Chúng tôi mời anh vào ngồi ăn cùng. Trên bàn, tôi hỏi anh một câu
bâng quơ như với tất cả những người Thái nói được tiếng Anh khác: “Anh là áo
vàng hay áo đỏ?”. Đó là đầu năm 2015, bà Yingluck Shinawatra vừa bị
buộc phải từ chức thủ tướng ít lâu và cuộc đấu tranh giữa những người áo đỏ
(ủng hộ nhà Shinawatra) và những người áo vàng vẫn còn đang rất căng thẳng.
Anh lái taxi cười trừ im lặng một lúc rồi gõ tay lên bàn. Chiếc bàn
ăn màu đỏ. Anh nói rất nhỏ: “Tôi màu này, nhưng đừng nói to ở đây. Madame chủ
quán là màu vàng. Tôi không muốn tranh cãi. Tôi quý madame chủ quán lắm. Bà ấy
cũng quý tôi”. Sau anh tâm sự thêm, rằng anh là con nhà nông dân. Người nông
dân Thái thì ủng hộ anh em nhà Shinawatra như một lẽ tất nhiên.
Cuộc đối đầu của những người áo vàng và áo đỏ Thái Lan đã dai dẳng
suốt cả thập kỷ qua. Họ không dễ chịu với nhau: những cuộc biểu tình của hai
phe luôn có dáng dấp của những cuộc nổi dậy; có gạch đá, có tiếng súng và thậm
chí là cả những vụ ám sát bằng súng bắn tỉa. Bangkok đã nhiều phen chìm trong
bạo lực, với những chiến lũy dựng trên phố.
Nhưng ở đó, trong một quán cơm nhỏ của khu Ratchaprarop, tôi vẫn
thấy hai con người bình thường yêu mến nhau theo một lẽ rất thông thường của
cuộc sống. Một vị khách quen và một “madame chủ quán”. Anh lái xe có lý tưởng
chứ: anh là con nhà nông dân - là một người áo đỏ, những người luôn cảm thấy
phải chịu bất công trước phe áo vàng, những nhà tư sản Bangkok. Nhưng anh thậm
chí không muốn nói to trong quán của bà. Anh đã đi vòng vèo mấy con phố để đưa
khách đến đây, nơi madame áo vàng chủ quán.
Cứ mỗi lần chứng kiến một cuộc tranh luận trên mạng là tôi lại nhớ
đến người lái taxi hiền hiền ấy. Ở anh, có một sự phân biệt rất rõ ràng giữa
“quan điểm” và “nhân cách”. Anh có thể mặc bất kỳ màu áo nào, nhưng đó chỉ là
quan điểm chính trị của anh. Và madame chủ quán, tôi tin, cũng biết anh là áo
đỏ. Họ đã cư xử với nhau không dựa trên sự đồng nhất hay khác biệt về quan điểm
chính trị. Những người mang quan điểm đối lập không cần phải coi là kẻ thù.
Tất nhiên, không phải ai cũng mang được tinh thần ấy. Nhiều người
vẫn sẵn sàng đánh đồng “quan điểm” và “nhân cách”; sẵn sàng lăng mạ cá nhân
những người nêu quan điểm khác biệt.
Tôi biết những cây viết đã chìm trong cơn trầm cảm trước cuộc “ném
đá” của dư luận sau bài của họ. Một vị tiến sĩ tôi quen được gọi là “thần kinh
lảm nhảm” sau khi nêu quan điểm về sự khác biệt giữa xã hội phương Tây và Việt
Nam. Tôi nhìn thấy cả những bản “bêu tên” ai ủng hộ một cô ca sĩ đang bị nhiều
người ghét như là một danh sách kẻ thù...
Và tất nhiên, nhân thân của tôi cũng thường xuyên trở thành đề tài
sỉ vả trên mạng sau các bài viết không phù hợp quan điểm của nhiều người.
Nếu “mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn là tiền đề của phát triển” -
như Marx nói - thì chúng ta đang làm ngược lại, là tạo ra thêm mâu thuẫn (về cá
nhân) bên cạnh mâu thuẫn quan điểm. Ở Bà Rịa - Vũng Tàu, cách đây không lâu có
một người bị giết sau một cuộc tranh cãi rằng con bò trên lon nước bò húc là
đực hay cái. Có thể ma men đã làm việc đó, hoặc có thể đó là biểu hiện đỉnh
điểm của một văn hoá coi chính kiến đối lập là kẻ thù.
Người ta có thể thù ghét nhau vì quan điểm. Nhưng người ta cũng có
thể chọn sống như người lái xe tôi đã gặp ở Bangkok, phân biệt rõ quan điểm và
con người.
Đức Hoàng
----------------------------------------
----------------------------------------
nguon http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/chinh-kien-bat-dong-3400184.html
Đọc thêm: Kinh Khủng Khiếp.
Đọc thêm: Kinh Khủng Khiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét