>> Nhân tài và hội chứng: “Ai cho phép chú tài hơn anh?”
>> Nhân sự Đảng: trẻ tuổi và thân thế
>> Tuổi trẻ- tài cao
>> Đà Nẵng có Bí thư thành ủy 39 tuổi
>> Ông Nguyễn Minh Triết được bầu vào Tỉnh ủy Bình Định
>> Cha trước lót con sau. Đảng sẽ vững manh !
>> Trước và sau năm 1949, người dân TQ mất những gì?
Mi An
Đất Việt - Mới đây thôi, chúng ta phải vĩnh biệt một người anh hùng vô cùng đáng trân trọng, ông Hồ Giáo- người chăn bò vĩ đại ra đi ở tuổi 85.
Báo chí, người dân, mạng xã hội vài ngày nay đều loan tin đầy tiếc thương về sự ra đi của Anh hùng lao động Hồ Giáo, người đã 2 lần được phong danh hiệu cao quý này với một công việc bình dị nhất: chăn bò.
Có lẽ ai từng học phổ thông cũng đều biết đến ông qua đoạn trích “Đàn bê của anh Hồ Giáo” trong sách giáo khoa, đoạn văn dạy cho chúng ta về tình thương và lòng tận tụy mà một con người có thể dành cho loài vật. Ông Hồ Giáo coi lũ bê ở nông trường như con cái mình, ông làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng tình yêu và sự hy sinh.
Đó là một trong những bức chân dung đẹp đẽ nhất của con người trong thời đại chúng ta. Hai lần được phong Anh hùng, cũng có lúc người ta đề nghị ông Hồ Giáo lên làm một chức lãnh đạo gì đó, ai lại để Anh hùng cứ đi chăn bò, nhưng ông đã gắt lên: “Tôi chỉ biết mỗi việc nuôi bò. Đừng ham những gì mà khả năng mình không có, điều đó chỉ làm khổ mình thôi”.
Thế đấy. Một con người đầy lòng tự trọng như thế, bảo sao lại không được tất cả chúng ta yêu quý và kính trọng. Nếu ông Hồ Giáo sau khi được phong Anh hùng, lại chen chân vào một vị trí lãnh đạo, ngồi đút chân vào gậm bàn, có lẽ với bản tính lương thiện của mình, ông sẽ chỉ là một công chức tầm tầm chẳng gây hại cho ai. Nhưng chắc chắn hình ảnh của ông đã không đẹp trong tim mọi người lâu đến thế.
Ông Hồ Giáo đã gắn bó một đời với những con bò, con trâu, loài vật không nói được tiếng người nhưng có lẽ giữa chúng với ông đã có một sợi dây gắn kết vô cùng kỳ lạ. Trong thế giới của loài vật, ông là người hạnh phúc nhất, vì giữa ông và chúng, chỉ có sự tin cậy và tình thương yêu.
Người như ông Hồ Giáo, mất đi rồi là một mất mát lớn, vì có lẽ xã hội này không còn tìm đâu ra một người thứ hai như thế. Một người lao động chân chất, yêu đắm, say mê công việc của mình, tận hiến hết mình cho công việc mà không đòi hỏi thiệt hơn.
Song song với tin tức về sự ra đi của ông Hồ Giáo, báo chí ngày hôm qua lại đưa tin, ông Huỳnh Thanh Phong- Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang vừa được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ở tuổi 33. Trước đó, tháng 7.2015, ông được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Sở Công thương.
Tin tức về ông Huỳnh Thanh Phong- lại một vị giám đốc được bổ nhiệm ở độ tuổi 30 có lẽ sẽ không làm bạn đọc xôn xao như trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo- Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Quảng Nam trước đó nữa, vì có người đã bình luận: “Không có gì ngạc nhiên nữa, vì tất cả đều đúng quy trình”.
Bạn ơi, cuộc đời này công bằng lắm. Trái tim nhân gian không vì ai đó có chức trọng quyền cao mà ghi tên cho họ ở vị trí đứng đầu trong cuốn sổ công đức lưu lại với đời. Nhân gian luôn tìm ra những người xứng đáng để cúi đầu bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng quý trọng.
Sự ngưỡng mộ và tình yêu thương ấy, vài ngày trước cũng đã được xã hội dành cho chàng lính cứu hỏa thế hệ 9x gương mặt đen nhẻm vì khói ám, nở nụ cười mãn nguyện vì đã cứu được hàng chục cư dân trong đám cháy ở chung cư Xa La (Hà Nội).
Chàng lính cứu hỏa ấy không phải con ông cháu cha, cũng không có chức vụ gì, anh chỉ là một người lính bình thường, nhưng đã làm việc với tất cả trách nhiệm, tình thương và lương tâm con người. Cuộc đời này đẹp hơn vì những con người bình dị như ông Hồ Giáo, như anh lính cứu hỏa ấy.
Cổ nhân có câu: “Có vay có trả”. Tôi tin rằng những ai đã vay của cuộc đời này những thứ không xứng đáng với phẩm chất của họ, rồi sẽ phải trả món nợ đó bằng những cái giá rất đắt. Còn những người vĩ đại thật sự, họ có hàng ngàn cách để chứng minh giá trị của mình, họ sẽ tỏa sáng và sưởi ấm cộng đồng bằng nhiệt huyết và tình yêu thương.
nguon: http://phuocbeo.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét