnh gấp bội để giữ nước và kiến thiết quốc gia. Còn khi nào triều đình quan liêu, xa dân, không biết lắng nghe mà còn đối phó với nhân dân, thì lòng dân ly tán, sức mạnh quốc gia suy yếu, đến lúc nghiêm trọng thì kẻ thù từ bên ngoài lợi dụng cơ hội ấy để tấn công, đất nước không đứng vững trước hiểm nguy và triều đình suy vong, sụp đổ
Đặc khu- thành công và thất bại
Chuyện đặc khu kinh tế đã bàn từ lâu, hàng chục và hàng trăm năm trước, tại nhiều nước trên thế giới và kể cả ở nước ta. Thế giới đã có hàng nghìn đặc khu kinh tế ở hơn một trăm nước. Một số đặc khu thành công, số lớn hơn thì không thành công hoặc thất bại. Họ tổ chức bao gồm 2 loại hình: Loại thứ nhất, có đơn vị hành chính riêng (của một khu). Loại thứ hai, không có đơn vị hành chánh riêng mà chỉ là cho áp dụng cơ chế đặc biệt trên một vùng lãnh thổ nhất định (khác với cả nước ở bên ngoài đặc khu) tại địa điểm cụ thể nào đó. Loại thứ nhất số lượng rất ít nhưng thường mạnh mẽ hơn về cơ chế chính sách và quyền tự chủ, nhiều nơi gần giống như “khu tự trị” về kinh tế; loại thứ hai nhiều hơn, phổ biến hơn.
Ở nước ta hàng trăm năm trước đã từng có các đặc khu kinh tế. Phố Hiến ngày trước cũng là một kiểu đặc khu. Tại Hội An, cách đây khoảng 4 thế kỷ, chúa Nguyễn đã từng tổ chức một đặc khu kinh tế, và đã rất thành công tại đó vào lúc ấy. Với đặc khu kinh tế Hội An, gắn với một thương cảng quốc tế Cửa Đại sầm uất-một trung tâm giao lưu buôn bán của khu vực, nơi đây đã trở thành trung tâm kinh tế của Xứ Đàng Trong. Trung tâm kinh tế này đã đóng góp rất quan trọng về nguồn tài chính và hậu cần cho công cuộc khai khẩn hòa bình khi cư dân Đại Việt tiến dần về phương Nam để mở mang bờ cỏi và nhân đôi nước Việt.
Cách đây hơn 25 năm, giai đoạn đầu của đổi mới, lãnh đạo nước ta đã có chủ trương cho nghiên cứu để xây dựng một vài đặc khu kinh tế. Sau đó, khi triển khai, thì Bộ Chính trị và Chính phủ lúc đó chỉ đạo cho làm trước một khu Kinh tế mở Chu Lai (không gọi đặc khu nữa). Lúc đó được hiểu là chỉ cho cơ chế thoáng mở để thu hút đầu tư phát triển, chứ không lập đơn vị hành chánh riêng theo kiểu gần như “khu tự trị” vì xét thấy không cần thiết phải như thế, do vậy không gọi là đặc khu kinh tế, mà chỉ là khu kinh tế mở. Như vậy, theo cách hiểu phổ biến của thế giới, thì Khu Kinh tế mở Chu Lai cũng là một kiểu đặc khu theo mô hình thứ hai-không có đơn vị hành chánh riêng.
Sau 15 năm thành lập, Khu kinh tế mở này mặc dù đã có một số thành công đáng kể, bắt đầu tạo ra một số ngành công nghiệp và tham gia phát triển du lịch, tạo việc làm trực tiếp cho mấy vạn lao động, trong đó có một bộ phận lao động kỹ thuật có tay nghề cao, góp phần quan trọng nhất để tăng thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam lên gấp 150 lần so với 20 năm trước, từ một trong hai tỉnh nghèo nhất cả nước về thu ngân sách, hằng năm trung ương phải thường xuyên trợ cấp hầu hết ngân sách, đã trở thành một trong số các tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp một phần về ngân sách trung ương. Tuy nhiên so với ý định và mục tiêu ban đầu nêu ra thì có thể khẳng định rằng Khu kinh tế mở Chu Lai chưa thành công. Đáng lẽ trước khi bàn về đặc khu kinh tế thì cần tổng kết lại câu chuyện về Khu Kinh tế mở Chu Lai, xem thử thành công và thất bại ở điểm nào, vì sao ngày ấy không làm đặc khu mặc dù trước đó đã có nghị quyết.
Nhà nước của dân phải biết lắng nghe dân
Trong kỳ họp Quốc hội gần đây có bàn dự luật về 3 đặc khu kinh tế theo loại hình thứ nhất-có đơn vị hành chánh riêng (tại Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong). Khi biết nội dung của dự luật thì dư luận trong cả nước đã có nhiều ý kiến phản đối. Và khi nghe thông tin về ý kiến của Chính phủ và Quốc hội cho tạm dừng, chưa thông qua trong kỳ họp vừa rồi, để thảo luận kỹ thêm về dự thảo luật đặc khu, cán bộ, nhân dân đã có nhiều ý kiến đánh giá cao thái độ và tinh thần cầu thị đó của lãnh đạo.
Nhà nước của dân phải luôn biết lắng nghe ý kiến của dân, kể cả trước và sau khi thông qua quyết định. Phản biện khoa học và thảo luận bình đẳng là con đường tiếp cận chân lý mà không có gì có thể thay thế trong khoa học xã hội. Trường hợp vừa rồi là cách tốt cần được phát huy đối với nhiều việc khác. Từ xưa đến nay, kể cả lịch sử tất cả các triều đại, khi nào lãnh đạo đất nước thật sự cầu thị lắng nghe dân thì lòng dân tin tưởng và hướng về triều đình, lúc ấy dân tộc có sức mạnh gấp bội để giữ nước và kiến thiết quốc gia. Còn khi nào triều đình quan liêu, xa dân, không biết lắng nghe mà còn đối phó với nhân dân, thì lòng dân ly tán, sức mạnh quốc gia suy yếu, đến lúc nghiêm trọng thì kẻ thù từ bên ngoài lợi dụng cơ hội ấy để tấn công, đất nước không đứng vững trước hiểm nguy và triều đình suy vong, sụp đổ. Việc lãnh đạo thật sự cầu thị, lắng nghe dân là tín hiệu tốt đẹp.
Có người cho rằng nếu cứ đưa ra dự luật mà Quốc hội không thông qua thì mất uy Bộ Chính trị và Chính phủ. Tư duy kiểu ấy chắc chắn là sai. Quan điểm của Đảng là xây dựng nhà nước của dân, (chứ không phải của Đảng); Đảng lãnh đạo bằng thuyết phục, nói rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của vấn đề, bằng phát huy dân chủ, chứ không phải áp đặt mất dân chủ. Dùng quyền lực để áp đặt không phải là lãnh đạo theo đúng nghĩa khoa học và chân chính của nó. Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, một nhà nước của dân, phải đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thực chất chứ không phải hình thức, không phải là khẩu hiệu mị dân.
Đảng mong muốn Quốc hội là một tập thể có trách nhiệm với nhân dân, trung thành với nhân dân, và có năng lực tư duy độc lập, chứ không phải là cơ quan thụ động, hình thức. Một bộ luật được thông qua hay không thông qua là do sự cần thiết, chất lượng chuẩn bị hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, và đó là việc rất bình thường, như lẽ tự nhiên, thể hiện chính kiến của Quốc hội. Uy tín của Chính phủ và Quốc hội trong việc đề ra chủ trương và xây dựng luật chỉ có thể được tăng lên khi nâng cao được chất lượng và hiệu quả của các quyết định và nhất là biết lắng nghe dân, thấy sai thì tiếp thu và sửa chữa một cách nghiêm túc và cầu thị. Xử sự như trường hợp vừa rồi là đúng.
Vừa qua, cán bộ đảng viên và nhân dân, nhất là trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp tích cực và xây dựng, rất đáng hoan nghênh và khuyến khích. Cần phải như thế trong trách nhiệm và tâm huyết đối với quốc gia. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến phê phán nặng nề, suy diễn và quy chụp về động cơ làm đặc khu, cứ như thể chỉ có mình mới biết yêu nước. Trước sự trì trệ trong công việc, những suy nghĩ về đổi mới để phát triển đều cần được khuyến khích và lắng nghe. Những đề xuất đưa ra chắc sẽ có cái đúng và chưa đúng hoặc sai. Nếu cứ suy diễn và quy chụp thì ai còn dám đổi mới. Nào là có động cơ đen tối, bán nước, chệch hướng, chống đối, phản động…Cái bệnh hay quy chụp lẫn nhau là một tội đồ kìm hảm tư duy của dân tộc. Cần phải biết lắng nghe nhau một cách cầu thị và biết tôn trọng những ý kiến khác mình.
Hiện nay chuyện đặc khu không còn nóng hổi và thời sự như thời kỳ 30-40 năm trước, vì tình hình đã khác, đã không như lúc đó. Nhưng nói vậy cũng không có nghĩa là nhất thiết không được xây dựng đặc khu kinh tế. Vẫn có thể xây dựng đặc khu, nhưng nếu cần làm thì phải có cách tiếp cận khác, cách tiếp cận mới, chứ không phải như vừa rồi. Phải bảo đảm chắc chắn về hiệu quả kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh cho đất nước. Nếu thấy không chắc chắn thì không làm, bởi vì không để làm gì. Bản thân việc xây dựng đặc khu kinh tế là một cách làm, nhằm bảo đảm hiệu quả, chứ không phải là một mục đích tự thân hay một nguyên tắc nhất thiết phải làm cho bằng được hoặc tuyệt đối không được làm.
Đặc khu- nên làm hay không nên làm?
Đặc khu là một khu vực đặc biệt. Xuất phát từ nhiệm vụ đặc biệt và được áp dụng cơ chế đặc biệt. Dự định xây dựng đặc khu để làm gì, nói cách khác, nhiệm vụ đặc biệt ở đây là gì? Phải chăng có 2 mục tiêu chính: Thứ 1, là để thử nghiệm cơ chế, thể chế, chính sách cho việc quản trị một nền kinh tế hiện đại; thứ 2, là để tạo ra đột phá trên thực tế nhằm hình thành một khu phát triển động lực với một số ngành nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước nhà, có hiệu quả cao về tài chính, và từ đó mà lan tỏa, thúc đẩy cả vùng phát triển theo. Đối với mục tiêu thứ 1 thì chưa thấy rõ trong dự thảo định thử nghiệm cơ chế, thể chế gì? Và để đạt mục tiêu đó thì cách làm là cần đưa ra thảo luận rộng rãi, nhiều lần, để huy động chất xám, nâng cao hàm lượng trí tuệ và từ đó mà tạo ra nhận thức chung về cách quản trị đối với nền kinh tế hiện đại. Bản thân việc thảo luận ấy nếu biết tổ chức tốt thì nó đã tạo ra sản phẩm về nhận thức.
Đối với mục tiêu thứ 2, để tạo ra một khu phát triển thì rất cần làm rõ xem thử khu ấy là khu gì, ưu tiên cho cái gì (ngành nghề gì, sản phẩm gì) ở đó, và chắc chắn không thể ưu tiên tràn lan cho mọi thứ. Trong một đặc khu chỉ nên ưu tiên cho vài thứ ngành nghề quan trọng nhất theo chủ định của ta, có trọng tâm rõ ràng, còn các thứ khác thì phát triển bình thường như bên ngoài đặc khu, theo cơ chế chung như cả nước. Ví dụ du lịch, khách sạn, thương mại, casino, kinh doanh bất động sản, nhà hàng ăn uống, các nhà máy với công nghệ trung bình…thì có thể phát triển bình thường, không cần thiết phải tạo đặc khu. Người ta tạo đặc khu cũng là để rút kinh nghiệm rồi sau này hòa chung với cả nước mà nhân lên sự phát triển, chứ đâu phải để tạo ra một sự tách biệt nào trên lãnh thổ thống nhất. Còn những thứ xét thấy rất quan trọng, ví dụ như một hệ thống công nghiệp công nghệ cao nằm trong chuổi giá trị toàn cầu, hay một trung tâm tài chính quốc tế, một cảng trung chuyển hàng hải hay trung chuyển hàng không quốc tế…hay cái gì đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế VN thì mới cần khuyến khích nhiều, tức là mới thuộc đối tượng ưu tiên theo kiểu đặc khu. Các ưu đãi cần thực hiện theo hướng ưu tiên cái gì (ngành gì) chứ không phải ưu tiên tràn lan cho tất cả những thứ gì có trong địa bàn, không gian của đặc khu đó. Bản thân hình thức đặc khu đã là xuất phát từ tư duy không tràn lan.
Cũng có ý kiến rằng, vì nước ta còn thiếu vốn, làm đặc khu để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. Việc đó cũng cần, nhưng chỉ là yêu cầu kết hợp chứ không phải là chính, vì nếu chỉ để thu hút đầu tư thì thực hiện trên cả nước chứ không nhất thiết phải đặc khu, mặt khác, độ mở của nền kinh tế VN đối với đầu tư nước ngoài đã khá lớn, thậm chí có một số mặt cần phải chấn chỉnh lại. Cái quan trọng hơn là phải mở cho nội lực phát triển. Mục tiêu cuối cùng là sự phát triển của chủ nhân đất nước (tức là nhân dân) chứ không phải cho ai khác.
Sau khi lựa chọn hướng phát triển, tức là xác định cụ thể cho rõ nhiệm vụ đặc biệt là gì, căn cứ vào đó để mà chọn địa điểm xây dựng đặc khu, cụ thể hiện nay là căn cứ vào đó mà xem xét lại địa điểm có phù hợp không? Nếu địa điểm không phù hợp với nội dung phát triển thì phải chọn lại địa điểm cho phù hợp.
Đây là công việc phải rất khách quan, khoa học, chứ không phải “đẽo chân” cho vừa giày. Không phải địa điểm quyết định nội dung phát triển đặc khu, mà nội dung cần phát triển sẽ quy định việc chọn địa điểm, vì nó xuất phát từ yêu cầu cốt lõi của nội tại nền kinh tế nước nhà. Theo đó, có thể dễ nhìn thấy là khu vực Vân Phong nhằm để phát triển một cảng trung chuyển hàng hải quốc tế. Nếu có Cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong thì sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế của VN, chi phí vận chuyển hàng hải đi quốc tế sẽ giảm, gắn nền sản xuất hàng hóa của nước ta với thị trường thế giới, tạo thêm thế và lực để Việt Nam đồng hành cùng các quốc gia lân cận khác theo tinh thần “cần thiết” cho nhau, “tùy thuộc” lẫn nhau; đồng thời cũng là một kiểu “quốc tế hóa” Biển Đông, huy động sức mạnh tổng hợp của quốc tế để bảo đảm tự do hàng hải ở biển đông gắn với bảo vệ chủ quyền của VN ở khu vực này.
Đối tác chiến lược để làm cảng trung chuyển hàng hải quốc tế có thể tìm chọn của một nước phát triển ở phương tây đã có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, nhất là hàng hải vượt đại dương xa. Cũng có ý kiến cho rằng, để phát triển cảng trung chuyển thì cũng không cần đặc khu? Việc này phải luận chứng, nếu không cần đặc khu theo kiểu có đơn vị hành chánh riêng mà chỉ cần cho cơ chế vẫn làm được cảng trung chuyển thì không cần phải làm đặc khu. Mục đích chính ở đây là một cảng trung chuyển quốc tế chứ không phải là một đặc khu. Cũng có ý kiến rằng, lấy đâu ra hàng hóa mà làm cảng trung chuyển quốc tế, trong khi ở gần ta đã có Hồng-Kông, Singapor…?
Tôi thì nghĩ khác, việc sản xuất hàng hóa ở nước ta và khu vực gần ta sẽ còn phát triển nhiều chứ không thể chỉ dừng lại như hiện nay mãi; mặt khác, có con đường vận tải nào thuận lợi hơn thì người ta sẽ chọn để đi và nó sẽ tác động kích thích sản xuất hàng hóa nhiều hơn cho khu vực lân cận. Việc nghiên cứu thị trường, tổ chức thị trường thì nhà đầu tư đương nhiên sẽ tính kỹ và cụ thể hơn. Chính phủ chọn hướng đi là trên cơ sở của nhu cầu và lợi thế so sánh về phát triển cảng biển nước sâu ở Vân Phong.
Còn Vân Đồn và Phú Quốc, nếu đúng lợi thế lớn nhất là du lịch và không có lợi thế khác để phát triển nội dung nào quan trọng hơn đối với nền kinh tế nước nhà thì cũng nên xem xét lại vấn đề địa điểm ở đây thử có cần làm đặc khu tại đó hay không? Du lịch thì cứ phát triển mạnh trên cả nước và không cần đặc khu. Còn nơi nào định làm cảng trung chuyển quốc tế hoặc các thứ công nghiệp công nghệ cao thì du lịch không thể đứng chung trong một không gian với các nội dung đó. Đối với công nghệ cao và trung tâm tài chính quốc tế như đã nêu ví dụ ở phần trên, thì nó thường thích hợp hơn với các địa điểm không cách xa các đô thị trung tâm.
Mà công nghệ cao thì đã có một số khu ở cả bắc trung nam, thậm chí đã 20 năm rồi nhưng chưa thành công, trước mắt cần phải xem xét lại cho kỹ về nguyên nhân, cách làm, xem vì sao mà chưa thành công, điều chỉnh và bổ sung giải pháp để bảo đảm cho các khu ấy thành công, đồng thời có thể phát triển thêm các khu công nghiệp công nghệ cao khác mà không cần đặc khu. Riêng đối với trung tâm tài chính quốc tế thì quan trọng nhất là các cơ chế liên quan đến vận hành, đến sự duy chuyển của các dòng tài chính, tiền tệ quốc tế, các loại tiền và công cụ tài chính, hệ thống tài khoản, sự minh bạch về tài chính….(trong dự thảo ít nói chuyện này). Đúng ra phải làm rõ nội dung cần phát triển trước khi chính thức quyết định địa điểm.
Cần chú ý mục tiêu quốc phòng và chủ quyền quản lý lãnh thổ
Người viết bài này chưa được rõ các căn cứ khi lựa chọn địa điểm như các phương án đã nêu ra! Mà nếu cần làm đặc khu thì cũng không nên đưa việc lựa chọn địa điểm cụ thể vào trong luật. Dự luật chỉ cần làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí về mục tiêu, yêu cầu, nội dung phát triển và cơ chế chính sách lớn, chế tài xử lý đối với việc làm sai, vi phạm. Còn lựa chọn địa điểm ở đâu thì luận chứng rõ ràng trong từng dự án, và đó là loại dự án cần đưa ra cho quốc hội phê chuẩn sau khi đã lựa chọn kỹ lưỡng đối tác chiến lược. Với vị trí địa chính trị và trong tình hình cụ thể ở khu vực như ta đã biết, việc lựa chọn địa điểm cần đặc biệt chú ý mục tiêu quốc phòng về lâu dài, đề phòng cảnh giác đối với âm mưu thâm hiểm của thế lực muốn tìm cách xâm lăng nước ta.
Bản thân đặc khu, sau một thời gian, phải đem lại hiệu quả cao về tài chính cho đất nước, chứ không phải là nơi tiêu hao ngân sách. Các chính sách ưu đãi về thuế nói chung không kém hấp dẫn so với các đặc khu đã có trong khu vực, nhưng không nhất thiết phải vượt trội so với thiên hạ. Cần quan tâm hơn về cải cách hành chánh, cơ chế quản lý thoáng mở, thủ tục không rườm rà, giảm tối đa thời gian làm thủ tục, bảo đảm sự minh bạch, không có phí tiêu cực. Lấy đó làm hướng chính thay cho việc miễn giảm thuế. Sự miễn giảm thuế không nằm ngoài việc hướng đến tạo nguồn thu lớn hơn cho ngân sách. Nói chung, không phải tập trung ngân sách để đầu tư vào đặc khu để xây hạ tầng vượt trội trong điều kiện tài chính mất cân đối như hiện nay.
Khu Thẩm Quyến của Trung Quốc chỉ được đầu tư rất ít từ ngân sách để xây hàng rào, còn hạ tầng thì đặc khu tự cân đối và kêu gọi các nhà đầu tư. Nhưng sau đó một thời gian không lâu thì đặc khu đã có nguồn thu lớn nộp cho ngân sách. Nước ta phải nghĩ theo cách đó chứ không phải tính chuyện dùng nhiều tiền từ ngân sách để đầu tư vào mấy đặc khu gây hụt nguồn cho các nhu cầu khác hoặc lâm nợ. Đặc khu phải hạch toán có hiệu quả, vừa bảo đảm tự cân đối cho công việc phát triển đặc khu, vừa có nguồn để nộp cho ngân sách nhà nước, chứ không thể chi nhiều hơn thu. Đây là yêu cầu khó khăn khi thực hiện, nhưng không thể không làm thế. Nếu đặc khu là chỗ tiêu hao ngân sách quốc gia và không đem lại hiệu quả tài chính thì không cần phải xây dựng đặc khu trong tình hình hiện tại. Nên sử dụng cơ chế là chủ yếu để tạo ra đặc khu, chứ không phải chọn địa điểm để tập trung đầu tư ngân sách.
Thời gian cho thuê đất cần bảo đảm thu hồi vốn cho nhà đầu tư và sẽ gia hạn khi nhà đầu tư có yêu cầu chính đáng trước lúc giấy phép hết hạn. Thời gian cho thuê đất như quy định trong luật pháp hiện hành là được rồi, không cần phải kéo dài thêm. Luật đặc khu của nước Nga chỉ cho thuê đất không quá 20 năm và không cho lập đơn vị hành chánh riêng.
Giữ vững chủ quyền quản lý lãnh thổ (cả chính trị, kinh tế, văn hóa và an ninh quốc phòng) là một nguyên tắc không lúc nào được lãng quên. Chính điều này làm cho hình thức đặc khu khác với hình thức tô nhượng mà trước kia một số nước đã từng thực hiện. Theo đó, quyền phán quyết bằng tòa án kinh tế phải do VN đảm nhận thực hiện và theo luật pháp VN. Còn việc các doanh nghiệp VN và doanh nghiệp nước ngoài tự nguyện hợp đồng với nhau chọn cơ quan trọng tài kinh tế nào (kể cả của quốc tế) để xử lý khi có tranh chấp thì có thể được tôn trọng đối với dự án cụ thể ấy. Qua thực tiễn nếu xét thấy luật pháp VN về xử lý tranh chấp kinh tế có điểm nào thiếu hoặc không không tiên tiến, không phù hợp với luật pháp quốc tế thì công việc lập pháp sẽ bổ sung hoặc điều chỉnh.
Để triển khai xây dựng đặc khu, cần lựa chọn kỹ lưỡng chủ đầu tư là những tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm phát triển lĩnh vực ngành nghề mà ta dự định. Đó là hướng chủ yếu chứ không phải dùng cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư để sử dụng ngân sách. Trong tình hình hiện tại, nước ta không đủ ngân sách để xử lý đồng thời nhiều nhiệm vụ quan trọng. Mặt khác, việc đầu tư cho hạ tầng bằng ngân sách nhà nước thường bị lảng phí một tỷ lệ đáng kể, chất lượng công trình cũng dễ có vấn đề và đưa vào sử dụng hiệu quả thường không cao. Như vậy, có thể rút ra cách suy nghĩ là, nhà nước không trực tiếp tạo ra đặc khu kinh tế, mà chính các tập đoàn kinh tế mới là người tạo ra các khu ấy, còn nhà nước thì chỉ tạo điều kiện, nhất là khung pháp lý. Vì vậy, để bảo đảm cho sự thành công của đặc khu, cần thiết phải tìm chọn chủ đầu tư chiến lược song song với quá trình chuẩn bị đề án, chứ không phải lập ra đặc khu và chờ nhà nước cân đối vốn đến đâu thì làm đến đấy.
VN đất hẹp người đông, mặt khác, lại nằm ở vị trí địa lý rất nhạy cảm mà đối phương luôn dòm ngó, mưu tính lâu dài. Vì vậy, vấn đề các cư dân sẽ sinh sống lâu dài ở đây cần được xem xét cẩn trọng. Cư dân hiện tại và lâu dài chủ yếu vẫn phải là người VN. Dân cư đang sinh sống trong đặc khu nên được sắp xếp lại và giúp đỡ đào tạo nghề nghiệp để họ có thể sinh sống lâu dài tại chỗ, chứ không nên chuyển dời tất cả đi nơi khác. Đồng thời cũng có thể mở về cơ chế để các cư dân nước ngoài là những nhà khoa học-công nghệ, nhà văn hóa, nhà tài chính được định cư ở đây nếu họ đến làm việc trong đặc khu và có nguyện vọng ổn định chỗ ở để làm việc. Ngoài ra, đều phải quản lý việc nhập cư một cách chặt chẻ, không thể mất cảnh giác.
Quảng Nam tháng 7.2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét