Translate

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2017

Quan chức kiểm điểm và những nhân cách “lạc trôi”

Chiếc ô tô và ‘văn hóa quan chức’
Thà im lặng còn hơn là viết 1 STT như vậy?
“Ông quan bà tướng” – di chứng còn sót lại từ thời phong kiến

.
Phạm Trung Tuyến 


VNN - Sự tha hoá của một số quan chức không chỉ thể hiện ở những hình ảnh xấu xí vừa được truyền thông phản ánh, nó thể hiện rõ nhất ở cách mà các cơ quan bảo vệ luật pháp ứng xử với những hành vi xấu xí ấy.

Cuối cùng thì bà Phó chủ tịch quận Thanh Xuân cũng phải viết kiểm điểm về chuyện ồn ào mấy ngày qua. Lỗi của bà ta, kiểm điểm đến cùng có lẽ cũng chẳng có gì là to tát, áp dụng tối đa các khung xử lý kỷ luật thì cũng chỉ đến khiển trách, rút kinh nghiệm. Hậu quả, đối với vị trí quyền lực của bà sẽ không lớn. Nhưng đối với cuộc sống sau này, hệ lụy của việc kiểm điểm này sẽ là điều không thể đong đếm.

Mỗi công chức đều là hình ảnh đại diện của nhà nước khi tiếp xúc với nhân dân. Đó là bài học vỡ lòng mà bà phó chủ tịch, cũng như mọi công chức khi trở thành người nhà nước. 

Bài học ấy, chắc rằng bà phó chủ tịch đó không hề lãng quên. Bởi, để có được một vị trí như vậy, bà đã trải qua một quá trình phấn đấu, trau dồi, rèn luyện không ngừng nghỉ. Nhưng chỉ vì một sự thuận tiện nho nhỏ cho bản thân mà bà phách lối với người dân để bị đổ nước mắm lên xe, khiến thuộc cấp của mình bị phiền hà khi cố gắng can thiệp. Bà không quên mình đang đại diện cho khuôn mặt của nhà nước. Nhưng khuôn mặt của nhà nước, trong nhận thức của bà, có lẽ chỉ đơn giản là quyền lực, một thứ quyền lực để có thể đứng trên pháp luật, coi thường người dân.

Thật khó có thể tin rằng cái hành vi phách lối mà nữ phó chủ tịch quận Thanh Xuân đã thể hiện là một hành vi bộc phát, lỡ làng. Nếu đó không phải là một hành vi có chủ đích, được hình thành bằng một quá trình nhận thức đầy đủ, hẳn bà đã nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình, để lên tiếng xin lỗi nhân dân, xin lỗi cơ quan mà bà đang phục vụ, xin lỗi cộng đồng công chức vì đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh của họ. Song, bà đã không làm thế.

Nếu như nhìn nhận câu chuyện ồn ào về bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân bằng góc độ nguyên tắc, hiển nhiên bà có lỗi. Bởi bà là người đại diện của cơ quan quyền lực nhà nước, với nguyên tắc chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép, trong trường hợp này là phải đỗ xe ở nơi được phép đỗ.

Song nếu như nhìn nhận câu chuyện đó bằng các hiện tượng phổ biến, như báo chí đã phản ánh, thì câu chuyện đáng để chúng ta suy ngẫm. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên, năm ngoái, một nữ cán bộ ngành tư pháp cũng thản nhiên phá hoại tài sản công (bẻ cành mai anh đào ở công viên) và nhất định không chịu nhận lỗi. Và hàng ngày, đây đó vẫn có những chiếc xe công vụ thản nhiên di chuyển, dừng đỗ bất chấp luật giao thông.

Nguyên tắc cơ bản về quyền lực nhà nước đã thay đổi trong nhận thức của rất nhiều công chức, thay vì chỉ được làm những điều mà pháp luật cho phép, một số người có chức vụ tin rằng mình được phép làm những điều mà người dân không được phép.

Hành xử của công chức nhà nước, thông qua những câu chuyện tương tự như vụ việc ở quận Thanh Xuân, không chỉ là vấn đề văn hoá, mà là sự tha hoá trong nhận thức về quyền lực nhà nước. Sự tha hoá ấy không chỉ được thể hiện ở những hình ảnh xấu xí được đăng lên trên mạng xã hội. Nó thể hiện rõ nhất ở cái cách mà các cơ quan bảo vệ luật pháp ứng xử với những hành vi xấu xí ấy.

Tại sao cảnh sát khu vực, thuộc cấp của bà phó chủ tịch quận Thanh Xuân lại khuyên người dân xin lỗi cấp trên của mình mà không phải ngược lại? Bởi viên cảnh sát ấy tin rằng quyền lực của bà phó chủ tịch lớn hơn luật pháp chăng?

Tại sao có những chiếc xe biển xanh, biển đỏ có thể cố tình vi phạm luật giao thông mà thường được cho qua, không bị xử phạt? Bởi những chiếc biển xanh đó đại diện cho sự hiện diện của “người nhà nước” những người không nên đụng đến trong nhận thức của nhiều cảnh sát giao thông.

Dù là bà cán bộ tư pháp bẻ hoa, hay bà phó chủ tịch Thanh Xuân hoặc một ai đó khác đã ngồi trong những chiếc xe công vu vi phạm luật giao thông ấy… có lẽ vốn không phải những người sinh ra đã lỗ mãng.

Sự lỗ mãng của họ đã được hình thành qua một quá trình rất nhiều năm, một quá trình đủ khiến họ thích nghi với những quan niệm lệch lạc về quyền lực nhà nước. Đó là một quá trình tha hoá mang màu sắc bi kịch đối với chính những con người đó, khi họ để nhân cách của mình lạc trôi dưới cái mũ ô sa.

--------------------
nguon:
http://www.phuocbeo.info/2017/07/quan-chuc-kiem-iem-va-nhung-nhan-cach.html
*

Không có nhận xét nào: