Translate

Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

TỔ QUỐC

Nhà văn Thiếu Sơn

Đứng về phương diện khách quan thì Tổ quốc của người Việt nam chỉ là một dải đất từ Nam chí Bắc, có biển sông chạy dài, có núi cao điểm xuyết có sông lớn chảy ngang, có sông con đi dọc mà thôi. 

Nhưng đứng về địa vị chủ quan thì trên cái dải đất đó, mỗi người Việt Nam đều có gửi gắm cái linh hồn đặc biệt của mình, nhờ cái linh hồn đó sát nhập vào núi sông mà núi sông mới có nhiều ý nghĩa.


Thiếu Sơn (1908 - 1978) - Nhà văn, nhà báo, nhà phê bình văn học
Tổ quốc đối với ta khi còn nhỏ, trước hết chỉ châu tuần trong phạm vi một cái nhà, mà đồng bào lúc ấy, ta chỉ biết có cha mẹ, anh em và những thân gia quyến thuộc của ta mà thôi.

Ta yêu cái nhà đó thuần chỉ bằng tình cảm, hễ ai đem ta đi xa thì ta nhớ, mà hễ đem về gần thì ta vui, nhưng tịnh không biết vì đâu mà vui, mà nhớ cả.

Sau tới khi đã biết chạy nhảy, chơi đùa; biết nô giỡn cùng với những trẻ đồng hương, biết kết bạn với anh em trong xóm, thì cái bụi tre đầu lang, cái cây đa trước ngõ đối với ta cũng là quen biết và chịu cái cảm tình của ta.

Rồi theo thời gian mà lớn khôn, nhờ ăn học mà tư tưởng thì cái nhỡn giới của ta cũng càng ngày càng rộng mở, vượt qua được cái ngạch cửa trước nhà, cái bờ rãnh làng xóm mà quan niệm tới đất nước bao la và âu yếm đồng bào đồng chủng.

Ta nhờ có bài học của lịch sử mà biết tới cái quá khứ của Tổ quốc ta, cũng nước non này, cũng phong cảnh ấy, mà ông cha ta đã từng có sinh hoạt, có tư tưởng, có khi thái bình vô sự mà vịnh nguyệt ngâm phong, có khi xã tắc nguy vong mà máu đào dội đất.

Bởi thế nên cái tình ta đối với Tổ quốc có thể gồm được hết cả mọi mối thâm tình khác của ta. Yêu cha mẹ, mến anh em, thương bạn bè, xót vợ con... nhất thiết đều là những bài học dạy cho tâm hồn ta biết yêu mến, thương xót cái giang sơn Tổ quốc của ta vậy.

Nhà sử học J. Michelet có nói:
Những mối tình của ta đối với cá nhân, chỉ là những bực thang đầu cho linh hồn bước qua, mà trèo cao lên mãi để được tự biết mình, tự yêu mình trong một cái linh hồn thanh lương, cao khiết, vô lợi, vô tư, mà người ta gọi là Tổ quốc ".
Đến khi ta đã biết tới cái ái tình cao thượng đó, nghĩa là biết yêu mến giang sơn đất nước rồi, thì tự ta sẽ thấy phải yêu mến đồng bào nòi giống một cách thiết tha đằm thắm, tự để mình lên trên những mối nhân dục tư lợi, mà kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, bậc vĩ nhân chí sĩ, kẻ lao động cùng dân, đều vui lòng tay bắt mặt mừng, tự nhận mình là quốc dân mà cùng nhau thờ phụng Tổ quốc.


Vậy thì hồn nước chính là tạo nên bởi hai mối thâm tình: trước là tình đối với ông cha tiên tổ, sau là tình đối với đồng loại đồng thời, mà tiếp nối ngay tới hai cái nghĩa vụ, một là phải gìn giữ cái cơ nghiệp về tinh thần của tiền nhân, sau là đối với đồng bào phải có cảm tình mật thiết, rút lại chỉ là bảo tồn lấy cái thanh giá cho những người đã khuất, bảo vệ lấy cái danh dự cho quốc thể tạm thời, mưu toan lấy cái hạnh phúc cho những cái người hậu tiến.



Một cái ký vãng vẻ vang của những danh nhân hào kiệt, ấy là cái căn bản để đặt cái ý niệm quốc gia vào đó. Tiếp ngay tới cái sự vẻ vang quá khứ, lại phải có cái ý chí công cộng hiện đại, đã gây nên được những sự nghiệp trọng đại, lại phải cố theo mãi mà làm, ấy là những thể cách thiết yếu của một dân tộc ".


Những lời trên đây là của nhà triết học Ernest Renan.
Ông là một nhà sử học, nên ông chú ý mật thiết đến lịch sử trong chủ nghĩa quốc gia. Ông là một nhà tư tưởng, nên ông cho Tổ quốc không thuộc thể hữu hình mà thuộc thể vô hình.


Mà nghĩ cũng phải. Kìa, cảnh sắc của núi sông, cây cỏ, nọ cơ nghiệp của tổ tiên, ông cha mà đối với ta cũng chỉ như đối với khách qua đường, thì cái quốc hồn vì đâu mà phát sinh nảy nở ra được?

Bởi thế ta phải nhân cái tình cảm sẵn có mà luyện lấy cái ái tình với nước non, rồi phải năng đọc lịch sử nước nhà để hiểu thấu lấy cái tinh thần Tổ quốc.

Trong cái giáo dục này, phải giữ tâm cho chính, ý cho thành, yêu là yêu thật, thương là thương thật, rồi ta mới thấy nảy nở ra những thanh tình mỹ cảm, đối với mình đủ gây nhân cách cho mình, đối với đồng bào biết tương thân tương ái, đối với quốc gia biết làm người công dân xứng đáng, đối với nhân loại biết làm kẻ công bộc trung thành.

Ta sẽ thấy ta không là sở hữu riêng của ta, mà trong tư tưởng, trong tâm hồn, lúc nào ta cũng nhận thấy ta có một cái địa vị cao trọng hơn cái địa vị thật có của ta.

Ở cái địa vị tinh thần đó, ta cảm thấy lòng ta hăng hái, trí ta nhiệt thành và luôn luôn gắng công, tận lực, cố tự tác lấy mình cho nên một người dân xứng đáng để tô điểm non sông và làm vẻ vang nòi giống.

Khi ta nghe tiếng gọi:


“ Quốc dân phải cống hiến cho Tổ quốc công việc của mình, của cải của mình và cả cuộc đời của mình nữa ”, ta không thấy làm lạ, vì Tổ quốc đã sống trong tâm hồn của ta và đã đem ta mà sáp nhập vào với tâm hồn thiêng liêng của Tổ quốc.
(1945)
Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe 
(La Hữu Vang)
Ôi tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi trong tiếng hờn, trong máu lửa ngập trời.
Từng giây nghe quê hương xót xa đầy trong cơn thê lương.
Thù quân reo đau thương bao suối lệ tràn dâng muôn phương.
Tổ quốc ơi ta đã nghe lời sông núi, hận thù này tràn đầy sục sôi trong tim gan nồng.
Ta đi chiến đấu quyết đánh tan quân bạo tàn, bảo vệ Việt Nam quê hương ta.
Ôi tổ quốc bao tiếng ca giờ lên đường, đem máu hồng tô thắm đẹp cuộc đời.
Lời xưa vang đâu chí kiêu hùng muôn phương tung bay.
Đường ta đi hôm nay bao xác thù gục ngã tan thây.
Tổ quốc ơi bao thiết tha lời sông núi, thề nguyện cả cuộc đời trọn dâng cho quê hương này.
Muôn hoa tươi thắm ngát hương trên bao nụ cười, gian khổ nề chi ta ra đi
Nguồn: http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/to_quoc-7.html
*

Không có nhận xét nào: