Translate

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Sự tuỳ tiện của cái chết

.
FB Phạm Lan Phương
Tượng đài xây để làm gỉ? - Có một lần tôi đứng ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và tự hỏi câu đó. Ở đó có mấy chục ngàn cái mộ - người thật, xương thịt không là biểu tượng chắc cũng là thật - vô số cái bia màu trắng có cùng tên là "Vô danh". Xung quanh đó rất nhiều tượng đài và những biểu tượng kỳ dị.

Hồi còn bé, tôi có sở thích là hay vô mấy đài tưởng niệm liệt sĩ chơi. Tại gần nhà không có công viên. Tới 19 tuổi, tôi vẫn nhìn mọi cái cục tổ quốc ghi công là một biểu tượng kỳ dị. Chúng được nhân bản ở khắp nơi, giống hệt nhau, concept không chút cảm động, nghiêm trang hay mới mẻ.


Có lần, người yêu cũ dắt tôi đi dạo. Xong hai đứa ngồi ở công viên một tượng đài. Anh ấy kể ông nội anh đã dành 10 năm cuối đời để cái này được xây, xong anh dắt tôi đi chạm vào mấy cái tên khắc trên đó, kể lại vài thứ ông nội kể. Từ khi đó, tôi biết cái tượng đài đó đại diện cho ông nội, cho anh, cho đồng đội ông nội đã chết cả nhóm bạn gần đó. Tượng đài có ý nghĩa khi người ta thực sự hiểu nó giữ lại gì, như cái mỏ neo trong tim, nó nhắc ta về điều tồn tại hoặc tan biến. Có lần anh nói: Em và anh ngồi đây được, là nhờ bạn và đồng đội của ông anh.

Tôi không tin anh, nhưng tôi tin vào ông nội và hư không họ để lại.

Từ đó, tôi thù ghét tượng đài hơn. Nó minh hoạ nhàu nhĩ và thô bỉ cho một thế giới mà người ta không thể lưu giữ ký ức bằng tình yêu, câu chuyện, rung cảm hay thậm chí đớn đau. Cảm xúc kém cỏi đến mức người ta dùng bê tông, xi măng và vô số dự án trá hình để dựng lại mất mát.

Tội nghiệp người khuất.



Trong phim Giải cứu binh nhì Ryan, nhân vật chính không được xây tượng đài nào cả. Người được anh ta cứu đứng trước cái mộ đơn điệu của anh với con đàn cháu đống, nói: "I earned it." Trong phim Schilinder's lists, là đống đá mà con cháu người Do Thái đặt lên cái mộ nhỏ của Schilinder. Mỗi con người cầm viên đá là một tượng đài. Người chết - họ chọn chết để thế giới sống - và người sống - là tượng đài bằng máu và thịt.

Những người lính thuở mất đi, hoặc họ đã mất đi mà không hề nghĩ mình sẽ mất, hẳn đã mơ một ngày nào đó tốt đẹp và an toàn hơn cho người thương yêu mình rời bỏ khi buông tay ra đi.

Vậy thôi. Ta không thể nói hộ người chết ước mơ của họ: Anh muốn xây tượng đài 4k tỷ siêu to. Không, không ai đáp vậy hết.

Nên hôm nay xem những tấm hình bà mẹ ôm cái tranh vẽ khóc, và đọc một stt của nhà báo, bất bình vì lãnh đạo tỉnh ít ai tới dự lễ khánh thành cái tượng, tôi chỉ thấy thật buồn cười.

Chúng ta tưởng người chết cần tượng hay mẹ anh hùng cần tượng?

Bộ nếu lãnh đạo không tới thì mấy anh hùng không sống lại hay cái tượng sẽ mất đi ý nghĩa?

Các anh chắc đã nhầm. Họ chỉ cần con họ - cái chàng trai bằng thịt và máu họ đẻ ra thôi - các anh tưởng lãnh đạo tỉnh đẻ ra được máu và thịt hả?

Các anh nhầm về người chết rồi - khi chết - có ai trong các anh kịp hỏi họ thích tượng đài design ra sao? Concept gì hay chất liệu gì chưa?

Và mỗi lần đứng trước một cục tổ quốc ghi công, tôi lại thấy mình bất lực đến độ muốn tóm cổ cái thằng đã design ra cái cục đó và hỏi: Anh biết ai chết ở đây không? Concept của anh cho cái chết là gì?

--------------
nguon:
http://www.phuocbeo.info/2017/07/su-tuy-tien-cua-cai-chet.html
*

Không có nhận xét nào: