Đoàn kết là để chiến thắng, còn sợ hãi thì chỉ khiến người ta co cụm nép vào
nhau. Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm và cũng đừng ru ngủ đám đông bằng “tinh
thần dân tộc” viển vông
Sau sự cố thông tin vừa qua tại hai sân bay lớn của cả nước là Tân
Sơn Nhất và Nội Bài, một người quen của người viết bài này có mặt tại sân bay
Nội Bài vào thời điểm đó thuật lại họ đã rất “lo lắng và không biết phải làm
gì” khi không có bất kỳ một thông báo chính thức nào ngay tức thì về sự an
toàn cho các chuyến bay sắp tới.
Không còn là thuyết âm mưu nữa khi các tin tặc có thể xâm nhập
thành công hệ thống thông tin ở sân bay thì cũng có đủ sức làm như vậy với hệ
thống đảm bảo an toàn bay, điều đã xảy ra trước đó. Mọi kết luận để an lòng
người đi máy bay vẫn chưa được đưa ra sau một ngày xảy ra sự cố, dù Bộ Công an
cho biết đã vào cuộc.
Một bài viết xuất hiện trên tờ báo mạng Vnexpress với tiêu đề:
“Điều kỳ diệu sau cuộc tấn công” đã ca ngợi thái độ trật tự của đám đông hành
khách đi máy bay khi sự vụ tấn công mạng xảy ra. Bài viết có vẻ tìm được sự
đồng cảm của rất nhiều người khi nhiều tài khoản facebook chia sẻ lại với những
câu chữ bày tỏ xúc động. Tinh thần dân tộc dường như là “xương sống” cho sự
đồng cảm này.
Không hiểu vì lẽ gì mà nhiều người lại đánh đồng giữa sự đoàn kết
của tập thể và sự co cụm của đám đông. Đoàn kết vốn là một từ thường dùng cho
hành động cùng nhau phấn đấu vươn lên, cùng chiến thắng. Còn theo lời tường
thuật của một nhà báo có mặt tại sân bay thì đám đông khi đó đã trật tự vì “ngơ
ngác” và “không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Đó là thái độ rất dễ thấy để bảo vệ nhau khi đứng trước một cuộc
tấn công. Dù cho dùng mỹ từ nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận rằng cuộc
tấn công của những tin tặc, đến từ Trung Quốc, đã đánh vào những lỗ hổng trong
bảo mật thông tin một cách thành công để truyền đi các thông điệp của mình. Và,
đây không phải là lần đầu tiên những cuộc tấn công như vậy xảy ra, thậm chí đài
không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bị chiếm sóng đến 18 phút vào ngày 16.6.
Cũng không hiểu từ bao giờ sự trật tự, xếp hàng nghiêm túc và giúp
đỡ lẫn nhau trong một cộng đồng lại được tôn lên như những điều vĩ đại để rồi
tác giả bài viết trên khẳng định: “… thật bất hạnh cho những ai lăm le tấn công
dân tộc này”. Có lạc quan quá không khi những điều bình thường nhất như xếp
hàng hay trật tự lại có thể trở thành vũ khí tinh thần để đối đầu một cuộc tấn
công trên không gian ảo nhưng kết quả không hề ảo chút nào!
Đứng trước những biến cố như vậy, nên chọn thái độ xoa dịu, an ủi
đám đông bằng cái lý lẽ “nhờ có cuộc tấn công nên người dân mới đoàn kết lại”
hay cần phải cật vấn trách nhiệm đối với những người hoặc lực lượng được xã hội
giao cho sức mạnh để bảo vệ cộng đồng?
Một người có suy nghĩ rạch ròi và tỉnh táo hẳn phải chọn vế sau.
Cho dù, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa làm gì được cho đất nước ngoài việc
phải đóng rất nhiều khoản thuế cao hơn ở các nước khác, nhưng tất cả chúng ta
đều có quyền yêu cầu các lực lượng có trách nhiệm phải làm tốt hơn nữa công
việc của mình trong việc sử dụng đồng thuế của dân.
Cũng xin thôi cách nói khó hiểu “Hàng không Việt Nam chủ động đánh
sập hệ thống điều hành liên quan đến an toàn bay để không bị hacker tấn công”
như báo Người Lao Động đã dẫn. Có ai giao tính mạng mình và gia đình mình cho
một hãng bay mà đến an toàn thông tin cũng không bảo vệ được rồi lại đi chống
chế như vậy.
Đoàn kết là để chiến thắng, còn sợ hãi thì chỉ khiến người ta co
cụm nép vào nhau. Đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm và cũng đừng ru ngủ đám đông
bằng tinh thần dân tộc viển vông
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét