Translate

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Chính sách “trên trời”, cuộc đời “dưới đất”

Có một câu nói của một đại biểu Quốc hội vẫn được truyền khẩu rộng rãi: “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”. Ảnh TL SGT
(TBKTSG) - Một lần đứng chờ xe buýt, tôi tranh thủ bắt chuyện với một anh xe chạy ôm đang chờ khách vốn là công nhân cho một công ty sản xuất thiết bị vệ sinh. Công ty phá sản, mười hai công nhân như anh mất việc, bốn tháng lương còn bị nợ không có cách nào đòi được. Không tìm được việc gì khác, anh đành... chạy xe ôm.
Anh bảo mình còn… may mắn hơn số đông các anh em khác, vì rút được bảo hiểm xã hội một lần. Hai năm đóng bảo hiểm xã hội, mỗi năm được nửa tháng lương, tổng cộng được sáu triệu đồng. Còn bảo hiểm thất nghiệp thì tất cả cùng chịu, vì không ai cấp giấy tờ chứng thực chuyện mất việc để làm thủ tục nhận.

Quả thực là anh may mắn, theo nghĩa… chính sách, vì nếu tới năm 2016 anh mới bị mất việc mà Quốc hội vẫn không dừng thực hiện điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội mới, những người như anh sẽ không đủ điều kiện để rút một lần sáu triệu đồng. Tôi hỏi anh biết chuyện đó không, anh lắc đầu, “chính sách là chuyện mấy ông ở trên, đâu tới được những người như bọn anh”.

Tôi lại nhớ một nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rằng gần 80% doanh nghiệp chưa từng được hỏi ý kiến về các dự thảo luật. Nhưng bạn đừng ngạc nhiên, rằng anh xe ôm vốn là công nhân thất nghiệp và doanh nhân, với nguồn lực hơn hẳn, lại chẳng khác gì nhau trong câu chuyện tham gia vào những chính sách ảnh hưởng đến “cơm áo gạo tiền” của chính mình. Bởi lẽ đơn giản là về mặt kỹ thuật, những người làm chính sách không thể với tới được ý kiến riêng lẻ của cả hàng triệu người, hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác nhau. Mặt khác, mỗi năm, riêng các bộ, ngành trung ương đã ban hành đến hơn 1.000 văn bản, thời gian đâu, nguồn lực đâu để người dân và doanh nghiệp theo dõi, biết và góp ý?
Các hội đoàn chính là một phần quan trọng của lời giải cho câu hỏi đó.
Phải chăng căn nguyên thực sự của nhiều chính sách “trên trời” chỉ đơn giản là vì chúng được vẽ vời trong “phòng máy lạnh”?
Mỗi doanh nghiệp có thể bỏ ra vài triệu một năm để đóng phí hội viên, “góp gạo” để nuôi những hội, hiệp hội ngành nghề. Hội đó là tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, đóng vai trò là kênh giao tiếp giữa các thành viên với Nhà nước và bảo vệ lợi ích cho những hội viên đóng tiền nuôi mình. Nhà nước dự kiến ra một chính sách đụng chạm đến “nhà mình”, họ là người đầu tiên phải “báo” cho “người nhà”, lấy ý kiến các thành viên, tổng hợp quan điểm, kiến nghị lên cơ quan ban hành chính sách. Rồi khi một chính sách mới ban hành, điều chỉnh thế nào đến quyền và nghĩa vụ của hội viên “nhà mình”, hội cũng là nơi thông báo lại cho các thành viên được biết.
Vai trò của hội đoàn trong tham gia chính sách là thế, là người “gác cổng”, chủ động bảo vệ quyền lợi của “nhà mình” trước nhất, chứ không phải là ngồi nhìn và ngồi chờ Nhà nước đi hỏi ý kiến từng doanh nghiệp riêng lẻ. Ngược lại, với Nhà nước, nếu thật sự muốn nghe góp ý chính sách, cách hiệu quả nhất là hãy tìm đến những hiệp hội này để lấy thông tin, đối thoại và tham vấn.
Doanh nghiệp là vậy, nhưng anh xe ôm tôi vừa nói chuyện, chị bán trà đá vỉa hè tôi hay lê la, và cô “ô sin” tôi vẫn chạm mặt hàng ngày trong thang máy chung cư thì sao? Kể cả khi họ chưa hay không là thành viên một hội đoàn chính thức nào đó, cũng sẽ có những tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận hoạt động vì lợi ích của nhóm, cộng đồng đặc thù nào đó đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ, nói thay tiếng nói của họ.
Có một câu nói của một đại biểu Quốc hội vẫn được truyền khẩu rộng rãi: “Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”. Điều đó là đúng, nhưng tôi không tin căn nguyên thực sự của nhiều chính sách “trên trời” chỉ đơn giản là vì chúng được vẽ vời trong “phòng máy lạnh”. Hãy nhớ, nguồn lực của mọi nhà nước là hữu hạn. Và chính sách là tấm chăn hẹp, kéo chỗ này sẽ hụt chỗ kia. Đừng để đến lúc thấy mình không còn mảnh chăn nào và bị phơi ra giữa gió lạnh mới kêu gào, lúc đó đã là quá muộn. Và bài ca “nói mãi người ta có nghe đâu” cũng chẳng làm vấn đề tốt lên.
Quan trọng hơn, là các cá nhân có lợi ích tương đồng, các cộng đồng, các nhóm liên quan với nhau, đã thực sự tập hợp lại, đã nói đúng kiểu và dùng đúng cách để “người ta” nghe hay chưa. Vậy thì thay vì kêu ca hay đổ lỗi, những cơ hội vẫn đang hiện hữu để bắt đầu. Luật về Hội, trải qua hơn 20 năm thai nghén (từ 1993), đang được dự thảo đến lần thứ 16, và chắc chắn sẽ phải ra đời trước khi đàm phán TPP hoàn thành. Luật Tiếp cận thông tin, một luật nền tảng quan trọng khác đang được lấy ý kiến người dân. Hãy cứ bắt đầu từ đó. 

Không có nhận xét nào: