“Ai đã từng qua Cứu Long Giang, Cứu Long Giang sóng trào nước xoáy, ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ báy, lé báy…”
Gã một lần nghe ca sĩ Hùng Cường hát bài hát một thời kháng chiến chống Pháp ấy giữa một sân khấu ở Sài Gòn.
Rực cháy.
Tối qua, Tuấn, “chàng trai nước Việt” từ Sài gòn nhỏ về Sài Gòn lớn rủ gã ăn lẩu dê cùng Quang Đại. Gã kể kỷ niệm năm 1979 gã được nghe Hùng Cường (ông già của Quang Đại) hát bài hát Tiểu đoàn 307. Đại nói, sau buổi hát ấy ông già còn một suất hát tại rạp Đại Quang. Khán giả đông nghẹt. Khi giới thiệu ca sĩ Hùng Cường lên hát, tiếng vỗ tay quá trời. Nhưng ông già bị lực lượng an ninh chặn lại không cho lên sân khấu vì giấy phép cho hát tạm thời của chính quyền lúc đó đã hết hạn, trước đó, ông đã cố chạy xin gia hạn nhưng những vị có chức trách cố tình lẩn trốn.
Ông già năn nỉ xin mấy anh em an ninh cho hát dù một bản thôi vì lỡ bán vé cho khán giả rồi. Không được, cuối cùng ổng chỉ xin lên chào khán giả. Người ta đành chấp nhận để ổng lên.
Ổng lên. Ra trước sân khấu đột ngột quỳ xuống rồi cúi lạy khán giả.
Ổng khóc rồi lặng lẽ đứng lên vào khuất cánh gà.
Ai đã từng…
Và bài hát mà ông rất yêu thích ấy ông đã không bao giờ còn hát nữa, vì, một đêm của năm 1979 ấy ông lên tàu vượt biển.
Với ông quê hương là tiếng hát. Không được hát. Ông chả còn con đường nào khác phải ra đi.
Biết tin ông ra đi người buồn nhất chính là ca sĩ Quốc Hương.
Quang Đại kể.
Ngay sau ngày 30.4.1975 một sớm, một người cao lớn nói giọng Bắc tìm nhà ca sĩ Hùng Cường. Đại gọi cha của mình từ trên lầu xuống gặp khách.
Tôi là Hùng Cường.
Tôi là Quốc Hương.
Hai ông ôm nhau.
Thế rồi hai ông bỏ đi đâu không biết.Tới giờ giới nghiêm vẫn không thấy ông già về, cả nhà rất lo lắng. Khuya lắm rồi. Vẫn không thấy tăm hơi ông già đâu.
Cả nhà lo là ông già đã bị bắt.
Có người mách ông già đang ngồi ở vỉa hè đường Nguyễn Cư Trinh. Đại chạy đi tìm thì thấy hai ông ca sĩ một bên này, một bên kia ngồi bệt vỉa hè xỉn ngoắc cần câu thay nhau hát.
Ông ca sĩ cộng sản thì hát bài hát của lính quốc gia: Anh lính dù lên chốt tiền tiêu.
Ông ca sĩ quốc gia thì hát ca khúc cộng sản: Hà Nội niềm tin và hy vọng.
Vậy ra bao năm ông Quốc Hương trong rừng lén nghe chương trình ca nhạc Đài Sài Gòn, lén nghe tiếng hát Hùng Cường.
Vậy ra bao năm nay ông Hùng Cường lén nghe chương trình ca nhạc Đài Hà Nội, lén nghe tiếng hát Quốc Hương.
Thế rồi hai ông cùng oang oang hát lé báy, lé báy…
Ai đã từng…
Sóng trào nước xoáy…
Phải mất 21 năm, biết bao đạn bom, biết bao nấm mồ, có được cuộc song ca cộng sản – quốc gia này.
Nhưng tiếc rằng đó là lần song ca duy nhất vì giản đơn người này là Quốc Hương, và người kia là Hùng Cường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét