Translate

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

ĐIỂM TIN ngày 17/2

Kết quả hình ảnh cho TT Nguyễn quốc Thước
>   Đồng đội ơi, về đến Tổ quốc rồi!
>  Đâu là nguyên nhân cuộc chiến Việt-Trung tháng hai năm 1979 ?
.
Có những cuộc chiến tranh diễn ra hàng nghìn năm về trước vẫn còn được nhắc đến, tôn vinh, vậy thì tại sao cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 bị quên lãng?
1.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X bày tỏ quan điểm: “Bức tranh lịch sử không thể bị khuyết chỉ vì một lý do nào đó. Máu xương của những người đã hi sinh không thể đổ xuống một cách vô danh như thế được. Có những cuộc chiến tranh diễn ra hàng nghìn năm về trước vẫn còn được nhắc đến, tôn vinh, vậy thì tại sao cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 bị quên lãng? 
Nếu chúng ta không tôn vinh, không tri ân những người đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc năm 1979 là có tội với họ”.
Nghĩa trang biên giới Vị Xuyên - Hà Giang.
“Việc lãng quên họ chính là một sự thiếu sót lớn và rất đáng trách. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến biên giới năm xưa. Họ nằm dưới mộ sâu có yên không? Gia đình, vợ con, bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng, nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc nhưng tôi khẳng định, nói như vậy là ngụy biện”.
“Ngành giáo dục nên kiến nghị đưa sự kiện này vào sách giáo khoa lịch sử. Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh tiểu học, trung học, thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này…
Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không”.
Nhân dân Hà Nội mít tinh mừng chiến thắng quân Trung Quốc xâm lược (ảnh tư liệu)
2.
Thiếu tướng – Anh hùng LLVTND Lê Mã Lương (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam): “Chứng kiến sự hung hăng, tàn độc của quân xâm lược Trung Quốc khi chúng ào ạt tiến vào biên giới nước ta cùng vô vàn súng đạn, vũ khí xe tăng rồi ra sức sát hại đồng bào ta ở 6 tỉnh biên giới vào thời điểm năm 1979 mà trong lòng anh em bộ đội chúng tôi sôi sục căm hờn. Ai cũng mong muốn nhanh chóng tiêu diệt địch để giữ vững bờ cõi biên cương này. Chiến tranh xảy ra là điều ta không mong muốn vì gây thiệt hại cho cả hai bên, nhưng cuối cùng Trung Quốc đã phải cho rút quân và ta cũng đã thể hiện thiện chí hòa hiếu với nước láng giềng này”...
“Cuộc chiến tranh tháng 2/1979 cũng nằm trong chuỗi sự kiện của lịch sử. Lịch sử thì vốn dĩ rất công bằng, phải trả lại sự công bằng vốn có của lịch sử. Thời gian trước năm 2014, dường như rất ít các phương tiện thông tin hay sách báo nói sâu và kỹ về sự kiện này.
Nhưng mấy năm gần đây, tình hình có nhiều thay đổi nên chăng, chúng ta cũng cần nhìn nhận lại cuộc chiến này bằng con mắt khách quan và đầy đủ hơn. Không tô vẽ cũng không xóa nhòa, chỉ cần làm sáng tỏ cho đúng tính chất của nó thế là đủ”.
“Tại sao chúng ta lại không tuyên truyền một cách mạnh mẽ, để cho xứng tầm với một cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới phía Bắc? Sự hy sinh của các chiến sỹ dù là ở thời đại nào cũng đều đáng trân trọng và tri ân, miễn sao sự hy sinh đó là vì Tổ quốc này.
Đã đến lúc chúng ta cần phải tôn vinh một cách đầy đủ, chính trực và đàng hoàng với các liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc chiến này. Cần đưa nội dung này vào trong chương trình giáo dục một cách đầy đủ. Lịch sử cần trở lại với lịch sử và trả lại những giá trị vốn có của nó”.
3.
Cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua” là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao nước CNXHCN Việt Nam được công bố ngày 4/10/1979, không chỉ nêu rõ về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đầu năm 1974 để từng bước kiểm soát Biển Đông, khống chế Việt Nam và toàn bộ Đông Nam Á, khai thác tài nguyên phong phú ở vùng biển Đông, mà còn “vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài” (chú dẫn của NXB Sự thật, tháng 10/1979).

Mao Trạch Đông còn khẳng định trong cuộc họp của Bộ Chính trị Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8/1965: "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore... Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản... xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy... Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh cua chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô - Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây".
Ý đồ bành trướng của Trung Quốc đặc biệt lộ rõ ở câu nói của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc hội đàm với đại biểu Đảng Lao động Việt Nam ở Vũ Hán năm 1963: "Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á"!
4. 
Bà Khương Thị Chu (mẹ anh hùng Lê Đình Chinh) mỏi mòn đợi con sau 35 năm ngày anh Chinh hi sinh - Ảnh: Ngọc Minh - Thanh Nien
Nhà báo Quốc Phong: 
Không lẽ người cầm súng đánh Pháp, đánh Mỹ thì được suy tôn, còn người đánh kẻ đến nước ta tàn phá, giết chóc tàn bạo nơi biên giới phía Bắc năm xưa lại cứ ngậm ngùi mãi vậy sao? Các thế hệ con cháu  sau này họ sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay?
Ấy vậy mà suốt mấy chục năm qua, cả người đã mất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc lẫn người thân của họ còn sống và cả những cựu chiến binh, cứ mỗi năm vào ngày này, lại thêm một lần ngậm ngùi vì họ không được suy tôn. Không lẽ người cầm súng đánh Pháp, đánh Mỹ thì được suy tôn, còn người đánh kẻ đến nước ta tàn phá, giết chóc tàn bạo  nơi biên giới phía Bắc năm xưa lại cứ ngậm ngùi mãi vậy sao? Các thế hệ con cháu  sau này họ sẽ nghĩ gì về chúng ta hôm nay?
Tôi cũng thấy ấm lòng sau nhiều năm im ắng, khi năm ngoái, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đã có cuộc tiếp xúc với cựu chiến binh Sư đoàn 313, 314, Quân khu 2, đơn vị đã hy sinh cả ngàn người ở Vị Xuyên, Hà Giang trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc nhiều năm trời (1984-1988) vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ để tri ân họ.
5.
Ông Thùng Văn Bơn kể lại chuyện đấu tranh giữ từng tấc suối của nhân dân bản Pa Nậm Cúm với trung tá Nguyễn Đức Hùng, chính trị viên đồn biên phòng Ma Lù Thàng - Ảnh: V.Dũng
“Rạng sáng 17-2-1979, Trung Quốc bất ngờ đưa quân tràn qua biên giới, đồng loạt tấn công sáu tỉnh biên giới lãnh thổ Việt Nam từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh) với chiều dài 1.200km”, đấy là dòng chữ mở đầu cho những trang sử viết về cuộc chiến tranh biên giới.
Pa Nậm Cúm chính là đây, nơi có đồn công an vũ trang 33 (nay là đồn biên phòng Ma Lù Thàng).
Cuộc chiến ở đồn 33 vào sáng 17-2-1979 ấy cũng khốc liệt như bao nhiêu đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung thuở ấy, những Pò Hèn, A Mú Sung, Leng Su Sìn, Sì Sờ Lầu... những đồn biên phòng dọc dài trên biên giới chúng tôi đã đi qua.
Đồn nào cũng có một nhà bia ngay trong khuôn viên đồn hay bên cạnh đấy, khắc tên những liệt sĩ đã ngã xuống trên trận tuyến biên giới phía Bắc.
Ở đồn Ma Lù Thàng cũng thế. Ngay cạnh đồn là một nhà bia khang trang xây trên mái đồi, khắc tên tuổi, quê quán của 26 liệt sĩ của đồn, hầu hết hi sinh vào ngày 17-2-1979, trong đó có tên anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Nguyễn Văn Hiền của đồn biên phòng 33.
Những liệt sĩ hi sinh ở điểm đầu tiên trên phòng tuyến biên giới mùa xuân năm ấy hầu hết sinh năm 1960, 1961, nghĩa là khi ngã xuống vào mùa xuân 1979 các anh chỉ mới 18, 19 tuổi!
6.
.
Chủ tịch nước và đoàn công tác cùng đại diện lãnh đạo ban ngành của tỉnh đã tới dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn, bày tỏ lòng biết ơn và tri ân các liệt sĩ đã hy sinh qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc giành độc lập, tự do và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chủ tịch nước cũng đã tới thăm, tặng quà các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại cửa khẩu Hữu nghị và thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Hữu nghị.
7.
Theo cảnh sát, hơn 5.200 người đã xuống đường, yêu cầu không thừa nhận quy chế nền kinh tế thị trường của Trung Quốc - quy chế được xem là một rào cản đáng kể đối với các nước trong việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn sản phẩm thép giá rẻ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tại châu Âu. Các tập đoàn sản xuất thép châu Âu cáo buộc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu trái phép và bán phá giá, dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành sản xuất thép của EU.
8.
.
Ông Lù Văn Que cho rằng “dự kiến có 35 người ngoài đảng thì ít quá, họp Quốc hội đâu phải hội nghị
đảng viên mở rộng, trong khi chúng ta có nhiều người ngoài đảng ưu tú. Tôi thấy tăng lên 100 người cũng được, chúng ta hoàn toàn chọn được người đủ tiêu chuẩn. Cơ cấu trong đảng - ngoài đảng phải hợp lý, vì đảng ta có 4,5 triệu đảng viên thôi mà”.
Cảm nhận trên facebook:
*Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến:
Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến tưởng nhớ những người lính đã hy sinh anh dũng vì Tổ quốc Việt Nam ở mặt trận biên giới phía Bắc 17/2/1979 và năm 1984. Bài thơ đã in trên báo Thanh Niên và báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn VN).
TỔ QUỐC NƠI BIÊN THÙY
Mùa này 
Biên giới hoa sim
Tím quanh mộ chí 
Im lìm các anh
Những người lính trận vô danh
Hiến dâng đất nước 
Tuổi xanh của mình
Lặng thinh 
Không thể lặng thinh 
Trước bao xương máu 
Hy sinh giống nòi
Quên ư
Không lẽ quên rồi
Đường lên biên giới
Một trời hoa sim
Mầu hoa 
Chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá
Thắp nghìn nén hương
Mùa này
Biên giới
Đầy sương
Có ai trở lại chiến trường về thăm
Vị Xuyên
Phong Thổ
Đồng Đăng
Các anh ngã xuống
Trẻ măng thủa nào
Các anh
Nằm dọc chiến hào
Từng cây số máu
Trên cao nguyên này
Trong tầm lựu đạn ném tay
Trong khe ngắm
Của những cây súng thù
Hòa An mây núi âm u
Đường lên Bản Giốc
Mịt mù còn nghe
Các con dưới cỏ xanh rì
Chỉ thương tóc mẹ
Bạc về trắng đêm
Các con như cỏ hồn nhiên
Xanh thăm thẳm mọc
Dọc miền bao la
Ta là con của phù sa
Cha là đất nước
Mẹ là quê hương
Còn nghe máu thấm biên cương
Mây buồn Lũng Cú
Đêm trường Nam Quan
Ta là con của Việt Nam
Theo cha xuống biển
Tự ngàn năm xưa
Lên rừng
Thờ mẹ Âu Cơ
Đem xương máu
Dựng cõi bờ hôm nay

17-2-2013

*Nhà giáo ưu tú Lê Mai Thao:

   Nhớ những ngày này khi tiền anh trai và bây giờ là ông xã mình lên đường. Cả thị xã xốn xang trong niềm xúc động. Mấy bác hàng xóm cố níu anh trai lại để gửi cho một tập giấy viết thư và hộp cao sao vàng. Nhà văn hóa thị xã các thanh niên đang hát vang bài hát "Hãy cho tôi lên đường và Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới.".. Anh trai bạn mình viết một lá đơn bằng máu xin ra trận. Cả gia đình mình và bao người chạy theo chiếc xe chầm chậm trở các anh đi và khóc không thôi....Những năm chiến tranh biên giới không thể nào quên dù muốn quên. Và nơi đó anh con thím Hồng mình đã nằm lại trong trận Vị Xuyên. Bài thơ của cô giáo mình Cô Nguyễn Thị Mai viết về những ngày tháng đó tại Hòa Bình. Đọc lần nào cũng xúc động.
Thị xã ra quân
Thị xã mình sáng nay ra quân
Tháng Ba đang mùa hoa gạo đỏ
Những phố, đường đêm qua như chẳng ngủ
Thức dậy sớm hơn mọi ngày
Những nhà có con đi sáng nay
Lục tục đỏ đèn từ mờ đất
Hàng xóm hỏi nhau thân mật
- Phố mình sáng nay mấy đứa ra đi?
Không giống ông bà mình tiễn nhau xưa kia
Chỉ lặng im, bịn rịn…
Không giống mẹ tiễn cha thuở nào đi trận
Bâng khuâng, thèn lẹn, dặn dò…
Thị xã mình sáng nay tiễn đưa
Cái háo hức nhân lên, niềm vui chia để lại
Con trai con gái
Nghe họ cười, không đoán nổi ai đi…
Ngã ba phố mình thênh thang mọi khi
Sáng nay ứ dòng xe cộ
Sáng nay đò sang bến chợ
Nhường cho khách lên đường
Mậu dịch bách hóa mở sớm hơn ngày thường
Đông con gái vào mua bút, sổ
Chị bưu điện luôn tay, lòng cởi mở
Trao tập phong bì và những con tem
Thị xã rộn lên
Chẳng ai biết tiếng loa nhắc gì trong hội trường nhà văn hóa
Cứ nghe rôm rả
Chuyện quân ta chống trả giặc thế nào
Đêm qua đài đưa tin biên giới rất lâu
Từ hôm tổng động viên bao nhiêu lá đơn gửi về Thị ủy…
Biên giới trở thành thiêng liêng trong suy nghĩ
Tiếng súng kéo khoảng trời gần hơn…
Chưa bao giờ máu gửi nhiều theo những lá đơn
Chưa buổi lên đường nào tình nguyện đông như vậy
Sông Đà tháng ba – mùa hoa gạo cháy
Đuốc non sông hừng hực lửa căm hờn
Tiễn những người con lên phía biên cương
Có tình thương trong gói cơm của mẹ
Có dáng tiễn đưa còng lưng của bà
Có cuốn sổ lưu niệm chật lời bè bạn
hẹn gặp cùng trên biên giới xa.
Và ra đi sáng nay tháng Ba
Có chàng trai bỗng đọc to bài Bình Ngô đại cáo
.
*Nhà báo Mai Thanh Hải:
Sau 3 năm dò hỏi ở nhiều địa phương, tôi đã gặp cô bé được bộ đội cứu sống trong những ngày đầu tiên, khi quân Trung Quốc tấn công xâm lược Cao Bằng và tôi, cô bé (giờ đã 40 tuổi) cầu mong cô bộ đội năm xưa vẫn còn sống, đọc được những dòng này, để có 1 cuộc hội ngộ, làm bớt đi nước mắt về ngày 17.2.1979...
*Nhà văn Hà Phạm Phú:

Chiến tranh biên giới Việt Nam- Trung Quốc 1979, với tư cách là phóng viên báo QĐND, tôi chủ yếu đi các mặt trận Lào Cai và Hà Giang. Ở Nhạc Sơn (Lào Cai), tôi đã chứng kiến những đồng đội tôi hi sinh, trên đường ra mặt trận tôi đã bắt gặp các em bé Mèo chạy tản cư giặc Trung Quốc. Bài thơ tôi Up lên đây, viết vào tháng hai năm 1979:
CHIẾC CỐI NƯỚC MƯỜNG KHƯƠNG
Nước đều đều rót xuống máng sâu
chày nhịp nhịp nện không vào cối
cô gái đem gạo giã ở đâu
tiếng chày khan nghe sao nhức nhối
chiếc cối không gạo, nhịp chày không
trưa vắng lặng chim kêu lạc giọng
anh trai Mèo ghìm ngựa đứng trông
bão giật lòng dâng muôn đợt sóng
chiếc cối không, nện nhịp chày không
ngực tức trái núi đè thắt nghẹt
chàng trai vụt thúc cho ngựa lồng
con đường dốc thốc trời tiếng thét
tiếng chày khan đuổi theo bên tai
giận muốn đạp đổi giòng nước chẩy
loạn dân bản chạy chẳng còn ai
ngôi nhà sàn ngút tàn tro cháy
tiếng chày khan tiếng cối kêu khan
bao cái bụng trẻ con cồn đói
hoa chuối rừng chát sít bữa ăn
người già chống đũa không nuốt nổi
tiếng chày khan giục vó ngựa dồn
đất đã gieo hạt cây phẫn uất
đôi mắt trai tràn ngập hoàng hôn
cây súng mở một đêm quyết liệt..
.
.
Lào Cai 1979
*Nhà báo Lê Bình:
Đã qua rồi những mơ mộng đời thường
Em trở về nhọc nhằn bước tiếp
Khoảnh khắc tĩnh tâm cho thêm mẫn tiệp
Thêm sự can trường vượt qua nỗi cô đơn
Em trở về với tính toán thiệt hơn
Nói không nói, cười
không cười, phải nghĩ
Trở về trong những lo toan vị kỷ
Những bon chen phố phường, những bài toán gạo cơm
Lãng quên dần những phút giận hờn
Nỗi nhớ cháy lòng và tình yêu sét đánh
Thu đã vuột đi, heo may chợt lạnh
Em ngác ngơ tìm hơi ấm đầu đông
* Hà Nguyễn Thanh:
Mẹ kể : khi mẹ sinh mình được 2 tháng thì bố bị tai nạn lao động, cả cái máy biến thế điện đè vào chân, dập hết 1 bên chân và bố phải vào viện. Bố nằm viện đến lúc mình biết đi bố mới về. Cả quãng thời gian đấy mẹ vừa chăm bố vừa chăm mình vì mình quá bé. Nghe mẹ kể lại mình chỉ khóc. Hôm vừa rồi lục nhật kí của bố mẹ mới thấy bài thơ này của bố khi nằm viện ( dù đã được nghe rất nhìu lần mẹ đọc ) mình vẫn khóc. Thương bố, thương mẹ và cả thương mình nữa 
Hồng Hà
Hai con của bố mến yêu
Nhớ con bố chẳng được về thăm con
Chẳng may bố bị đau chân
Cho nên bố phải xa con thế này
Bố đau mẹ đến hàng ngày
Kể chuyện con khoẻ, con ngoan bố mừng
Vân Hồng mỗi bận ra đường
Là con cứ chạy bố không vui lòng
Trông em con cứ hay tròng
Để em bé khóc bố thương Thanh Hà
Hà ơi 7 tháng đã qua
Nghe tin con đã bò choai khắp giường
Lớn lên con sẽ tinh thông
Rạng danh cùng chị Vân Hồng của con
Xa con bố nhắc luôn luôn
Các con ngoan - khoẻ bố cười, bố vui
Nay mai con biết làm người
Các con nhớ lấy những lời sắt son
" Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra "


*Nhà báo Nguyễn Thông:
Tôi chỉ biên ra cái này, chả bình luận gì, dễ mang tiếng.
Báo chí đang ồn lên chuyện giá cả chặt chém, nhất là ăn uống, giữ xe, đặc biệt xảy ra trên đường thiên lý bắc-nam, ở những khu du lịch, nơi hành hương cúng bái. Dân kêu như vạc. Lưỡi dao lam cắt cổ mà lại chả kêu.
Hầu hết mấy ngày tết này tôi ở Sài Gòn, chả đi đâu xa. Tôi thấy SG cũng tăng giá, nhưng hình như dân buôn bán ở đây không mua được lưỡi lam. Hôm mùng 6 tết, tôi có tí việc đi trên đường Lê Quang Định, Q.Bình Thạnh, đói bụng, ghé vào quán bún mắm (tôi quên tên rồi, nhưng quán này có đề cái bảng rõ to là không có chi nhánh). Điều thú vị nhất là chủ quán ghi trên tờ giấy A3 mấy chữ thật đậm “Ngày tết, quán xin phép quý khách được điều chỉnh tăng giá mỗi đơn vị món 5.000 đồng. Sau tết sẽ áp dụng giá cũ. Mong quý khách thông cảm”. Cạnh cái thông báo đó là bảng giá. Tôi thấy 1 tô bún mắm giá cũ là 50.000 đồng, giá mới bằng giấy ghi bên cạnh 55.000 đồng. 
Nói chung rất đàng hoàng. Đó là kinh doanh tử tế.
*Trưởng thôn Khoai Lang:
Sau những cơn mưa cát phẳng lỳ, in rất rõ những dấu chân bé thơ chạy trên mặt cát, in rất rõ những dấu chân bước loạng choạng run run của người già trên mặt cát, in rất rõ cả những bàn tay yêu chập vào nhau trên mặt cát, in rất rõ cả những dấu chân con nhông chạy kiếm ăn trên cát. Sau đó là nở xòe những thân nấm cát trắng muốt. Sau đó là những tiếng gió thổi vu vơ, thổi nhẹ mát trên những gợn sóng cát đã đẫm nước. Và hình như có một đôi dấu chân con gái con trai in đậm, xê dịch lúng túng, hồ hởi vồ vập nhau sau một gốc cây phi lao già.
Nguyễn Quang Vinh
............................................................................................

nguon: //infonet.vn/shop-tin-172-cuoc-chien-bien-gioi-viettrung-1979-lang-quen-la-co-toi-post191297.in
*

Không có nhận xét nào: