Translate

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Cho tôi cúi đầu xin lỗi em !

>   Đừng nhét chử vào mồm con nit !
>  
 
Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ
.

Tác giả: Bửu Ca.Hai chữ “thối nát” bật ra từ miệng của em như nhát búa giáng vào đầu chúng tôi, những người lớn, những người được gọi là trưởng thành trong xã hội. (Bửu Ca )
Văn hào Nga Dostoyevsky từng nói “con người không có kỷ niệm nào quý giá hơn kỷ niệm về thời thơ dại trong ngôi nhà của mẹ cha nếu như gia đình có chút ít tình yêu và sự gắn bó”. Ai đọc Dostoyevsky đều hiểu rằng, mọi trẻ em trên thế giới này, nên và chỉ nên được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những thứ mát trong như sữa mẹ, như kỷ niệm về thời ấu thơ trong vòng tay yêu thương gia đình. Những dòng sữa, những kỷ niệm như thế sẽ là gốc rễ của cái thiện lương theo các em suốt cuộc đời.
      Tôi đã lặng người đi khi nghe hai chữ “thối nát” bật ra từ miệng của em, một cậu bé 14 tuổi, khi em nói về nền giáo dục nước nhà trong một clip đang được lan truyền trên mạng. Đó đáng ra không phải là mối bận tâm của em. Những sự thật to tát và cay đắng như thế đáng ra không phải được nói lên từ miệng của em, một cậu bé 14 tuổi. Tại sao cái tâm hồn non nớt của em lại phải tiêu hóa những thứ xương xẩu và cay đắng như thế?
Trong một môi trường lành mạnh, em và những đứa trẻ tuổi em sẽ phải có những mối bận tâm khác, những niềm vui và cả những nỗi buồn khác. Nỗi buồn vì cô bạn gái cùng lớp nghỉ chơi. Niềm vui của một ngày chủ nhật cùng chúng bạn nhặt rác bên bờ hồ. Nỗi buồn vì đội nhà thua một trận banh chung kết… Những niềm vui và nỗi buồn như thế, dù lớn lao hay bé nhỏ, cũng không bao giờ là một vết cứa trong tâm hồn trẻ thơ của các em, chúng sẽ là những kỷ niệm, đẹp đẽ, êm đềm như tuổi ấu thơ trong ngôi nhà của cha mẹ.
Đó mới là những thứ đáng ra các em được nhận. Đó mới là những mối bận tâm đáng ra các em phải có. Vậy mà em, một cậu bé 14 tuổi, trong một diễn đàn về giáo dục, lại phải nói lên hai chữ “thối nát”. Hai chữ “thối nát” bật ra từ miệng của em như vết sẹo trên gương mặt xinh đẹp của một thiếu nữ, như nhát búa giáng vào đầu chúng tôi, những người lớn, những người được gọi là trưởng thành trong xã hội. Nó đã tố cáo rằng, chúng tôi, những người được gọi là người lớn trong xã hội đang không làm tròn bổn phận của mình.
Khi những người lớn chúng tôi để em phải bận tâm đến những việc lớn lao như sự thối nát của một hệ thống giáo dục thì đó là chúng tôi mang tội. Chúng tôi đã không làm tròn trách nhiệm của mình, đã để các em phải lớn lên trong một môi trường tệ hại, đã để cho em phải bận tâm đến những công việc đáng ra phải là của chúng tôi, vì thế, cho tôi cúi đầu xin lỗi em.
Trẻ em cần được giáo dục, và chúng cũng cần được bảo vệ. Bảo vệ không phải là bảo bọc để chúng thành những con người mãi mãi yếu đuối và lệ thuộc. Bảo vệ là để tránh cho chúng những mối hiểm nguy, những thứ tệ hại mà bọn trẻ chưa đủ khả năng để tự chống đỡ, chưa đủ vững vàng để tự đón  nhận. Bảo vệ là để bọn trẻ được lớn lên trong một môi trường lành mạnh, để mai này chúng có đủ sức vóc và sự thiện lương đối mặt với mọi khó khăn, bão tố trong cuộc đời. 
Nhưng bảo vệ đôi khi chỉ đơn giản là đừng để bọn trẻ phải bận tâm đến công việc đáng ra của cha mẹ chúng, đến những bổn phận thuộc về cha mẹ chúng. Có lẽ chúng ta phải tự hỏi, chúng ta đã làm gì? Chúng ta đang kiến tạo nên một môi trường xã hội ra sao để bây giờ một cậu bé 14 tuổi đứng lên nói rằng hệ thống giáo dục chúng ta “thối nát”? Đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta đang có lỗi, đang mang tội với bọn trẻ.
Người trồng cây tốt phải biết vun xới, chăm bẵm, bảo vệ cho mảnh đất của mình. Môi trường xã hội chính là mảnh đất của bọn trẻ.
Đó là ngôi trường với thầy cô, bè bạn. Là mái nhà với ông bà, cha mẹ, anh chị em. Là làng xóm, là phố phường, là đất nước nơi bọn trẻ sinh ra và lớn lên. Những người trưởng thành trong xã hội đều phải có trách nhiệm vun xới, chăm bẵm cho mảnh đất này. Khi mảnh đất bị xấu cằn, bị chuột bọ phá phách, tấn công thì đó là lỗi của những người trưởng thành, những người chịu trách nhiệm trồng cây trong xã hội. Khi không thể mang đến cho bọn trẻ một mảnh đất tốt lành thì đó là tội của người lớn chúng ta.
Có bao giờ mỗi chúng ta tự đặt tay lên ngực mình và hỏi, ta đang làm gì để vun xới, chăm bẵm cho mảnh đất xã hội, cho bầu không khí mà con cái chúng ta đang hít thở và lớn lên hay chưa?


Không có nhận xét nào: