Translate

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

Về chuyện...Nửa cái bánh mì...

Ảnh của Truong Huy San.
VÀI TRANG "SÁCH TRẮNG"
Huy Đức
Tôi có thói quen chịu đựng các loại áp lực một mình, chỉ vài lần thông báo cho những người thân, như Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, khi trong những cuộc gặp gỡ, có sự dòm ngó của vài kẻ lạ.

Thường, những loại trang viết nặc danh trên mạng cho dù bịa đặt, vu khống liên quan đến mình như thế nào, tôi cũng không bao giờ phản ứng. Tuy nhiên, mấy hôm nay nhiều đồng nghiệp điện thoại yêu cầu tôi phải lên tiếng trước một bài viết của cái gọi là Câu Lạc Bộ Nhà Báo Trẻ, liên quan đến hai bài viết của tôi trên Facebook.
Tôi buộc phải "phá lệ".
Đó là hai bài báo: "Em Vợ Thủ Tướng & Siêu Lừa Dương Thanh Cường" và "Ai Bảo Kê Cho Trầm Bê". Cái gọi là "CLB Nhà Báo Trẻ" này cho rằng, đã có sự "phối hợp" giữa tôi với nhà báo Nguyễn Công Khế, nhà báo Doan Khac Xuyen và Luật sư Phan Trung Hoài trước khi viết các bài này để "phục vụ" cho "Minh Chủ".
Đó là một sự bịa đặt trắng trợn nhằm vu khống, bôi nhọ chúng tôi.
Sự thực, bài viết được bắt đầu như thế nào?
Ngày 21-10-2015, tôi đưa lên FB bài viết, "Bao Giờ Bằng Được Campuchia", nói về chuyện hai đứa con của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chưa hề có công trạng hay chứng minh được tài cán gì bỗng dưng một người trở thành Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, một người trở thành tỉnh ủy viên Bình Định.
Đặc biệt, Nguyễn Thanh Nghị - năm 2010, khi đang là Hiệu phó trường Kiến trúc, ứng cử thành ủy viên TP. HCM đã rớt thê thảm (chỉ được khoảng 20 phiếu trên tổng số gần 400 đại biểu), vài tháng sau đó lại trở thành ủy viên dự khuyết TƯ Đảng.
Ngày 27-10-2015, tôi được một sỹ quan An ninh mời đi cafe. Tôi nhận lời. 4:30 cùng ngày, tại quán cafe số 5 Hàn Thuyên, một sỹ quan cấp bậc trung tá cùng với một đại úy gặp tôi.
Vị trung tá nói với tôi: "Nguồn tin của chúng em từ Campuchia nói rằng, Hun Sen đọc bài anh thì rất thích nhưng đối lập của Hun Sen thì rất tức. Nguồn này nói thêm là đối lập Hun Sen sẽ cử người sang đây để thủ tiêu anh". Tôi cười bảo: "Nếu tôi bị thủ tiêu thì có thể sát thủ sẽ đi từ Campuchia qua nhưng tôi biết chắc chủ mưu sẽ không phải là Hun Sen hay đối lập của ông ấy".
"Thì chúng em có tin đó muốn báo anh đề phòng", vị trung tá nói rồi đi thẳng vào chủ đề chính: "Thôi, từ giờ tới đại hội anh đừng viết gì về Thủ tướng". Tôi hỏi ngay: "Thế các anh làm an ninh cho quốc gia hay làm an ninh cho Thủ tướng?"
Biết họ là lính dưới quyền tướng Trần Quốc Liêm, tôi nói tiếp: "Nếu các anh theo dõi phiên tòa xử Dương Thanh Cường, các anh sẽ thấy vai trò hết sức quan trọng của Tư Liêm. Là công an thì phải bảo vệ dân đừng để trở thành công cụ của những quan tham nhũng. Chính chúng ta rồi phải đóng thuế cho những khoản tiền vào túi của những quan tham nhũng ấy".
Vị trung tá vẫn rất bình tĩnh, nhắc tôi: "Dạo này linh cảm của em khá chính xác; em đang linh cảm thấy anh sắp gặp nạn; anh thấy không, lần trước em linh cảm thấy Bọ Lập bị bắt là y như rằng anh ấy bị bắt".
Tôi về, không để tâm nhiều tới những "linh cảm" ấy nhưng theo dõi các thông tin về vụ án Dương Thanh Cường kỹ hơn. Hôm ấy đã là ngày xét xử thứ 7, báo chí tường thuật về "đại án" này hết sức sơ sài; đặc biệt không có một dòng nào nói về Tư Liêm cả.
Hồ sơ vụ Dương Thanh Cường, tôi đã chuẩn bị từ năm 2010, anh em làm án từ hồi đó đã rất bất bình vì bị cản trở, hăm dọa. Nhiều nhà báo có hồ sơ này nhưng họ không có cách nào để đưa lên mặt báo chính thống.
Biết là nguy hiểm nhưng với tư cách một nhà báo tôi không chấp nhận để cho một chuyện tày trời như thế bị dìm trong bóng tối. Chiều 31-10, sau khi tòa tạm nghỉ chờ tuyên án, tôi viết bài "Em Vợ Thủ Tướng và Siêu Lừa Dương Thanh Cường".
Có thể những thông tin của tôi sẽ gây bất lợi cho người này và mang lại lợi thế cho ai đó. Nhưng, tôi chỉ viết ra, đứng tên, chịu trách nhiệm với tư cách một công dân và bổn phận của một nhà báo đi tìm sự thật.
Tôi không rõ các mối quan hệ của anh Nguyễn Công Khế thì thế nào, còn tôi, từ lâu đã không còn tiếp xúc với những nhà lãnh đạo đương chức, cao cấp. Lần tiếp xúc gần đây nhất là với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì cũng đã từ năm 2007.
Rất nhiều áp lực.
Ngày 16-11-2015, tôi được một người lạ báo tin, tôi "sắp bị bắt". Tối hôm đó tôi tranh thủ làm hồ sơ vụ Trầm Bê, lọc ra những vấn đề có tính bản chất nhất và có bằng chứng vững chắc, được nhiều nhà báo biết nhất. Tôi không muốn lại có thêm một vụ việc nữa bị "chìm xuồng" [vụ này thì tôi có nghề hơn anh Đoàn Khắc Xuyên nên chưa bao giờ phải nhờ anh ấy].
Sáng hôm sau, 17-11, tôi đi cafe như thường ngày. Để ý thì thấy "nguồn tin của quần chúng" rất có cơ sở. Sáng hôm đó, ở nhà xe đối diện thập thò một "thanh niên lạ". Tôi đi đâu là có 4 "thanh niên lạ" khác theo sau. 9:00, cafe xong, tôi dắt xe ngược chiều, để mấy cái đuôi lòi ra và chụp vài kiểu ảnh "làm kỷ niệm".
Cuối giờ sáng hôm đó, tôi post bài "Ai Bảo Kê Cho Trầm Bê". Tối hôm sau, tôi ra quán lai rai với bạn bè, khi về thì không còn thấy ai theo. Cũng kể từ đó không còn thấy "đuôi" chỉ liên tục bị tấn công trên mạng [các tài khoản email, FB bị hack không thành; hàng chục facebookers nặc danh nhảy vào rải hàng trăm cmts, chửi bới rất vô văn hóa].
Từ tháng 2-2009, kể từ khi bắt đầu thu thập thông tin cho bài "Chị Hai Thủ Tướng", tôi chịu rất nhiều áp lực. Tôi cũng không muốn nói hết ra đây.
Tôi cũng dẫn ở đây link cái bài báo bịa đặt rất điệu nghệ của "CLB Nhà Báo Trẻ" để các bạn đọc thấy sự trơ trẽn của những kẻ ném đá giấu tay này. http://www.nguyencongkhe.com/…/muu-hen-ke-ban-cua-nguyen-co…

Không có nhận xét nào: