Translate

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Nơi Sự Thật Bị Đánh Tráo


Kết quả hình ảnh cho Công lý
(P/S: Hoàng Công Lương, em đọc bài này nhé. Chị viết vào sáng 19/5 – ngày sinh nhật Bác Hồ, ngày sinh của người tù Tống Văn Sơ mà em vẫn gọi tên hàng đêm phù hộ cho em không bị rơi vào “án bỏ túi”).


Có chấp nhận được không khi mà những nhân vật quan trọng trong vụ án, cho lời khai để buộc tội các bị cáo, cho lời khai trái thực tế khách quan, trái đạo lý con người được Tòa án cho phép vắng mặt, quá trình xét xử một số kẻ có mặt đã biến mất một cách bỉ hiểm khi chúng kịp nhận ra sự thật đang được các luật sư, các bị cáo và những người còn lại được triệu tập đến phiên tòa lôi ra ánh sáng…



…Chúng tôi tin rằng những người ngồi ở bàn xét xử kia, với các câu hỏi họ đưa ra, chưa có kiến thức chuẩn về lĩnh vực này để mà xét xử (Trần Hồng Phúc).
---------------
Như thường lệ, thức tỉnh lúc 3h00 sáng để kịp cho hành trình mỗi ngày từ Hà Nội đến Hòa Bình. Nhưng hôm nay là ngày nghỉ, sớm quá đành lòng làm bạn với bàn phím bên cửa sổ có chút gió đầu hè sau một cơn mưa to. Cơn mưa chiều tối qua cho cái cảm giác như chưa bao giờ to hơn thế, không biết trong đó có ý trời, có định mệnh của ai?
Ngồi phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương cả tuần thấy kiệt não. Cái mệt mỏi không phải đến từ hồ sơ vì nhiều vụ án 2-3 vạn bút lục luật sư chúng tôi vẫn thấy bình thường, nhưng thực sự ở phiên tòa này, thấy phẫn nộ với cách điều hành của hội đồng xét xử, trình tự phiên tòa rối loạn, trái quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, rồi cả 05 con người (thêm 01 dự khuyết) ngồi uy nghi trên cao cứ mở miệng ra là thẩm vấn buộc tội.
Không hiểu khi hỏi những câu hỏi ấy, họ có còn tâm thức của một con người? Có lẽ, cải cách tư pháp nên chuyển lại chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang hàng với Hội đồng xét xử như trước để phù hợp với thực trạng xét xử hiện nay, bởi cứ xét xử như thế này chỉ gây thêm ức chế, bức xúc cho những người tin vào cải cách tư pháp đang chỉ là hình thức, phô trương…
Điều trơ trẽn nhất của phiên tòa này là người ta không đi tìm sự thật vụ án (mà chắc chắn họ đã biết sự thật thế nào rồi) nên phiên tòa mở ra với tâm thế “buộc tội” cho hoàn thành nhiệm vụ. Thử hỏi xét xử “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật” cái gì khi mà cứ vài ba phút, vị thẩm phán dự khuyết ở bàn bên cạnh lại chuyển tay một tờ giấy ghi chép gì đó sang bàn bàn xét xử của 5 thành viên, chủ tọa đón lấy và sau đó các triển khai một cách vụng về (đó là chưa kể thư ký phiên tòa cũng liên tục có những mảnh giấy gì đó được trình lên).
Cái mà những người bào chữa như chúng tôi đang tận mắt chứng kiến không phải là cải cách tư pháp, không phải là phiên tòa công khai, không phải là nơi công đường vốn phải thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật, chứa đựng những giá trị cốt lõi của đạo đức xã hội.
Tham gia tố tụng suốt cả tuần nay, chúng tôi chưa nghe được bất kỳ câu hỏi thẩm vấn nào có lợi cho các bị cáo, ngược lại phía những kẻ ác phải lôi ra ánh sáng, phải ngồi vào chỗ của các bị cáo ở phiên tòa này lại luôn được người ta lấp liếm, bỏ qua mỗi khi chạm đến. Kịch bản phiên tòa quá vụng về, nghĩ lại mới thấy trong cái thực tế xét xử hiện nay, dù chỉ là cải cách về hình thức nhưng rõ ràng ở Hà Nội, ở TP. Hồ Chí Minh… người ta diễn thuần thục hơn nơi này bội phần cấp độ!
Có chấp nhận được không khi mà những nhân vật quan trọng trong vụ án, cho lời khai để buộc tội các bị cáo, cho lời khai trái thực tế khách quan, trái đạo lý con người được Tòa án cho phép vắng mặt, quá trình xét xử một số kẻ có mặt đã biến mất một cách bỉ hiểm khi chúng kịp nhận ra sự thật đang được các luật sư, các bị cáo và những người còn lại được triệu tập đến phiên tòa lôi ra ánh sáng…
Vụ án này này chạm đến chuyên môn sâu về ngành thận học và trang thiết bị y tế liên quan của ngành y tế nhưng chuyên gia về thận học, về hệ thống lọc nước RO dùng trong lọc thận nhân tạo, Bộ chủ quản, Sở chủ ngành…đều không được Tòa án mời đến phiên tòa để giúp làm sáng tỏ vụ án. Khi chúng tôi đề đạt, về phía chuyên gia đã được chấp nhận, nhưng hôm sau thì “lật mặt” chỉ vì sợ nói ra sự thật mà thôi!
Chúng tôi tin rằng những người ngồi ở bàn xét xử kia, với các câu hỏi họ đưa ra, chưa có kiến thức chuẩn về lĩnh vực này để mà xét xử. Người bào chữa chúng tôi, tiếp cận vụ án này từ tháng 7/2017 đến khi mở phiên tòa là gần 11 tháng, hầu như tuần nào cũng có đôi ba buổi tham vấn học hỏi các nhà chuyên môn mà giờ này cũng chỉ thấy kiến thức liên quan chuyên ngành trong vụ án thật mỏng manh! Chẳng trách Bùi Mạnh Quốc có cả 13 năm làm công tác sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị y tế, là “át chủ bài” về kỹ thuật của Công ty Thiên Sơn trong những năm qua (thực hiện hợp đồng với Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và một số bệnh viên ở các tỉnh/thành khác), khẳng định đã được đào tạo chuyên sâu về hóa chất tại Viện hóa học Việt Nam lại trả lời người bào chữa chúng tôi “Axit HF là axit mạnh”, nghĩa là phân ly được trong nước ??? Đắng và chát quá!
Bộ Y tế rất liên quan đến phiên tòa này và sự cố xảy ra có trách nhiệm rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước về y tế. Đại đa số hệ thống RO dùng cho lọc máu hiện nay, xin hỏi Bộ có cấp số đăng ký lưu hành theo chính Thông tư 07 của Bộ? Bộ nói cho bàn dân xem có được hợp chuẩn, hợp quy chưa? Thế mà dùng làm thiết bị duy trì sự sống (nhóm II phải không ạ?).
Chúng tôi cho rằng trừng trị các bị cáo phạm tội, giải oan cho người vô tội không phải là là mục đích duy nhất của phiên xét xử, mà phải chỉ ra được những cái sai, sự vô trách nhiệm của những kẻ đang hưởng lương trách nhiệm để Việt Nam không còn những sự cố Hòa Bình thứ 2 lặp lại!
Nhìn lại lý do vắng mặt của những đương sự chủ chốt phải chịu trách nhiệm trong vụ án này và có đơn xin xét xử vắng mặt đã phần nào thể hiện sự kệch cỡm, vụng về…mà không còn lời nào tả xiết. Chiều qua, sau sự “biến mất” nốt của “lục sự” Đinh Tiến Công, chúng tôi buộc phải làm đơn đề nghị sao chụp toàn bộ các đơn xin xét xử vắng mặt để phục vụ cho tuần làm việc thứ hai của phiên tòa. Các đơn này cũng đã được Hội đồng xét xử công khai thông báo mỗi khi người bào chữa réo tên.
Mọi người có thể chấp nhận được không, này nhé:
– Ông Trương Quý Dương ủy quyền cho ông Đỗ Quốc Quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa kể từ khi ký giấy ủy quyền ngày 09/5/2018 (được Đại sứ quán Việt Nam tại Ốt-ta-oa, Ca-na-da chứng thực) đến khi kết thúc vụ việc. Phạm vi ủy quyền được nêu rõ: Người ủy quyền (ông Dương) chịu trách nhiệm trước pháp luật về công việc do người ủy quyền (ông Quyền) thực hiện. Nhưng sau một ngày có mặt tại phiên tòa, ông Quyền đã có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa với lý do là do bất cẩn bị ngộ độc thức ăn gây bất tiện trong sinh hoạt cá nhân, không thể đến phiên tòa ngày 17/6/2018, bản thân ông Quyền đã cố gắng điều trị nhưng sức khỏe không đảm bảo để làm việc, “xin phép vắng mặt, không đại diện cho ông Trương Quý Dương tại phiên tòa được..”! – Thật “choáng toàn tập”!
Anh Dương ơi, anh đã từng là một người lãnh đạo, anh về nước tham gia phiên tòa thể hiện cho quần chúng thấy Đảng rèn rũa người Đảng viên như anh gương mẫu chấp hành pháp luật, tôn trọng cơ quan xét xử, hơn nữa thể hiện đạo đức cách mạng của cấp trên trước cấp dưới cơ mà. Thuộc cấp ra tòa mà anh ngoảnh mặt làm ngơ trong khi tất cả đều đắm do cái hợp đồng anh ký, do anh đút ngăn kéo tự triển khai đến Ban Giám đốc, Phòng ban chức năng không ai được nhìn thấy cái hợp đồng để thực thi những điều anh cam kết trong đó là làm sao nhỉ?
– Ông Trần Văn Thắng: sức khỏe không đảm bảo để dự tòa, nên xin vắng mặt, giữ nguyên sự việc như đã trình bày! – Thật “buồn ói”!
Anh Thắng ạ, bị cáo Sơn còn trẻ, Sơn cũng có mái ấm gia đình như Anh, nếu có Anh ngồi vào hàng ghế của Sơn, chắc chắn vai trò của Sơn sẽ hạn chế và trở thành thứ yếu. Anh có mặt tại phiên tòa là Anh đã cho Sơn sự công bằng rồi đấy! Mà Anh cũng là lãnh đạo, vì sao Anh không thể hiện đạo đức cách mạng của người làm công tác lãnh đạo? Phải chăng bằng khen thì anh nhận, sai phạm gì thì gửi lại cho Sơn?
– Ông Hoàng Đình Khiếu: “Nay tôi bị ốm, sức khỏe không được tốt, nên tôi không thể tiếp tục tham gia phiên tòa được”, đề nghị được vắng mặt tại các buổi xét xử từ hôm nay (tức 17/5/2018). Ngày 18/5/2018, Tòa án có Giấy triệu tập ông Khiếu đến phiên tòa nhưng được vợ ký nhận thay, bên cạnh có xác nhận của hàng xóm: “chứng kiến sự việc ông Khiếu ốm đang truyền dịch”! – Thật “đau hết cả diều”!
Anh Khiếu ơi, anh truyền dịch gì thì cán bộ ngành y biết sự việc này sẽ rõ hơn chúng tôi, nhưng anh không thể giữ nguyên lời trình bày và tài liệu chứng cứ anh đưa ra vì tài liệu đó có dấu hiệu đầy mùi giả đối, anh phải ra Tòa để chứng tôi chứng minh anh có phải là “chủ nhiệm công trình” với thiết kế đồ sộ này không chứ? Anh phải ra Tòa để chúng tôi trình chiếu clip về Anh. Anh không đến nhưng tuần tới Anh sẽ xem nó ngập tràn trên mạng sau khi được công khai tại phiên tòa anh nhé!
– Đinh Tiến Công: “Trong quá trình Tòa án giải quyết, tôi đã trả lời nội dung liên quan về thủ tục hành chính của khoa có liên quan đến vụ án. Hiện nay do sức khỏe, tinh thần không tốt nên tôi không thể tiếp tục tham gia vụ án được”, lại tiếp tục đề nghị vắng mặt trong tất cả các buổi làm việc của Tòa án.
Anh Công nhé, thương cho anh thân phận hầu hạ, chót theo hầu rồi nên dại thôi. Chắc Anh cũng chẳng được lợi lộc gì đâu. Bác sĩ Lương là đồng nghiệp cùng khoa với anh, trước Tòa Lương còn khai anh là đồng nghiệp tốt, không có mâu thuẫn gì, mà nỡ nào Anh không ở lại công đường để giải trình cho toàn dân được biết anh đã làm giả chứng cứ để giúp cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng làm chứng cứ mấu chốt buộc tội với Lương? Anh cũng có vợ, cũng có con, anh đẩy Lương tù đầy, mất nghiệp, vợ con Lương gánh chịu…Anh gieo nghiệp thế thì sau này Anh ở vào tầng địa ngục thứ mấy Anh có biết không? Thôi anh cứ trốn đi, chúng tôi hứa với anh tuần tới cái tên “Đinh Tiến Công” của anh sẽ là từ khóa sốt nhất trên mạng, thế chỗ cho Hoàng Công Lương hiện trong 04 giây có tới cả 12.000 lượt truy cập Anh nhé. Anh sẽ nổi tiếng toàn thế giới, Anh sẽ giúp ngành y tế tiếp tục mở lớp đào tạo giá trị nhân bản cốt lõi rất mới về“đạo đức đồng nghiệp”, cứ bảo “Lương y như từ mẫu” nhưng với đồng nghiệp thì phải hơn hổ báo ấy chứ, anh nhỉ! Hôm trước chúng tôi nghe lão hội thẩm lên mặt giảng giải cho bác sĩ Lương về lời thề Hippocrate và 12 điều y đức của ngành y. Lão ta còn giảng kỹ điều thứ 11 là có lỗi không được đổ cho đồng nghiệp của mình. Có khôi hài không, khi người nghe lời dạy giáo điều này của lão Hội thẩm nhân dân trong phiên xử phải là chính Anh? Anh nghĩ gì khi bác sĩ Lương được đồng nghiệp khắp nơi chia sẻ, được dân mạng đặt tên là “Bị cáo yêu nhất của năm”?!
Còn những kẻ có quyền buộc tội, hãy coi chừng, đừng lấy vải thưa che mắt Thánh. Chứng cứ để cho các ông bà “knockouts” trên sàn diễn này sẽ sớm có thôi.
Sẽ có lúc nhiều người ngộ ra rằng vì sao luật sư bào chữa không được tham gia tố tụng từ khi bị can yêu cầu, nhưng có những luật sư “phối hợp” chặt chẽ với cơ quan có quyền trong quá trình giải quyết vụ án. Không hiểu các bị cáo liên quan có đủ can đảm để nói ra điều này?
Hỡi những kẻ vô lương tâm, mất nhân tính…hãy chờ nhé, xem bác sĩ Lương sẽ phải cởi áo blouse hay các người sẽ phải tự tay cởi chiếc áo của mình, dù nó oai vệ hơn là có sao, có vạch!
Chúng tôi chỉ là người bào chữa, nhưng trách nhiệm bảo vệ công lý phải đặt lên hàng đầu – đó là thứ nghĩa vụ đầu tiên của tất cả những người hành nghề luật. Không có quyền quyết định bản án, nhưng xin phép tại phiên tòa này chúng tôi sẽ quyết định cho sự thật phải được đưa ra bởi công đường không phải là nơi chứa chấp những điều giả dối, không phải là nơi sự thật bị đánh tráo và càng không phải là nơi ám đầy hắc khí!

Không có nhận xét nào: