Ai gây nên thảm họa lũ lụt miền Trung?
Miễn hết chức ông Vũ Quang Hải tại Sabeco?
Những dự án thất thoát nghìn tỉ và phận người ‘bó chiếu’
(GDVN) - Người Việt xưa có cụm từ “quân sư quạt mo”, người Việt nay nói “quân sư quạt… con cóc” hay nói gọn lại là “quân sư con cóc” để chỉ những quân sư bất tài.
Dù còn rất nhiều bất cập trong điều hành, quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô song thế giới vẫn đánh giá cao những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được sau 30 năm đổi mới.
Khi đất nước trở thành nước có thu nhập trung bình thì vì sao lại xuất hiện nhận định Giáo dục Việt Nam đang tụt hậu nghiêm trọng? Vì sao hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp?
Vì sao học sinh lớp 5 không viết nổi tên mình phải quay về học lớp 1? Vì sao bạo lực học đường gia tăng và nạn dạy thêm, học thêm?
Đó vẫn là điều gây bức xúc các bậc phụ huynh và cơ quan quản lý.
Tất cả những khiếm khuyết này đều bắt nguồn tự đội ngũ công chức quản lý các cấp của ngành Giáo dục, từ phòng Giáo dục cấp quận huyện đến cơ quan Bộ.
Người xưa có câu “sĩ phu Bắc Hà” để nói về đội ngũ trí thức phía Bắc, thế nhưng ngày nay có lẽ câu nói đó chỉ còn là hoài niệm của một “thời xa vắng”.
Mở đầu năm 2015, một số vị lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo và thành phố Hà Nội cùng nhau tô chữ khai xuân (theo nét bút chì vạch sẵn như kiểu học sinh lớp 1).
Cuối năm 2016, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội tổ chức “Dâng hương cho học sinh giỏi Thủ đô” thì đủ thấy câu nói dân gian “văn hay chữ tốt không bằng kẻ dốt lắm tiền” đã và đang đúng biết nhường nào.
Hai câu chuyện nêu trên dù sao cũng chỉ là “sai sót” nhỏ, không ảnh hưởng lớn đến chủ trương chính sách giáo dục, thế nhưng vẫn những con người ấy khi ngồi làm đề án, khi ban hành thông tư, quyết định… lại là chuyện khác bởi nó liên quan đến hàng chục triệu học sinh, giáo viên và chất lượng giáo dục nước nhà.
Những gì mà tác giả Hồng Thủy nêu trong bài “Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển và những siêu đề án ngàn tỉ” [1] có vẻ hơi “oan” không chỉ cho cho hai vị này mà còn một số vị “cốt cán” khác của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Nói các vị ấy bị “oan” vì làm lãnh đạo quanh năm bận rộn, đến họp Quốc hội còn không dự được thì làm sao biết dự án sách giáo khoa 70.000 tỷ hay 34.000 tỷ đồng là hợp lý hay không hợp lý.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn từng nói đại ý: “con chim Hồng bay cao được là nhờ có sáu trụ cánh”. Lại cũng có câu nói nổi tiếng “những đỉnh cao muôn trượng chỉ có chim ưng và loài bò sát là vươn tới được”.
Thế nên nếu mấy trụ cánh chẳng may lại là “hàng nhái” thì “bay” không được mà “bò” cũng chẳng xong, leo lên gò mối còn chưa được nói gì đến đỉnh cao muôn trượng.
Thời Tam Quốc, Lưu Bị là người nhân đức nhưng kém tài, nhờ có hai quân sư giỏi nhất thiên hạ là Gia cát Lượng, Bàng Thống trợ giúp mà đủ sức đối chọi với Tào Tháo, Tôn Quyền.
Tào Tháo là bậc anh hùng, cầm quân, nghĩ mẹo đều xuất chúng song quân sư chẳng ai bằng Khổng Minh, Bàng Thống nên cuối cùng cũng đành chia ba thiên hạ với Tôn Quyền và Lưu Bị.
Người thời Tam Quốc cho rằng ai thu phục được một trong hai đại mưu sĩ Ngọa Long (Khổng Minh) hoặc Phượng Sồ (Bàng Thống) thì có thể bình thiên hạ.
Có được cả hai người này sao Lưu Bị vẫn phải an phận ở miền núi Ba Thục (tây nam Trung Quốc ngày nay)?
Đó một phần là do thời thế song cũng còn do cái tầm của Lưu Bị chưa đủ để thay đổi thời thế.
Viết vài dòng dông dài để thấy, làm lãnh đạo không phải là cuộc dạo chơi kéo dài mấy năm, không phải là cứ trông chờ vào quân sư, khi cần thì quân sư “dúi” cho mẩu giấy như câu chuyện về con số 34.000 tỷ mà nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “trần tình” trước chất vấn của đại biểu Quốc hội. [2]
Người Việt xưa có cụm từ “quân sư quạt mo”, người Việt nay nói “quân sư quạt… con cóc” hay nói gọn lại là “quân sư con cóc” để chỉ những quân sư bất tài, “ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”.
Người ta cũng còn dùng cụm từ dân dã là “quân sư rởm” hoặc tệ hại hơn một chút là “quân sư… đểu”.
(Từ “rởm” lấy trong cụm từ “rởm đời” theo cách nói của sĩ phu Bắc Hà, còn người Nam nói là “dỏm” đọc chệch thành “dởm”).
Ngày xưa đánh giá cán bộ, đảng viên, chúng ta thường nhấn mạnh hai yếu tố “hồng” và “chuyên”, theo thời gian cụm từ này nghe có vẻ không @ cho lắm nên chuyển thành “tâm” và “tầm”.
Một người có đủ cả “tâm” và “tầm” chưa hẳn đã có thể là lãnh đạo giỏi bởi còn cần hai yếu tố khác là “uy” và “quyền”, người có “tâm và tầm” làm nghiên cứu, làm thầy thiên hạ thì khỏi phải bàn.
Tuy thế không thiếu người giỏi, có uy tín về khoa học, văn học nghệ thuật khi sang làm chính trị, làm quản lý lại thất bại.
“Tâm” để mọi người quý mến, “Tầm” để người ta phục, “Uy” để người ta sợ, “Quyền” để trị những kẻ rắp tâm làm bậy, đặc biệt là trị những kẻ mà dân gian gọi là “quân sư đểu”.
Nếu cấp dưới không quý mến, không phục, không sợ thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra chuyện “phản thùng”, sẽ là những chiêu trò không làm cấp trên mất ghế thì cũng bẽ mặt với bàn dân thiên hạ.
Nhưng nếu làm thủ trưởng mà lại không được người ta quý - phục - sợ thì rõ ràng không xứng đáng, có bị mất ghế hay bị “phản thùng” thì cũng chỉ nên tự trách mình.
Vì sao một số vị lãnh đạo cao cấp và dư luận xã hội lại phê phán quan điểm “Hà Nội không vội được đâu”, vì sao cả Dân và Đảng đều bất bình về hàng loạt quyết sách đầu tư và nhân sự tại Bộ Công Thương, vì sao dân chúng kêu quá nhiều về những tệ nạn tại bệnh viện, trường học,…
Chẳng qua là vì các chủ trương, quyết sách mà người đứng đầu cơ quan, đơn vị đưa ra vừa trái đường lối của Đảng, vừa không hợp lòng dân, khiến uy tín cá nhân không còn, khiến cấp dưới và người dân không coi trọng.
Những người quyết đoán, đôi khi phải bỏ ngoài tai dư luận xã hội bởi “số đông không phải lúc nào cũng đúng”.
Tuy vậy, “đôi khi” thì có thể chấp nhận, còn “luôn luôn” thì lại khác.
Đó hoặc là kẻ coi thường thiên hạ, là kẻ tự phụ thái quá hoặc là kẻ không biết phân biệt phải trái, đúng sai, kẻ mà người đời gọi là “điếc không sợ súng”.
Những kẻ tâm đã không có, tầm cũng như tâm nhưng họ hàng, con cháu đầy rẫy trong cơ quan và của cải hàng đống giấu kỹ ở đâu đó thì sớm muộn cũng sẽ “cúi đầu lầm lũi mà đi”.
Khi đương chức có quyền, có thế người ta buộc phải nín nhịn, chỉ một thời gian ngắn sau khi không còn chức quyền là bị thiên hạ phỉ nhổ, vinh hạnh cái nỗi gì!
Người viết không nghĩ mấy vị quan chức cao cấp ngành Giáo dục vừa mới nghỉ hưu mất đi hoàn toàn cái tâm nhà giáo, mất đi sự tự trọng của người trí thức, song người viết không nghĩ rằng, họ đủ bản lĩnh làm tư lệnh một ngành.
Có thể họ đủ dũng cảm ngồi vào chiếc “ghế nóng” Giáo dục song lại không đủ dũng cảm để thay đổi bộ máy giúp việc, không đủ uy quyền để khiến đội ngũ tham mưu nể sợ.
Kết cục là họ hoặc bị cấp dưới ỉm đi các thông tin “nhạy cảm” hoặc bị cấp dưới qua mặt, là họ luôn phải “giơ đầu chịu báng” khi dư luận “ném đá” các chủ trương chính sách sai lầm trong khi các “quân sư con cóc” thì vui vẻ “rung đùi” hết năm này qua năm khác.
Với đội ngũ lãnh đạo hiện nay, người viết thông cảm với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông đã dám nhận trách nhiệm trong một lĩnh vực mà sự bê bết đã kéo dài suốt mấy chục năm.
Tất cả những gì tồn tại qua bao nhiêu năm qua đều “nhường cho nhiệm kỳ Bộ trưởng Nhạ giải quyết”.
Thông cảm và ủng hộ Bộ trưởng Nhạ song người dân cũng có tâm lý chờ xem Bộ trưởng sẽ gỡ mớ bòng bong Giáo dục như thế nào với số lượng không ít “quân sư con cóc” vốn có truyền thống ban hành văn bản “trên trời” và dày dạn kinh nghiệm chinh chiến trong… phòng lạnh.
Ngày 22/9/2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Thông tư 22 nhằm sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số điều trong Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.
Vậy Bộ trưởng có dự định sẽ “sửa đổi” hay “hủy bỏ” những người đã tham mưu ban hành thông tư 30?
Khá nhiều bài báo nói về Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chẳng hạn “Nhà xuất bản Giáo dục "kiêm nghề" cho vay lãi?” [3] hay “Lũng đoạn ở Nhà xuất bản Giáo dục”. [4]
Tác giả bài báo [4] nhấn mạnh: “Với việc dùng các chiêu trò tinh vi, lũng đoạn một NXB vốn từ lâu rất có uy tín của ngành giáo dục, dư luận cho rằng đã đến lúc cần phải có những động thái quyết liệt như tổ chức thanh tra, hoặc thậm chí là điều tra, để làm rõ và xử lý nghiêm minh những khuất tất tồn tại lâu nay ở NXB Giáo dục Việt Nam”.
Kết hợp thêm vụ “thông báo bán sách chui” mà Báo Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, vụ Nhà xuất bản này có tới 5 Phó Tổng giám đốc, trái quy định của Chính phủ không thể không quy trách nhiệm cho cho những người làm công tác tổ chức và pháp chế của Bộ.
Các ông/bà Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Vụ Pháp chế ở đâu, làm gì khi một đơn vị trực thuộc Bộ không chỉ “kiêm nghề" cho vay lãi” mà còn ngang nhiên làm trái quy định của Chính phủ?
Hỏi thế có lẽ hơi thừa bởi chính Vụ Tổ chức Cán bộ cũng làm trái quy định của Chính phủ.
Vụ này hiện có 4 Vụ phó là các ông Ngô Mạnh Hải, Cảnh Chí Dũng, Trần Kim Tự, Phạm Xuân Hậu trong khi khoản 4 điều 15 Nghị định số 36/2012/NĐ-CP quy định cấp vụ không được quá 3 Vụ phó.
Thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn tại vị, ngày 27/12/2013, ông Phó Chánh Thanh tra Phạm Ngọc Trúc đã ký ban hành kết luận thanh tra số 1147/KL-TTr, một bản kết luận trái pháp luật và đầy rẫy nghi vấn.
Khi bị các chuyên gia giáo dục và truyền thông “bóc mẽ”, gần một năm sau, Thứ trưởng Bùi Văn Ga buộc phải “chữa cháy” với bản kết luận thanh tra số 816/KL-BGDĐT phủ định hoàn toàn những kết luận quan trọng nhất mà ông Phó Thanh tra Phạm Ngọc Trúc đã ký.
Sau khi ban hành Kết luận 816/KL-BGDĐT, Bộ trưởng Luận và Thứ trưởng Ga coi như đã hoàn thành nhiệm vụ bởi không hề thấy Bộ kết luận gì về hành vi sai trái của ông Phó Thanh tra Bộ cùng những người đã “vất vả” theo sát ông Phó Thanh tra “sáng tạo” nên bản kết luận khó có thể coi là của cơ quan mang danh “Bộ học”!
Thanh tra là bộ phận giúp Bộ trưởng gìn giữ kỷ cương phép nước, Thanh tra Bộ “làm ăn” như thế thì họ giúp Bộ “giữ” cái gì?
Cách hành xử của lãnh đạo Bộ như thế liệu có phải chỉ là che dấu khuyết điểm cho cấp dưới hay cũng là giữ thể diện cho chính mình?
Và không thể không nêu câu hỏi, bao nhiêu người dính líu đến vụ việc hiện vẫn còn đó, vẫn tiếp tục công việc “thanh tra” và “thanh kiu” (Thank you) dưới thời Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ?
Người viết cho rằng giải quyết thành công những “di sản đồ sộ” mà các nhiệm kỳ trước để lại đã là thành công rất lớn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong nhiệm kỳ này.
Liệu Bộ trưởng sẽ để hàng loạt “quân sư con cóc” này “rút kinh nghiệm sâu sắc” hay mạnh tay cắt bỏ những ung nhọt đang hủy hoại hình ảnh ngành giáo dục?
Nếu Bộ trưởng không tạo nên được “sáu trụ cánh” vững vàng thì điều khó tránh khỏi là mỗi kỳ chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng sẽ còn tiếp tục phải nhận lỗi, phải xin rút kinh nghiệm và câu chuyện “xin nhường cho nhiệm kỳ sau giải quyết” liệu có kết thúc?
Nhân dịp năm mới xin tặng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bốn chữ “Tâm - Tầm - Uy - Quyền”, nhân đây cũng xin gửi tới Bộ trưởng câu nói nổi tiếng của Matin Luther King: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt".
----------------
nguon" http://www.phuocbeo.info/2017/01/quan-su-con-coc.html
nguon" http://www.phuocbeo.info/2017/01/quan-su-con-coc.html
Tài liệu tham khảo:
[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Pham-Vu-Luan-Tien-si-Nguyen-Vinh-Hien-va-nhung-sieu-de-an-ngan-ti-post173521.gd
[2]http://thanhnien.vn/thoi-su/co-con-so-34-nghin-ti-dong-trong-de-an-doi-moi-sach-giao-khoa-la-sai-sot-ky-thuat-400994.html
[3] http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/nha-xuat-ban-giao-duc-kiem-nghe-cho-vay-lai-171502.html
[4] http://thanhnien.vn/doi-song/lung-doan-o-nha-xuat-ban-giao-duc-775733.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét