Nhà báo cũng như nhiều nhà khác, không có tiền thì khó nói chuyện hay. Dự hội thảo, đưa tin sự kiện, thăm xí nghiệp… có phong bì thì tin thường hay hơn. Và như thế người đọc chỉ thấy một chiều tốt đẹp trong khi vai trò của truyền thông là phản biện xã hội.
Nhà báo và phong bì
Việt Nam có chuyện lạ nhưng ai cũng chấp nhận, người làm trong cơ quan nhà nước không sống bằng lương. Ngoài lương còn có thu nhập khác, chẳng hạn mặc comple đi dự hội nghị.
Đi họp có thêm khoản phong bì, khi 50,000đ, khi vài trăm ngàn và may mắn được cả triệu. Một buổi sáng, nếu chịu khó “chạy sô”, kiếm khá. Có sếp vác cặp đi lang thang cũng thu nhập hàng chục triệu hàng tháng.
Giới báo chí cũng không ngoại lệ. Đến chào hỏi xã giao vài câu, đưa danh thiếp, lấy tập tài liệu và phong bì. Về tòa soạn, xem qua tài liệu, viết một mẩu tin, hoàn thành trách nhiệm. Được điểm, được tiền nhuận bút và đếm…thu nhập xem sáng đó dự bao nhiêu cuộc họp.
Tại sao các cơ quan tiếp đón phải đưa phong bì. Phong bao rồi, hy vọng các nhà báo sẽ viết rất hay về cơ quan mình. Tiền bồi dưỡng có thể bẻ cong ngòi bút.
Những tờ báo uy tín trên thế giới không cho phép phóng viên nhận phong bì. Người viết cần có đạo đức nghề nghiệp rất cao và vì thế tờ báo có hàng trăm triệu người tin, tiền của từ đó mà sinh lời.
Ngòi bút không phải lo kiếm chác khi ngồi trước trang giấy sẽ đưa tin chính xác, kịp thời, khách quan, công bằng, bạn đọc sẽ tặng “phong bì” cho người cầm bút.
.
.
Trò chơi phong bì
Thời xưa, một nhà Toán học nghĩ ra một trò chơi “Hai chiếc phong bì” cho đám nhà giàu rỗi việc.
Hai người chơi bí mật cho tiền vào phong bì của mình. Khi so “nội dung”, nếu số tiền bằng nhau coi như hòa. Ai có số tiền ít hơn sẽ thắng (nghèo hơn mà – vì đám quí tộc không ai thích mang tiếng ít tiền) và chiếm số tiền trong chiếc phong bì kia.
Nghịch lý trò chơi nằm ở chỗ, người chơi bỏ ra một số tiền A, nếu thắng sẽ chiếm được số tiền của đối phương lớn hơn A. Như vậy, trò chơi này có vẻ lợi cho mình. Đương nhiên đối phương kia cũng nghĩ thế.
Đây là trò chơi đối xứng khá công bằng. Câu hỏi của nhà Toán học là, lỗi “tư duy lợi lộc” của hai người chơi là gì? Xin nhường cho các nhà toán học thông thái đưa ra lời giải. Bài viết chỉ bàn về khía cạnh “lợi lộc” thú vị khác của trò chơi phong bì này.
Đem áp dụng trò chơi ấy cho “văn hóa phong bì” của Việt Nam thời hiện đại – nhiều người còn gọi là “tệ nạn phong bì” để so sánh với tệ nạn xã hội như mãi dâm, ma túy, nghiện hút, chích choác – người đưa phong bì bao giờ cũng thắng. Người nhận cũng…thắng. Đương nhiên phải có kẻ thua, nhưng họ là ai.
Người thắng
“Phong bì” có thể là tờ 5000 VNĐ hay 10000 VNĐ, dính mồ hôi nước mắt của người nghèo. Kẻ sang trọng dùng tiền polymer mới cứng hay những xếp 100 đô la.
Người đưa phong bì là sinh viên (ít tiền) và người nhận là giáo sư (nhiều tiền, nhiều quyền) thì sinh viên thắng giáo sư ở cả hai khía cạnh: thời gian và danh vọng. Mất chút tiền nhỏ mà mua được cả danh tiếng một giáo sư và “đốt cháy giai đoạn” trong thi cử. Không cần học vẫn đỗ.
Người đấu là một cụ già ở quê nghèo đói, đang bị bệnh hiểm nghèo, cần chữa chạy, với một bác sỹ tài năng (giầu có) ở thành phố lớn, thì phần thắng thuộc về “người ở quê ra”. Lý do ư, cụ già với phong bì vài trăm nghìn rách nát, đã mua được cả một bác sỹ đầu ngành, tây học… Dân quê ít học sẽ hiểu ra, ở cái thành phố văn minh này, cái gì cũng mua được, kể cả danh “lương y như từ mẫu”.
Nếu chạy chức quyền đã có chiêu “Lã Bất Vi buôn vua” là lãi nhất. Phong bao hôm nay 50.000 USD, nhưng “sau 4-5 năm”, người khác sẽ mang đến gấp 10 lần, đôi khi may mắn là hàng trăm, hàng nghìn lần.
.
.
Và kẻ thua
Tuy nhiên, nhà toán học kia không tính được hiệu ứng “thua” trong xã hội của trò chơi “phong bì này”. Người “thua không nhìn thấy được” trong cuộc chơi chính là sự băng hoại về đạo đức, tham nhũng, niềm tin bị giảm sút nghiêm trọng.
Khi một vị quan chức không giải thích nổi thế nào là “hoa hồng” hay “tham nhũng”, kê khai tài sản của quan to lại cho là chuyện tế nhị, sợ vi phạm đời tư, thì đừng nói đến xã hội trong sạch. Sự tồn vong của chế độ bị ảnh hưởng từ “văn hóa phong bì”.
Chiếc phong bì được Edwin Hill và Warren De La Rue (người Anh) thiết kế năm 1845 và sản xuất công nghiệp. Hai người không thể nghĩ rằng, tấm giấy gấp tư mỏng manh kia, lẽ ra với sứ mệnh mang những lời lẽ yêu thương của đôi lứa hay bao nỗi buồn vui của nhân loại đến với nhau khi lúc chia xa, thì ở Việt Nam ta, chiếc phong bì thời nay đã bị biến tướng và còn mang một hổ danh khác.
Trò chơi “phong bì” không phải do dân nghèo thấp cổ bé họng nghĩ ra. Trò chơi ấy được những kẻ có quyền hành “gợi ý” như giới quí tộc xưa, lại được những kẽ hở của pháp luật và bất cập khác trong xã hội “tiếp sức”.
Nếu thói quen phong bì không thể len lỏi vào hành pháp, lập pháp, tư pháp và cả báo chí quyền lực thứ tư, thì truyền thông sẽ tự nhiên trong sạch, chẳng cần lên tivi kêu gọi đạo đức các ngòi bút.
Khi đó, chẳng cần nhà toán học nào mất công tìm ra lỗi “tư duy lợi lộc” trong xác suất cho trò chơi phong bì mà kẻ ít tiền luôn luôn thắng, đôi khi tờ báo tiếng tăm bị một cụ nông dân ít học mua bằng cái phong bì mỏng.
HM. 21-6-2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét