Translate

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Khủng hoảng và khủng bố

>>   Cái chết Đỗ đăng Dư & Công an hết trách nhiệm ?
Ở thế kỷ 21, khi một cá nhân hay một tổ chức gây sai lầm – để giải quyết khủng hoảng – người ta thường vẽ ra những kịch bản để cứu vớt chiếc tàu đang đắm. Có những kịch bản rất thông minh và được ngợi ca như sách giáo khoa về ứng xử tình huống, nhưng cũng có những loại kịch bản rẻ tiền và đáng khinh, mãi mãi là điều để đàm tiếu. 

Kịch bản giải quyết khủng hoảng của công an Hà Nội để đối phó với cái chết của em Đỗ Đăng Dư là một loại vô cùng đáng khinh như vậy. Ghê tởm nhất là để bảo vệ cho mình, phủi bỏ trách nhiệm với công dân, toàn thể trai tài gái sắc của công an Hà Nội đã không ngại giẫm đạp lên linh hồn một thiếu niên đã qua đời, tự tô trát lên gương mặt mình sự vô hại như thứ phường tuồng.
Bằng một văn bản như công báo gửi chung đến nhiều tờ báo, kẻ mớm kịch bản cho công an Hà Nội đã chăm chút cách nhấn mạnh vào nhân thân của em Đỗ Đăng Dư là từng trộm cắp, thành phần bất hảo… mục đích là sử dụng phép nguỵ biện tấn công cá nhân (ad hominem) để làm mờ đi sai lầm của phía cơ quan công an. Phương thức này rất quen gặp lâu nay, nên cũng cần tự hỏi rằng đó có là kịch bản giáo khoa chuyên ngành
Bất hảo thì sao? Bất hảo thì chết trong tay công an là không quan trọng? Tháng 3, năm 1991, Rodney King bị tình nghi sử dụng và trữ ma tuý, bị 2 xe cảnh sát rượt đuổi ở San Fernando Valley. Anh Rodney King chạy đến 110km/giờ, bất chấp lời kêu gọi dừng lại. Sau khi bắt được Rodney King, 4 viên cảnh sát đã thay nhau đánh đập người da đen này đến nứt sọ, rách mặt và gãy răng. Một cuộc nổi dậy sau đó của cộng đồng Mỹ da đen tưởng chừng làm nước Mỹ đi đến bờ vực nội chiến. Sau đó thì 4 viên cảnh sát bị kết án và Rodney King được bồi thường, trở thành một hình tượng lịch sử của luật pháp Mỹ “dù anh là ai, anh vẫn được bảo vệ bởi luật pháp”. 
Đừng quên là 4 viên cảnh sát to khoẻ, đánh đập bằng tay, chân và dùi cui suốt 15 phút bằng sự căm giận, vẫn không làm chết nổi một người. Vậy thì một tù nhân cùng phòng tên Bình, có vẻ rất khó mới có thể giết chết em Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi đang làm thợ hồ – độ tuổi khỏe mạnh nhất, cũng như đang làm một công việc đòi hỏi nhiều sức lực nhất – bằng một vài cú đá đạp. Bình chắc chắn không phải Lý Tiểu Long và Dư cũng không phải là Pinocchio
Em Đỗ Đăng Dư bị ông Đỗ Trọng Lý, giáo viên ở cùng trong thôn phát hiện em ăn cắp một số tiền. Gia đình của em Dư đã qua xin lỗi và gửi lại tiền cho ông Lý. Nhưng ông Lý bằng mối quan hệ nào đó với công an, đã gọi điện thoại và yêu cầu đưa em Dư đi “giáo dục lại”. Thế là công an ập đến nhà bắt em Dư đi mà không có một biên bản nào. Vài ngày sau, mẹ của em Dư được gọi lên để “ký giấy”. Chị Đỗ Thị Trúc, chị gái của Dư nói rằng lúc ấy, mẹ của chị không rành giấy tờ, lại quê mùa và sợ sệt, đã ký giấy vì nghĩ rằng con mình không làm gì sai, chắc người ta cho về. Sau lần ký đó, em Dư bị đưa đi suốt 2 tháng. Công an đã không hề đọc cho bà Mai biết nội dung văn bản đó là gì, và bà cũng không có được một tờ giấy nào để giữ, để biết số phận con mình như thế nào.
Nhưng khốn nạn nhất, đổi trắng thay đen, văn bản chuyển cho báo chí để thanh minh cho công an, thì ghi rằng chính gia đình không thể giáo dục được Đỗ Đăng Dư, nên đề nghị cơ quan công an “giúp ngăn chận”. Trong khi bà Mai đã tìm mọi cách đi hỏi thăm và xin gặp mặt con, công an đều không cho. Thậm chí, bà cũng không được đưa đồ thăm nuôi ở nhà mang theo. Ngay cả lúc Dư đang hôn mê ở bệnh viện Bạch Mai, bà phải nhét tay 500 ngàn đồng cho cán bộ tên Dũng, để được vào thăm xem Dư bị gì.
Công an nói họ bắt và “điều tra” về chuyện em Dư trộm dưới 2 triệu đồng – bất chấp mọi chuyện đã được giải quyết xong hết, theo thoả thuận dân sự. Và chiếu theo sự việc, thì nếu có “điều tra”, thì tình trạng phạm tội không nghiêm trọng có ghi trong khoản 3, điều 322 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời gian giam giữ, tổng cộng không được quá 16 ngày. Hai tháng tù đày đó đối với một người bị thành niên đó, có phải là sự phạm pháp của công an?
Chị Trúc nhấn mạnh là em Dư trộm dưới 2 triệu đồng, nhưng không hiểu sao báo chí Nhà nước đang ghi chú sự kiện là 1,5 triệu đồng, bỗng hôm sau đồng loạt chuyển sang số 2 triệu. Nghe thì có vẻ không quan trọng, nhưng theo Khoản 1 điều 138, có bổ sung của luật Hình sự 2009 về tội trộm cắp, thì dưới 2 triệu và sự việc không nghiêm trọng – nhất là với trẻ em vị thành niên, em Dư chỉ bị xử phạt hành chính. Nhưng theo luật, nếu trộm cắp từ 2 triệu đến 50 triệu thì sẽ bị tạm giam, khởi tố, bị tù. Việc im lặng điều chỉnh con số này trong các văn bản phát đi cho các báo Nhà nước, có là sự tính toán đê hèn của kẻ giấu mặt, viết kịch bản giải quyết khủng hoảng cho công an Hà Nội hay không?
Hôm nay Dư đã chết. Không biết trong hai tháng bị giam cầm bất hợp pháp đó, em đã phải chịu bao nhiêu lần hỏi cung mà không hề có luật sư hay người giám hộ, theo đúng quy trình tố tụng hình sự, trong trường hợp người bị điều tra và giam giữ là vị thành niên?
Công an phủi tay, và nói “rất tiếc” vì Dư đã chết. Họ không còn trách nhiệm gì nữa, ngoài một trách nhiệm đe doạ bà mẹ quê mùa đó. Trong buổi gặp ngày 11/10, ông Nguyễn Duy Ngọc, phó giám đốc CATP Hà Nội cũng không kém phần trơ trẽn khi phủi tay, nói rất tiếc, và răn đe rằng bà Mai cùng gia đình không được để bọn phản động kích động, lôi kéo.
Xem lại bản video quay tại hiện trường ở Bệnh viện Bạch Mai, mới đau làm sao. Lớp lớp công an, bảo vệ vây bám chặt cửa phòng cấp cứu, mặc cho gia đình em Dư van nài xin vào xem. Công an thì giải trí bằng ipad, mặt lạnh như tiền. Khi máy quay lia đến, anh công an mặt non choẹt, gằn giọng đầy vẻ quyền lực “anh quay làm gì?”. Tháng trước, chủ tịch Trương Tấn Sang nói “Công an luôn lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống”. Nhân dân cụ thể, là bà mẹ sợ sệt hiền lành ở thôn quê, là em Dư, nay đã chết.
Em Dư đã được chôn. Bản kiểm nghiệm pháp y cũng dối trá né tránh tất cả những chi tiết chấn thương quan trọng, và không có được chữ ký của luật sư Trần Thu Nam. Một mạng người rất trẻ nữa đã chìm trong đất lạnh, góp thêm tầng cao ngất của những tượng đài oan khiên trên đất nước này.
Tôi cứ nghĩ về kẻ đã viết ra kịch bản giải quyết khủng hoảng cái chết của em Đỗ Đăng Dư. Thời đại đúng là của loài thú mang mặt người. Chúng như bọn khủng bố IS tàn bạo. Chúng ra sức cứu chiếc tàu hỏng đang đắm, nhưng không quên giãy đạp, khủng bố cả người chết, gia đình người chết. Thời đại của những kẻ muốn mình sống sót bằng cách phải hiến tế đồng loại.
*

Không có nhận xét nào: