Translate

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Kinh tế ngầm và … những chữ “nếu”

 (Tô Văn Trường).
Trước hết, chúng ta nên làm rõ với nhau định nghĩa kinh tế ngầm là gì, rồi mới nên bàn đến đối sách. Kinh tế ngầm (The Shadow Economy- Undergroud/Black  Activity)  hay kinh tế phi chính thức (Informal Activity) thì luôn tồn tại ở mọi quốc gia. Không nên cho mọi hoạt động kinh tế không kiểm soát được và loại hình kinh tế không cần kiểm soát vào một rọ chung là kinh tế ngầm.

Cũng đừng nên hiểu sai vì rất nhiều các hoạt động kinh tế gọi là ngầm này đã chẳng ngầm tí nào, chúng công khai, được thừa nhận và đã được đo đạc đàng hoàng ở Việt Nam, chỉ có điều người sản xuất trong khu vực này không phải đăng ký với nhà nước và có khi cũng không phải trả thuế nên khó đo lường hơn so với các hoạt động phải đăng ký, dù không phải có báo cáo tài chính.

Kinh tế ngầm
Ở VN ta, xuất phát từ kinh tế tiểu nông và tiểu thủ công đã tồn tại phổ biến trong xã hội nên loại hình sản xuất tự sản tự tiêu, và chỉ một phần nhỏ bán ra thị trường này lại càng phổ biến và nó cũng rất linh hoạt thay đổi theo thị trường cũng như các yếu tố phi thị trường (kiểu như định hướng XHCN ). Và ở thành thị, vì không có nhà cửa để dùng làm điểm sản xuất hay buôn bán và phải đăng ký thì nhiều chủ sản xuất là người nghèo đã phải quang gánh rong ruổi ra đường bán hàng, hay đem xe máy ra nơi công cộng cung cấp dich vụ xe ôm. Cho nên gọi là kinh tế phi chính thức thì đúng hơn. Nhiều hoạt động kinh tế được hình thành dựa trên tính tự phát không được đăng ký chính thức, nhằm mục đích kiếm sống nhưng không vi phạm pháp luật do được tiến hành dựa trên nguyên lý công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, vẫn được xã hội chấp nhận.
Nếu thực sự là ngầm được hiểu theo ý xấu  thì nó liên quan đến làm ăn phi pháp, trái pháp luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội, liên quan tới tình trạng xuất – nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ không khai báo giữa Việt Nam với Trung Quốc, các nước có nhiều người Việt Nam đi lao động như Nga, Đông Âu, Trung Đông v.v…Nó cũng liên quan đến rút ruột công trình nhà nước và đút túi riêng.
Theo yêu cầu thống kê hầu hết hoạt động thuộc về kinh tế phi chính thức, hay kinh tế hộ gia đình đã được tính vào GDP ở VN. Như nông nghiệp, như buôn bán ở địa điểm cố định ở nhà hay ở chợ  thì mọi người phải đăng ký (chẳng ai tránh được trong thể chế hiện nay).
Tất cả các buôn bán nhỏ kể cả bán quà sáng, bán nước chè chén, quán sửa xe, không thể thoát sự quản lý của cơ quan hành chính cấp cơ sở ở Phường, xã. Nhưng cái ngầm ở đây là nhiều ông quan thuế, quản lý chợ vẫn lấy tiền của dân đều đều nhưng không đưa vào ngân sách. Mấy ông cán bộ này cơ bản cưa đôi với người bán hàng. Ở cấp cao hơn, với các doanh nghiệp, nhiều ông cũng thường làm thế. Họ cho là việc quá bình thường, diễn ra năm này, qua năm khác. Khoản này là lớn nhất. Tất cả cái ngầm này đều có bảo kê hết từ cấp cao hơn,  đó là những khoản không được đưa vào thống kê nên phải gọi là các hoạt động kinh tế ngầm phi pháp.
Mặc dù hoạt động kinh tế của người dân có thể không phi pháp nhưng ngược lại hoạt động “bảo kê”, thu tiền hằng tháng của người dân cho vào túi cá nhân đã biến thành hành vi phi pháp. Chưa nói đến sự “chẹt cổ thu tiền” thì sự thông đồng bên hối, bên lộ đương nhiên là không đúng pháp luật, đi ngược lại đạo đức công vụ.
Còn ba cái chuyện không đăng ký như xe ôm, bán nước vỉa hè  … thực ra nhỏ xíu. Khoản lớn nhất là khoản tham nhũng của các ông “Ruồi”. Các “Ruồi” này đều là cán bộ sống nhờ tiền thuế của dân (tiền ngân sách). Ngay cả tham nhũng cũng đã tính, mà thực chất là tăng GDP, không phản ánh mức sản xuất thật. Thí dụ xây một cái cầu mất 1 tỷ nhưng 30% là thất thoát thì giá trị làm ra chỉ có 700 triệu. Như thế, GDP từ hoạt động của nhà nước (như đầu tư của chính phủ hay doanh nghiệp nhà nươc) đã bị thổi phồng 30%.
Khoản 30% thất thoát do tiền đâu tư xây dựng cơ bản, các vị có trách nhiệm quản lý điều hành đất nước cứ hỏi mấy ông chủ doanh nghiệp muốn có dự án thì phải làm gì? Thầu chính, thầu phụ con số thất thoát 30% (do kinh tế ngầm) là còn ít đấy.
Chỉ còn phần chưa tính có thể là những người buôn bán và làm dịch vụ không đăng ký gồm hoạt động hợp pháp như sửa xe ngoài đường, gánh hàng rong, và phi pháp buôn lậu, đĩ điếm, đánh bạc lậu, lô đề.
Nguyên tắc  thống kê dựa vào điều tra lao động theo giờ mà TS Vũ Quang Việt đã đề nghị thì có thể tính được các hoạt động “hàng rong” hợp pháp. Phần này thì VN cũng đã/có thể biết khi điều tra lâu lâu một lần chi tiêu chi tiết của hộ gia đình. Điều tra kiểu này chỉ để biết mức độ của nó tại một thời điểm nhất định nhưng không thể đưa vào tính toán cho từng qúi của năm.
Công nghiệp 4.0
.
Nền sản xuất thế giới đã trải qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp (Hình 1). Gần đây, thấy người ta hô hào về CM công nghiệp 4.0 mà quên đi sức mình và các mặt trái của nó. Mọi cuộc CM công nghiệp đều diễn ra theo quy luật khách quan nhờ sự phát triển trí tuệ được hiện thực bởi khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống trên quy mô toàn cầu. Nó sẽ được triển khai sớm ở các nước có nhận thức và nền sản xuất tiên tiến và tạo ra sự phát triển vượt trội về năng suất lao động và sản phẩm xã hội. Ngược lại, các nước kém phát triển trở thành nơi tiêu thụ, tuy mức sống xã hội tăng lên nhưng thực chất khoảng cách bị tụt hậu càng lớn. Việt Nam cần đầu tư kịp thời vào nhận thức để có chiến lược lựa chọn tập trung vào công nghệ mà có thể làm được để tăng năng suất tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế. Còn công nghệ 4.0 nói quá nhiều như là phong trào thì đúng là viển vông. Phát triển không phải bằng phong trào hay một thứ khoa học giải trí mà thực sự phải là sản phẩm của trí tuệ sáng tạo tự do, không có tự do sáng tạo thì thì không thể có một quốc gia phát triển bền vững.
 Công nghệ 4.0 chủ yếu là dùng  trí tuệ nhân tạo để tăng năng suất lao động: (1) làm dịch vụ (2) điều hành robot thay người.
Khác biệt của CM 4.0  với CM 2.0 hay 3.0 là trước đây robot bị điều hành, và chỉ làm một vài động tác nhất định còn 4.0 thì robot thông minh có thể chụp ảnh để nhận diện, nghe, ngửi, đi để xem xét hình thù, mầu sắc, tiếng động và tự quyết định dựa trên lập trình có sẵn, và từ đó làm ra từng sản phẩm mang tính đặc trưng phục vụ khách hàng có ý muốn khác nhau.
Về dịch vụ, thông tin về kinh tế thị trường trên khắp thế giới đã được các công ty tư nhân lấy và tổ chức lại để chuyên gia có thể nắm tình hình. Đó là cái lợi, nhưng cũng có nhiều cái hại. Chẳng hạn Facebook lấy thông tin về ý thích của mọi người  từ tài khoản (facebook account) của họ và bán cho công ty để họ quảng cáo. Nếu là phục vụ nâng cao đời sống thì như thu thập lịch sử thông tin về người bệnh từ nhỏ đến lớn để bác sĩ có thể đoán ra bệnh và rồi các thông tin này cũng bị tuồn ra để bán cho các công ty quảng cáo thuốc. Thông tin cá nhân cũng được bán cho các chính phủ nhằm theo dõi dân chúng hay phân tán tin giả. Tất nhiên thông tin kinh tế và thị trường không có hại cũng được tạo ra.
Về điều hành robot công nghệ 4.0, mục đích của các nước phát triển muốn cạnh tranh với lao động quá rẻ tiền ở các nước đang phát triển. Nếu thành công và được áp dụng đại trà nhưng lại có khả năng quyết định thông minh nó có thể sẽ làm mất việc, kể cả những việc phải có đầu óc thông minh để quyết định, ở những nước ngay trong thời gian tới. Còn với kinh tế của nước ta thì công nghệ robot sẽ tạo thêm thất nghiệp. Vậy tại sao lại nghĩ đầu tư, bỏ vốn vào chỗ tạo ra thất nghiệp thêm này?.
Tại sao không nghĩ đến tạo mọi cơ hội, kể cả thuế suất thấp để khuyến khích dân chúng thay vì chỉ làm kinh tế gia đình mở càng nhiều càng tốt và càng lớn, càng tốt, để hình thức  hoạt động kinh doanh tân tiến có cơ sở tiếp nhận công nghệ tiên tiến, sản xuất lớn nên giá thành rẻ và tất nhiên là có đăng ký theo luật doanh nghiệp.
Và phải là doanh nghiệp tư nhân chứ không phải doanh nghiệp nhà nước chủ đạo. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải dũng cảm có tầm nhìn xa, dám đổi mới, loại bỏ tư tưởng coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo vì thực tế lâu nay đã chứng minh phần lớn “ăn tàn, phá hoại” quá đủ rồi.
Đừng quên rằng với thuế quá cao để phục vụ ngân sách lớn thì làm sao mà hình thức doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển mạnh. Có thuế suất lớn, dân sẽ buôn bán nhỏ kiểu hộ gia đình để trốn thuế. Chính vì thế, dựa vào thống kê của Tổng cục thống kê cho đến nay doanh nghiệp tư nhân vẫn chỉ tạo ra 8% GDP suốt từ 2006 đến nay vv…
Có một nghịch lý là cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ gây nhiều khó khăn cho các nền kinh tế thấp, trong đó có Việt Nam, trong tình hình hội nhập này, những người am hiểu về bài toán kinh tế rất lo lắng. Về thống kê GDP, chúng ta có tin được không, khi có nhiều sai số do trình độ, và nhất là do động cơ thành tích, khó nói ra. Có một thực tế là, ít nhất ở thành phố, với bình quân thu nhập rất thấp vẫn tiêu thụ xe sang, hàng hiệu, biệt phủ nguy nga tốn kém tới hàng trăm năm thu nhập,… tại sao có sự phồn vinh đó? Phải chăng còn có kinh tế ngầm mà người làm thống kê cũng không biết được.
Thống kê  đã tính vống lên nhiều lắm, nhất là các ngành dịch vụ do thiên hạ chẳng có gì để so sánh đối chiếu. Ông D.Trump đã giảm thuế suất khiến doanh nghiệp và người dân được lợi 1500 tỷ USD/năm. Dòng tiền khổng lồ này sẽ chảy vào lĩnh vực sản xuất. Ở ta thì ngược lại, đừng để sưu cao, thuế nặng tới mức dân không chịu nổi lại chảy vào các nguồn đầu tư mua nhà ở nước ngoài, xây biệt phủ,…, kinh tế sẽ suy sụp tới mức Nhà nước không còn gì để mà thu thì CM 4.0 có thể cứu vãn không!
Lời kết

Từ các phân tích nói trên về thực trạng kinh tế VN và mối liên hệ với nội dung kinh tế ngầm và mặt trái của CM công nghiệp 4.0, giúp chúng ta có các đối sách thích hợp để đất nước ổn định và phát triển bền vững. Các đối sách đó sẽ là nội dung trong bài viết khác, nhưng không thể tách rời cái gốc cần đổi mới là thể chế và con người.

Không có nhận xét nào: