Việt Nam có thể sử dụng không cảng và
hải cảng chiến lược, như Cam Ranh, làm kho dự trữ và nơi cung cấp hậu cần, neo
đậu và sửa chữa, bảo trì cho các tàu thuyền quốc tế đi qua tuyến hàng hải từ
Biển Đông sang Ấn Độ Dương và ngược lại.
Đa phương hóa việc xử lý chèn ép lãnh thổ
Trong cuộc chơi chèn
ép song phương đã mô tả ở trên, điểm mạnh của Việt Nam/Philippines là công luận
quốc tế đứng về phía mình.
Tính phiêu lưu trong
chiến lược chèn ép của Trung Quốc là nó ngày một đẩy Mỹ và các đồng minh của Mỹ
là Nhật Bản, Tây Âu, bao gồm cả Úc, và cả Ấn Độ, vào thế phải đối đầu với Trung
Quốc trong một cuộc cạnh tranh về tự do hàng hải. Cụ thể, xung đột trong tương
lai về quyền tự do lưu thông và an ninh hàng hải ở Tây Thái bình dương, mà nó
có thể lan sang Ấn Độ dương, một khi Việt Nam/Philippines và các nước
trong khu vực bị mất dần chủ quyền và rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc.
Như vậy, song song với
cuộc chơi chèn ép các nước nhỏ, Trung Quốc tiến hành một cuộc chơi khác, giành
thế và lực trong cuộc cạnh tranh hay đối đầu trong tương lai về trật tự khu vực
với Mỹ, Nhật, Úc và cả Ấn Độ. Xét ở thời điểm hiện tại, hai cuộc chơi này không
phải là không liên đới nhau.
Cụ thể là, trước sự
chèn ép của Trung Quốc, việc gia nhập vào khối các quốc gia, liên kết với nhau
ngày càng mạnh hơn về thể chế tổ chức, trao đổi thương mại, và gìn giữ an ninh
khu vực, tự nó sẽ cho phép Việt Nam/Philippines bảo vệ chủ quyền của mình hữu
hiệu hơn. Một khi khả năng tự chủ của Việt Nam/Philippines về thể chế tổ chức,
kinh tế, và an ninh, tăng lên, thì sẽ làm tăng khả năng “tái cân bằng”
(rebalance) ảnh hưởng địa chính trị giữa các cường quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Tức là làm tăng khả năng đối thoại và hợp tác trong cuộc chơi thứ hai, nhằm bảo
vệ trật tự hiện hữu tại khu vực.
|
Căn cứ quân sự Cam
Ranh có vị trí chiến lược bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông. Ảnh: Tiền phong
|
Phân
tích trên đây cho thấy, cuộc chơi chèn ép chủ quyền song phương mà Trung Quốc
tiến hành với nước nhỏ hơn trong vùng đã thay đổi về bản chất. Bây giờ, nó bị
kết nối với cuộc chơi khác, nhằm xác định trật tự hàng hải giữa Trung Quốc và
Mỹ. Cuộc chơi thứ hai không đơn thuần là sự đối đầu trực diện giữa hai siêu
cường. Nó được lồng trong việc hình thành khối các quốc gia liên kết về nhiều
mặt trong quan hệ quốc tế, chẳng hạn như việc ký kết TPP, nhằm đối trọng lại
với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á, mà tranh
chấp Biển Đông là tâm điểm.
Để hiểu những kết cục
gì có thể xảy ra trong tương lai, chúng ta hãy hiện thực hóa hơn nữa cuộc chơi
chèn ép song phương, mô tả ở Sơ đồ 1, bằng việc đưa thêm vào sự lựa chọn của
Việt Nam (hoặc Philippines) tham gia vào khối hợp tác giữa các quốc gia, như hợp
tác TPP.
Cuộc chơi trong Sơ đồ
2 khác với cuộc chơi chèn ép song phương, mô tả ở Sơ đồ 1, ở chỗ Việt Nam có
thêm sự lựa chọn tham dự vào quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực với một khối
các quốc gia. Để cho cụ thể, ta hãy lấy triển vọng ký kết TPP làm ví dụ.
Chúng ta đơn giản hóa
những chi tiết không cần thiết và giả sử rằng, TPP chỉ bao gồm Việt Nam và Mỹ.
Sau khi Việt Nam xin gia nhập TPP, thì Mỹ và Việt Nam sẽ cùng tham dự một cuộc
chơi phối hợp, xác định tương lai của TPP. Một triển vọng lạc quan là, Mỹ và
Việt Nam sẽ cam kết thúc đẩy các thay đổi về thể chế kinh tế. Chẳng hạn như
việc chấm dứt trợ cấp các doanh nghiệp Nhà nước.
Quan trọng hơn, đó là
việc du nhập dần các thể chế quản trị tiến bộ từ các nền kinh tế thị trường
hiện đại vào xã hội truyền thống ở Việt Nam. Nhờ vậy, năng suất lao động và
suất sinh lời của vốn tăng lên. Tức là làm tăng khả năng thu hút vốn FDI; cũng
như tạo ra dòng lao động có chất lượng cao chảy vào Việt Nam[4]. Hệ quả là có
sự gia tăng giao dịch thương mại hai chiều và tăng trưởng kinh tế bền vững của
cả hai quốc gia. Điều này đã diễn ra trong quan hệ song phương giữa Mỹ với
Singapore; Hong Kong, Đài loan, hoặc Hàn Quốc, trong thập niên 1960-70.
Và quan hệ hợp tác đó tiếp tục phát triển cho tới ngày nay.
Trong triển vọng trung
và dài hạn, sự gia tăng sức mạnh kinh tế – thương mại của toàn khối sẽ cho phép
tái cân bằng lại ảnh hưởng của các cường quốc tại Châu Á – Thái bình Dương,
trước một Trung Quốc đang lên. Trong bối cảnh như vậy, Mỹ sẽ có lợi ích lớn hơn
(và tổn phí ít hơn) trong việc “cam kết” bảo vệ trật tự khu vực và tự do hàng
hải tại Biển Đông, mà nó là điều kiện cần thiết cho tự do thương mại trong toàn
khối TPP.
|
Sơ đồ 2: Cuộc chơi
chèn ép chủ quyền khi kết nối với cuộc chơi xác định trật tự hàng hải [5]
|
Để cho cụ thể, ta xem
rằng, nếu Trung Quốc “tôn trọng thỏa ước”, bao gồm cả UNCLOS, thì Mỹ sẽ
được lợi 4 điểm. Ngược lại, nếu Trung Quốc muốn “xác định lại” bản đồ khu
vực, nhưng Mỹ giữ “cam kết” bảo vệ trật tự hiện hữu, thì Mỹ vẫn được lợi
ròng là 1 điểm. Với điều kiện là TPP được làm cho có hiệu lực.
Về phía mình, Trung
Quốc cũng sẽ thấy có lợi hơn trong việc “tôn trọng thỏa ước”, vì nó thúc đẩy
giao thương quốc tế và có lợi cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (được 1
điểm). Lựa chọn đó rõ ràng là tốt hơn việc “xác định lại” bản đồ khu vực, vì
Trung Quốc sẽ vấp phải cam kết của Mỹ và các quốc gia khác trong việc duy trì
công ước quốc tế về biển, UNCLOS. Trong đó có quy định về vùng đặc quyền kinh
tế của từng quốc gia, và quyền tự do hàng hải quốc tế (mất 1 điểm).
Như vậy, khả năng cam
kết duy trì trật tự khu vực được làm cho có hiệu lực. Điều đó bao hàm rằng,
thay vì bị chèn ép song phương, Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ hợp tác đa phương TPP
(được 1 điểm). Nhìn thấy triển vọng đó, Việt Nam sẽ tham gia TPP và cam kết cải
cách thể chế kinh tế. Chuyến thăm lịch sử của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang
Mỹ đã đánh dấu sự khởi đầu của một tiến trình như vậy.
Nhưng một cách thực
tế, chúng ta phải nhìn nhận một khả năng khác, là sau khi Việt Nam gia nhập
TPP, cuộc chơi phối hợp giữa Việt Nam và Mỹ đem lại kết cục tồi: sự khác biệt
về thể chế tổ chức, khoảng cách về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh
giữa hai nền kinh tế ngày càng mở rộng. TPP vẫn chỉ là sân chơi của các quốc
gia đã phát triển nhất. Và sự thay đổi về thể chế, theo hướng thúc đẩy tiến bộ
về kinh tế và xã hội ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bị dậm chân
tại chỗ hoặc bị đảo lộn.
Trước một Trung Quốc
đang lên, và sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất trong vòng một thập kỷ tới, thì
các nước nhỏ ở vùng ngoại vi, bao gồm cả Việt Nam, sẽ rơi vào quỹ đạo của Trung
Quốc. Và chiến lược “tái cân bằng” của Mỹ sẽ bị suy yếu nghiêm trọng; hoặc có
nguy cơ bị phá sản. Mỹ sẽ đứng trước một triển vọng là có lợi ích ít hơn nhiều
(và tổn phí cao hơn nhiều) trong việc “cam kết” bảo vệ trật tự khu vực, bao hàm
cả việc duy trì công ước quốc tế về luật Biển (UNCLOS) tại khu vực có tranh
chấp là Biển Đông. Trong khi đó, hiệp định tự do thương mại giữa Trung Quốc với
ASEAN, hoặc với Hàn Quốc và Nhật Bản, có thể phát huy ảnh hưởng, làm yếu liên
kết TPP. Trung Quốc khi đó sẽ trở nên quyết đoán hơn trong tranh chấp trên Biển
Đông.
Như vậy, có sự thay
đổi về kỳ vọng được - mất trong chiến lược của cả Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể là,
nếu Mỹ tiếp tục giữ “cam kết”, thì tổn thất có thể sẽ lớn hơn, so với việc Mỹ
“thỏa hiệp” với Trung Quốc, một khi Trung Quốc quả quyết hơn trong việc khẳng
định chủ quyền đơn phương tại Biển Đông. Ngược lại, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất
nhiều hơn, nếu không nắm quyền kiểm soát tuyến đường hàng hải huyết mạch. Vì nó
đảm bảo cho thương mại của Trung Quốc với Châu Á và phần còn lại của Thế giới
không bị làm chao đảo bởi tranh chấp, dẫn đến xung đột trên biển.
Nói khác đi, Trung
Quốc có chiến lược trội (dominant strategy) là “xác định lại” trật tự khu vực.
Trong khi Mỹ sẽ phải chịu tổn phí cao hơn nếu giữ “cam kết”, hơn là “thỏa
hiệp”. Vì vậy, Mỹ sẽ nghiêng về phía “thỏa hiệp”. (Xem sơ đồ 3, phần phụ
lục).
Kết cục này giống như
nhánh cuối, về bên phải ở Sơ đồ 2. Nó thể hiện việc Trung Quốc sẽ lựa chọn “xác
định lại” trật tự khu vực (được 3 điểm), hơn là “tôn trọng thỏa ước”. Rõ ràng
rằng, Trung Quốc được lợi hơn nhiều, một khi “cam kết” tái cân bằng của Mỹ tại
Châu Á – Thái bình Dương không được làm cho có hiệu lực. Và Mỹ sẽ bị thiệt (mất
L điểm); nhưng tổn thất đó vẫn ít hơn, so với trường hợp không chấp nhận “thỏa
hiệp” với Trung Quốc. Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhất trong trường hợp này (-K
điểm, và K là một số rất lớn), vì bị bỏ rơi bởi hầu hết các nước lớn trên bàn
cờ địa chính trị trong khu vực.
Như vậy, cuộc chơi
phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam, sau khi Hà Nội gia nhập TPP, mang tính quyết
định.
Nếu sự phối hợp giữa
Mỹ và Việt Nam trong việc cải cách thể chế có bước tiến triển rõ ràng, thì có
sự gia tăng quan hệ thương mại hai chiều. Điều đó làm thu hẹp dần sự khác biệt
giữa hai quốc gia, như trong quan hệ giữa Mỹ với bốn con rồng Châu Á. Khi đó,
tất cả các bên liên quan, kể cả Trung Quốc, sẽ có lợi trong việc hợp tác nhằm
duy trì ổn định khu vực và phát triển thương mại. Vì vậy, tranh chấp khu vực sẽ
có chiều hướng được giải quyết thông qua đàm phán hòa bình.
Ngược lại, nếu sự phối
hợp giữa Mỹ và Việt Nam bị thất bại, thì điều đó làm tăng khả năng xảy ra tranh
chấp nóng hơn trên Biển Đông, mà Mỹ sẽ ít bị thiệt hơn, nếu thỏa thuận với
Trung Quốc trong việc “chia sẻ lại” vùng ảnh hưởng.
Dù gì đi nữa, sự thất
bại trong chiến lược tái cân bằng vẫn sẽ là một tổn thất mang tính chiến lược
dài hạn. Nếu tổn thất do suy giảm ảnh hưởng địa chính trị tại Châu Á đối với Mỹ
(-L) là rất lớn, thì “cam kết” tái cân bằng của Mỹ cần phải làm cho có hiệu
lực. Điều đó bao hàm rằng, trong cuộc chơi phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam, phía
Mỹ cần có một sự cẩn trọng trong thiết kế chính sách hỗ trợ cải cách thể chế
tại Việt Nam.
Vấn đề là, thể chế là
một dạng vốn (capital). Và cũng như mọi dạng vốn, sự thay đổi thể chế chỉ có
thể diễn ra từ từ (Arrow, 1994). Do vậy, cải cách ở Việt Nam cần có lộ trình và
mục tiêu rõ ràng, nhằm tăng khả năng cam kết đổi mới thể chế (Dixit, Nalebuff,
1992). Nhờ đó, Việt Nam sẽ từng bước hiện đại hóa nền kinh tế trong khuôn khổ
hợp tác TPP. Điều đó sẽ đóng góp vào việc tái cân bằng ảnh hưởng địa chính trị
giữa Mỹ, Nhật Bản và cả Ấn Độ, đối với Trung Quốc tại Châu Á.
Nói khác đi, cuộc chơi
phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam là một quá trình phối hợp dài hạn (repeated game).
Đó không phải là một cuộc chơi ngắn hạn (one-shot game), mà chỉ cần đội cái
mark là thành viên TPP thì sự thần kỳ về kinh tế sẽ đến ngay, như nhiều người ở
Việt Nam nghĩ, hay kỳ vọng.
Quan trọng hơn, việc
cho rằng TPP sẽ đem lại cái lợi chóng vánh, mà không cần phải nỗ lực hiện đại
hóa về tổ chức nhằm du nhập tiến bộ công nghệ, thì sẽ chỉ làm tăng hơn nữa khả
năng rằng, kết cục tồi sẽ xảy ra. Sẽ không có một sự chuyển mình thần kỳ, mà
thay vào đó là sự thụt lùi về thể chế và kinh tế. Hoặc tiến trình hiện đại hóa,
công nghiệp hóa bị làm cho đảo lộn. (Xem chứng minh ở phần phụ lục).
Như vậy, làm cho mọi
người hiểu rằng, TPP là một tiến trình hợp tác dài hạn, nhằm đem lại ổn định và
thịnh vượng cho khu vực, là làm tăng khả năng đạt được kết cục tốt cho mọi
thành viên trong khu vực, kể cả Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Và việc tạo ra một
ảo tưởng về sự thay đổi chóng vánh có tính thần kỳ, sau đàm phán TPP, thì sẽ
chỉ làm tăng khả năng đưa đến kết cục ngược lại: sự phá sản của chiến lược tái
cân bằng của Mỹ. Và Việt Nam có thể bị bỏ rơi trong cuộc chia lại quyền ảnh
hưởng địa chính trị và kinh tế giữa các nước lớn tại khu vực.
Không có “gậy thần” nhưng Việt Nam còn có Cam
Ranh
|
Ảnh minh họa: Kienthuc.net
|
TPP không phải là một
“cây gậy thần”, chỉ cần dựa vào đó, mà không cần phải có nỗ lực gì cả. Và TPP
cũng không phải là cái ô bảo hộ của một nước lớn giành cho Việt Nam, trước sự
chèn ép của một nước thứ ba. Việt Nam phải chủ động làm tăng khả năng phối hợp
với các quốc gia đã phát triển ở lĩnh vực, mà mình có lợi thế so sánh lớn nhất.
Xét trên quan điểm địa lý trong thương mại quốc tế, lợi thế lớn nhất của Việt
Nam không phải là lao động rẻ, mà chính là vị trí quan trọng của nó trong việc
duy trì ổn định và làm tăng hiệu quả của luồng vận tải thương mại qua Biển
Đông.
Như vậy, sự phối hợp
có thể bắt đầu bằng việc tận dụng lợi thế tuyệt đối về vị trí địa lý nhằm khai
thác nguồn tài nguyên biển. Không đơn giản chỉ là dầu khí hay hải sản. Như đã
gợi ý, quan trọng hơn rất nhiều, đó là đường hàng hải chiến lược qua Biển Đông,
với hơn 1/3 giá trị thương mại toàn cầu đi qua đó.
Tiềm năng phát triển
kinh tế và vị thế địa lý chiến lược của Việt Nam có thể tạo ra sự bổ trợ lẫn
nhau, cho phép Việt Nam tham dự ngày càng nhiều hơn vào việc khai thác nguồn
tài nguyên khổng lồ và ngày một tăng này[6]. Việt Nam có thể sử dụng không cảng
và hải cảng chiến lược, như Cam Ranh, làm kho dự trữ và nơi cung cấp hậu cần,
neo đậu và sửa chữa, bảo trì cho các tàu thuyền quốc tế đi qua tuyến hàng hải
từ Biển Đông sang Ấn Độ Dương và ngược lại.
Các dịch vụ logistic
đó cho phép tăng tính an toàn và hiệu quả, hay giảm chi phí và rủi ro trong vận
chuyển trên không và trên biển. Vì vậy, nó làm tăng sự đóng góp của Việt Nam
vào giá trị thương mại của đường vận chuyển quốc tế dọc theo Biển Đông. Ở đây
có sự ghép nối giữa lợi ích thương mại và bảo đảm an ninh đa phương, mà các bên
liên quan đều hưởng lợi. Do đó, giá trị của sự phối hợp là rất lớn.
Từ các điểm nút chiến
lược ven biển, như Cam Ranh, sự bùng nổ về giao dịch, vận chuyển quốc tế, sẽ
cho phép các dòng vốn, công nghệ, và các phương thức tổ chức hiệu quả lan
truyền vào Việt Nam. (Điều mà đã diễn ra tại Singapore vào thập kỷ 1960 -70 ở
thế kỷ trước). Các nguồn lực này sẽ tạo nên sự tăng trưởng dựa trên đổi mới tổ
chức và sáng tạo (hay vốn tri thức); kéo theo sự hoà nhập mạnh của Việt Nam vào
chuỗi thương mại toàn cầu, thông qua hợp tác TPP.
Dẫu rằng TPP không
xuất hiện vào ngày mai. Nhưng một tiến trình hợp tác như vậy có thể bắt đầu từ
ngày hôm nay. Sự hợp tác đó có thể làm thay đổi các tính toán về nước cờ địa
chính trị của các nước lớn, theo hướng có lợi cho tiến trình hiện đại hóa Việt
Nam. Nói rõ hơn, việc khai thác lợi thế về thông thương và tăng cường giao dịch
quốc tế chính là làm tăng giá trị kinh tế của chủ quyền và sức mạnh bảo vệ chủ
quyền của Việt Nam.
Sáng 8/3, tại Căn cứ
quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân tổ chức lễ khai trương Cảng Quốc tế Cam
Ranh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Trương Tấn
Sang nhấn mạnh, dự án xây dựng Cảng biển Quốc tế Cam Ranh mới hoàn thành giai
đoạn I, cần khẩn trương tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện giai
đoạn hai của dự án, đạt được yêu cầu cả về tiến độ và chất lượng để Cảng biển
Quốc tế Cam Ranh phải là một cơ sở hậu cần hiện đại, có uy tín, sánh ngang
với các hải cảng lớn trên thế giới và đến hàng thế kỷ sau vẫn không bị lạc
hậu. Hai là, khẩn trương đưa các công trình đã hoàn thành vào khai thác sử
dụng có hiệu quả.
Căn cứ quân sự Cam Ranh có vị trí chiến lược
bao quát toàn bộ khu vực Biển Đông, là vị trí tiếp cận gần nhất các tuyến
hàng hải quốc tế và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các khu vực dầu
khí tại thềm lục địa phía Đông - Nam Việt Nam.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và
Chính phủ về sử dụng Căn cứ quân sự Cam Ranh phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và
phát triển kinh tế, Cty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh (TCP Cam Ranh) được
thành lập vào tháng 7/2014, với vốn điều lệ 2000 tỷ đồng, trong đó Tổng Cty
Tân Cảng Sài Gòn (SNP) góp 1500 tỷ đồng (chiếm 75%) và Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam góp 500 tỷ đồng (chiếm 25%).
Ngày 13/9/2014, Bộ quốc phòng có Quyết định
số 3610/QĐ-BQP phê duyệt dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án đầu tư xây
dựng Khu dịch vụ hàng hải và cung ứng tàu biển, giai đoạn 1 của Dự án đầu tư
Khu dịch vụ hàng hải; sữa chữa, đóng mới tàu biển và công trình dầu khí biển
tại Căn cứ quân sự Cam Ranh với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, trong
đó có Cảng quốc tế Cam Ranh.
Theo Tiền Phong
|
Lê Hồng Nhật
Tác giả Lê Hồng Nhật tốt nghiệp Tiến Sĩ kinh
tế học tại Đại học Stanford (Mỹ), hiện công tác tại Đại học Kinh tế – Luật,
ĐHQG HCM và là nghiên cứu viên không thường trú (Non-Resident Senior Fellow)
tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn Tp.HCM.
Bài nghiên cứu được xuất bản lần đầu tại Trung
tâm Nghiên cứu Quốc tế, ĐH KHXH&NV TPHCM.
Tuần Việt Nam đăng tải lại theo chương trình
hợp tác với chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (Nghiencuuquocte.org)
Tiêu đề do Tuần Việt Nam đặt lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét